Chàm thể tạng - bệnh viêm da gây khó chịu cho trẻ nhỏ

Chàm thể tạng là một bệnh viêm da rất hay gặp ở trẻ em. Bệnh tuy lành tính nhưng rất lại gây khó chịu bởi ngứa ngáy và hay tái phát lại nhiều lần.

Bệnh có thể tái phát lại nhiều lần

Bệnh nhân P. (2 tuổi, ở Hà Nội) là bệnh nhi thường xuyên của phòng khám Da Liễu - bệnh viện nhi Trung ương từ hơn một năm nay. Ngay từ khi 10 tháng tuổi bé đã phải chung sống với những cơn ngứa do bệnh chàm thể tạng, đặc biệt những lúc ăn xong. Các vết chàm tập trung quanh mắt và miệng khiến bé rất khổ sở. Bé thường gãi cho đến khi chảy máu vẫn chưa đỡ. 

Theo tiến sĩ, bác sĩ Phạm Thị Mai Hương - chuyên khoa Da Liễu, Bệnh viện Nhi Trung Ương cho biết, bệnh chàm hay còn gọi là viêm da cơ địa thường hay gặp ở trẻ dưới 2 tuổi trong đó trường hợp khởi phát trước 1 tuổi chiếm khoảng 50-60%.  

Bệnh này thường liên quan đến yếu tố cơ địa, các bệnh dị ứng như hen phế quản, mày đay, viêm mũi dị ứng. Trong gia đình, nếu cả 2 bố mẹ đều bị viêm da cơ địa thì 80% con sinh ra mắc bệnh này. Nếu 1 trong 2 người bị thì xác xuất bệnh ở con giảm xuống còn 50%.

Nhiều nguyên nhân gây nên chàm thể tạng

Nguyên nhân gây ra bệnh chàm cơ địa do tác nhân bên trong cơ thể như bị thần kinh, sang chấn tâm lý, thay đổi nội tiết, rối loạn chuyển hóa. Ngoài ra cũng do môi trường như dị ứng phấn hóa, dị ứng các loại thức ăn.

Đa số trẻ hay bị bệnh vào mùa thu đông, một số ít vào mùa hè.

Chàm thể tạng có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào, song tất cả các đối tượng mắc bệnh này đều có chung một triệu chứng cơ năng là ngứa.

Viêm da cơ địa ở giai đoạn ấu thơ thường gặp ở trẻ 2-3 tháng tuổi với biểu hiện thương tổn cơ bản là xuất hiện mụn nước tập trung thành đám ở những vị trí như má, trán, cằm, tay, chân, lưng, bụng. Bệnh tiến triển qua các giai đoạn: tấy đỏ - sẩn - mụn nước - chảy nước - đóng vảy - bong vảy.

Viêm da cơ địa ở trẻ em thường gặp ở lứa tuổi 2-5 tuổi. Bệnh biểu hiện khi trẻ xuất hiện những nốt sẩn cao hơn mặt da, tập trung thành mảng hoặc rải rác, mụn có thể mọc thành từng đám ở mặt duỗi, khuỷu tay, khoeo chân, cổ tay, mi mắt.

Triệu chứng điển hình của bệnh là các thương tổn da khô kèm theo ngứa. Do ngứa gãi nhiều mà da bị dày, bệnh nhân càng ngứa và gãi gây làm cho bệnh nặng hơn và có nguy cơ bị bội nhiễm vi trùng. Bệnh có yếu tố di truyền, gia đình và hay xuất hiện ở những người có bệnh dị ứng khác như hen, viêm mũi dị ứng. Có tới 35% trẻ viêm da cơ địa có biểu hiện hen trong cuộc đời. 

chàm thể tạng ở trẻ
Chàm thể tạng là một bệnh viêm da rất hay gặp ở trẻ em. Bệnh tuy lành tính nhưng
 rất lại gây khó chịu bởi ngứa ngáy và hay tái phát lại nhiều lần. Ảnh minh họa


Những điều nên làm cho trẻ bị chàm thể tạng


Khi trẻ bị chàm thể tạng, cần chăm sóc trẻ hết sức cẩn thận, không nên cho trẻ tắm lâu trong nước xà phòng hay sữa tắm mà nên tắm bằng nước ấm để giúp đỡ ngứa.

Nếu tắm xà phòng cho trẻ, tuyệt đối không dùng xà bông giặt đồ hoặc xà phòng có tính chất tẩy rửa, chỉ dùng các loại sữa tắm có độ ẩm để làm cho da mát.

Tuyệt đối không được đắp các loại lá không rõ nguồn gốc.

Tránh mặc các loại quần áo bằng chất liệu len, sợi tổng hợp gây bí tắc da bé. Nên cho trẻ mặc những loại quần áo mềm, làm bằng chất liệu bông để tránh làm tổn thương da.

Hạn chế để trẻ ra nhiều mồ hôi, giữ cho da bé luôn khô, thay tã lót cho bé. 

TS. Hương khuyến cáo, gia đình có trẻ mắc chàm cần lưu ý:

- Nên vệ sinh cơ thể trẻ bằng các loại sữa tắm dịu nhẹ. Hạn chế dùng xà phòng, các chất tẩy rửa quá mạnh.

- Không tắm trẻ bằng nước quá nóng, quá lâu.

- Sau khi tắm cho bé, có thể sử dụng các loại kem làm ẩm da thích hợp, có thể lưu kem trên da cả ngày, nhất là mùa đông.

- Đặc biệt cần tuyệt đối tránh các kích thích bệnh như chà xát, gãi, sang chấn thần kinh, các loại lông súc vật như chó mèo…

Trong trường hợp bé bị mắc viêm da cơ địa, gia đình cần đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa Da liễu để được thăm khám, tuyệt đối không tự ý chữa bệnh cho con bằng các phương pháp dân gian truyền miệng để tránh tình trạng viêm nhiễm trầm trọng thêm. 
 
Theo Trí Thức Trẻ


Tin tức mới nhất