Chị chồng ngang ngược tuyên bố với em dâu: “Nhà của bố mẹ tôi, tôi có quyền!”

Cô quyết định tâm sự với Cường, ai ngờ đâu lại bị chị chồng nghe được. Chị ấy liền gọi Liên ra, nói như tát nước vào mặt cô: “Đây là nhà của bố mẹ tôi, tôi có quyền”.

Mới chỉ về nhà Cường làm dâu mới mấy tháng mà Liên đã cảm thấy ấm ức, buồn phiền không sao tả xiết. Nguyên nhân không ở Cường, cũng chẳng phải ở bố mẹ chồng cô, mà lại chính ở người chị chồng không ở chung nhà của cô!
 
Khi Liên và Cường cưới được hơn 1 tháng thì chồng chị chồng cô phải đi công tác xa trong 4 tháng trời, cũng từ ấy mà gần như chị chồng và 2 cháu chồng di cư hẳn sang nhà bố mẹ đẻ ở, cũng chính là nhà Liên đang ở cùng bố mẹ chồng. Từ ấy mà bao nhiêu chuyện xảy ra khiến Liên muốn stress không thôi.
 


Chị chồng Liên mang 3 miệng ăn sang nhưng không hề có tí đóng góp nào, cũng không mua sắm gì tới, trong khi ấy chi tiêu sinh hoạt trong gia đình đều là vợ chồng Liên cáng đáng cả. Bố mẹ chồng cô cũng có lương hưu nhưng vợ chồng Liên bảo ông bà cất đi gửi tiết kiệm để phòng xa. Liên dù không vui nhưng cũng tặc lưỡi nghĩ thôi thì thêm đũa thêm bát, dù là cái thêm ấy là gấp đôi lượng ăn bình thường của nhà cô, với lại dù gì cũng là chị ruột của Cường, tính toán làm gì nhiều.
 
Nhưng thậm chí nhà hết dầu ăn, chị ấy không mua, đợi Liên về mới hồn nhiên bảo Liên: “Mợ đi mua dầu ăn đi, nhà hết rồi!”. Nhà hết gì, cần gì, chị ấy đều réo gọi Liên chứ nhất quyết không chịu bỏ ra xu nào. Chẳng những thế, lúc Liên ra ngoài còn nhờ Liên mua hết thứ này tới thứ kia cho bản thân rồi cho con, mà khi cô mang về thì mất hút chả thấy nói tới gửi lại tiền gì cả. Đến mức này thì Liên thực sự khó chịu, tuy vậy cô vẫn nhịn, không tỏ thái độ gì.
 
Nhưng nào chỉ là chuyện tiền nong, chị chồng tới ăn ở cùng mà chả mó tay vào giúp Liên được việc gì. Cơm nước, dọn dẹp nhà cửa vẫn 1 tay cô làm. Chị ấy đi làm về là tót lên phòng, con cái thì đùn cho mẹ đẻ, có khi còn nhờ Liên tắm cho chúng hộ. Đến bữa chị ấy mới thò mặt ra ăn cơm, ăn xong lại chui tọt vào phòng ôm điện thoại, ném ra một lí do: “Chị đang nói chuyện với anh Quang (tên chồng chị ấy)”. Chị ấy có thể kệ mặc được, nhưng nếu Liên cũng gan lì giống thế, không nấu cơm hoặc để bát đũa bẩn đấy thì người đầu tiên bị trách mắng chính là cô.
 
Có hôm Liên đi làm về, thấy nguyên một mâm bát đũa đầy hụ chưa rửa đang đợi mình. Hỏi ra mới biết, lúc trưa chị ấy rủ bạn về ăn cơm, ăn xong để đấy rồi đi làm, giờ về rồi nhưng còn ở tịt trong phòng chả biết làm gì. Vừa rửa bát vừa chuẩn bị nấu cơm mà Liên bực mình vô cùng. Dường như chị ấy coi cô là ôsin không công rồi còn đâu! Chứ không sao cô quên không cho quần áo của chị ấy vào máy giặt là đã bị nhắc ngay: “Mợ quên chưa cho quần áo của chị vào máy nhé, lần sau không được quên đấy!”. Rồi nếu cô mệt mà chưa đi nấu cơm được thì liền bị gọi ráo riết: “Muộn rồi đấy mợ, còn chưa nấu cơm à?”. Trên bàn ăn thì chê món nọ bĩu môi món kia không ngon, còn dặn Liên nhớ bữa sau làm món này món kia, toàn những món sang chảnh nhưng tiền thì tuyệt nhiên chẳng thấy đưa, nguyên liệu cũng không hề mua về.
 
Chị chồng chưa xong lại còn 2 bé nhà chị ấy nữa. Trẻ con đang tuổi hiếu động, Liên cũng hết sức thông cảm. Nhưng nếu chúng có nghịch quá mà cô nhắc nhở vài câu thì thể nào chị chồng cũng khó chịu không vui. Còn nếu cô không nhắc thì chả mấy chốc nhà sẽ thành bãi rác, và người phải đi sau dọn dẹp hậu quả chính là cô. Nhiều lúc cô không thể chịu nổi sự ồn ào, mệt mỏi ấy, nhưng lại chẳng dám nói ra. Bố mẹ chồng không ý kiến gì, cô nói ra có khi nào lại bị coi là hẹp hòi, ích kỉ, nhỏ nhen không nữa. Đành tâm niệm: “Còn ít tháng nữa thôi mà!”, rồi khóc thầm trong lòng thôi.
 
Bình thường thì thôi Liên cũng cố chịu, cố nhịn. Dù sao nếu có gì căng thẳng thì chị em trong nhà sau này khó nhìn mặt nhau. Nhưng cô lại vừa có bầu. Người mệt mỏi, nghén ngẩm đến ăn còn không nổi, lại còn bắt cô vừa đi làm vừa phục vụ cho từng ấy người thì cô thực sự chịu không thấu. Cô quyết định tâm sự với Cường, ai ngờ đâu lại bị chị chồng nghe được. Chị ấy liền gọi Liên ra, nói như tát nước vào mặt cô: “Đây là nhà của bố mẹ tôi, tôi có quyền về, ở đến lúc nào tôi không thích ở nữa thì thôi. Cô chẳng có cái quyền gì mà được ý kiến nhé! Là con dâu thì nên biết phận của mình đi nhé!”.
 
Nói thật, đến đây thì Liên thực sự nổi giận. Cô nhường nhịn, chịu đựng bao ngày nay là vì cô nghĩ cho hòa khí gia đình, là vì cô nghĩ chị chồng cũng không đến nỗi như thế, có lẽ hơi vô tâm tí thôi. Còn nếu đã nói cái kiểu vô lí và coi thường người khác như này, cô cũng sẽ không nhịn nữa.
 
Ngay ngày hôm sau, Liên lên công ty xin nghỉ phép. Hai năm nay cô chưa nghỉ phép, lại lấy cớ đang mang thai 3 tháng đầu mệt mỏi nên Liên xin nghỉ luôn 1 tháng. Cô cũng về thưa chuyện với bố mẹ chồng, cô xin về bên nhà đẻ chơi và dưỡng thai luôn. Nếu chị chồng đã nói đây là nhà bố mẹ chị ấy, chị ấy có quyền về và ở lúc nào thích, vậy mời chị ấy về tự phục vụ mình và gia đình, cô là con dâu chứ không phải ôsin, cô cũng chẳng mắc nợ gì chị ấy và gia đình chồng cả.
 
Y như rằng, khi Liên đi được 1 tuần thì Cường sang chơi với cô, cười bảo chị chồng chẳng thấy sang nữa rồi, mặc dù lúc chị ở đó Cường đưa cả tiền cho chị lo cơm nước. Liên cười nhạt, chẳng qua chị ấy được ăn ở không, lại có người phụ vụ tận răng thì chị ấy mới thiết tha về ở thế, chứ nếu về mà còn thêm việc mệt thêm thì báu gì, ắt hẳn thích ở nhà mình hơn rồi!

Theo Afamily/trí thức trẻ

Tin tức mới nhất