Chùm ảnh khiến bạn cảm nhận được thế nào là hạnh phúc khi có "gia đình" bên cạnh

Đó là tập hợp những câu chuyện khác nhau của những số phận không giống nhau.

Chúng chỉ có một điểm chung duy nhất, đó là đều thấp thoáng hình bóng của tổ ấm, mái nhà, của những người đã gắn bó máu thịt với nhân vật và gợi cho mỗi người trong chúng ta rất nhiều cảm xúc.

Dưới đây là những bức ảnh chứa đựng những thông điệp ý nghĩa mà We Are Family “lượm lặt” được từ fanpage Humans Of Hanoi. Với những người đó, gia đình là thứ vốn dĩ đã vẹn tròn, là thứ "tài sản" đã thuộc về mình ngay từ khi sinh ra, không cần tranh đấu cũng có được. Vậy nên họ không cần thấu hiểu, không cần nâng niu, không cần tìm cách gìn giữ. Phải đến khi sóng gió ập đến, khiến nơi bình yên đó khuyết vỡ, người ta mới cảm nhận được rằng mình đã từng rất hạnh phúc bên người thân.

“Anh làm than cả ngày, mệt thì mệt thật mà chỉ cần về ăn cơm nhà là lại thấy khoẻ ra ngay.” Thì ra “cơm nhà” lại là thứ thần dược kỳ diệu đến như vậy! Về ăn cơm với gia đình, mọi vướng bận, toan tính, mỏi mệt, bon chen người ta đều có thể quên đi hết.

“Quyết định thay đổi cuộc sống của mình thì chưa có vì cơ hội chưa đến. Bố mình mất sớm, nhà chỉ còn mẹ và chị gái. Mình lại đi làm xa nhà thế này nên hạnh phúc đơn giản chỉ là mong ước tối nào cũng được về quây quần bên gia đình thôi." Trong khi có rất nhiều người vô tư để ba mẹ chờ cơm hàng tối thì lại có những bạn trẻ chỉ mong được bay ngay về nhà quây quần cùng gia đình như thế này.

"Tôi hốt hoảng khi bác sĩ thông báo mình có thai sau một thời gian làm nghề mại dâm. Hoang mang khi không có ai bên cạnh, hoang mang không biết khi mình sinh con ra thì lấy gì để nuôi con. Tôi cảm giác như bước vào đường cùng nhưng vì con tôi vẫn phải sống, dù có ngửa tay đi ăn xin hay ốm đau như thế nào tôi vẫn phải nuôi con mình bằng được. Tôi nghĩ rằng, tôi sẽ không tiếp tục làm nghề này nữa vì sợ hại thai. Tôi vừa vay bạn tôi 200 nghìn để mua cái làn, ít cốc, phích nước và định mở quán nước kiếm tiền sống qua ngày. Hy vọng, sẽ tiết kiệm đủ tiền về quê cho kịp trước ngày sinh." Đây là câu chuyện của một cô gái làm nghề mại dâm. Cô đã “quay đầu” khi biết mình vừa được trao cho một thiên chức mới: làm mẹ.

"Mình có cảm giác như cái tư tưởng chăm sóc người thân của mình cũng như tất cả mọi người nó hơi khó khăn. Kiểu như bây giờ tự nhiên mình về nói: Bố mẹ ơi, con yêu bố mẹ nhiều lắm, đôi khi cảm giác câu nói cứ nghẹn ở cổ và rất khó có thể bật ra dù trong lòng mỗi người con thì chắc chắn đó là điều dĩ nhiên. Năm 2012 là năm đầu tiên mình tổ chức sinh nhật cho mẹ mình. Mẹ mình hơn 40 tuổi rồi và ở độ tuổi này tổ chức sinh nhật là một điều gì đó khá xa xỉ, đặc biệt lại là ở một vùng quê. Năm ngoái thì mình gọi cả anh trai và mọi người cùng tự nấu cơm - ăn uống mừng sinh nhật mẹ nữa. Những điều này thực sự đơn giản và hạnh phúc và mình cảm thấy thật tuyệt vời khi năm nào cũng về quê tổ chức sinh nhật được cho mẹ."

"Tôi là một bà mẹ nhiễm HIV, và sự kỳ thị căn bệnh này đã lấy của tôi đi tất cả từ bạn bè, gia đình cho tới cả con đẻ của mình. Con trai tôi năm nay 12 tuổi, cháu sống với bà. Cháu nhớ tôi lắm, mỗi khi gọi điện, nó lại khóc nức nở: Mẹ ơi, mẹ về với con đi. Điều này khiến tôi luôn khao khát được đến gặp cháu nhưng bà nội của nó không cho tôi đến vì tôi sợ lây bênh cho cả gia đình của bà.” Còn gì đau lòng hơn khi tình mẫu tử bị ngăn cách bởi căn bệnh thế kỷ HIV và sự kỳ thị, ghẻ lạnh của những người thân còn lại trong gia đình.

“Hồi trước nhà nghèo quá nên phải làm thuê từ năm lớp 10, lúc đó anh chị cũng làm bánh như này. Một người làm bánh sinh nhật, một người làm bánh mỳ, làm thuê cùng tiệm xong quen nhau thôi. Rồi anh chinh phục người ta, may là anh chẳng mất cái gì, chị mày tự đổ. Nhưng cũng mãi về sau, đến hết năm lớp 12 mới lấy nhau em ạ. Nghĩ bụng làm thuê mãi chẳng khá lên được nên hai vợ chồng quyết mở tiệm bánh cùng nhau. Ban đầu cũng khó khăn, suốt ngày như chó với mèo. Nhưng mà cái chuyện đó qua nhanh vì vợ chồng tình cảm, ở với nhau và hiểu tính nhau rồi nên mọi thứ cho qua được. Giờ điều anh mong muốn nhất là mẹ tròn con vuông thôi.” Thuận vợ thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn!

"Chú ơi, chú đứng gọn vào cho bà còn đưa em về nhà nào. Trời nắng quá!"

“Cháu biết không? Trước đây hai ông bà học cùng trường đại học và hồi đó bà được nhiều người theo đuổi lắm nhưng chắc là do ông may mắn mới cửa đổ được bà đấy!” Thì ra hạnh phúc chẳng khó kiếm tìm. Chúng ta chỉ cần trân trọng chính những gì mình có.


“Tối nào, cứ khi đẹp trời là hai bố con lại cùng nhau ra đây chơi, con hát thì bố hát, con múa thì bố múa cùng, giờ không chiều con gái rượu của mình thì chiều ai vào đây nữa?” Chẳng biết các ông bố có đúng là "tình nhân kiếp trước" của con gái hay không, chỉ biết rằng kiếp này họ sẵn sàng làm tất cả mọi điều vì “công chúa nhỏ” của mình.

“Chị sinh năm 1987 mắc chứng tim bẩm sinh từ nhỏ, chân tay cứ tím tái đi, run rẩy không làm gì được, cũng ở nhà suốt vì đi lại một tí lại mệt.” Chị ngã, em nâng!

“Nếu mà cứ ở quê mãi thì cô lấy đâu ra tiền mà trả tiền cho đứa này ăn học. Tranh thủ mấy ngày nghỉ lễ, hai mẹ con lên Hà Nội kiếm ít tiền để trang trải cuộc sống, chứ chẳng ai muốn để con đi bán kẹo thế cả. Thấy nó vất vả cô cũng thương nó lắm.” Vì con, mẹ sẵn sàng làm tất cả mọi điều!

“Ông ngồi đây để chờ người ta mang cơm đến. Cơm thì mấy đứa con ông đặt theo tháng rồi, hàng ngày cứ đến giờ này thì ra đây ngồi đợi người ta mang đến thôi. Ông thường hay đi một mình bởi ông thương bà lắm! Bà già yếu rồi, nhỡ đi ra đây trúng gió về ốm còn khổ hơn.” Phụ nữ hơn nhau ở tấm chồng! Đi suốt chiều dài cuộc đời, người ta chỉ mong có thể tìm được một người bạn đời yêu thương và chăm lo cho mình như thế.


“Chiến đấu ở trên Điên Biên hồi 18 tuổi, bà gặp ông và cưới nhau ngay tại chiến hào. Nghèo lắm, không có váy tầng váy lớp như chúng mày bây giờ đâu, chỉ có anh em với vài gói kẹo, vài bao thuốc rồi sau một tràng pháo tay là cưới. Thế là cứ ở bên nhau từ đấy đến bây giờ, bà 101 tuổi rồi!. Hai năm trước, thằng con đánh cả ông, giành sổ đỏ nhà ông, thế là ông bà đành dắt nhau lên Hà Nội làm nhặt rác với cả ăn xin, đến đêm thì ngủ tại đây. Rồi ông cứ ho và sốt, đúng một tuần là ông mất. Bây giờ, bà mang di ảnh ông ra đây, để bên bà vì ông mất đi rồi làm bà nhớ ông lắm, lúc ăn cũng nhớ, lúc ngồi cũng nhớ, lúc nào cũng nhớ cháu ạ. Bây giờ, bà chẳng sợ cái chết, nếu ông trời có mang bà đi, bà sẽ thanh thản vì thế sẽ được về với ông.” Trong câu chuyện của bà, một lời trách móc con cái cũng không có. Vì tất cả những gì bà muốn bộc bạch đều tập trung về ông hết cả rồi!

Điều cô tự hào nhất chính là các con của cô. Đổi bằng vàng cũng không bằng tình cảm của chúng dành cho cô đâu! Hồi nhỏ, ở lớp con trai cô tổ chức học thêm, có mỗi con cô là không đăng ký. Khi cô giáo trách, cậu con trai mới tâm sự rằng: “Con thưa cô, nhà con nghèo, bố mẹ con làm công nhân, em gái lại hay ốm nên con không muốn bố mẹ con phải vất vả trả thêm tiền học cho con ạ.” Cũng may từ bé đến lớn, hai đứa chăm chỉ và chịu khó học lắm. Con trai cô mới ra trường và đang ở bên Malay làm kiến trúc sư. Dù cuộc sống có đắt đỏ thế nào nhưng cu cậu vẫn cố gắng gửi chút tiền về cho mẹ và lúc nào cũng dặn:“Mẹ dùng tiền đấy mà tiêu, không phải tăng ca để kiếm tiền nuôi em nữa đâu.” Người mẹ này đã có được phần thưởng tuyệt vời nhất cho những nỗ lực của mình, đó chính là sự hiếu thuận của con cái.


“Bố toàn đánh mẹ mỗi lần uống say. Bố bảo em đi mua rượu để uống tiếp; em thương mẹ nên nhất quyết không mua rồi bố đánh luôn cả em. Em không chịu nổi nữa nên bỏ nhà lên Hà Nội đi lang thang như thế này. Em lên đây rồi mới thấy sống ở ngoài đường không đơn giản, em mới 14 tuổi nên chẳng ai nhận vào làm. Ban ngày em ngồi ở ghế đá mà không dám ngủ, chợp mắt một tí rồi lại dậy vì sợ ai đấy đến bắt mình. Bây giờ em chẳng phải biết làm sao nữa. Nhớ nhà nhưng cũng chẳng dám về nên không biết đi đâu.”

“Gia đình bác lúc nào cũng đầm ấm hòa thuận. Hạnh phúc của bác chính là điều ấy. Năm 2000 bác đi bước nữa nên rất may mắn rằng ba mẹ con sống êm đềm, vợ bác yêu thương cả hai em như nhau.” Biết trân trọng những gì mình có thì nhất định sẽ hạnh phúc!

“Mẹ cháu mãi mà chưa đón cháu về!” Sau này nhìn lại bức ảnh ngộ nghĩnh này, em sẽ cảm thấy mình may mắn biết bao!

“Em nghỉ hè chưa? Năm nay được học sinh gì đấy? Câu sau không muốn trả lời cũng được không sao cả.
- Em được nghỉ rồi nên trưa nắng mới trốn ra đây đá cầu này. Em bị học sinh trung bình ạ. May kiểu gì bố mẹ đi họp về không đánh đòn.”
Có ai thấy tuổi thơ dữ dội của mình trong câu nói của cậu bé này không nhỉ?

- HOHN: Các em thích điều gì nhất?
- Huy & Hoàng: Học ạ!
- Mẹ nuôi: Hai thằng bé này sinh đôi mắc chứng bệnh tăng động giảm trí nhớ, một thằng thì lại bị thêm hở hàm ếch nữa. Cho hai đứa đi học lớp 1 mấy lần rồi nhưng không học được thế là giờ chỉcho đi mẫu giáo được thôi. Bố mẹ chúng nó ở quê, thấy không nuôi được nên mẹ nó bỏ đi lâu rồi..."
Hóa ra "gia đình" nhiều khi không cần phải được hình thành từ các mối quan hệ huyết thống, quan trọng là con người ta thực sự yêu thương và thông cảm cho nhau.


“Gia đình là điều tuyệt vời nhất” - câu nói đó hẳn là bất kỳ ai cũng thuộc nằm lòng. Dù vậy, có rất nhiều người mới chỉ dừng ở việc lặp đi lặp lại ý niệm đó một cách máy móc ngoài miệng hay trong tiềm thức chứ không cho mình cơ hội lắng lại để cảm nhận ý nghĩa của nó bằng cả trái tim.

Bởi lẽ, trong chúng ta có rất nhiều người may mắn sở hữu một tổ ấm vẹn tròn, nên gia đình đối với họ là điều hiển nhiên, nhẹ nhàng như không khí.

Bởi lẽ, cuộc sống này quá mới mẻ và gấp gáp khiến người ta không còn thời gian để nhận ra những niềm hạnh phúc giản dị mà mình may mắn có được.

 Ảnh: Humans Of Hanoi
 Theo Trí Thức Trẻ

Tin tức mới nhất