- Xin chào ông Richard Harcus! Ông đánh giá như thế nào về màn trình diễn của đội tuyển U22 Việt Nam nói chung và HLV Philippe Troussier nói riêng?

Tiến trình đâu phải là đường thẳng! Đội tuyển U22 Việt Nam đã gặp một vài ca chấn thương và bạn thấy đấy, Indonesia hay Thái Lan rất mạnh. Campuchia ở giải đấu này cũng không hề tồi.

Không ai thích thất bại, không phải các cầu thủ, không phải huấn luyện viên, không phải nhà báo và chắc chắn không phải người hâm mộ. Chuyện người hâm mộ âu lo là điều đương nhiên.

Chuyên gia châu Âu: Bình luận nhiều về Quang Hải là bất công với cậu ấy-1

Nhưng bạn phải có cái nhìn rộng hơn và thấy rằng U22 Việt Nam đang đương đầu với những đối thủ trình độ cao. Đó là điều đầu tiên cần tính đến. Thứ hai, không phải mọi thứ đều "vào vị trí" ngay lập tức.

Tôi nghĩ điều ông Troussier cần hơn bây giờ là sự hỗ trợ đắc lực để phân tích đối thủ cũng như phát hiện và phát triển các cầu thủ trong đội. Thời gian sẽ trả lời liệu ông ấy có thể nhận được nhiều sự hỗ trợ hơn nữa không. Trước đây HLV Park Hang Seo cũng nhận được nhiều sự hỗ trợ để đưa bóng đá Việt Nam tiến xa.

- Dù sao SEA Games cũng chỉ là giải đấu cho các cầu thủ trẻ, đợt FIFA Days vào tháng 6 tới mới là lần đầu tiên HLV Troussier dẫn dắt đội tuyển Việt Nam. Đề tài được bàn tán nhiều thời gian gần đây là chuyện có cần thiết triệu tập Quang Hải và Công Phượng hay không? Quan điểm của ông thì sao?

Thành thật mà nói, tôi cảm thấy bóng đá Việt Nam đang rất cần sự "hâm nóng" như cú hích của lứa U19 Hoàng Anh Gia Lai hay đội tuyển U23 Việt Nam tại giải U23 châu Á ở Thường Châu. Tôi cho rằng HLV Troussier cần nhận được sự ủng hộ từ tất cả người hâm mộ.

Muốn vậy, đội tuyển Việt Nam cần sự khởi đầu mạnh mẽ dưới triều đại của nhà cầm quân người Pháp. Nếu không tiếng nói càng yếu ớt và vấn đề càng nghiêm trọng.

Về câu chuyện Công Phượng và Quang Hải, tôi nghĩ cả hai cầu thủ này vẫn hữu ích cho đội tuyển Việt Nam. Mặc dù có trao đổi với người đại diện của Quang Hải tuy nhiên tôi không thể biết hết những gì đang diễn ra với cầu thủ này tại Pháp. Vì vậy đưa ra bất cứ bình luận nào cũng đều hơi bất công cho cậu ấy.

Điều tôi có thể nói được là Quang Hải được đào tạo, luyện tập rất tốt tại Pháp, tuy ít cơ hội ra sân thi đấu nhưng cậu ấy vẫn góp mặt trong các trận giao hữu hoặc các trận đấu tập kín. Thế nên cậu ấy vẫn luôn sẵn sàng để ra sân.

Chẳng CLB nào lại muốn chứng kiến cầu thủ của mình sa sút cả. Do đó việc Quang Hải trở về khoác áo đội tuyển quốc gia sẽ chẳng có vấn đề gì cả!

Chuyên gia châu Âu: Bình luận nhiều về Quang Hải là bất công với cậu ấy-2

Mở rộng vấn đề từ câu chuyện Quang Hải và Công Phượng, đó là nguồn lực nào để HLV Troussier làm mới đội tuyển Việt Nam? Quang Hải và Công Phượng là đại diện cho lứa cầu thủ rất thành công cùng HLV Park Hang Seo nhưng HLV Troussier đã chọn lối chơi khác với người tiền nhiệm, vì vậy từ chiến thuật đến con người hẳn nhiên phải thay đổi.

Tôi không chắc liệu tôi hoàn toàn đồng thuận với quyết định thay đổi lối chơi của HLV Troussier hay không. Mặc dù tôi hiểu ông Troussier muốn thấy đội tuyển Việt Nam chơi bóng nhiều hơn và tấn công đối phương.

Tuy nhiên, không phải lúc nào đội tuyển cũng có thể áp đặt lối chơi như vậy, nhất là khi đương đầu với các đối thủ mạnh hơn, chẳng hạn như Thái Lan trở lên… UAE, Qatar, Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản chẳng hạn.

Những đội bóng này sẽ luôn kiểm soát bóng nhiều hơn, nhưng vấn đề là xử lý bóng như thế nào và thực hiện đường chuyền cuối cùng ra sao. Đó là vấn đề của đội tuyển Việt Nam trong suốt thời gian dài chứ không phải tỷ lệ cầm bóng.

- Về phần V-League, việc giải đấu này phải tạm dừng khi đang diễn ra sôi động là điều thực sự đáng tiếc phải không thưa ông?

Thành thật mà nói, tôi vẫn không hiểu tại sao V-League phải tạm dừng vì giải đấu dành cho lứa cầu thủ U22 đá SEA Games và không ảnh hưởng nhiều đến bức tranh chung của nền bóng đá.

Tôi hoàn toàn phản đối việc tạm dừng V-League và đến bây giờ vẫn vậy. Việc đó hoàn toàn vô nghĩa và ảnh hưởng lớn về mặt tài chính cho các CLB hay các nhà tài trợ. Hơn nữa là bỏ qua sự phục vụ dành cho người hâm mộ.

Chuyên gia châu Âu: Bình luận nhiều về Quang Hải là bất công với cậu ấy-3

Thanh Hóa đang dẫn đầu trên bảng xếp hạng, trong khi đứng cuối bảng là CLB TPHCM. Trong số các đội, CLB nào gây ấn tượng nhất với ông? Và ngược lại, đội bóng nào gây thất vọng nhất?

Tất nhiên, Thanh Hóa là đội bóng tôi luôn quan tâm, vì ông bạn thân Danny Van Bakel, (cựu cầu thủ Thanh Hóa) rất hạnh phúc trong khoảng thời gian khoác áo đội bóng này. Cậu ấy vẫn thường xuyên trò chuyện với tôi về CLB Thanh Hóa, và từ cách nói chuyện của cậu ấy, tôi biết Thanh Hóa có ý nghĩa như thế nào với cậu ấy.

Hiện tại đội Thanh Hóa đang có một HLV giỏi và đang phá mọi kỷ lục của đội bóng. Tuy nhiên, phải chờ xem liệu đội bóng này có đủ sức để giữ ngôi đầu đến cuối mùa giải hay không. Hãy chờ xem!

Còn với CLB TPHCM, tôi nghĩ đội bóng này khá may mắn khi vẫn còn hiện diện ở V-League mùa giải năm nay. Họ trụ hạng một cách sít sao vào mùa giải năm ngoái và có lẽ đây là năm chúng ta phải chia tay với đội bóng này.

Sông Lam Nghệ An cũng khiến tôi thất vọng dù cho đội bóng sở hữu những cổ động viên thật tuyệt vời. Tương tự là Hoàng Anh Gia Lai. Những đội bóng này đáng ra phải làm tốt hơn.

- Ông không tin Thanh Hóa đang đi đúng hướng?

Còn quá sớm để kết luận về việc phát triển đúng hướng. Tôi nghĩ không đội bóng nào ở Việt Nam đang phát triển đúng hướng. Có một thời gian tôi nghĩ rằng CLB Phố Hiến đang phát triển đúng hướng, nhưng từ rất lâu rồi.

Tôi cũng đặt kỳ vọng vào Sông Lam Nghệ An nhưng những kỳ vọng ấy cũng nhạt nhòa theo năm tháng. Có quá nhiều CLB chỉ làm đúng một số việc nhỏ và quá ít CLB làm đúng nhiều việc hơn.

Chuyên gia châu Âu: Bình luận nhiều về Quang Hải là bất công với cậu ấy-4


Điều khiến tôi buồn là khi có ai đó hỏi về các CLB tại V-League, thật khó để giới thiệu một cách hấp dẫn. Thực tế ngày càng ít người quan tâm và tôi đã chứng kiến nhiều cổ động viên lâu năm phải từ bỏ việc ủng hộ các đội bóng.

Đó là điều thực sự đáng quan ngại. Nhìn vào lượng người quan tâm V-League, số lượng ngày càng ít đi.

Tôi có thể là người nước ngoài duy nhất trong quán bar đa số là người Việt Nam dán mắt vào màn hình tivi để theo dõi một trận đấu ở V-League. Trước đây không khí quan tâm đến bóng đá nhiều hơn.

Người hâm mộ bị xem nhẹ quá lâu và thiếu sự liên kết lẫn tin tưởng giữa CLB và cổ động viên.

Những người trẻ ngày nay không dễ dàng chấp nhận và chịu đựng điều các thế hệ cổ động viên trước đây chấp nhận. Các CLB cần phát triển hơn về mọi mặt và đơn giản họ chưa thể đáp ứng.

- Vậy vấn đề nằm ở đâu?

Bạn biết chuyện gì đang xảy ra. Tôi biết chuyện gì đang xảy ra. Độc giả biết chuyện gì đang xảy ra. Tất cả đều biết nhưng không ai muốn thay đổi, nhiều người lại nghĩ đã quá muộn để thay đổi. Những người muốn thay đổi lại không đủ quyền lực để thay đổi.

Điều đầu tiên cần làm là thừa nhận các đội bóng hoạt động không hiệu quả. Các đội bóng có cần phải tệ như ở Singapore trước khi mọi thứ thay đổi không? Nhìn cái cách Sài Gòn FC biến mất trên bản đồ bóng đá mà đau xót. VPF không can thiệp và VPF mặc kệ chuyện đó xảy ra.

Chuyên gia châu Âu: Bình luận nhiều về Quang Hải là bất công với cậu ấy-5

Tôi biết có những người muốn đầu tư và hỗ trợ cho Sài Gòn FC, nhưng ngay cả những nhà quản lý của đội bóng này cũng chẳng thèm trả lời các khách hàng tiềm năng. Việc ấy chẳng khác gì người sắp chết đuối nhưng từ chối lên thuyền cứu sinh, nhưng để làm gì? Vì lòng tự trọng?

Tôi chẳng bao giờ hiểu được quan niệm "mất mặt", đặc biệt nếu điều đó có nghĩa là bạn sẽ thua trong tương lai, thậm chí thất bại nặng nề hơn. Sự ngang ngạnh và ích kỷ đã làm tan nát trái tim hàng ngàn cổ động viên Sài Gòn FC. Chỉ mong điều tương tự đừng xảy ra với CLB TPHCM.

Nhưng nếu quan sát chung cả V-League, hãy xem từng công việc từ mọi vị trí ở các CLB, có bao nhiêu người đủ năng lực để đảm đương công việc họ đang làm?! Và tôi muốn nói đến từ vị trí bên đường biên đến các phòng ban quản lý cũng như mọi công việc trung gian khác.

Nhiều người đảm đương nhiều công việc cùng một lúc, thế nên thật khó trách riêng họ.

Nhưng nếu bạn được thuê làm việc cho một công ty truyền thông, công nghệ hoặc bất động sản và giờ đây bạn thấy mình là Giám đốc marketing, hoặc Giám đốc bóng đá hoặc bán vé cho một CLB bóng đá, bạn kỳ vọng kết quả gì? Tại sao huấn luyện viên chưa đủ bằng cấp lại làm huấn luyện viên?

Tại sao những người đại diện chưa đủ tiêu chuẩn được phép làm người đại diện? Tại sao phiên dịch viên được phép làm huấn luyện viên? Thật điên rồ. Không hiểu tại sao điều này đã, đang và vẫn xảy ra.

- Vậy còn công tác trọng tài? Theo ông sự xuất hiện của công nghệ VAR có giúp cải thiện chất lượng điều hành trận đấu?

Nói thẳng thắn thế này nhé, tôi không nghĩ chất lượng điều hành trọng tài sẽ được cải thiện. Công nghệ VAR chỉ hiệu quả khi được sử dụng bởi những người biết cách sử dụng. Nếu bạn đưa tôi con tàu vũ trụ có thể bay đến mặt trăng tôi cũng không lên được nơi đó vì tôi chẳng biết điều khiển.

Nếu bạn đưa tôi chiếc xe đua công thức 1 thì tôi sẽ gây tai nạn, vì tôi chẳng biết điều khiển. Cái cần là thời gian đào tạo để tôi trở thành phi công hoặc tay đua nếu tôi đủ năng lực.

Chuyên gia châu Âu: Bình luận nhiều về Quang Hải là bất công với cậu ấy-6

Trọng tài chuyên nghiệp cũng như vậy. Trọng tài cần được đào tạo kỹ càng và được hưởng mức lương tốt hơn để tạo điều kiện cho họ dành toàn bộ thời gian tập trung cho bóng đá, với sự rèn luyện thể lực, tích lũy kinh nghiệm.

Sau đó rồi hãy áp dụng VAR. Trọng tài sẽ mắc sai lầm, họ dẫu sao chỉ là con người, VAR nên hỗ trợ họ thay vì đánh giá quyết định của họ. Điều đó thật thiếu công bằng và tôi cảm thấy tiếc cho các trọng tài hơn bao giờ hết.

Hãy sử dụng tài chính hiệu quả hơn. Tạo ra sản phẩm chất lượng hơn. Đào tạo huấn luyện viên lẫn trọng tài bài bản hơn. Lắng nghe và trò chuyện cùng người hâm mộ. Làm mới một hoặc hai sân vận động. Đầu tư vào các giải trẻ.

Với tất cả những điểm vừa nêu, tôi chắc chắn rằng Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) sẽ hỗ trợ một phần chi phí, vì vậy VFF không phải gánh toàn bộ. Tôi nghĩ nhiều việc cấp thiết cần phải làm hơn là VAR.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Theo Dân Trí