Chuỗi ngày cô độc của F0 sống một mình, tự điều trị tại nhà

Trước giãn cách xã hội, Thanh ít nấu ăn tại nhà. Khi mắc bệnh, anh chỉ có một chiếc nồi cơm điện và phải tìm cách nấu mọi món ăn.

Trần Đức Huy (sinh năm 1999) là dân quân tự vệ tại phường 2 (quận Tân Bình, TP.HCM). Khi tham gia nhiệm vụ ở chốt kiểm dịch, Huy biết nơi đây tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhiễm bệnh.

Dẫu vậy, cậu vẫn khá yên tâm bởi đã tiêm đủ 2 mũi vaccine và luôn thực hiện kỹ càng các biện pháp phòng bệnh.

Ngày 19/8, khi xét nghiệm định kỳ, Huy nhận kết quả dương tính nCoV. Cậu rất bất ngờ bởi trước đó không hề có biểu hiện bệnh. Huy càng rối ren hơn khi chỉ sinh sống một mình.

"Tôi không dám về nhà ba mẹ vì lo sợ ảnh hưởng đến gia đình. Tôi cũng đã suy nghĩ đến việc vào khu cách ly, nếu xảy ra tình huống khẩn cấp còn được bác sĩ hỗ trợ kịp thời. Tuy nhiên, tôi thấy sức khỏe mình khá tốt, không có triệu chứng nặng, do vậy đã quyết định tự điều trị", Huy chia sẻ.

Chuỗi ngày cô độc của F0 sống một mình, tự điều trị tại nhà-1
Điểm chốt phòng dịch nơi Huy làm nhiệm vụ

Cô đơn

Ngay sau khi về nhà, Huy nhanh chóng chuẩn bị thực phẩm và thuốc để sẵn sàng "chiến đấu" với Covid-19. Cậu tìm đọc các bài báo trên Internet về phương pháp tự điều trị, ngoài ra cũng tham khảo thông tin từ những bác sĩ uy tín trên mạng xã hội.

Huy chỉ sốt, ho, đau nhức cơ thể và hụt hơi nhẹ. Cậu có thể tự nấu nướng mỗi ngày, chủ yếu ăn những món nóng hổi, dễ tiêu hóa như súp hoặc cháo.

Cậu cũng chú ý uống nước cam, tập thể dục nhiều hơn để tăng sức đề kháng cho cơ thể.

Tuy sức khỏe không gặp vấn đề nghiêm trọng, tâm lý của Huy lại rất hoang mang và bối rối. Cậu lo sợ tình trạng của mình chuyển nặng đột ngột, tệ hơn nữa là có thể gây ảnh hưởng đến hàng xóm, láng giềng.

"Tôi chỉ ở nhà, tuyệt đối không ra đường. Tôi đã định không kể sự tình với ba mẹ vì sợ họ lo lắng, nhưng về sau tôi đã chia sẻ để ba mẹ biết và có thể hỗ trợ khi tôi cần thiết", Huy nói.

Cũng như Đức Huy, Võ Thanh (sinh năm 1989, ngụ quận 4) là một F0 sống độc thân, lựa chọn tự điều trị Covid-19 tại nhà.

Thanh cho biết mình có kết quả test nhanh dương tính nCoV vào ngày 22/8. Anh có một số triệu chứng như ngạt mũi, ho, sốt và đau nhức cơ thể nhưng chỉ ở mức độ nhẹ.

Ngày biết mình đã trở thành F0, anh vội vã tìm cách mua thuốc và thực phẩm. Không thể ra khỏi nhà bởi lo ngại lây nhiễm virus cho người khác, anh phải đặt đồ online, sau đó nhờ người chủ nhà trọ ở tầng dưới mang lên cửa phòng giúp mình.

Chuỗi ngày cô độc của F0 sống một mình, tự điều trị tại nhà-2
Thanh tự điều trị Covid-19 tại nhà, may mắn khỏi bệnh sau hơn 10 ngày có kết quả dương tính

Trước giai đoạn giãn cách xã hội, Thanh không thường nấu ăn tại nhà. Dịch bệnh ập đến, anh chỉ có một chiếc nồi cơm điện và phải tìm cách nấu mọi món ăn bằng vật dụng này.

Những ngày đầu tiên, nam F0 rất chật vật để có được bữa cơm ngon. Về sau, anh đã có thể dễ dàng chế biến nhiều món chiên, xào, kho, thậm chí là nấu chè bằng nồi cơm điện.

"Không chỉ có tác dụng nấu ăn, chiếc nồi còn giúp tôi đun nước gừng sả để xông mũi, rất tiện dụng. Tôi phải dành tặng nó danh hiệu 'chiếc nồi quốc dân', chính nó đã cứu tôi qua cả đợt dịch", Thanh nói.

Chuỗi ngày cô độc của F0 sống một mình, tự điều trị tại nhà-3
Những món ăn Thanh tự chế biến từ chiếc nồi cơm điện

Thanh chia sẻ mình không thiếu thốn thuốc men hay đồ ăn khi tự điều trị bởi anh có người chủ nhà trọ thường xuyên giúp nhận đồ ship. Tuy nhiên, tinh thần của anh lại rất căng thẳng.

Qua thông tin từ báo chí, Thanh biết bệnh nhân Covid-19 có thể bị trở nặng đột ngột. Anh lo sợ nếu mình rơi vào tình huống khẩn cấp sẽ không có ai phát hiện và ứng cứu kịp thời. Mỗi sáng thức giấc, thấy người thoải mái, Thanh lại thở phào vì đã trải qua một đêm bình an.

"Tôi thấy mình chưa có nhiều triệu chứng nặng nhưng vẫn rất hoang mang, nghĩ ngợi lung tung. Có những đêm không ngủ nổi, tôi lo lắng nhiều. Bạn bè tôi nhắn tin động viên, an ủi mỗi ngày. Tôi cũng tham khảo thông tin từ bác sĩ, thấy rằng mình vẫn đang ổn, tinh thần từ đó mới có thể tốt lên", Thanh kể lại.

Chuỗi ngày cô độc của F0 sống một mình, tự điều trị tại nhà-4
Thanh mua thuốc online, nhờ ship đến nhà

Ngày 1/9, có kết quả xét nghiệm âm tính nCoV, cậu vui mừng, thông báo ngay đến bạn bè của mình.

Duy chỉ có ba, Thanh không dám kể chuyện mình mắc Covid-19, sợ ba và gia đình ở quê lo lắng, sốt ruột.

Hiện tại, Thanh đã hồi phục sức khỏe, hoàn thành 21 ngày tự cách ly tại nhà theo quy định.

"Nếu các F0 chỉ ở một mình, việc đầu tiên là mọi người cần bình tĩnh, tìm cách xử lý từng việc một. Theo tôi, F0 độc thân nên chia sẻ tình trạng của mình với bạn bè, người thân hoặc ai đó có thể tin tưởng.

Ngoài ra, F0 cũng cần ăn uống tốt, rèn luyện thể lực để có sức chống lại virus. Đã chọn tự điều trị ở nhà, các bạn càng phải chú ý theo dõi, chăm sóc tốt hơn cho chính mình", Thanh cho hay.

Kiên trì điều trị

Còn Trần T.L. (30 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh), khi biết mình trở thành F0, cô thức trắng cả đêm.

Cuối tháng 8, cô ho nhưng lại nghĩ đó chỉ là một cơn cảm lạnh bình thường. Chỉ đến khi bệnh tình kéo dài suốt 7 ngày tiếp theo, kèm theo cảm giác mệt mỏi, ớn lạnh, T.L. mới mua bộ xét nghiệm nhanh về kiểm tra.

Mỗi lần trở mình trên giường, ôm ngực sau mỗi cơn ho, cô lại tự thắc mắc tại sao bản thân lại mắc Covid-19 dù sống một mình, không tiếp xúc với ai và luôn đeo khẩu trang khi giao nhận hàng?

"Tôi không muốn gia đình ở quê biết chuyện vì sợ họ lo lắng. Nhưng nghĩ tới những ngày chống chọi bệnh tật một mình, tôi thực sự bối rối", cô nói.

Không thể chợp mắt vì lo lắng và cơn ho kéo dài, T.L. dành cả đêm tìm hiểu về cách điều trị triệu chứng Covid-19, tìm một số loại thuốc và dụng cụ y tế cần dùng và đặt mua ngay sáng hôm sau.

Thế nhưng, cô gặp khó khăn khi không thể mua thuốc online, cũng không có người thân để nhờ cậy.

"Tôi thử lên mạng tra các hiệu thuốc bán online, nhưng họ đều yêu cầu trả tiền mặt. Tôi sợ lây bệnh cho họ nên không dám mua. Mãi tới chiều, tôi mới nhờ được một đồng nghiệp mua hộ vài loại thuốc cơ bản", cô kể.

T.L. cho biết cô sợ bệnh tình trở nặng nhanh chóng do cô chưa tiêm vaccine Covid-19.

"Chỉ vài ngày nữa là tôi tới lịch tiêm, vậy mà không may mắc Covid-19. Tôi sợ bệnh tình chuyển xấu giữa đêm, không có người thân bên cạnh thì tình hình sẽ thế nào. Vì thế, có những đêm tôi không ngủ yên", cô nói.

May mắn thay, T.L. không gặp triệu chứng nặng nào ngoài ho, sổ mũi và mệt mỏi. Tuy nhiên, hành trình phục hồi Covid-19 của cô lại chậm hơn rất nhiều so với những bạn bè F0 đã tiêm một mũi trước đó.

Gần một tháng trôi qua, cô vẫn còn ho nhiều dù có kết quả test nhanh âm tính với SARS-CoV-2 lần 2. Dù vậy, T.L. vẫn cố gắng giữ tinh thần lạc quan, kiên trì điều trị và bồi dưỡng sức khỏe.

"Có những lúc tôi nản lòng lắm, nhưng tự động viên rằng bệnh tình sẽ khá hơn nếu tâm lý thoải mái, kiên nhẫn điều trị triệu chứng. Tôi vẫn luôn theo dõi sức khỏe đều đặn, đọc tin tức tích cực và trò chuyện với bạn bè để giảm căng thẳng".

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/chuoi-ngay-co-doc-cua-f0-song-mot-minh-tu-dieu-tri-tai-nha-post1266744.html?fbclid=IwAR1DVDT3OzKOmnJR7zeW-3SGVGV7CkqkWnuPOHdGiHQYYRs5jvHjSVL8jdg

COVID-19

Tin tức mới nhất

Hay nhất 2sao