Biên kịch nổi tiếng lý giải vì sao Trịnh Sảng 'bất tài' vẫn nhận cát-xê khủng

Không chỉ Trịnh Sảng mà còn nhiều gương mặt diễn viên bất tài khác nhận được thù lao ngất ngưởng từ sự ăn chia của nhà đài và công ty sản xuất.

Biên kịch nổi tiếng Uông Hải Lâm mới đây chia sẻ quan điểm trên trang cá nhân với tư cách "một người trong nghề" về lý do Trịnh Sảng và nhiều diễn viên "bất tài" khác vẫn nhận được hợp đồng đóng phim tiền tỷ, dù diễn xuất kém cỏi.

Trịnh Sảng gây sốc với cát-xê khủng lồ mà đóng phim không ra gì.
Trịnh Sảng đóng Tân Thiến Nữ U Hồn.

Bạn trai cũ Trương Hằng tiết lộ, Trịnh Sảng nhận được cát-xê 160 triệu tệ (gần 25 triệu USD) khi đóng phim truyền hình  Tân Thiến Nữ U Hồn, quay trong 77 ngày, trung bình mỗi ngày cô kiếm được 2,8 triệu tệ. Khán giả sốc trước thông tin này vì đây là con số "khủng" ngang tầm diễn viên Hollywood.

Nói về mức thù lao "không tưởng" của các diễn viên, Uông Hải Lâm cho biết điều này liên quan đến quy trình sản xuất phim truyền hình hiện nay.

Đầu tiên, công ty sản xuất phải liên hệ được nhà đài sẵn sàng bỏ tiền ra mua phim trước khi bắt tay vào sản xuất. Như vậy sẽ đảm bảo bộ phim có suất phát sóng sau khi hoàn thành. Điều này trái ngược hoàn toàn với suy nghĩ của số đông khán giả là phim quay xong mới đi "chào hàng".

Biên kịch Uông Hải Lâm.
Biên kịch Uông Hải Lâm.

Tuy nhiên, nhà đài hoặc nền tảng phát sóng phim online như Youku, Wetv, iQiyi... sẽ chỉ định những diễn viên góp mặt trong phim để nâng đỡ "gà" nhà hoặc vì những mục đích, mối quan hệ riêng. Sau khi hai bên thống nhất được những gương mặt diễn viên sẽ tham gia, công ty sản xuất bắt đầu đề xuất mức giá bản quyền phát sóng.

Ví dụ, chi phí mua phim là 500 triệu tệ, công ty sản xuất sẽ "ăn lãi" 100 triệu, tiền trả thù lao cho các diễn viên chính là 300 triệu. Chi phí sản xuất thực sự chỉ có 50 triệu tệ bao gồm cả việc dựng phim trường, quay phim, trả thù lao cho biên kịch, đạo diễn và các diễn viên, nhân viên khác. 50 triệu còn lại là chi phí dự phòng và đóng thuế.

Nói cách khác, một bộ phim truyền hình được bán với giá 500 triệu tệ thực chất chỉ mất có 50 triệu tệ để sản xuất. Vậy khi phim còn chưa được quay, dựa vào đâu mà nhà đài và các nền tảng chiếu phim có thể đưa ra mức giá bản quyền? Chính là dựa vào các chỉ số truyền thông của diễn viên và độ nổi tiếng của kịch bản.

Tiêu Chiến đang là một trong những diễn viên có chỉ số truyền thông hàng đầu.
Tiêu Chiến đang là một trong những diễn viên có chỉ số truyền thông hàng đầu.

Giá trị của các ngôi sao hiện nay đều được đánh giá dựa trên dữ liệu lưu lượng truy cập. Ai có lượng truy cập cao và dữ liệu tốt sẽ được nền tảng ưu tiên, được trả cát-xê cao, hoàn toàn không phải do năng lực diễn xuất hay các giải thưởng.

Biên kịch Uông Hải Lâm chia sẻ, việc định giá các diễn viên bằng độ nổi tiếng là do sau khi phim được chiếu, khả năng thu hồi vốn của các nền tảng phim và đài truyền hình chủ yếu dựa vào tiền quảng cáo. Phim càng có rating cao, càng được chú ý, bàn tán trên mạng thì càng kiếm được nhiều tiền quảng cáo.

Các doanh nghiệp, nhãn hàng chỉ sẵn sàng trả tiền cho một bộ phim truyền hình có xếp hạng cao và tính "trending" cao. Điều này phụ thuộc trực tiếp vào độ hot của các diễn viên. Diễn viên càng nổi tiếng, độ phổ biến càng cao thì càng dễ thu hút sự quan tâm, càng có nhiều fan thì càng có nhiều khán giả.

Chính từ cách thức hoạt động này, nhiều diễn viên trẻ đã tìm cách tự đẩy tên tuổi của mình lên hot search bằng việc "tạo phốt", thậm chí mua dữ liệu ảo, mua lượt like, lượt share. Không khó hiểu khi thấy một bài viết chỉ có một biểu tượng cảm xúc trên Weibo của một số người nổi tiếng lại có đến 1 triệu lượt share.

Để duy trì được chỉ số truyền thông cao, nghệ sĩ và các công ty phải làm mọi chiêu trò, thuê đội ngũ "chim mồi", đẩy các chiến dịch PR, quảng cáo...

Cúc Tịnh Y cũng là một diễn viên đóng phim chẳng ra sao nhưng vẫn nổi tiếng.
Cúc Tịnh Y cũng là một diễn viên đóng phim chẳng ra sao nhưng vẫn nổi tiếng.

Xu thế này đã khiến các phim truyền hình hiện nay đều đổ xô đi mời những cái tên nổi tiếng, không cần quan tâm đến khả năng diễn xuất. Các công ty quản lý diễn viên cũng không tập trung nâng cao năng lực cho họ mà chỉ đổ tiền vào mặt quảng bá, làm truyền thông.

Khi một dự án chuẩn bị được bấm máy, các công ty sẽ ngay lập tức "bơm" tin đồn về ngôi sao của họ tham gia trong phim, giúp những cái tên đó luôn xuất hiện trên mặt báo, luôn được hâm nóng. Từ đó, công ty sản xuất thấy được khả năng kiếm tiền từ các diễn viên này mà trao cho họ một vai.

Dưới bài viết của Uông Hải Lâm, netizen Trung Quốc để lại nhiều bình luận đồng tình. Một khán giả cho biết: "Chi phí sản xuất cho các phim trước đây siêu thấp vẫn khiến tôi xem đi xem lại nhiều lần. Giờ thì toàn thấy các phim trăm triệu mà tôi còn chẳng muốn xem chút nào. Tôi chỉ xem lướt qua vài phút là đã từ bỏ".

Một người khác thì cho biết: "Phim truyền hình trước đây còn được thấy các diễn viên diễn. Giờ thì hình như chẳng ai biết diễn nữa cả".

Biên kịch Uông Hải Lâm là nhà làm phim nổi tiếng, có kinh nghiệm lâu năm, đứng sau các tác phẩm như Bản lĩnh Kỷ Hiểu Lam, Đồng Tước đài, Trung Quốc 1921... Ông là phó chủ tịch Hiệp hội Văn học Điện ảnh Trung Quốc và thành viên Ủy ban Sáng tác Văn học Điện ảnh của Hiệp hội Điện ảnh Trung Quốc.

Vốn là một người thẳng tính, Uông Hải Lâm nhiều lần "chỉ thẳng mặt" Tiêu Chiến, Địch Lệ Nhiệt Ba, Dương Mịch... là diễn viên nổi tiếng nhưng không biết diễn xuất.

Theo ione

Xem link gốc Ẩn link gốc https://ione.net/bien-kich-noi-tieng-ly-giai-vi-sao-trinh-sang-bat-tai-van-nhan-cat-xe-khung-4269689.html

Trịnh Sảng

Tin tức mới nhất