Vincent Willem van Gogh (1853 - 1890) là danh họa Hà Lan, một trong những nghệ sĩ nổi tiếng nhất thế giới. Nhiều tác phẩm của ông được công chúng yêu thích và mua lại với giá vô cùng đắt đỏ. Ông cũng được biết tới là họa sĩ tiên phong của trường phái biểu hiện và có ảnh hưởng rất lớn tới mỹ thuật hiện đại.
Tuy nhiên, thời điểm đó ông lại rất nghèo vì tranh không bán được. Nhiều tài liệu cho hay ông chỉ bán được duy nhất một bức tranh.
"Self-Portrait with Bandaged Ear" - bức chân dung tự họa nổi tiếng của van Gogh
Self-Portrait with Bandaged Ear (tạm dịch là Chân dung Tự họa với chiếc tai băng bó) là một bức họa cực kỳ nổi tiếng của họa sĩ đại tài này, được ông vẽ trong năm cuối đời (tháng 1/1889). Đúng như tên gọi của bức tranh, van Gogh tự phác họa chân dung của ông với một bên tai bị băng bó. Chính ông đã cắt dái tai trái của mình năm 1888 khi đang ở Arles, Pháp. Đến nay, lý do danh họa này cắt tai mình vẫn còn là bí ẩn. Nhiều giả thuyết cho rằng ông bị trầm cảm nặng và đã làm đau bản thân.
Thế nhưng, ít ai chú ý đến chiếc tai băng bó trong bức chân dung tự họa của van Gogh lại là tai bên phải, chứ không phải tai trái. Các nhà nghiên cứu nghệ thuật cho rằng ông đã tự họa bản thân qua một chiếc gương.
Năm 1888, van Gogh thuê một ngôi nhà ở Arles, miền nam nước Pháp. Chính nơi đây, thiên tài hội họa này đã sản sinh ra nhiều "đứa con tinh thần" với chủ đề về cảnh sinh hoạt nông thôn, tĩnh vật, trong đó có loạt tranh hoa hướng dương nổi tiếng.
Van Gogh cũng không quên ký họa lại căn phòng ông đã sống ở Arles. Bức tranh Bedroom in Arles (tạm dịch là Phòng ngủ tại Arles) của ông đã gây ám ảnh, day dứt cho người xem bởi màu sắc chủ đạo trong tranh.
Nhiều chuyên gia nhận định tranh của Vincent Willem van Gogh mang màu sắc ám ảnh với những nét phác ngắn ngủi, đơn giản nhưng chất chứa cả một tâm hồn dữ dội của danh họa tài hoa này.
Tranh của van Gogh sử dụng rất nhiều màu vàng. Theo các tài liệu nghiên cứu, sinh thời ông rất thích màu vàng và từng ăn cả màu vẽ vàng để cảm thấy bớt cô đơn. Ẩn sâu trong mỗi gam màu vàng rực rỡ, dữ dội của van Gogh là cả một tâm hồn hiu quạnh.
Có tài liệu ghi lại rằng sau khi điều trị bệnh trầm cảm, van Gogh "nghiện" màu vàng do tác dụng phụ của một loại thuốc khiến ông thấy mọi vật đều màu vàng.
Bức họa "Harves at La Cara" (tạm dịch là "Mùa gặt ở La Cara") của van Gogh vẽ vào tháng 6/ 1988 ở Arles, Pháp
Bức tranh The Night Watch (tạm dịch là Tuần tra đêm) của họa sĩ Hà Lan Rembrandt van Rijn (1606 - 1669) hoàn thành năm 1642 có một chi tiết đầy bất ngờ mà mãi sau này các chuyên gia mới khám phá ra.
Như tên gọi của bức tranh, ai cũng cho rằng bối cảnh trong đó là ban đêm. Tuy nhiên, năm 1947, sau khi các nhà nghiên cứu làm sạch bức tranh bằng bồ hóng, họ mới phát hiện ra bối cảnh trong kiệt tác là ánh sáng ban ngày.
Bức tranh The Old Guitarist (tam dịch là Người nhạc sĩ già) của danh họa nổi tiếng Pablo Picasso (1881 - 1973) không chỉ phác họa đơn thuần chân dung một người đàn ông già, gầy guộc và khắc khổ đang ôm cây đàn ghi ta và cúi gằm mặt xuống.
Các chuyên gia ở Viện nghệ thuật Chicago đã phát hiện một hình vẽ ẩn bên dưới người nghệ sĩ già trong tranh bằng việc chiếu tia hồng ngoại lên đó. Một giả thuyết đặt ra là có thể khi ấy, Picasso không đủ tiền để mua giấy vẽ mới nên đã phải sơn lại một bức tranh cũ và vẽ đè lên đó.
Đến nay, bí ẩn này vẫn chưa được sáng tỏ.
Tác phẩm kinh điển của thiên tài Leonardo da Vinci (1452 - 1519), Last Supper (tạm dịch là Bữa tiệc cuối cùng) cho đến nay vẫn còn cất giấu nhiều bí mật mà giới mộ điệu không ngừng tìm kiếm.
Trang Bright side mới đây đưa thông tin tổng hợp về điều bí ẩn chất chứa trong các bức họa kinh điển, trong đó có đề cập tới lời tiên đoán về ngày tận thế trong bức tranh nổi tiếng Last Supper của Leonardo da Vinci. Theo đó, nhà nghiên cứu tranh người Ý Sabrina Sforza Galitzia cho rằng da Vinci đã dự đoán thế giới sẽ tận diệt vào ngày 21/3/4006.
Sở dĩ, nhà nghiên cứu này đưa ra kết luận vậy sau khi đã tiến hành nghiên cứu và phân tích, Sabrina phát hiện ra một cửa sổ hình bán nguyệt ngay trung tâm bức họa ẩn chứa thuật toán và chiêm tinh học.
Nhà nghiên cứu này cũng cho biết sẽ tiếp tục tìm tòi, khám phá những thông điệp vượt thời gian mà thiên tài này để lại trong các bức tranh của ông. Trong Last Supper, da Vinci đã sử dụng 24 chữ cái trong bảng chữ Latin và cung hoàng đạo.
Leonardo da Vinci thật sự muốn gửi gắm điều gì tới hậu thế? Câu hỏi này vẫn khiến giới chuyên môn đau đáu...
VEE
Theo Vietnamnet