Hai năm trước, Sharah cùng nhóm bạn thực hiện thử thách mang tên “Skull Breaker Challenge”. Cô cho biết đây là trào lưu được giới trẻ yêu thích và rầm rộ trên TikTok thời điểm đó.

Trò chơi với quy luật ba người đứng một hàng ngang và thỏa thuận cùng nhau nhảy. Nhưng thực chất chỉ có người ở giữa là nhảy lên, còn hai người đứng ở hai bên sẽ gạt chân người ở giữa một cách bất ngờ và hết sức có thể để người đó té bật ngửa ra đằng sau.

“Và tôi là nạn nhân sau cú ngã mạnh, tôi mất hết cảm giác ở chân trái và được đưa đến bệnh viện ngay khi thấy choáng váng vì lần đáp đất bằng đầu ở lượt chơi tiếp theo”, cô nói.

Cô gái bị gãy cổ sau khi thực hiện thử thách TikTok-1

Sharah đã sốc khi các bác sĩ chẩn đoán cô bị gãy một số đốt xương ở cổ, sẽ phải nằm viện một thời gian dài.

Trong khi đang hồi phục vết thương và có thể đi lại được như bình thường, Sarah lại mắc phải một tình trạng gọi là hội chứng nhịp tim nhanh tư thế đứng (là tình trạng tim đập nhanh đột ngột xảy ra khi người bệnh thay đổi tư thế, từ nằm hoặc ngồi sang đứng dậy) và đây cũng là lý do khiến cô ngất xỉu.

Hai năm sau vụ tai nạn, Sarah thừa nhận không thực sự muốn tham gia thử thách vì không muốn bị thương. Nhưng vì bạn bè muốn quay và muốn clip được nhiều lượt xem, nổi tiếng trên TikTok nên cô đã chiều lòng họ.

"Đó chỉ là một trend vào thời điểm đó. Chúng tôi nghĩ TikTok vui và hài hước”, cô kể.

Cô gái bị gãy cổ sau khi thực hiện thử thách TikTok-2
Sarah bị gãy cổ khi thực hiện thử thách TikTok để thu hút người xem

Cô đăng tải những chia sẻ này lên mạng xã hội để cảnh báo người khác về rủi ro khi tham gia thử thách.

"Thông qua câu chuyện của mình, tôi muốn các bạn trẻ đừng cố chạy theo xu hướng. Đừng vì những lượt xem, lượt like trên TikTok hay bất cứ nền tảng nào mà bất chấp tính mạng, làm những điều có thể khiến mình bị thương", cô gái 18 tuổi nói.

Bà Jane Platt, mẹ của Sarah, cho biết bà rất vui vì con gái mình đã an toàn và khỏe mạnh.

"Thật may mắn vì con gái tôi còn sống, trò chơi đó quá mạo hiểm. Dù đã đi lại được nhưng hiện tại con gái tôi vẫn bị ám ảnh tâm lý sau tai nạn cũng như đang phải phục hồi di chứng", bà Jane nói.

Rất nhiều trào lưu bị nhận xét là kỳ quái, ngớ ngẩn và có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe người tham gia, nhất là trẻ nhỏ, lại trở nên viral nhờ TikTok.

Đầu tháng 8, “Kia Challenge” là một trong những thử thách mới nhất được TikTok lan truyền với sự tham gia chủ yếu của người trẻ tại Mỹ.

Người tham gia nhắm vào xe của hãng Kia Motors hay Hyundai Motors không khóa, dỡ phần capo che đầu máy phía trước và dùng dây sạc USB để nổ máy. Sau đó, họ sẽ quay video ghi lại thành quả, lái chiếc xe đi xung quanh phố rồi phá hỏng hoặc vứt xe.

Hồi tháng 3, nhiều trẻ em đã thực hiện thử thách “thổi ngón tay cái” (thumb blowing challenge). Các em sẽ quỳ xuống đất, hít vào thật sâu rồi bật dậy, thổi phồng miệng với ngón tay cái ngậm chặt bên trong nhằm đạt được cảm giác hưng phấn do thiếu oxy lên não.

Tuy nhiên, theo nine.com.au, hành động này có thể gây ra hậu quả đáng sợ như co giật, tăng thông khí hoặc bất tỉnh.

Trước đó, thử thách “gương lửa” (fire mirror challenge) - phun chất lỏng dễ cháy lên gương rồi châm lửa; thử thách “thùng sữa” (milk crate challenge) - chất các thùng sữa chồng lên nhau và cố gắng đi qua hay “benadryl” (benadryl challenge) - thách thức người tham gia uống 12 viên thuốc dị ứng để chìm vào ảo giác cũng là những trào lưu được không ít người dùng trên nền tảng video này hưởng ứng.

Theo Zing