Chó nhà nuôi chưa tiêm phòng dại cắn nát mặt bé trai 5 tuổi ở Sơn La

Bé trai có nhiều vết thương lớn ở đầu và má trái, tổn thương nghiêm trọng, phải nhập viện cấp cứu khẩn cấp.

Ngày 6/6, bác sĩ Trịnh Xuân Quân - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sơn La cho biết, trên địa bàn vừa xảy ra vụ bé trai T.V.H., 5 tuổi (trú tại Chiềng Đen, TP. Sơn La) bị chó nhà nuôi cắn bị thương.

Sự việc xảy ra vào sáng cùng ngày, khi bé H đi từ nhà xuống dưới sân vô tình giẫm phải con chó và bị con vật quay lại tấn công vào mặt, trán và đỉnh đầu (tổn thương độ III). Con chó này chưa được tiêm phòng dại.

Ngay sau khi phát hiện sự việc, bé H. được gia đình đưa tới cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La. Bé được sơ cứu vết thương rồi tiếp tục được chuyển sang Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để tư vấn và điều trị dự phòng bệnh dại.

Bác sĩ Quân cho biết, bệnh nhi được tiêm phòng vaccine, huyết thanh kháng dại và đang được theo dõi điều trị tại bệnh viện.

Chó nhà nuôi chưa tiêm phòng dại cắn nát mặt bé trai 5 tuổi ở Sơn La-1
Bé H. bị chó nhà nuôi tấn công. (Ảnh: BSCC)

Trước tình trạng nhiều trẻ em bị chó nhà nuôi tấn công bị thương, bác sĩ khuyến cáo các gia đình nuôi cho mèo cần ý thức trông giữ vật nuôi, tránh thả rông. Khi chó ra đường phải được đeo rọ mõm, không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.

Làm gì khi bị chó cắn?

Bước 1: Vệ sinh vết thương

Sau khi bị chó cắn, việc đầu tiên cần làm là vệ sinh vết thương, bao gồm: rửa vết thương bằng nước thường, tốt nhất là rửa trôi dưới vòi nước chảy, gần cống nước chảy để các chất bẩn theo cống thoát đi, không bị đọng lại trên sàn tắm.

Không rửa chân trong chậu, nếu không có vòi nước có thể dùng gáo múc ra để rửa. Sau đó rửa vết thương bằng xà phòng. Bởi xà phòng có thể làm rửa trôi vết bẩn và làm tan một phần virus.

Tiếp tục bôi cồn I-ốt vào vết thương để sát khuẩn, nếu không có cồn có thể dùng rượu trắng. Cách làm này sẽ làm giảm thiểu tối đa virus xâm nhập vào cơ thể qua vết cắn. Theo các bác sĩ, nếu xử lý tốt bước này, sẽ có tỷ lệ giảm tới 50% nguy cơ bị nhiễm bệnh dại từ động vật.

Bước 2: Tiêm phòng dại

Sau khi bị chó nghi bị dại cắn, nạn nhân cần đi tiêm phòng vaccine dại càng sớm càng tốt mà không cần phải theo dõi con vật.

Nếu vết máu gần vị trí thần kinh trung ương thì phải tiêm cả huyết thanh kháng dại càng nhanh càng tốt. Với vết thương nhẹ, xa thần kinh trung ương thì chỉ cần tiêm vaccine dại. Khi đi tiêm, bác sĩ sẽ tư vấn cụ thể cho từng trường hợp.

Thời gian tiêm phòng theo lộ trình người bệnh cần theo dõi từng biểu hiện của con chó. Khi có những dấu hiệu bất thường, cần gặp ngay bác sĩ để được trợ giúp.

Tuyệt đối không làm những điều sau

Để đảm bảo xử lý đúng phương pháp khi bị chó cắn, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương khuyến cáo người dân cần tuyệt đối không làm những điều sau:

- Không dùng thuốc Nam, đặc biệt là sát lá, đắp vào vết thương.

- Không sử dụng xăng dầu, dầu hỏa bôi lên vết thương.

- Không thử dại bằng Đông y.

- Không chữa bệnh dại bằng Đông y hay thuốc Nam.

- Lưu ý tuyệt đối không được bóp hay nặn máu ra và không băng kín vết thương.

Theo VTC


chó cắn

Tin tức mới nhất