Chị Lê Thị Phương, 35 tuổi, là nhân viên sale bất động sản ở Hà Nội, chi hơn 100 triệu đồng làm răng sứ tại một cơ sở thẩm mỹ nổi tiếng để cải thiện ngoại hình và tự tin hơn.

Ban đầu, người phụ nữ hài lòng với nụ cười mới, nhưng vài tháng sau, miệng có mùi hôi khó chịu, dùng nhiều cách cũng không cải thiện.

Chị Phương quay lại cơ sở thẩm mỹ để khiếu nại thì họ chỉ xử lý qua loa, không trị dứt điểm được vấn đề hôi miệng. "Khi tôi đến lần thứ ba, nhân viên yêu cầu tôi làm lại bộ răng mới hoặc họ sẽ tháo răng sứ ra", chị Phương nói.

Chị tìm đến bệnh viện thăm khám, các bác sĩ chỉ định tháo bỏ răng cũ để xử lý phần viêm lợi và bọc lại răng mới với mức chi phí gần 100 triệu đồng.

Tiêu sạch số tiền dành dùm cho bộ răng trước, chị Phương trắng tay không còn tiền làm răng mới nên đành ngậm ngùi sống chung với bộ răng "bốc mùi" của mình.

Chi cả trăm triệu làm răng để có nụ cười tự tin, ai ngờ bị hôi miệng, trầm cảm-1
Sau làm răng sứ miệng người phụ nữ xuất hiện mùi hôi khó chịu.

"Tôi không dám nói chuyện với chồng vì lúc đầu đi làm răng sứ anh đã phản đối, sợ gặp các biến chứng không mong muốn", người phụ nữ kể.

Cuộc sống của chị Phương đảo lộn hoàn toàn từ đây. Dù chị cố dùng mọi biện pháp như đánh răng thường xuyên, xịt thơm miệng, nhai kẹo nhưng vẫn không thể lấn át được mùi hôi miệng.

Chị cũng không dám giao tiếp với bạn bè, đồng nghiệp vì sợ bị chê cười. Cũng từ đây, chị mất ngủ kéo dài, lâu dần dẫn tới trầm cảm.

Thấy vợ khác lạ, chồng liền đưa đi khám tâm lý. Biết rõ mọi việc, anh liền đưa chị đến bệnh viện uy tín làm lại bộ răng mới.

TS.BS Trần Hồng Thu, Phó Giám đốc Bệnh viện Mai Hương, cho biết tình trạng của chị Phương là trường hợp điển hình của trầm cảm sau khi gặp phải biến cố trong cuộc sống.

“Những áp lực tâm lý như lo lắng, tự ti và mất ngủ kéo dài có thể dẫn đến trầm cảm nếu không được giải quyết kịp thời”, bác sĩ Thu nói.

Theo vị chuyên gia, vấn đề làm đẹp, cải thiện ngoại hình là nhu cầu chính đáng, nhưng cần tìm hiểu kỹ và chọn những cơ sở uy tín để tránh các biến chứng không mong muốn.

Bà Thu cho rằng sự hài lòng về ngoại hình có thể mang lại tự tin, nhưng nếu gặp phải biến chứng, chúng ta cần phải bình tĩnh và tìm cách giải quyết hợp lý thay vì để nó ảnh hưởng đến tinh thần.

BS.CKII Lê Văn Nam, chuyên khoa Răng Hàm Mặt - Phẫu thuật Tạo hình và Thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, nguyên nhân chính gây ra hôi miệng sau khi làm răng sứ có thể do kỹ thuật làm răng không đảm bảo, răng sứ không vừa khít với nướu hoặc do viêm nhiễm vùng miệng.

"Răng sứ thẩm mỹ không đảm bảo chất lượng có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng như viêm nhiễm nướu, hôi miệng và ăn nhai khó khăn. Việc này thường xảy ra do kỹ thuật làm răng không đúng hoặc sử dụng vật liệu kém chất lượng", bác sĩ Nam nói.

Vị bác sĩ khuyến cáo, khi gặp phải tình trạng hôi miệng hoặc các vấn đề khác sau khi làm răng sứ, bệnh nhân nên đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để được kiểm tra và điều trị kịp thời. Người bệnh cần tránh tự ý xử lý tại nhà vì có thể làm tình trạng trở nên tồi tệ hơn.

Việc làm răng sứ cần phải được thực hiện bởi các chuyên gia có kinh nghiệm và tại các cơ sở được cấp phép. Bên cạnh đó, sau khi làm răng, bệnh nhân cần duy trì vệ sinh răng miệng đúng cách, sử dụng chỉ nha khoa và nước súc miệng để loại bỏ mảng bám và vi khuẩn.

Chúng ta cần đảm bảo việc kiểm tra răng miệng định kỳ để phát hiện sớm các vấn đề.

Theo VTC News