Bộ GD&ĐT cần sớm có hướng dẫn dạy online cho lớp 1

“Nếu Bộ GD&ĐT ra văn bản, hướng dẫn khi dạy online cho lớp 1, giáo viên chỉ cần đảm bảo học sinh biết đọc, làm toán trong phạm vi 10, mọi việc sẽ nhàn hơn”, cô Thùy Dung nói.

Tại hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2020-2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với giáo dục tiểu học, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn yêu cầu Vụ Giáo dục Tiểu học sớm ban hành hướng dẫn những nội dung giảng dạy cốt lõi, căn bản cho bậc tiểu học, ưu tiên giảng dạy những nội dung cốt lõi, căn bản theo hình thức trực tiếp nếu có thể.

Tuy nhiên, gần 2 tuần trôi qua, Vụ Giáo dục Tiểu học vẫn chưa đưa ra hướng dẫn cụ thể, trong khi nhiều trường tư thục đã dạy online cho học sinh lớp 1 và trường công lập ở nhiều địa phương đang chuẩn bị cho việc dạy học trực tuyến vào đầu tháng 9.

Bộ GD&ĐT cần sớm có hướng dẫn dạy online cho lớp 1-1
Học sinh lóp 1 cần được giáo viên cầm tay, uốn nắn nhiều nên việc dạy học online từ đầu năm học sẽ gây ra nhiều khó khăn.

Lớp 1 học online không hiệu quả

Cô Phương Mai, cựu giáo viên tiểu học ở Hà Nội, cho biết năm học 2021-2022 sẽ rất khó khăn với cả giáo viên, học sinh, phụ huynh có con học lớp 1.

Năm ngoái, cô trực tiếp đứng lớp. Dù đã có thời gian đầu học trực tiếp, rèn trẻ nề nếp, biết tư thế ngồi, cách cầm bút, khi học trực tuyến, việc dạy online cho những đứa trẻ 6 tuổi còn không dễ.

Năm nay, năm học mới bắt đầu khi các con chưa đến trường, chưa quen thầy cô, bạn bè, dạy học càng nhiều thách thức hơn.

“Tôi rất lo, không biết giáo viên sẽ dạy như thế nào. Nếu ở trường, cô cầm tay từng con, uốn nắn, dạy từng chữ. Nay các con không đến lớp, làm sao các cô dạy viết chữ, nhắc nhở độ cao, độ rộng, khoảng cách giữa các chữ được”, cô Phương Mai nói.

Nữ giáo viên cho biết thêm có thể với sự đồng hành từ phụ huynh, các con sẽ học đọc, làm toán được nhưng phần học viết, cha mẹ rất khó hướng dẫn. Thêm vào đó, những đứa trẻ 6 tuổi rất khó tập trung. Thậm chí, khi dạy trực tiếp, hiểu đặc điểm này của trẻ nhỏ, giáo viên còn phải chia đôi tiết học, cứ 20 phút lại cho các con đứng dậy, hát hoặc tập thể dục 2-3 phút rồi mới học tiếp.

Nay học online, trẻ càng thấy mệt mỏi, nhàm chán, khó chú ý nghe giảng. Chưa kể, nhiều gia đình không có không gian riêng, yên tĩnh cho con học. Trong giờ học, con bị phân tâm bởi nhiều yếu tố.

“Phụ huynh phải học cùng rồi giảng lại cho con. Cả bố mẹ và giáo viên cùng hướng dẫn, may ra con học được. Nếu chỉ cô trò với nhau, việc học online với học sinh lớp 1 rất khó có kết quả”, cô Phương Mai nhận định.

Trong khi đó, tại Bắc Ninh, sau khi nhận thông báo lùi thời gian tựu trường, cô Thùy Dung cũng như các đồng nghiệp đang chờ đợi quyết định từ sở, UBND tỉnh về việc bao giờ học sinh bắt đầu năm học và lớp 1 sẽ học trực tiếp hay trực tuyến.

Cô Dung chuẩn bị sẵn tâm thế sở chỉ đạo ra sao thì dạy theo phương án đó. Tuy nhiên, cô khẳng định việc dạy học online cho học sinh lớp 1 nhiều bất cập, không chất lượng, trừ những con nhận thức khá, có gia đình đồng hành nghiêm túc, thiết bị đảm bảo.

“Học sinh càng nhỏ càng khó học trực tuyến vì các con cần sự uốn nắn trực tiếp, từ tư thế đến nét chữ. Trong khi đó, trẻ vào lớp 1 chưa biết chữ hay thao tác trên máy mà không phải gia đình nào cũng sắp xếp người kèm con học được”, cô Dung phân tích và nói thêm giáo viên lớn tuổi, cũng gặp khó khăn với bài giảng trực tuyến.

Tuy nhiên, giáo viên lớp 1 cũng có thuận lợi là với chương trình mới, họ có sẵn sách "mềm". Họ có thể sáng tạo thêm hoặc dạy theo sách đều ổn. Vấn đề nằm ở chỗ nếu dạy theo giáo án này, thời lượng tương đương như trên lớp, thậm chí kéo dài vì mất nhiều thời gian hơn ở khâu tổ chức, ổn định lớp học trực tuyến.

Bộ GD&ĐT cần sớm có hướng dẫn dạy online cho lớp 1-2
Trong điều kiện trẻ lớp 1 học online, giáo viên chủ động điều chỉnh, tập trung dạy Toán, Tiếng Việt, các môn khác chờ đến khi học sinh đến trường mới dạy.

Giảm thời lượng môn học khi dạy online

Dù nhiều bất cập, cô Phương Mai và cô Thùy Dung đều cho rằng nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp, mọi người đành chấp nhận dạy online cho lớp 1 như giải pháp tình thế. Tuy nhiên, để phù hợp đặc thù của học sinh nhỏ tuổi, giáo viên sẽ phải đưa ra một số điều chỉnh.

Theo cô Phương Mai, trẻ lớp 1 chỉ học online tối đa 3 tiếng/ngày, chia làm hai buổi và cứ 30 phút, các con cần nghỉ giải lao, vận động, làm các việc cá nhân, tránh ngồi liên tục trước máy tính.

Với thời lượng như vậy, giáo viên chủ động giảm bớt thời lượng các môn học. Ví dụ, khi dạy trực tiếp tại lớp, môn Tiếng Việt thường được học trong 2 tiết, 80 phút. Chuyển sang online, giáo viên chủ động cắt xuống còn 60 phút. Đồng thời, giáo viên giảm thời gian học của các môn khác, tập trung cho Tiếng Việt và Toán.

“Chương trình mới, nhịp độ môn Tiếng Việt nhanh, ở một số sách, hết học kỳ I, các con đã phải nắm âm, vần, đọc đoạn văn bản. Nếu giảm kiến thức, các con khó có thể đảm bảo yêu cầu. Do đó, giáo viên chỉ có thể giảm thời lượng”, cô Mai giải thích.

Cùng quan điểm, cô Thùy Dung cho hay khi dạy online cho học sinh lớp 1, giáo viên thực hiện “thao tác ngầm”, cắt giảm thời lượng các môn khác để dành thời gian cho Tiếng Việt và Toán.

Cô Dung cho rằng với trẻ 6 tuổi, các con chỉ nên học online khoảng 1,5 tiếng. Sau đó, giáo viên ra bài tập, học sinh làm trên vở, phụ huynh chụp lại, gửi để giáo viên chấm, chữa, phản hồi cho phụ huynh.

Trong đó, Tiếng Việt sẽ được tập trung hơn. Môn Toán chỉ học một tiết/ngày và 3 ngày/tuần (tương tự học trực tiếp nhưng thời gian mỗi tiết ngắn hơn). Còn lại, giáo viên dành thời gian cho Tiếng Việt.

“Các môn khác sẽ lùi lại vì học online chỉ là giải pháp tình thế để các con không bỏ lỡ chương trình nhiều. Đương nhiên, đây chỉ là ‘thao tác ngầm’, không giáo viên nào dám công khai việc bỏ môn phụ trong thời gian dạy online do dịch”, cô Thùy Dung cho hay.

Bộ GD&ĐT cần sớm có hướng dẫn dạy online cho lớp 1-3
Cô Thùy Dung cho rằng phần dạy viết đến sự uốn nắn, nên để lại dạy khi các em đến trường.

Cần hướng dẫn cụ thể từ Bộ GD&ĐT

Cô Thùy Dung mong muốn Bộ GD&ĐT có văn bản, hướng dẫn cụ thể việc dạy học online đối với học sinh lớp 1. Nếu bộ chỉ đạo trong thời gian đầu học online, giáo viên chỉ cần hoàn thiện kỹ năng đọc, cộng trừ trong phạm vi 10 cho học sinh, thầy cô và phụ huynh và trẻ lớp 1 sẽ “nhàn” hơn nhiều, đồng thời phù hợp tình hình thực tế.

Nếu bộ cho phép ở môn Tiếng Việt chỉ dạy phần đọc trước, giáo viên có thể hướng dẫn trẻ đọc, phụ huynh hỗ trợ thêm. Khi con đọc trôi chảy, phụ huynh quay video gửi lại để giáo viên đánh giá. Học đọc và Toán là bước đệm để sau này khi trở lại trường, các con học tiếp kiến thức khác, trong đó có phần luyện viết.

Tương tự, cô Phương Mai cho rằng Bộ GD&ĐT cần có hướng dẫn về dạy online cho học sinh lớp 1, như vậy sẽ giảm bớt áp lực cho giáo viên, học sinh. Thực tế, năm học trước, hướng dẫn của bộ đã hỗ trợ giáo viên khi chuyển sang dạy trực tuyến với học sinh nhỏ tuổi. Năm nay, đã gần năm học mới, cô Thùy Dung chưa thấy bộ có động thái cụ thể để hỗ trợ giáo viên khi dạy trực tuyến từ đầu năm cho học sinh lớp 1.

Trong khi đó, lẽ ra, với những khó khăn mà giáo viên, phụ huynh gặp phải, bộ cần tập huấn lực lượng giáo viên cốt cán để dạy học qua Zoom, hướng dẫn phân công những giáo viên hạn chế về công nghệ phụ trách việc chấm chữa bài, tập huấn, đưa vào sử dụng phần mềm kiểm tra, giao bài để giáo viên không phải chấm thủ công 40-50 bài tập mỗi ngày…

“Giáo viên rất mong chờ bộ có hướng dẫn dạy học online cho lớp 1, thời lượng thế nào, hỗ trợ phần mềm gì. Nếu cứ chờ dịch được kiểm soát, học sinh đến trường rồi dạy học hoặc dạy bù, chúng ta rất bị động”, cô Thùy Dung chia sẻ.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/bo-gd-dt-can-som-co-huong-dan-day-online-cho-lop-1-post1254653.html?fbclid=IwAR3IrwRLxfuu8u8OcclcgEGJYZJdOtT1-hulxsrbeahdcRZOY2eNjsNuuxs

học trực tuyến học sinh

Tin tức mới nhất