Lý do suốt 20 mùa giải, chỉ có 3/18 Quán quân về nước
Câu chuyện Quán quân Olympia không về nước đã trở thành chủ đề bàn tán rất nhiều trong suốt 20 năm qua. Nhiều người cho rằng những quán quân năm ấy đi du học rồi ở nước ngoài định cư là "chảy máu chất xám", "Olympia đào tạo nhân tài cho Australia, Mỹ".
Mới đây, trong đêm Gala kỷ niệm 20 năm Đường lên đỉnh Olympia, những cựu Quán quân đã chia sẻ thật lòng lý do họ quyết định không trở về.
Được mệnh danh "cậu bé Google", thần đồng học hết lớp 11 khi mới học THCS - Quán quân Olympia năm thứ 17 Phan Đăng Nhật Minh cho biết: "Mình thấy rằng không nhất thiết phải về nước thì mới trực tiếp đóng góp được. Ngành học của mình ở Việt Nam rất khó kiếm việc và nghiên cứu nên mình muốn ưu tiên nơi nào phát triển hơn.
Ở đây, điều mình thích nhất là giáo dục cởi mở, giáo sư và học viên nói chuyện như 2 người bạn, không có rào cản. Đó là điều mình mong mỏi nếu có dịp trở về".
Quán quân Olympia Phan Đăng Nhật Minh.
Quán quân Olympia năm thứ 6 - Lê Vũ Hoàng tâm sự: "Quan trọng cách mình đóng góp thế nào chứ không phải mình làm việc ở đâu. Điều kiện ở đây tốt hơn, mình có điều kiện hoàn thành công việc nghiên cứu.
Thứ mình đóng góp cho đất nước khi đó chính là các dự án liên kết. Chứ bản chất của mình là nhà nghiên cứu, nếu được làm điều mình thích, có điều kiện cho bản thân nghiên cứu thì công ty nào đầu tư như thế thì đương nhiên mình sẽ cân nhắc trở về".
Quán quân Olympia năm thứ 6 - Lê Vũ Hoàng.
Trong khi đó, Quán quân Olympia năm thứ 10 - Phan Minh Đức chia sẻ: "Mình đã từng giảng dạy song ngữ ở trường ĐH Việt Nam một thời gian. Mình quan niệm bản thân làm được điều gì tốt cho mình và mọi người xung quanh thì đã là đóng góp cho đất nước rồi.
Trong thời gian du học mình cũng có kết nối với các thầy hướng dẫn thì được biết, nếu học Tiến sĩ ở Việt Nam thì phải học nghiên cứu bằng tiếng Việt, như vậy phải học lại một lần nữa. Làm vậy sẽ tốn thời gian hơn việc tiếp tục học bằng tiếng Anh".
Lý do cá nhân hơn, Quán quân Olympia năm thứ 2 - Phan Mạnh Tân cho biết gia đình mình đang sống ổn định ở nước ngoài, việc thay đổi sẽ gây đảo lộn cuộc sống nên anh hi vọng, khi con gái lớn tầm 18 tuổi sẽ có cơ hội quay về nước.
Quán quân Olympia năm thứ 2 - Phan Mạnh Tân.
Trước đó, Nguyễn Thành Vinh (Á quân Olympia mùa đầu tiên - diễn viên Nam trong phim Phía trước là bầu trời) từng gây tranh cãi khi chia sẻ lý do không trở về nước: "Tôi cũng định quay về sau khi học xong đại học. Nhưng khi đó tôi nhận thấy tôi không có một cơ hội công việc nào rõ ràng cả.
Tôi vốn thích làm nghiên cứu nên tôi tiếp tục xin học bổng Tiến sĩ và ở lại học tiếp. Rồi tôi chuyên tâm với con đường nghiên cứu giảng dạy, nên về Việt Nam khó cho tôi làm được trọn vẹn con đường tôi chọn nên tôi quyết định ở lại nước ngoài".
Các Quán quân còn lại đang sống và làm việc thế nào?
Trần Ngọc Minh (mùa 1)
Quán quân Olympia đầu tiên gọi tên cô nàng Trần Ngọc Minh, cựu học sinh trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Vĩnh Long). Ngọc Minh cũng là nhà vô địch hiếm hoi có kết quả tốt nghiệp thuộc top 5% xuất sắc ĐH Kỹ thuật Swinburne. Sau khi hoàn thành chương trình, chị nhận được học bổng Thạc sĩ, Tiến sĩ và hiện đang làm việc cho một công ty nhà mạng di động đình đám tại Úc từ tháng 7/2013.
Phạm Mạnh Tân (mùa 2)
Sau khi du học, Quán quân Mạnh Tân sở hữu học vị Tiến sĩ và hiện đã lập gia đình, đồng thời công tác tại công ty kỹ thuật IBM danh tiếng có trụ sở đặt tại Melbourne, Australia ở vị trí kiến trúc sư phần mềm.
Lương Phương Thảo (mùa 3)
Chị là một trong những thí sinh Olympia hiếm hoi trở về nước làm việc. Phương Thảo là cựu học sinh THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm. Tuy giành Quán quân nhưng chị từ chối nhập học ĐH Kỹ thuật Swinburne, thay vào đó chọn theo học ngành Kinh doanh quốc tế và Marketing tại ĐH Monash, sau đó hoàn thành học vị Thạc sĩ.
Võ Văn Dũng (mùa 4)
Những thông tin xoay quanh Quán quân Olympia mùa 4 Võ Văn Dũng vô cùng ít ỏi. Được biết, anh từng là học sinh trường THPT Lê Quý Đôn (Đà Nẵng), sau đó theo gót anh chị nhập học trường ĐH Kỹ thuật Swinburne. Sau khi tốt nghiệp, anh học lên Thạc sĩ Thuế và bảo vệ thành công luận án vào năm 2016.
Đỗ Lâm Hoàng (mùa 5)
Giành chiến thắng thuyết phục tại trận Chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 5, cựu học sinh THPT Gò Vấp, TP.HCM – Đỗ Lâm Hoàng nối gót các đàn anh lên đường sang Úc theo học chuyên ngành Kỹ sư Công nghệ Viễn thông và Internet tại ngôi trường quen thuộc của các nhà vô địch Olympia – Đại học Kỹ thuật Swinburne.
Cuộc sống của Đỗ Lâm Hoàng khá kín tiếng, chỉ biết rằng anh hiện đang làm việc tại Sở Giáo dục bang Victoria, Úc. Vào năm 2016, nhà vô địch Olympia năm thứ 5 lập gia đình.
Lê Vũ Hoàng (mùa 6)
Vũ Hoàng là Quán quân Olympia có hoàn cảnh vô cùng khó khăn khi mẹ liên tục ốm đau không có tiền chạy chữa. Học bổng 35.000 USD đã giúp anh hoàn thành nhiều việc, sang Úc du học và hoàn thành tới bậc Tiến sĩ. Hiện tại, Vũ Hoàng là Giám đốc công nghệ của VIoT, có vợ và 2 con xinh xắn.
Lê Viết Hà (mùa 7)
Sau Lương Phương Thảo, Lê Viết Hà (cựu học sinh THPT chuyên Lê Khiết, Quảng Ngãi ) là Quán quân Đường lên đỉnh Olympia thứ 2 trở về nước sau khi du học từ tháng 12/2017.
Nhận được học bổng anh chàng cũng theo Úc du học và đây cũng là người duy nhất có 2 bằng cử nhân xuất sắc tại Đại học Kỹ thuật Swinburne với ngành Công nghệ Robot và ngành Khoa học Máy tính. Sau đó, Lê Viết Hà tiếp tục học lên bậc Thạc sĩ tại Đại học Deakin, Úc, chuyên ngành Quản trị Kinh doanh.
Huỳnh Anh Vũ (mùa 8)
Sau khi giành danh hiệu Quán quân Olympia năm thứ 8, Huỳnh Anh Vũ (cựu học sinh trường THPT Tăng Bạt Hổ, Bình Định) cũng lên đường du học. Anh theo học ngành Kinh tế tại Đại học Kỹ thuật Swinburne. Sau khi tốt nghiệp, anh chàng đã ở lại làm giảng viên ngành Kinh tế của ngôi trường này nhờ thành tích là một trong hai sinh viên xuất sắc được giữ lại của khoa.
Hồ Ngọc Hân (mùa 9)
Không chỉ là nhà vô địch Olympia năm thứ 9, Ngọc Hân còn là thủ khoa khối B của trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) năm đó. Nhờ suất du học, anh đã sang Úc học tập, hoàn thành bậc Tiến sĩ và cũng chọn sống ở quốc gia này từ đó đến nay.
Phan Minh Đức (mùa 10)
Là nhà vô địch đầu tiên đến từ Hà Nội, Phan Minh Đức cựu học sinh THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam là quán quân Olympia mùa thứ 10. Minh Đức sang Úc theo học tại Đại học Kỹ thuật Swinburne ngành Kinh doanh. Bảng điểm học tập của anh chàng gây choáng khi đều đạt từ điểm giỏi và điểm xuất sắc.
Thậm chí khi còn là sinh viên năm 2, anh chàng đã được nhận làm trợ giảng và sau khi hoàn thành chương trình cử nhân một cách xuất sắc, Minh Đức đã được chuyển thẳng lên bậc Tiến sĩ.
Phạm Thị Ngọc Oanh (mùa 11)
Phạm Thị Ngọc Oanh – cựu học sinh THPT Tiên Lãng, Hải Phòng là nhà vô địch nữ thứ 3 của Olympia sau Trần Ngọc Minh và Lương Phương Thảo. Ngành Thương mại Kế toán và Tài chính, Đại học Kỹ thuật Swinburne là nơi cô nàng tiếp tục để theo học.
Cô nàng đã quyết định ở lại Úc làm việc. Nhà vô địch Olympia từng tự hào khoe với khán giả quê nhà về thành tích xuất sắc khi đậu cấp độ 3 chương trình CFA danh giá ở Úc.
Đặng Thái Hoàng (mùa 12)
Đại diện ngôi trường THPT Hòn Gai (tỉnh Quảng Ninh) – Đặng Thái Hoàng đã xuất sắc giành chức vô địch Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 12 ngành Kỹ sư Dân dụng của học Đại học Kỹ thuật Swinburne là bến đỗ du học của Thái Hoàng.
Hiện, anh đang công tác tại một công ty xây dựng ở Melbourne, xứ sở chuột túi và còn có dự định chinh phục bằng Tiến sĩ Kiến trúc.
Hoàng Thế Anh (mùa 13)
Cựu học sinh chuyên Toán trường THPT chuyên Bắc Giang, Bắc Giang – Hoàng Thế Anh xuất sắc vượt qua các đối thủ để giành danh hiệu nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 13. Với số điểm 285, Hoàng Thế Anh chinh phục chiếc vòng nguyệt quế danh giá và lên đường du học Úc vào năm 2014. Nhà vô địch Olympia năm thứ 13 – Hoàng Thế Anh lựa chọn chuyên ngành Viễn thông tại Đại học Kỹ thuật Swinburne.
Nguyễn Trọng Nhân (mùa 14)
Với suất học bổng giá trị 35.000 USD cùng chương trình trao cho nhà vô địch, Trọng Nhân cũng đã tiếp tục chinh phục tri thức tại Đại học Kỹ thuật Swinburne, chuyên ngành Kỹ sư phần mềm.
Văn Viết Đức (mùa 15)
Chủ nhân chiếc vòng nguyệt quế năm thứ 15 gọi tên Văn Viết Đức, đại diện trường THPT Thị xã Quảng Trị (Quảng Trị). Theo chân các nhà vô địch "leo núi" khác, Văn Viết Đức tiếp tục con đường học tập tại Đại học Kỹ thuật Swinburne, Australia ngành Kỹ sư Xây dựng bằng suất học tập trị giá 800 triệu đồng từ sân chơi Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 15.
Hồ Đắc Thanh Chương (mùa 16)
Thêm một Quán quân Olympia theo học trường Quốc học Huế gọi tên anh chàng Hồ Đắc Thanh Chương. Sau khi bước ra từ cuộc thi, Thanh Chương tiếp tục chứng tỏ sức học vượt trội khi giành 62,2 điểm với 7 môn tại kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017. Sau đó, anh chàng theo học chuyên ngành Kỹ sư ở nước Úc.
Mới đây, anh chàng đã chia sẻ cuộc sống du học khi từng làm nhiều công việc làm thêm như bồi bàn, phụ bếp, tăng đến 10 kg và hiện đang là gia sư trung tâm cho học sinh cấp 3 vượt qua kỳ thi THPT ở Úc.
Thanh Chương tâm sự: "Sau khi tốt nghiệp, mình muốn làm ở 1 công ty có môi trường năng động, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và tạo được những giá trị có ích cho cộng đồng. Vị trí công ty không quan trọng, ở Úc, Bỉ, Nhật hay Việt Nam thì mình mong muốn mang về nước tinh thần cũng như phong cách làm việc phương Tây mình đã học được".
Phan Đăng Nhật Minh (mùa 17)
Nhật Minh trở thành thí sinh nổi bật nhất cuộc thi khi được mệnh danh "cậu bé Google" có khả năng nhẩm kiến thức cực nhanh, hoàn thành chương trình lớp 11 khi chỉ mới học cuối cấp THCS. Anh chàng cũng một tay phá vỡ 3 kỷ lục danh hiệu: Thí sinh có điểm thi tuần cao nhất, Điểm thi phần Khởi động cao nhất và Điểm số cao nhất trong lịch sử 19 năm của Đường lên đỉnh Olympia.
Nhật Minh chọn theo học ngành Hóa học tại ĐH Kỹ thuật Swinburne. Sau đó, dự định sẽ học lên Thạc sĩ và Tiến sĩ.
Nguyễn Hoàng Cường (mùa 18)
Chủ nhân suất du học năm thứ 18 gọi tên Nguyễn Hoàng Cường đến từ trường THPT Hòn Gai (Quảng Ninh). Trong kỳ thi tốt nghiệp, 9X cũng gây bão khi giành 9,8/10 điểm môn tiếng Pháp và 53,4 điểm cho 6 môn thi. Theo chân anh chị, Hoàng Cường cũng chọn ĐH Kỹ thuật Swinburne làm điểm đến học tập.
Trần Thế Trung (mùa 19)
Thế Trung là Quán quân hiếm hoi hiện tại vẫn đang chờ thời gian du học. 10X từng tâm sự mong mọi người hãy hiểu cho những nhà vô địch không về nước.
"Bằng nhận thức của mình bây giờ thì mình rất mong muốn được trở về Việt Nam, một phần là vì tấm lòng của mình dành cho quê hương và gia đình, cũng một phần nữa là vì ngành mà mình học, theo suy nghĩ của mình sẽ rất có đất phát triển tại Việt Nam.
Trình độ phát triển của nước ta đang được cải thiện từng ngày, đặc biệt là trong những năm gần đây, chúng ta có tốc độ đi lên rất nhanh và trong thời đại 4.0 này, chúng ta phải nắm lấy cơ hội để đưa đất nước tiến xa hơn. Dự định của mình là như thế tuy nhiên dòng đời đưa đẩy nên mình sẽ không biết chắc được!".
Theo Pháp luật & Bạn đọc