Chính phủ đồng ý các tỉnh, thành đang giãn cách có thể áp dụng cao hơn Chỉ thị 16

Thủ tướng quyết định thành lập Tổ công tác "đặc biệt" để xử lý, giải quyết ngay các vấn đề liên quan phòng, chống dịch Covid-19 tại TP.HCM và các tỉnh, thành phố phía Nam.

Thành lập tổ công tác đặc biệt phòng, chống dịch Covid-19

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết phiên họp Chính phủ chuyên đề về phòng, chống dịch Covid-19.

Theo đó, dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt là ở TP.HCM và Thủ tướng đã đồng ý áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 tại 19 tỉnh, TP phía Nam nhằm sớm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh.

Tuy nhiên, kỷ luật, kỷ cương trong chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch của một số cơ quan nhà nước và một bộ phận người dân chưa cao, chưa đúng quy định, hoạt động vận tải, lưu thông hàng hóa giữa các địa phương thực hiện giãn cách với các địa phương khác vẫn thiếu hụt và ách tắc cục bộ.

Việc cung ứng hàng hóa, nhất là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho nhân dân tại các địa phương thực hiện giãn cách có nơi, có lúc vẫn còn chưa thật sự chủ động, hiệu quả; việc phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương chưa thật chặt chẽ; một số địa phương chưa đáp ứng yêu cầu về năng lực phòng, chống dịch trên địa bàn.

Từ thực tế đó, Chính phủ yêu cầu Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, các bộ, ngành tăng cường chỉ đạo tập trung, thống nhất, chuyên sâu đối với TP.HCM và các tỉnh phía Nam ở cấp liên vùng.

Đồng thời tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao ý thức chấp hành của người dân, bảo đảm thực hiện chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn các biện pháp phòng, chống dịch theo Chỉ thị 16, đặc biệt có thể thực hiện giãn cách xã hội ở mức cao hơn đối với các địa bàn có diễn biến dịch tễ phức tạp tại một số địa phương; với mục tiêu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết.

Chính phủ cũng quyết nghị thành lập tổ công tác "đặc biệt" của Chính phủ, đặt tại TP.HCM.

Chính phủ đồng ý các tỉnh, thành đang giãn cách có thể áp dụng cao hơn Chỉ thị 16-1
Quang cảnh phiên họp Chính phủ. Ảnh: Nhật Bắc.

Thủ tướng cũng ban hành quyết định thành lập tổ công tác "đặc biệt" dưới sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 để xử lý, giải quyết ngay những nhiệm vụ, các vấn đề cấp bách, phát sinh trong phòng, chống dịch tại TP.HCM và các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội.

Tổ công tác do Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Minh Lương làm Tổ trưởng. Tổ phó là Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng và Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 trực tiếp chỉ đạo hoạt động của tổ công tác theo thẩm quyền; vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng.

Các thành viên là thứ trưởng các bộ, thực hiện quyền hạn của bộ trưởng trong việc trực tiếp giải quyết các vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của bộ mình.

Đồng thời, phối hợp với các thành viên Tổ công tác để thực hiện công tác điều phối chung của Tổ và thực hiện sự chỉ đạo, điều hành của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.

Mua sắm phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách

Nghị quyết của Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan ban hành danh mục mua sắm tập trung đối với các sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế… phục vụ phòng, chống dịch.

Căn cứ tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, yêu cầu bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết, việc đầu tư, mua sắm sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế... kịp thời, hiệu quả là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách trong phòng, chống dịch hiện nay, được áp dụng quy định về mua sắm tại các Điều 22 và Điều 26 Luật đấu thầu.

Nghị quyết giao Bộ Y tế chủ trì, cùng các Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp... dưới sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, khẩn trương hoàn thiện cơ chế, dự toán kinh phí mua sắm trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế, hoàn chỉnh Tờ trình và Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về cơ chế mua sắm phục vụ phòng, chống dịch Covid-19, trình Chính phủ xem xét, ban hành.

Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao ý thức và sự chấp hành Chỉ thị 16, không tụ tập đông người, hạn chế việc đi lại, không ra khỏi nhà nếu không có việc thật sự cần thiết...

Các cơ quan, đơn vị tăng cường làm việc trực tuyến, bố trí người đi làm luân phiên tại công sở không quá 50%.

Nghị quyết nêu rõ, việc thực hiện các yêu cầu giãn cách xã hội theo Chỉ thị của Thủ tướng vừa là trách nhiệm, nghĩa vụ, vừa là quyền lợi của mỗi người dân. Các trường hợp vi phạm đều phải được xử lý nghiêm.

Chính phủ cũng yêu cầu tập trung, ưu tiên nguồn lực cao nhất cho hoạt động phòng, chống dịch tại TP.HCM với các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội.

Chính phủ đồng ý các tỉnh, thành đang giãn cách có thể áp dụng cao hơn Chỉ thị 16-2
Ảnh minh hoạ: Việt Hùng

Tăng cường các lực lượng chuyên môn, chuyên gia, kể cả chuyên gia độc lập bảo đảm đánh giá, nắm chắc và dự báo đúng tình hình, nguy cơ diễn biến dịch bệnh để có biện pháp ngăn chặn, kiểm soát phù hợp, khả thi, hiệu quả.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, lãnh đạo, chỉ đạo phải thống nhất ở tầm quốc gia, nhưng các bộ, ngành, địa phương phải chủ động, thường xuyên trao đổi với nhau để thống nhất các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là kiểm soát người, hàng hóa, phương tiện đi, đến giữa các địa phương, bảo đảm phối hợp chặt chẽ, thông suốt, hiệu quả.

Các địa phương không tự ý đặt ra "giấy phép con" làm ách tắc, cản trở việc lưu thông hàng hóa và người thi hành công vụ.

Cùng với đó, tập trung đẩy nhanh và thực hiện có hiệu quả chiến lược vaccine, trong đó tăng cường tiếp cận đa dạng các nguồn vaccine để mua được nhiều vaccine nhất có thể trong thời gian sớm nhất. Đẩy nhanh tiến độ chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước. Tổ chức chiến dịch tiêm vaccine bảo đảm kịp thời, an toàn, hiệu quả.

Để triển khai công việc có hiệu quả, Chính phủ phân công rõ trách nhiệm cụ thể của từng bộ trưởng.

Trong đó, Bộ trưởng Y tế có trách nhiệm chuẩn bị kịch bản cao hơn để không bị động, lúng túng, chuẩn bị kỹ các phương án ứng phó theo từng cấp độ dịch bệnh có thể xảy ra. Tuyệt đối không để thiếu bệnh viện, trang thiết bị y tế nhất là oxy, máy thở.

Đồng thời, Bộ trưởng Y tế cần có hướng dẫn bằng văn bản việc thực hiện rút ngắn thời gian cách ly tập trung đối với người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19; khẩn trương hướng dẫn phân loại các trường hợp F0, F1, F2 để có biện pháp quản lý phù hợp, khoa học, chặt chẽ, hiệu quả.

Đặc biệt, Chính phủ lưu ý Bộ trưởng Y tế chú trọng chỉ đạo thực hiện chiến dịch tiêm vaccine bảo đảm kịp thời, an toàn, hiệu quả.

Theo Doanh nghiệp & Tiếp thị

Xem link gốc Ẩn link gốc https://doanhnghieptiepthi.vn/chinh-phu-dong-y-cac-tinh-thanh-dang-gian-cach-co-the-ap-dung-bien-phap-cao-hon-chi-thi-16-161212107092152585.htm

giãn cách xã hội COVID-19

Tin tức mới nhất