Cha mẹ nghèo, bé trai 1 tuổi đối mặt nguy cơ đột tử

Tiếng khóc như xé vải vang lên rồi lịm đi trước cửa phòng khám, cậu bé toàn thân tím ngắt, mồ hôi nhễ nhại như tắm đang gục đầu, thiếp đi trên vai mẹ.

“Bệnh nhi bị tứ chứng fallot nặng, có thể đột tử bất kỳ lúc nào, cháu cần được phẫu thuật gấp.”

Nghe địa phương thông báo có đoàn bác sĩ đến khám từ thiện, sàng lọc bệnh tim tại bệnh viện Đa khoa tỉnh, vợ chồng chị Lê Trúc Linh (36 tuổi) khấp khởi nuôi hy vọng. Mượn chiếc xe gắn máy của hàng xóm, rồi lại ngượng ngùng mượn cả tiền để đổ xăng, phải vượt hàng chục cây số nên khi mặt trời đã đứng bóng, anh Kim Sa Thia (30 tuổi, đồng bào Khơ-me ngụ tại Trà Vinh) mới đưa được vợ và cậu con trai tới bệnh viện.

Nét hồn nhiên của bé Trung Tín khi bệnh tim tạm buông tha
Nét hồn nhiên của bé Trung Tín khi bệnh tim tạm buông tha

Vừa đặt chiếc ống nghe lên lồng ngực của bé Kim Trung Tín (13 tháng tuổi) TS.BS Phạm Hoàng Minh, khoa Hồi sức Phẫu thuật tim, bệnh viện Chợ Rẫy đã chau mày. Sau khi đọc kết quả chẩn đoán hình ảnh, ông cho biết: “Cháu bé mắc bệnh tim bẩm sinh, tứ chứng Fallot (thông liên nhĩ, thông liên thất, hẹp van động mạch phổi, còn ống động mạch). Căn bệnh này khiến trẻ thường xuyên rơi vào tình trạng tím tái, khó thở, hay bị viêm phổi tái đi tái lại, nguy cơ đột tử bất kỳ lúc nào. Cháu cần được phẫu thuật càng sớm càng tốt.”

Chị Trúc Linh đưa ánh mắt trìu mến nhìn con, rồi 2 hàng nước mắt lặng lẽ rơi. Phía ngoài phòng bệnh, anh Kim Sa Thia ngồi như đóng đinh trên ghế đá, hai bàn tay nắm chặt vào nhau. Hỏi ra mới biết, 1 năm qua vợ chồng họ đã nhiều lần đưa con đến bệnh viện chữa chứng viêm phổi, nhưng không đủ tiền phẫu thuật tim nên chỉ mong cho bệnh tình của bé thuyên giảm rồi lại đưa về nhà với hy vọng “lâu lâu bệnh hãy tái phát”.

TS.BS Hoàng Minh đề nghị gia đình phải phẫu thuật gấp cho cháu
TS.BS Hoàng Minh đề nghị gia đình phải phẫu thuật gấp cho cháu

Gạt nước mắt chị Trúc Linh bùi ngùi: “Do gia đình đông anh em, kinh tế khó khăn, gần 10 năm trước chị rời Sóc Trăng lên TPHCM giúp việc cho một quán cơm. Tại đây, chị và người thanh niên cùng cảnh ngộ là anh Kim Sa Thia quen biết rồi mang lòng yêu thương nhau. Năm 2007, họ thành vợ thành chồng sau lễ cưới đơn sơ trước sự chứng kiến của 2 bên gia đình. Sau 5 năm chung sống hòa thuận, vợ chồng họ có với nhau 2 đứa con là bé Kim Trung Tuấn (SN: 2008) và Kim Yến Nhi (SN: 2011).

Không có đất canh tác, mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình đều trông chờ vào công việc làm thuê, làm mướn, tài sản duy nhất của gia đình họ chỉ là mảnh đất chừng 40m2 được bố chồng cho sau ngày cưới. Với hy vọng cải thiện kinh tế gia đình, năm 2010 anh Sa Thia đã chủ động vay ngân hàng 6 triệu đồng làm chuồng, mua heo giống về nuôi. Nhưng đàn heo đang lớn nhanh như thổi thì mắc dịch tai xanh, buộc phải tiêu hủy. Vừa tính chuyện làm ăn đã “mất cả chì lẫn chài” số tiền vay ngân hàng đến nay họ vẫn không thể trả được. 

Và khi bệnh tim thức giấc...
Và khi bệnh tim "thức giấc"...

... cháu bé vật vã, tím tái, lịm đi trong vòng tay bất lực của người mẹ nghèo 
... cháu bé vật vã, tím tái, lịm đi trong vòng tay bất lực của người mẹ nghèo

Ý thức được khó khăn của mình, chị Trúc Linh bàn với chồng sẽ không sinh thêm con để tập trung lo cho 2 đứa nhỏ. Nhưng biện pháp “tự tránh thai” của vợ chồng họ bị vỡ kế hoạch. Năm 2014, bé Kim Trung Tín bất đắc dĩ chào đời trong sự khốn khó của cha mẹ. Chị Trúc Linh chia sẻ: “Hơn 1 tháng sau khi sinh, trong lúc khóc đòi bú, thằng bé đột nhiên xỉu, lay gọi mãi con mới mở mắt. Tôi đã ngã quỵ tại bệnh viện Đa khoa Trà Vinh khi bác sĩ cho biết, bé Tín bị bệnh tim bẩm sinh nặng phải phẫu thuật.”

Chị nghẹn ngào gạt nước mắt: “Từ ngày sinh thằng bé đến giờ, tôi chỉ quanh quẩn chăm con đau bệnh, cả 5 miệng ăn đều dồn cả lên vai ba nó. Ngày làm phụ hồ, ngày làm thuê lám mướn nhưng công việc bữa có bữa không, vợ chồng tôi luôn trong cảnh phải chạy gạo từng bữa cho các con. Thằng con đầu đã học lớn 1 nhưng tiền trường cũng phải nhờ sự giúp đỡ của thầy cô, sách vở, quần áo đi học đều xin lại của trẻ trong xóm. Nó học giỏi lắm, nhưng chẳng biết năm tới vợ chồng tôi có lo nổi cho con đến trường hay không.”

Chị Trúc Linh đau đớn nghĩ đến cảnh sẽ không còn cơ hội vỗ về con thơ
Chị Trúc Linh đau đớn nghĩ đến cảnh sẽ không còn cơ hội vỗ về con thơ

Hiểu rõ những nguy hiểm đối với sinh mạng của con đã được bác sĩ cảnh báo nhưng vợ chồng Sa Thia đành bất lực. Một năm qua, bé Trung Tín đã xỉu không biết bao nhiêu lần nhưng mỗi lần con gục ngã người mẹ chỉ biết vác bé lên vai rồi vỗ nhẹ vào lưng con. Chị đau khổ nghĩ đến một ngày không xa sẽ chẳng còn cơ hội để vỗ về nữa bởi bệnh tình của con đang mỗi ngày một nặng thêm.

Theo TS.BS Phạm Hoàng Minh, cuộc mổ của bệnh nhi cần khoảng 50 triệu đồng cho việc can thiệp, sửa chữa triệt để tứ chứng Fallot. Tuy nhiên, theo thông tin từ ông Thạch Sỹ, Trưởng ấp Bích Trì, xã Hòa Thuận, Châu Thành, Trà Vinh: “Vợ chồng Sa Thia đến gạo cũng chẳng đủ ăn thì lấy gì mà trị bệnh cho con. Gia đình nó thuộc diện hộ nghèo của ấp, có mỗi cái nhà lá nhưng cũng chẳng ra nhà, ngày mưa nước chảy lên đầu, ngày nắng trong nhà như ngoài trời.”

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

1. Mã số 1805: Chị Lê Trúc Linh (mẹ bé Kim Trung Tín), ấp Bích Trì, xã Hòa Thuận, huyện Chậu Thành, tỉnh Trà Vinh.

ĐT: 01226.553.630


Theo Dân Trí



Tin tức mới nhất