Tôi 37 tuổi, đã có chồng và 2 con nhỏ. Vợ chồng tôi cùng quê, cùng học chung một trường đại học rồi bén duyên cùng xây dựng gia đình.
Suốt gần 10 năm về chung một nhà, chúng tôi cứ lao mình vào làm việc, kiếm tiền không ngừng nghỉ nên giờ cũng có chút gọi là thành quả sau bao cố gắng.
Hai vợ chồng đã có nhà, có xe và một cuộc sống được coi là đủ đầy nơi thành thị. Dĩ nhiên, để lo cho tương lai của các con sau này, chúng tôi vẫn còn phải phấn đấu nhiều hơn nữa.
Mặt khác, ngoài cuộc sống trên thành phố, chúng tôi còn phải lo cho bố mẹ chồng ở quê. Ông bà đều đã ngoài 70, sức khỏe lại không tốt, thường xuyên đau ốm phải đi viện.
Con dâu ấm ức khi biết mẹ chồng vay tiền của mình đưa cho ai. Ảnh minh họa.
Nhà chồng tôi có 3 người con, chồng tôi là con thứ 2. Trong 3 anh em, chồng tôi được coi là có kinh tế nhất. Vì vậy, dù là con thứ nhưng anh luôn phải thay anh cả gánh vác nhiều trọng trách trong gia đình. Hay nói đúng ra, anh cả và chú út luôn lấy cớ nhà nghèo nên ỉ lại toàn bộ cho nhà tôi phải lo.
Vài năm trước, bố mẹ chồng sửa nhà, tôi đích thân phải đi rút 300 triệu đưa cho ông bà lo việc trong khi gia đình anh chồng và em út không hề có ý định muốn chung tay giúp bố mẹ.
Rồi lần nào bố mẹ chồng ốm đau phải đi viện, tôi cũng là người phải đứng ra lo toàn bộ viện phí, thuốc men, thậm chí phải thuê người chăm sóc trong lúc ông, bà ở lại nhà tôi theo dõi vài tuần.
Những lúc như thế, tôi không nhận được bất kỳ sự hỏi han, quan tâm nào đến từ chị, em dâu trong nhà trong việc cùng san sẻ trách nhiệm với bố mẹ chồng.
Dĩ nhiên, tôi kể ra không phải để tính toán thiệt hơn chuyện phải có trách nhiệm với nhà chồng nhưng sống với anh, chị em nhà chồng không biết điều cũng khiến tôi không được thoải mái.
Họ có thể không góp tiền nhưng có thể góp sức hoặc chí ít là hỏi thăm tôi vài câu cũng được. Thế nhưng, tất cả đều là sự lạnh lùng đến đáng sợ. Có chăng, tôi được vợ chồng anh cả và nhà chú út hỏi thăm là lúc họ đến vay tiền hoặc nhờ chúng tôi giúp đỡ.
Trải qua vài lần cho anh chị em nhà chồng vay tiền nhưng không nhận được hồi âm, tôi dần dần rút kinh nghiệm, nhất quyết không dây dưa gì đến chuyện tiền bạc nữa. Vậy là tôi bị nói xấu khắp nơi rằng giàu có nhưng keo kiệt, không chịu giúp đỡ anh em trong nhà dù họ đang gặp khó khăn.
Và chuyện tôi muốn tâm sự lần này cũng liên quan đến vấn đề tiền bạc. Nó khiến tôi đang rất khó chịu, chưa biết giải quyết như thế nào.
Tuần trước, mẹ chồng gọi điện hỏi vay tôi 500 triệu với lý do có việc gấp cần dùng đến. Tuy nhiên, khi tôi hỏi việc gì, bà lại vòng vo mãi không nói được. Ngay cả khi chồng tôi hỏi, mẹ chồng cũng nhất quyết không tiết lộ. Cuối cùng, trước sự thúc giục của mẹ chồng, tôi đành rút tiền tiết kiệm về đưa cho bà nhưng trong lòng cũng còn nhiều khúc mắc.
Thế nhưng, chỉ sau đó vài ngày, tôi sốc khi biết mẹ chồng vay tiền của chúng tôi để đưa cho ai.
Qua một người họ hàng ở quê, tôi được biết đợt vừa rồi anh chồng và em trai anh rủ nhau vào trò cá độ bóng đá mùa Euro. Hậu quả, cả hai cùng thua đậm dẫn đến nợ nần khắp nơi.
Biết chắc nếu hỏi vay vợ chồng tôi để trả nợ thua cá độ, tôi sẽ không giúp. Vậy là cả hai cùng đến "ăn vạ" mẹ đẻ, bắt bà đứng ra vay tiền cho. Và rồi bọn họ đã đạt được mục đích khi tôi không biết nên đã đưa tiền.
Thậm chí tôi còn được kể, nhà anh cả và chú út sau khi có tiền vẫn tiếp tục chơi bời mà chưa có dấu hiệu dừng lại.
Biết tiền mồ hôi công sức của vợ chồng mình rơi vào túi những người ham chơi, lười làm, suốt ngày ỉ vào người khác khiến tôi ấm ức không yên.
Tôi biết mẹ chồng đáng thương khi có 2 người con cùng "báo nhà" như vậy nhưng tôi cũng giận bà, tại sao lại dung túng, tiếp tay cho hành động xấu như thế. Lẽ ra bà nên cứng rắn bắt họ phải tự gánh chịu những gì mình đã gây ra.
Hà cớ chi, họ chơi còn chúng tôi phải bỏ tiền ra để trả nợ thay. Như thế có quá bất công với vợ chồng tôi hay không? Rồi sau này, ai sẽ là người trả chúng tôi số tiền đó?
Càng nghĩ tôi càng tức. Tôi nên làm thế nào trong trường hợp này đây?
Theo Sức Khỏe Và Đời Sống