Cảnh 'nóng', bạo lực dã man xâm lấn màn ảnh Việt như thế nào?

Những năm gần đây, phim truyền hình Việt được cho là thoát khỏi vùng an toàn khi khai thác đề tài gai góc, mới mẻ. Nhưng cùng với đó là một màn ảnh tràn ngập cảnh nóng, bạo lực.

Quỳnh búp bê - bộ phim gai góc và hấp dẫn nhất sóng VTV hiện nay cũng là bộ phim tạo ra không ít tranh cãi, khen chê trái chiều những ngày qua.

Nhiều khán giả cho rằng Quỳnh búp bê đã đề cập trực diện đến chủ đề gái mại dậm và nạn buôn người - đề tài chưa từng được khai thác trên màn ảnh Việt. Nhằm giúp nội dung phản ánh chân thực, phim ngập tràn cảnh nóng, bạo lực dã man.

Nhưng, bên cạnh những lời khen, bộ phim của đạo diễn Mai Hồng Phong cũng bị một bộ phận khán giả phản ứng và cho rằng không thích hợp phát sóng trên giờ vàng của VTV. 

Thực tế, Quỳnh búp bê không phải là phim truyền hình đầu tiên gây tranh cãi vì có nhiều cảnh bạo lực, nhạy cảm. Trước Quỳnh búp bê, Người phán xử và một số bộ phim khác cũng từng khiến dư luận "chia phe", bất đồng.

"Quỳnh búp bê" là bộ phim có nhiều cảnh nóng, bạo lực dã man đối với phụ nữ.

Màn ảnh ngập tràn cảnh nhạy cảm, bạo lực?

Cách đây không lâu, Người phán xử tiền truyện, do Trung tâm Sản xuất phim truyền hình, Đài truyền hình Việt Nam (VFC) sản xuất, dù không được phát sóng trên VTV nhưng vẫn gây bão. Vào thời điểm đăng tải bộ phim, website chia sẻ phim của VTV thậm chí không thể truy cập được vì quá tải.

Người phán xử tiền truyện gây chú ý một phần vì sức hấp dẫn của Người phán xử năm 2017. Nhưng ngoài ra, phim cũng thu hút người xem vì sử dụng lời thoại táo bạo, nhiều cảnh nóng và bạo lực. Cảnh bạo lực trong phần tiền truyện không thua kém gì bản chính.

Người phán xử là dẫn chứng cho việc, màn ảnh nhỏ hiện nay đã không còn e dè trước những cảnh bạo lực, vốn từng bị xem là một yếu tố nhạy cảm, và có thể bị cắt trong quá trình biên tập phim.

Là bộ phim khai thác thế giới xã hội đen với nhân vật trung tâm là một ông trùm, Người phán xử được cho là một nỗ lực trong việc thoát khỏi vùng an toàn của VFC. Phim gây bão suốt nhiều tháng, và sức nóng của bộ phim cũng đã mang lại cho VTV nguồn thu khủng từ quảng cáo.

Người phán xử ngập tràn cảnh bạo lực trong giới giang hồ. Những cảnh như thanh trừng, hãm hại, thủ tiêu, đánh đập xuất hiện trong nhiều tập phim Người phán xử

Song hành với cảnh bạo lực là những cảnh nóng. Gần như phim nào trên sóng truyền hình hiện nay cũng có cảnh nóng dù có từng mức độ khác nhau.

Trong Người phán xử, nhân vật Vân Điệp (Thanh Bi) ăn mặc sexy, hở hang trong phim và có nhiều cảnh tình tứ, giường chiếu với Phan Hải (Việt Anh).

Một phim khác như Mộng Phù Hoa, bộ phim về gái làng chơi phát trên sóng VTV cách đây không lâu cũng đầy rẫy cảnh nóng. Đáng nói, Mộng Phù Hoa dù lên sóng giờ vàng nhưng lại là một bộ phim tương đối dở về diễn xuất, nội dung, chỉ gây chú ý vì có nhiều cảnh nhạy cảm.

Ngoài những bộ phim có những cảnh "nóng" như trong Người phán xử hay Mộng phù hoa, trường hợp khác cũng cần đề cập là phim không có cảnh nóng nhưng vẫn gây tranh cãi vì trang phục "ngồn ngộn" như phim Thương nhớ ở ai.

Thương nhớ ở ai được đánh giá là một bộ phim hay, khai thác số phận của những người phụ nữ nông thôn trong chiến tranh và sau chiến tranh. Nhưng việc các diễn viên nữ mặc áo yếm và không nội y, trong phân cảnh trên sóng truyền hình đã bị cho là có phần "phản cảm" và "không cần thiết".


Cảnh nóng của Phan Hải và Vân Điệp trong phim "Người phán xử".

Khán giả chia phe và tranh cãi gay gắt?

Phía dưới bài viết Ngập tràn cảnh nóng, bạo lực, 'Quỳnh búp bê' có hợp với sóng giờ vàng? đăng tải trên Zing.vn ngày 3/7, một độc giả bình luận "Phim Việt Nam giờ toàn là cảnh nóng hở hang. Nhiều lúc xem phim cùng gia đình mà người lớn cũng cảm thấy ngại ngùng, đỏ mặt".

Ý kiến này được nhiều người đồng tình. Với tâm lý phim truyền hình là phim dành cho gia đình với nhiều đối tượng khán giả khác nhau, nhiều người cho rằng phim truyền hình nên tiết chế cảnh bạo lực, cảnh nóng. Với những bộ phim được phát trên sóng giờ vàng lại càng cần phải khắt khe.

Một độc giả bình luận trên báo điện tử: "Tất cả thói xấu trong xã hội không thể tự nhiên mà có. Phim ảnh có ảnh hưởng rất nhiều đến hành vi của con người, do vậy, phim cần có tính định hướng để con người sống văn minh, văn hóa hơn".

Thế nhưng, cũng có một bộ phận khán giả không đồng tình với quan điểm này. 

"Theo tôi nhận thấy thì các cảnh nóng và cảnh bạo lực như vậy là hết sức bình thường, thậm chí so với các nước có nền điện ảnh tiên tiến thì khác 'một trời một vực'. Có thể phần lớn khán giả xem phim truyền hình Việt Nam quá quen với những bộ phim Việt với tiết tấu giản dị nên khi bắt đầu tiếp nhận vào những cái mới thì có xu hướng 'muốn gạt bỏ' và khó chấp nhận hơn. Do vậy, hãy để khán giả dần làm quen và trải nghiệm", độc giả Anh Lương chia sẻ trên Zing.vn.

Đồng tình với nhận định này, độc giả Hoàng Linh cho rằng phim đề cập đến vấn nạn của xã hội nên cần phát sóng vào giờ vàng để chuyển tải thông điệp đến mọi người.

"Qua đó có thể chung tay dẹp bỏ được tệ nạn bắt cóc, bạo lực, mại dâm và buôn bán phụ nữ. Mọi việc đều có hai chiều đừng nhìn một chiều để đả kích", độc giả này nhấn mạnh.


"Mộng phù hoa" là bộ phim gây tranh cãi vì có nhiều cảnh nóng. Diễn xuất và nội dung phim không được đánh giá cao.

Giải pháp nào cho những tranh cãi "không hồi kết"?

Trước những tranh cãi không hồi kết, một bộ phận khán giả trung lập cho rằng với bộ phim gai góc về thế giới ngầm hay gái mại dâm, cảnh nóng và bạo lực là khó tránh. Tuy vậy, các bộ phim nên được phát sóng ở khung giờ muộn hơn bình thường và có cảnh báo dành cho trẻ em.

Từ ngày 1/10/2017, Thông tư quy định về tỷ lệ nội dung, thời điểm, thời lượng dành cho trẻ em và cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ em trên báo nói, báo hình, báo in, báo điện tử và xuất bản phẩm của Bộ Thông tin và Truyền thông chính thức có hiệu lực.

Trong đó, điều 16 thuộc chương V của thông tư đã nêu rõ về vấn đề cảnh báo nội dung không phù hợp đối với trẻ em. Theo đó, các cơ quan báo chí, nhà xuất bản phải thực hiện việc cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ em trên các chương trình của kênh phát thanh, kênh truyền hình; báo in, báo điện tử và xuất bản phẩm.

Đối với phát thanh, truyền hình, nội dung cảnh báo phải được thể hiện ngay trước khi bắt đầu phát sóng chương trình có nội dung cần cảnh báo.

Tuy vậy, cả phim Người phán xử, Mộng phù hoa, Người phán xử tiền truyện hay Quỳnh búp bê đều không chưa có cảnh báo về độ tuổi.

Mục 5, Điều 16, chương V của Thông tư quy định về tỷ lệ nội dung, thời điểm, thời lượng dành cho trẻ em và cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ em:

Nội dung cảnh báo trên phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử phải bảo đảm ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ nhận biết và phải thể hiện được tối thiểu một trong các khuyến cáo sau đây:

a) Nội dung không phù hợp với trẻ em, đề nghị cân nhắc trước khi đọc, nghe, xem.

b) Cha mẹ, người lớn cần hướng dẫn nếu trẻ em đọc, nghe, xem.

c) Chương trình, phim có hình ảnh và tình tiết nhạy cảm, khuyến cáo nên có sự hướng dẫn của phụ huynh khi xem.

d) Nội dung không phù hợp với trẻ em dưới 06 tuổi; Nội dung không phù hợp với trẻ em từ 06 tuổi đến dưới 11 tuổi; Nội dung không phù hợp với trẻ em từ 11 tuổi đến dưới 16 tuổi.

Theo Zing


Cảnh Nóng

Tin tức mới nhất