Chàng trai 25 tuổi và câu chuyện xót xa vượt giá rét, đi đánh giày lấy tiền chữa bệnh

Cặn bệnh suy thận suốt 7 năm đã làm cơ thể cậu tiều tụy, 2 cánh tay đều nổi nhiều cục lớn to bằng quả ổi, đầy vết kim tiêm tím bầm... Dù thế, ngày qua ngày, chàng thanh niên vẫn miệt mài đi đánh giày kiếm sống.

Nam thanh niên 25 tuổi nhưng chỉ nặng vỏn vẹn có 35kg

Chúng tôi gặp Nguyễn Như Tuấn Đức (SN 1993, Lương Sơn, Hòa Bình) trong những ngày Hà Nội bước vào đợt rét “kỷ lục”, nhiệt độ nhiều lúc chỉ khoảng 10-11 độ C. Giữa cái rét cắt da cắt thịt ấy, Đức lúc nào cũng phải làm việc ngoài trời. Nhìn chàng trai với dáng người nhỏ thó như học sinh cấp 2, không ai nghĩ rằng cậu năm nay đã 25 tuổi.

Đức cao chừng 1m40 và chỉ nặng vỏn vẹn 35 kg. Nhìn vẻ ngoài đã tội nghiệp như thế nhưng câu chuyện về cuộc đời của Đức còn khiến người nghe cảm thấy xót xa hơn.

Chàng trai ngậm ngùi chia sẻ, lý do khiến mình gầy còm, ốm nhom là vì đã mắc suy thận nặng. Suốt 7 năm qua, hàng nghìn ngày Đức phải gắn mình với bệnh viện. Cứ đều đều, mỗi tuần đều phải vào viện chạy thận nhân tạo. Sức khỏe yếu nhưng Đức vẫn buộc phải làm việc để kiếm tiền mưu sinh.

Chàng trai 25 tuổi và câu chuyện xót xa vượt giá rét, đi đánh giày lấy tiền chữa bệnh-1
Vóc người nhỏ thó của Đức.

Chàng trai 25 tuổi và câu chuyện xót xa vượt giá rét, đi đánh giày lấy tiền chữa bệnh-2
Mang trên người chiếc áo sơ mi mỏng manh, Đức như bị cái rét làm cho tê cóng, cơ thể nhiều lúc run lên bần bật.

“Mình sinh ra trong gia đình làm nông nghiệp, kinh tế khó khăn nhưng thực sự, quãng thời gian trước năm 18 tuổi vẫn còn khá yên bình. Cho đến lúc biết tin mình bị suy thận, gia đình cảm thấy như bị một cú sốc quá lớn, nhiều năm đã qua rồi vẫn không vực dậy nổi“.

Năm đó khi Đức đang lo ôn thi đại học thì đột nhiên bị ốm nặng. Trong thời gian chữa trị, cả nhà choáng váng nghe bác sĩ thông báo cậu bị suy thận. Căn bệnh ập đến như một dấu hỏi lớn cho bố mẹ Đức khi chính họ cũng không biết sẽ lấy tiền đâu ra chữa bệnh cho con? Đối với Đức, dấu mốc năm 18 tuổi cũng đồng nghĩa với việc phải khép lại nhiều giấc mơ. Việc học ĐH cậu ấp ủ suốt 12 năm đèn sách coi như hoàn toàn tiêu tán.

Đã bao mùa xuân phải nói câu “Tết này con không về”

Gia đình quyết định đưa Đức xuống Hà Nội chữa trị. Thời gian đầu, cứ 1 tuần 3 lần, bố lại đưa Đức đi xa. Lâu dần, việc di chuyển như thế mất quá nhiều thời gian, công sức nên Đức xin cha mẹ, thuê một căn phòng dành cho bệnh nhân nghèo ở đường Lê Thanh Nghị, đối diện cổng Bệnh viện Bạch Mai.

Ngoài giờ chạy thận, Đức tranh thủ đi đánh giày kiếm sống, trang trải chi phí sinh hoạt, giảm bớt gánh nặng cho gia đình. Cứ như thế, 7 năm thấm thoắt qua đi.

Chàng trai 25 tuổi và câu chuyện xót xa vượt giá rét, đi đánh giày lấy tiền chữa bệnh-3
Gương mặt có vẻ già dặn của Đức.

Năm 2018 vừa đến nhưng Đức đã có nhiều kỷ niệm khá buồn lòng. “Tết dương lịch mẹ gọi điện thoại lên bảo sao con chưa về? Mình không biết nói sao nhưng công việc đánh giày thì đâu có ngày nghỉ. Thành ra không thể về chung vui cùng mọi người. Ngày Lễ, Tết càng phải tranh thủ để kiếm thêm cho bố mẹ bớt khổ…”. Đức nói. Đây cũng không phải lần đầu tiên cậu nói với mẹ câu “Tết này con không về được đâu“.

“Tết dương đã thế nhưng Tết Nguyên đán mình cũng không về được vì mùng 1 Tết còn có lịch chạy thận nên phải ăn ở lại bệnh viện luôn”.

Chàng trai 25 tuổi và câu chuyện xót xa vượt giá rét, đi đánh giày lấy tiền chữa bệnh-4
Cánh tay của Đức…

Chàng trai 25 tuổi và câu chuyện xót xa vượt giá rét, đi đánh giày lấy tiền chữa bệnh-5
…Đầy những vết thâm tím và nổi cục.

Hàng tháng, cha mẹ chỉ gửi lên cho cậu 500.000 đồng tiền sinh hoạt phí. Các khoản chi trả còn lại, cậu phải tự lo. Chi phí chữa trị lớn trong khi công việc đánh giày thu nhập lại bèo bọt.

Mỗi ngày cậu chỉ kiếm được khoảng 70.000 đồng nên nhiều lúc vẫn không đủ sống. “Có tuần, mình phải ăn đạm bạc, thậm chí xen kẽ các bữa nhịn đói. Lúc còn tiền cũng chỉ dám mua 10.000 đồng thịt với ít rau xanh là đủ ăn cả ngày”.

Nói tới đây, Đức buồn bã đưa cánh tay đầy những vết kim đâm với những cục to như quả ổi lên cho chúng tôi xem.

“Nhìn mình trông có chán ngán lắm không? Cứ như thế này sợ sẽ phải ở vậy cả đời không ai dám lấy làm chồng?”, Đức cười buồn nhưng sao mà xót xa quá.

Vẫn biết mỗi người sinh ra có hoàn cảnh khác nhau nhưng dường như giữa những ngày mùa Đông rét căm căm, mẩu chuyện nhỏ của Đức càng làm người ta thấy nghẹn lòng.

Theo Sao Star


đánh giày câu chuyện cuộc sống

Tin tức mới nhất