Câu chuyện hiếm muộn: Nỗi đau của mẹ Nha Trang đẻ con ra không dám nhìn mặt

Hơn 10 lần sảy thai, thai chết lưu, 3 vết mổ ở bụng, bị ung thư tuyến giáp, u xơ dạ con… vẫn chưa thể nói hết được những chông gai, khó khăn mà chị Trần Thái Thu đã trải qua trong hành trình tìm kiếm con yêu.

Tôi gặp chị Thu trong một quán cafe trên đường Trần Khát Chân trong những ngày đầu đông se lạnh. Chị mặc trang phục màu đỏ khá giản dị nhưng mang lại cảm giác ấm áp ngay từ khi mở cánh cửa bước vào trong.

Mặc dù chưa từng gặp chị nhưng thông qua những cuộc nói chuyện điện thoại, qua những bức hình facebook, zalo và trong cả những cảm nhận của mình, tôi và chị đã nhanh chóng nhận ra nhau. Cách đây vài tháng, khi được bác sĩ Hồ Quang Nhật (Bệnh viện Từ Dũ) giới thiệu về chị, tôi đã liên hệ và nhận được lời đồng ý ngay.

Thế nhưng vì chị muốn dành nhiều thời gian cho cuộc nói chuyện về những gian nan mà chị đã trải qua trong gần 15 năm ròng tìm con và những mong muốn nhắn gửi đến những gia đình hiếm muộn nên những cuộc hẹn phỏng vấn cứ giãn dần ra.

Đã có lúc tôi định từ bỏ nhưng chính sự động viên của bác sĩ Nhật “câu chuyện tìm con của chị Thu đặc biệt nhất trong những trường hợp anh gặp” đã giúp tôi kiên trì chờ đợi. Và đến cuối tháng 11 vừa qua, nhân chuyến công tác ra Hà Nội, tôi và chị đã có cuộc gặp gỡ sau bao ngày lỡ hẹn. 

Câu chuyện hiếm muộn: Nỗi đau của mẹ Nha Trang đẻ con ra không dám nhìn mặt-1
Chị Trần Thái Thu (Nha Trang) và ông xã.

Cố gắng 2 năm, có thai 6 tháng lại đau đớn mất con vì ngộ độc dưa hấu

Ở tuổi 44, dù đã từng trải qua bao khó khăn, vất vả nhưng trên gương mặt chị Thu vẫn toát nên sự vui tươi và niềm hạnh phúc bởi chị hài lòng với những gì mình đang có: một công ty riêng và 3 “người đàn ông” yêu thương luôn bên cạnh. Thế nhưng, không phải chặng đường nào cũng "trải bước trên hoa hồng".

Hơn chục lần sảy thai, thai chết lưu, 3 vết mổ ở bụng, bị ung thư tuyến giáp, u xơ dạ con... cộng với việc bị phỏng nước sôi khắp người, điện giật, thoái hóa đốt sống cổ, thoát vị đĩa đệm… những con số, câu chữ đó vẫn chưa thể nói hết được những chông gai, khó khăn mà chị Trần Thái Thu đã trải qua trong cuộc sống đặc biệt là trong hành trình tìm kiếm con yêu.

Trong suốt cuộc trò chuyện, gương mặt chị đượm nét buồn, đôi mắt đỏ hoe khi những thước phim quay chậm của quá khứ ùa về. Chị Thu kể, chị lập gia đình vào năm 24 tuổi, nhưng mãi đến năm 29 tuổi, chị mới được hưởng niềm hạnh phúc làm mẹ, được bế con yêu vào lòng. 5 năm đó là quãng thời gian như ác mộng đối với chị bởi 2 lần, chị đau đớn vì mất con.

Lần đầu tiên, chị mang thai sau một năm kết hôn nhưng không giữ được. Một năm sau chị tiếp tục có bầu. Cũng giống như nhiều bà mẹ mang thai khác, chị dành tất cả niềm hy vọng, tâm huyết của mình vào em bé trong bụng. Thế nhưng khi thai được gần 7 tháng, chị phải đau đớn nhìn con ra đi chỉ vì ăn nhầm dưa hấu tiêm thuốc.

Lúc đẻ chỉ huy, bác sĩ bế con ra, chị không dám nhìn mặt con bởi chị sợ, nỗi sợ ấy giống như khi nhìn thấy những thai nhi bị người ta vứt ở ngoài đường. Và nỗi đau đó càng nhân lên gấp bội khi chị phát hiện bị ung thư tuyến giáp, phải cắt một bên bướu.

“Tôi học Đại học Sư Phạm Huế nhưng không hiểu sao chị không thể nào xin được việc. Để có thể sống, tôi phải làm rất nhiều, kể cả lao động chân tay từ dạy tiếng Việt cho người Pháp, nấu ăn, làm bánh, bán kem. Và những nỗi đau ấy ập đến khiến tôi bắt đầu sợ hơn, con người tôi như điên loạn.”, chị Thu trầm ngâm chia sẻ.

Không vượt qua được nỗi đau, ám ảnh khi mất con, cộng với bệnh tật, cuộc sống khó khăn mà chị Thu không dám mang thai lần nữa. Và mãi đến 3 năm sau, chị mới có thai lại.

Mặc dù nhận được tin vui nhưng chị hoàn toàn sống trong lo sợ. Chị sợ ám ảnh của 3 năm trước lặp lại, sợ ăn nhầm đồ ăn nào đó.

Cả một thời gian dài mang thai chị vừa làm, vừa sống, vừa suy nghĩ quẩn quanh. Đến tháng thứ 9 chị xin mổ vì không thể chờ đợi được nữa, vì không thể vượt qua được những ám ảnh khi mang thai bé trước.

“Lần đầu làm mẹ, tôi vỡ òa trong hạnh phúc. Tôi đặt tên con là Nhật Khang với mong muốn con được an khang mỗi ngày”, chị Thu chia sẻ niềm hạnh phúc sau bao năm chờ đợi.

Câu chuyện hiếm muộn: Nỗi đau của mẹ Nha Trang đẻ con ra không dám nhìn mặt-2
Con trai Nhật Khang và chồng chị Thu. 

Bệnh tật ập đến nhấn chìm hy vọng có con lần 2, quyết đi hiến trứng giúp ích cho đời

Hạnh phúc là vậy nhưng dường như niềm vui của chị luôn đi kèm với những nỗi đau. Những nỗi đau ẩn khuất đâu đó khiến chị chưa bao giờ được hưởng nụ cười trọn vẹn. Bé Nhật Khang chào đời cũng là lúc chị phát hiện dạ con có quá nhiều nhân xơ không thể bóc tách được, đồng nghĩa với việc chị không thể có con lần 2 được.

Vậy là chị dồn hết tâm huyết của mình vào con. Chị hy sinh cả những hoài bão ước mơ, từ bỏ học cao học, từ bỏ đi Pháp học để giữ và để chăm sóc chàng trai bé nhỏ của cuộc đời chị đến khi con được gần 6 tuổi.

"Con bị viêm VA mãn tính. Một năm nuôi con, ngày nào con cũng bị sốt. Một tháng có 30 ngày chỉ có một ngày con hạ sốt rồi lại bị tiếp. Tôi vừa làm, vừa nuôi con, vừa chữa bệnh. Ngày đó, mỗi lần cho con ăn, bát ăn phải xếp hàng ăn dài như đoàn tàu để con ăn đến khi nào không ói ra nữa thì thôi.

Tôi suốt ngày vật vã với con, tìm đủ mọi cách nghiền nát ra làm như thế nào ăn được. Trộm vía con lớn nhưng một năm sau tôi phát hiện nhân xơ to lên đồng thời phát hiện ung thư tuyến giáp di căn hoàn toàn ra ngoài. Tôi sợ nhưng vẫn cố gắng lấy con làm động lực. Cũng may mắn ca ung thư của tôi trong một ngàn ca mới có một ca đưa ra ngoài, chỉ cần cắt hết tuyến giáp và trị xạ", chị Thu chia sẻ.

Hạnh phúc vì sẽ không phải chết nhưng những nét buồn vẫn hiện rõ trên gương mặt chị bởi việc trị xạ cùng với dạ con nhiều nhân xơ khiến chị không thể có con được nữa. Trong khi đó khao khát được làm mẹ lần 2 của chị vẫn luôn cháy bỏng.

Câu chuyện hiếm muộn: Nỗi đau của mẹ Nha Trang đẻ con ra không dám nhìn mặt-3
Khi biết mình bị bệnh chị luôn khao khát được sống để bên con, nhìn những bước trưởng thành của con lâu hơn nữa.

Thế nhưng, một lần nữa bệnh tật lại liên tục ập đến trong những năm sau đó, chị phải đối mặt với 10 lần sảy thai liên tiếp cùng với sức khỏe suy yếu khi bị thoái hóa đốt sống cổ, thoát vị toàn bộ đĩa đệm, phỏng nước sôi, điện giật nằm viện hơn một tháng... Và chị đã buộc phải từ bỏ ước mơ có con lần 2. 

Thời gian sau đó, chị lao vào giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, đặc biệt là những hoàn cảnh mẹ và bé gặp khó khăn, những người mẹ đơn thân và những gia đình hiếm muộn, vô sinh. 

"Tôi luôn luôn tâm niệm một điều là mẹ và con không thể tách rời nên 10 lần sảy thai là 10 vết sẹo trong tim. Tôi quyết định không có con nữa rồi giành hết thời gian lao vào giúp tất cả những em bé, bà mẹ mang thai đơn thân trong bệnh viện.

Tôi giúp tất cả người mẹ ở trong hoàn cảnh muốn vứt đứa con. Tôi đến bệnh viện đăng ký hiến trứng cho những gia đình hiếm muộn và đăng ký cho nhóm máu O, ưu tiên bà mẹ có thai và trẻ em khi nào cần.", chị Thu tâm sự.

Và dường như "ông trời luôn có mắt" khi đã thấu hiểu được lòng tốt cũng như khát khao có con lần 2 luôn nhem nhóm trong tận đáy sâu nỗi lòng chị. Sau 14 năm sinh đứa con đầu lòng, chị Thu lại có được đứa con thứ 2 và hành trình này có thể gọi là "khổ tận cam lai" để có được hành phúc viên mãn. Sau tất cả, "món quà" tuyệt vời nhất mà vợ chồng chị Thu có được chính là 2 cậu con trai vô cùng kháu khỉnh đáng yêu. 


Theo Khám Phá


ung thư

Tin tức mới nhất