Chủ tịch nước: Khẩn trương minh oan, đền bù cho ông Nguyễn Thanh Chấn

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chỉ đạo các ngành tố tụng Trung ương khẩn trương minh oan, đền bù và khôi phục quyền lợi hợp pháp cho ông Nguyễn Thanh Chấn,

đồng thời xử lý nghiêm minh sai phạm của tập thể, cá nhân đã điều tra, truy tố, xét xử oan.


Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong một lần trả lời báo chí tại Quốc hội
 
Văn phòng Chủ tịch nước vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) Tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao chỉ đạo quyết theo đúng quy định pháp luật, “khẩn trương minh oan, đền bù, khôi phục quyền lợi hợp pháp cho người bị oan”.
 
Chủ tịch nước cũng yêu cầu lãnh đạo các cơ quan tố tụng chỉ đạo điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm minh người phạm tội và những sai phạm của tập thể, cá nhân thuộc các cơ quan tiến hành tố tụng đã điều tra, truy tố, xét xử oan đối với ông Nguyễn Thanh Chấn và báo cáo Chủ tịch nước kết quả giải quyết.
 
Trước đó, tại cuộc họp báo do VKSND Tối cao tổ chức sáng 5-11, ông Vũ Đăng Khoa, Cục trưởng Cơ quan điều tra thuộc VKSND Tối cao cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Lý Nguyễn Chung (SN 1988, trú tại xã Nhượng Bạn, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) về tội Giết người và Cướp tài sản.
 
Cơ quan điều tra cũng đã ra quyết định bắt khẩn cấp đối với ông Lý Văn Chúc - bố của Chung - về hành vi đe dọa giết người (từng đe doạ giết nhân chứng nếu nói ra sự việc ông Chấn bị oan và kẻ giết người thực sự là Chung - PV).
 
Cũng trong ngày 5-11, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã tiến hành bàn giao hồ sơ các đối tượng trên cho Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an để điều tra, xử lý theo thẩm quyền.
 
Đối với các sai phạm trong hoạt động tư pháp, Cơ quan điều tra của VKSND Tối cao sẽ tiếp tục làm rõ.
 
Như Báo Người Lao Động đã đưa tin, ngày 4-11-2013, Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình ký quyết định kháng nghị tái thẩm bản án đối với ông Chấn. Cùng ngày, Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Hữu Thể ký quyết định tạm đình chỉ thi hành án đối với phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn.
 
Trong ngày 4-11, ông Nguyễn Thanh Chấn được trả tự do sau 10 năm thụ án tù chung thân về tội danh Giết người.

Ông Nguyễn Thanh Chấn: Điều tra viên “dạy” thực nghiệm hiện trường theo kịch bản định sẵn

Ngày 5.11, kể về quãng thời gian từ khi bị bắt cho tới khi đi trại giam cho phóng viên Báo Lao Động, ông Nguyễn Thanh Chấn vẫn không khỏi “giật mình” khi nghĩ về quãng thời gian này.

Ông Nguyễn Thanh Chấn: Điều tra viên “dạy” thực nghiệm hiện trường theo kịch bản định sẵn
Ông Chấn thắp hương tạ tổ tiên

Đến ngày hôm nay, mặc dù đã được về nhà, ở với vợ con nhưng ông Chấn vẫn không quên cảm giác những ngày ông bị ép cung. Ông Chấn kể: “Có cán bộ thì hỏi, người tay cầm dao, lăm lăm đe doạ, có người còn cầm búa giơ lên dọa nếu không khai thì cho chết. Khi bị tạm giam, có đêm tôi bị chuyển 3 - 4 buồng. Trong hơn 1 tuần không được ngủ nên đầu óc quay cuồng, lâng lâng, không còn muốn phản kháng nữa”.

Thậm chí, ông Chấn còn bị “đầu gấu” là phạm nhân cùng buồng đánh. “Vào buồng của phạm nhân Phạm Duy Hồng còn bị tên này đánh, dùng dép đánh vào 2 mang tai sau đó bắt hát” – ông Chấn bức xúc. Sau khi bị đe dọa, ép cung thì ông Chấn được điều tra viên đọc cho viết đơn xin thú tội và đọc cả nội dung viết thư về cho vợ là chị Chiến.

Cũng ở tòa án cả hai phiên sơ thẩm và phúc thẩm, anh đều kể lại câu chuyện mình bị ép cung trước toà xong đều không được xem xét. “Để thực nghiệm hiện trường, các điều tra viên cho 1 tù nhân giả cô Hoan. Cán bộ còn đưa cho lúc cái thìa, khi cái lược để giả làm hung khí. Tôi phải tập nhiều lần cho đến khi thành thạo. Sau đó họ đưa đến một nhà dân để thực nghiệm hiện trường, bắt tôi diễn lại và quay phim” – ông Chiến kể.

Để làm rõ sự việc, phóng viên Lao Động đã tìm gặp luật sư Nguyễn Đức Biền (người trước đây là luật sư bào chữa cho ông Chấn ở hai phiên toà sơ thẩm và phúc thẩm, hiện là hiệu phó một trường trung cấp nghề ở Bắc Giang) để tìm hiểu rõ ngọn ngành.

Trao đổi với phóng viên, ông Biền kể: “Tại tòa, anh Chấn kêu oan, bị ép cung. Song trong hồ sơ lại thực nghiệm hiện trường thuần thục. Tôi hỏi anh không thực hiện hành vi tội phạm sao lại thực hiện thành thục vậy thì anh Chấn trả lời là do điều tra viên dạy thực nghiệm”. Ngoài ra, là luật sư toà chỉ định, khi nghiên cứu hồ sơ và trực tiếp tham gia phiên xét xử, luật sư Biền một mực khẳng định chứng cứ buộc tội rất lỏng lẻo, tất cả chưa thuyết phục.

Một trong những chứng cứ quan trọng là tại hiện trường có dấu vết chân và ướm vết chân anh Chấn thấy phù hợp. Tuy nhiên, dấu chân thì đâu phải là vân. Với những người có khổ bàn chân na ná nhau, ướm vào nhau vẫn vừa nên chứng cứ này cũng không thuyết phục. Hơn nữa, thời điểm xảy ra vụ việc đó có người chứng kiến là anh Chấn đến đó gọi điện nhờ cho ai đó và đã xác định được cuộc gọi đó do anh Chấn gọi. Đó là một chứng cứ ngoại phạm. Ngoài ra, theo cáo trạng, sau khi VKS cho rằng để lại hiện trường 1 lưỡi con dao và chuôi con dao Chấn mang về vứt ở một bãi sắt. Song cơ quan điều tra cũng không thu thập được chuôi con dao này và luật sư đã trực tiếp đến nơi cáo trạng viết để hỏi xong không hề có chuôi dao này. 

Theo Người Lao Động/Lao động

Tin tức mới nhất