Chuyện thú vị về cụ ông 73 tuổi làm nghề shipper ở Sài Gòn

Cụ Phụng cho biết, lần đầu trải nghiệm với nghề vận chuyển - shipper thường khốn khổ với những chuyện dở khóc dở cười nhưng cũng rất thú vị đối với một người lớn tuổi như cụ.

Người dân sinh sống gần con hẻm 12 trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1, TP. HCM) có lẽ đã quá quen thuộc với hình ảnh cụ ông Lê Văn Phụng (73 tuổi) từ quận 7 chạy xe qua khu vực này để nhận hàng của khách rồi ngược xuôi khắp các con hẻm Sài Gòn để giao hàng.

Cô Tư bán nước ở gần con hẻm này cho biết, có lẽ cụ Phụng là người vận chuyển hàng hóa già nhất nhất ở đây rồi nên ai cũng biết. "Trông cụ tội lắm, già cả rồi vẫn phải một mình mưu sinh để kiếm sống qua ngày với nghề vốn dĩ không phù hợp với sức khỏe ở tuổi thất thập cổ lai hy. Mỗi người một hoàn cảnh, nghề xe ôm ế quá, nên cụ phải chuyển qua công việc vận chuyển hàng mới đủ sống qua ngày"

a1-0153b
Dù đã ở tuổi thất thập cổ lai hi, cụ Phụng vẫn ngược xuôi vận chuyển hàng để mưu sinh qua ngày.

a2-0153b
Chủ hàng đến tận nơi cụ Phụng đỗ xe để trao hàng cho cụ vận chuyển.

Chúng tôi gặp cụ Phụng, cũng là lúc cụ vừa mới đi giao hàng về, dáng đi khập khễnh bởi bàn chân bị thương vẫn chưa lành lặn hẳn, tiến đến vỉa hè ngồi xuống thở vì quá mệt. "Mới chạy xe từ giao hàng từ quận Gò Vấp về đây nên hơi mệt. Nghề này khổ thế đấy, nhưng vẫn có được đồng ra đồng vào kiếm cơm qua ngày. Đây là lần đầu tiên giao hàng xa như vậy, do dạo này khách gọi để giao hàng trong khu vực gần trung tâm thành phố ít quá, đành phải chịu khổ đi xa mới có tiền", cụ Phụng chia sẻ.

Trò chuyện với cụ một hồi lâu, chúng tôi mới biết được hoàn cảnh éo le của cụ Phụng, nhưng trong tâm trí cụ vẫn luôn giữ được sự lạc quan hiếm có để vượt qua những cám cảnh của cuộc đời suốt bao năm lưu lạc một mình ở Sài Gòn. Cụ cười hiền và chia sẻ với tôi về phương châm sống khi mưu sinh nơi đất khách quê người:"Tự kiếm cơ hội trước chứ đừng chờ đợi ai giúp, cũng vì thế tôi chuyển qua nghề giao hàng này cũng là lúc chạy xe ôm quá ế khách. Không kiếm tiền bằng cách này thì kiếm bằng khách khác, phù hợp với sức khỏe của mình là được".

5-8adef
Gọi điện thoại để báo với người được nhận hàng trước khi lên xe máy làm một shipper "chuyên nghiệp".

Cụ Phụng cho biết, trước đây cuộc đời của mình tứ cố vô thân, bị vợ con ruồng bỏ, tối ngủ cảnh màn trời chiếu đất khiến nhiều người mủi lòng thương xót. May mắn thời gian gần đây, một số nhà hảo tâm thấy hoàn cảnh cụ đáng thương nên quyên góp mướn cho cụ căn nhà trọ ở quận 7. Hàng tháng, một số mạnh thường quân sẽ đến trả tiền phòng với hơn 2 triệu/tháng (bao gồm điện nước).

"Người ta chỉ giúp mình chỗ ở, còn muốn tồn tại thì phải tự mưu sinh mới xứng đáng với sự giúp đỡ của người đời", cụ tâm sự. Năm 1974, cụ Phụng lập gia đình và có 3 người con. Nhưng đến năm 1985, vì cuộc sống không hợp nhau nên vợ và con cụ về quê ngoại ở Kiên Giang sinh sống. Thế là một mình cụ bỏ ở lại Sài Gòn tự bươn trải kiếm sống.

Thời gian về sau cũng đã rất nhiều lần, cụ Phụng tìm về quê vợ năn nỉ nối lại tình xưa nhưng vợ và các con chẳng còn thiết tha đến cụ nữa. Buồn bã với chuyện vợ con, cụ Phụng trở lại Sài Gòn tiếp tục cuộc sống đơn độc.

2-8adef
Đa số cụ nhận hàng hóa gọn nhẹ để vận chuyển. Cụ đang kiểm tra lại hàng hóa lần nữa trước khi đi giao ở bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh).

Nghĩ về chuyện đời, cụ thở dài bộc bạch: "Từ lúc ở lại Sài Gòn, tôi mưu sinh bằng nghề chạy xích lô. Sau khi có quy định cấm xích lô trên một số tuyến đường, tôi buộc phải bỏ nghề và chuyển sang hành nghề xe ôm vào năm 2005. Cuộc sống với nghề xe ôm thì ai cũng biết nó khó khăn như thế nào, ế khách như cơm bữa. Thế nhưng, điều không may khi vào cuối tháng 3/2014, trong lúc chở khách, tôi bị người đi đường tông vào. Người gây tai nạn thừa lúc phóng đi, bỏ lại tôi với vết thương ở chân đến giờ vẫn chưa khỏi, mặc dù trải qua một số lần phẫu thuật".

Khi được hỏi về cơ duyên nào đến với nghề giao hàng - shipper, cụ Phụng chỉ cười và nói một câu gọn lỏn: "Cơ duyên gì đâu, tại chạy xe ôm ế khách quá nên nhận làm người vận chuyển mới có tiền chứ". Cụ cho hay, công việc này bắt đầu mới cách đây khoảng nửa năm trở lại. Lúc đó đang ế khách thì một người dân sống gần chỗ tôi đậu xe ôm nhờ đi mua thức ăn, rồi về họ trả tiền công. Thế là, từ đó cụ dần bỏ nghề xe ôm, có khách thì chở, nếu không thì thong dong suốt các ngõ hẻm để giao hàng. 


1-8adef
Nghề vận chuyển đối với cụ cũng có nhiều chuyện thú vị đáng để làm, quan trọng hơn là có cái nghề nuôi sống bản thân.

Mỗi ngày cụ Phụng bắt đầu công việc shipper của mình từ khoảng 7h đến khoảng 18h. Mỗi chuyến cụ lấy phí vận chuyển trung bình từ 40.000 - 50.000 đồng/10km. Mỗi ngày, cụ vận chuyển được khoảng 4 - 5 chuyến hàng, trừ hết chi phí xăng xe cũng lời được hơn 100.000 nghìn đồng. 

"Để kiếm được số tiền đó cũng phải chịu đựng những trường hợp dở khóc dở cười luôn. Có ngày chạy từ khu quận 1 lên quận Tân Bình lấy hàng rồi đi ngược lại tận quận 7, nhưng không được đồng nào. Nếu mình từ điểm này chạy đến nhà họ lấy hàng thì không tính phí, chỉ tính phí từ nơi lấy hàng đến nơi giao hàng. Tuy nhiên nếu đến nơi giao hàng mà không giao được thì quay về cũng không nhận được phí vận chuyển", cụ chia sẻ.

a3-0153b
Thường khi thành phố đã lên đèn, cụ mới giao được gói hàng đã nhận vận chuyển từ chiều.

a4-0153b
Do hôm nay có người khách quen hẹn đến đưa hàng nhờ cụ chuyển về quận 7 (gần nơi ở của cụ) nên cụ đành nán lại về muộn hơn thường lệ.

Theo cụ Phụng, việc nhận giao hàng đến những nơi những con hẻm như mê cung ở Sài Gòn cũng là điều khốn khổ. "Nhiều lúc tìm mãi không ra luôn cái nhà trong hẻm, hóa ra khi hỏi lại có đến 2 con hẻm có số tương tự".

Hiện tại, cụ đã già, sức khỏe cũng yếu cũng không muốn đi xa đâu, nhưng vì ế khách gọi vận chuyển ở khu gần nên mới nhận hàng ở xa. "Thôi kệ, xa cũng được, có việc để làm, để nuôi sống bản thân cũng được rồi", cụ tâm sự với đôi mắt nhìn xa xăm về hướng trung tâm thành phố.

Theo Trí thức trẻ

Tin tức mới nhất

Hay nhất 2sao