Có thật chuyện tình 'chàng gù bên nhà thờ Đức Bà' ở TP HCM

Họ âm thầm yêu nhau, lặng lẽ đợi chờ. Chuyện tình của chàng gù đã trải qua những cay cực khắc nghiệt nhưng rồi họ cảm thấy hạnh phúc

Anh mặc cảm với cơ thể khiếm khuyết, còn chị sợ bạn bè dè bỉu, chê cười nên giữa hai người, không ai dám lên tiếng trước. Họ âm thầm yêu nhau, lặng lẽ đợi chờ. Chuyện tình của chàng gù đã trải qua những cay cực khắc nghiệt nhưng rồi họ cảm thấy hạnh phúc..

Chuyện tình lãng mạn

Gần 20 năm nay, khách bộ hành chơi đêm quanh khu vực nhà thờ Đức Bà (quận 1, TP HCM) đã quá quen thuộc với hình ảnh người đàn ông lưng gù sụp xuống, thân hình còm nhom, ốm yếu bên xe khô mực nướng. Cạnh đó, cô vợ mặt mũi sáng sủa lúc nào cũng nở nụ cười chào khách.

Người qua đường chẳng mấy ai biết tên thật của anh chị. Họ quen gọi anh là "thằng gù nhà thờ Đức Bà" như nhân vật Quasimodo khắc khổ, tội nghiệp trong bộ tiểu thuyết lừng danh Nhà thờ Đức Bà Paris của đại văn hào Pháp Victor Hugo. Người vợ dù không đến độ "sắc nước hương trời" nhưng cũng được liên tưởng với cô nàng Esmeralda kiều diễm (nhân vật nữ chính trong tiểu thuyết).

Công việc chính của anh không phải kéo chuông nhà thờ như nhân vật tiểu thuyết mà ở đây là câu chuyện tình yêu son sắt, thủy chung, nghị lực vượt lên nghịch cảnh để xây dựng hạnh phúc gia đình khiến nhiều người cảm phục.

Những buổi tối đi làm về muộn qua nhà thờ Đức Bà, tôi luôn bắt gặp hình ảnh tất bật của họ. Giữa dòng xe hối hả ngược xuôi, dường như chẳng ai để ý đến sự có mặt của họ, với thân phận người bán hàng rong.

Người đàn ông gù tên đầy đủ là Đào Hữu Thế (45 tuổi, quê Phú Vang, Thừa Thiên - Huế). Vợ của anh là Nguyễn Thị Lài, người con gái của mảnh đất nắng gió Hải Lăng (Quảng Trị).

Anh Thế là con thứ năm trong gia đình nông dân nghèo có 7 anh em trai. Tuổi thơ của Thế là những tháng ngày cơ cực.

Thiệt thòi hơn những người khác khi anh mang trên mình dị tật về xương sống, lưng gù từ tấm bé nên người ta thường gọi anh là thằng gù. Hễ thấy anh xuất hiện khệnh khạng trên đường là lũ nhóc choai trong xóm xúm lại ùa ra trêu ghẹo.

Nhọc nhằn lớn lên trong một gia đình nghèo, năm 20 tuổi, Thế bỏ nhà ra đi. Chàng thanh niên gù nghe người ta đồn, miền Nam là mảnh đất màu mỡ để sinh cơ lập nghiệp. Đó là mục đích duy nhất cho chuyến "thoát li" của chàng gù.

Chuyến xe khách "quăng" anh xuống bến miền Đông, mọi thứ quá mới lạ và ngỡ ngàng. Nhìn thấy những thanh niên trẻ khỏe khác được cánh "cò", xe ôm bu đến hỏi thăm, đưa đi xin việc làm. Riêng anh, chẳng ai đoái hoài khi phát hiện ra cái lưng cúp xuống.

Thế lang thang khắp nơi, dật dờ ở công viên rồi lần mò tìm đến địa chỉ của người đồng hương, hiện đang làm chủ một xưởng may. Người cùng quê sẵn lòng nhận anh vào làm. Từ đó, Thế có nơi ở ấm áp, có những bữa cơm no, tuy rằng công việc ở xưởng may khá vất vả so với thể lực của anh.
 


Con đường hạnh phúc của người đàn ông gù phải trải qua những tháng ngày lao động cơ cực.

 

Thấy có chàng thanh niên dáng người đặc biệt, bữa cơm nào cũng lầm lũi ở một góc, "chị nuôi" của công nhân là Nguyễn Thị Lài âm thầm để ý. Thương anh công nhân gù có khuôn mặt hiền từ, đôi mắt man mác nỗi buồn, chị Lài thường để dành những miếng ngon cho anh.

Thế hiểu được tấm lòng của "chị nuôi" nhưng không dám nói, dù là câu cảm ơn. Anh lặng lẽ giấu nỗi lòng trong một góc sâu kín của tâm hồn. Hỏi người ở xưởng, Thế biết Lài cùng quê miền Trung, nên có chút niềm vui nho nhỏ trong lòng.

Chàng gù nhờ chăm chỉ, cần mẫn, hết lòng vì công việc nên được đồng nghiệp quý mến. Ngoài vai trò là công nhân may, anh gù đảm nhận luôn những phần việc nặng nhọc ở nhà bếp như bổ củi, vác than, vác gạo… công việc nhiều người bình thường khác từ chối.

Ở trong nhà bếp, có cơ hội giáp mặt nhau nhiều hơn, Thế và Lài đã không còn ngại ngùng nữa. Họ trò chuyện, tâm sự chân tình, gần gũi giữa hai người đồng hương. Lài nhìn thấy ở chàng gù tinh thần, trách nhiệm, lòng nghĩa hiệp nên chị "cảm" lúc nào không biết.

Nhiều người nhận ra mối quan hệ "tình trong như đã mặt ngoài còn e" giữa hai người nên họ đồng lòng vun vén. Họ âm thầm sắp sẵn một buổi tiệc ngọt, mời hai người đến tham dự rồi tất cả "tấn công" vào hai trái tim đang còn thẹn thùng. Thế ngại đỏ mặt, cúi đầu không dám nhìn thẳng vào mặt Lài. Mọi người hùn mãi cuối cùng anh cũng mạnh dạn nắm lấy tay chị, cả hai run rẩy thẹn thùng.

Trước khi gặp chàng gù, chị Lài đã có mối tình sâu nặng với một thanh niên địa phương. Hai người từng thề non hẹn biển gắn bó trọn đời bên nhau.

Cha mẹ Lài muốn con mau yên bề gia thất, nhưng chàng trai vì nghèo quá mà không dám sang thưa chuyện. Vậy là tình tan, Lài bỏ nhà vào TP Hồ Chí Minh. Khi con tim đã bình yên trong thời gian dài thì Lài gặp chàng gù. Tình yêu không phải "tiếng sét" mà nhẹ nhàng đến trong sự tôn trọng nhau.

Khi tình yêu đủ lớn, đủ chín, hai người chính thức về chung một phòng trọ. Tuy nhiên, hành trình "khuất phục" trái tim cô gái xinh đẹp của chàng gù trải qua nhiều biến động.
 


Chị Lài chính là bờ vai vững chãi của anh.

 

Anh Thế chia sẻ: "Sau đêm tân hôn, tôi vẫn chưa dám tin mình là chồng Lài. Trước khi gặp cô ấy, tôi nghĩ suốt đời không lấy được vợ. Thậm chí lúc tôi thông báo về cho gia đình biết, chẳng ai tin cả".

Còn chị Lài bộc bạch: "Gần hai năm làm việc chung, tôi mới bắt đầu suy nghĩ khác về anh. Đó chưa hẳn là tình yêu nhưng rất khó cắt nghĩa. Tôi biết anh mặc cảm nên chẳng dám chủ động tán tỉnh".

Làm tất cả vì con

Ngày đầu chung sống đời vợ chồng, chị Lài phát hiện bị bệnh gan, phải bỏ việc nấu ăn nhập viện chữa trị. Anh Thế vốn tổn thương cột sống nên trái gió trở trời lại đau đớn, nhức buốt. Cảm thấy sức khỏe hai vợ chồng không đủ làm công nhân, họ xin ra ngoài.

Được người anh trai "truyền" lại nghề bán khô mực dạo, hai vợ chồng bắt đầu "bén duyên" với nghiệp buôn bán ở vỉa hè.

Mới vào nghề, không có phương tiện di chuyển, mỗi ngày họ phải đẩy chiếc xe gỗ từ quận 4 qua khu nhà thờ Đức Bà hơn 10km. Khó khăn họ không nản lòng, vì đã có hai thiên thần xinh xắn, đáng yêu làm động lực vươn lên.

Sau nhiều năm bán khô mực, hai vợ chồng tích góp được ít vốn và vay mượn thêm người thân mở cơ sở gia công quần áo tại nhà. Đây là cái nghề đầu tiên "cứu sống" họ trong những ngày đầu vật vã ở thành phố nên cả hai rất tâm đắc.

Hai vợ chồng hào hứng khi được làm chủ, được thỏa sức làm việc mà không bị ai mắng chửi, nhưng chỉ được thời gian ngắn, hết vốn, cơ sở phải đóng cửa. Anh Thế cay đắng mang toàn bộ máy móc đi bán với giá rẻ mạt. Chị Lài đau buồn khi vốn liếng làm ăn đã hết sạch, lâm vào cảnh nợ nần như chúa chổm.

Nhiều đêm nằm suy nghĩ "phi thương bất phú", phải đứng lên làm lại từ đầu. Vậy là, họ lại vay mượn tiền, mở quán bún bò Huế. Đây vốn là món ăn đặc sản của quê hương anh Thế, nên anh chị rất tự tin với kế hoạch làm ăn lần này. Quán bún chỉ duy trì được 5 tháng thì đóng cửa, vì khách vắng như chùa Bà Đanh.
 


Xe mực khô là tương lai của hai đứa con họ.

 

Vốn lại cụt, nợ chồng nợ. Lần này, ít vốn hơn, anh Thế sắm chiếc xe đẩy đi bán hủ tiếu gõ vỉa hè. Và cũng chỉ được vài hôm đẩy xe xuống phố, họ bị cánh buôn thúng bán bưng xua đuổi, đành bỏ nghề.

Có lẽ đời "Thế gù" chỉ hợp với mực khô. Thế là, chiếc xe mực đã vứt xó từ lâu, nay lại được lôi ra sử dụng. Vốn là xe bằng gỗ nên đẩy mất nhiều sức, rất khó khăn. Một người bạn thấy thương đã bán lại chiếc xe máy cũ để vợ chồng đỡ phải đi bộ.

Buổi sáng không đi bán, anh Thế đẩy xe ra ngã tư đường chạy xe ôm kiếm thêm thu nhập. Ít lâu sau, chiếc xe xuống cấp, nổ phành phạch, rách tả tơi, khách thấy anh gù nữa nên chẳng ai thèm ngó tới. Dẹp nghề xe ôm, anh thế chuyển sang bốc vác. Tuy lưng gù, nhưng anh vẫn làm, miễn có người thuê.

Ban đêm là thời gian lao động cực nhọc nhất với hai vợ chồng. Cứ 6 giờ tối đẩy xe tới nhà thờ Đức Bà, đứng liên tục cho đến 2 giờ sáng ngày hôm sau. Mỗi đêm, thu nhập của anh chị vào khoảng ba trăm ngàn. Dạo này trời mưa suốt, có hôm đứng cả đêm chỉ bán được vài con mực. Mưa to nước ngấm vào mực, hôm sau không có nắng là mốc hết, coi như lỗ nặng.

Để giảm thiểu tối đa chi phí sinh hoạt, gia đình anh chị thuê chung căn gác trọ nhỏ với 3 hộ dân hành nghề bán vé số dạo. Căn phòng chỉ khoảng 20m2, đêm đến cũng ngần ấy con người chia ra nằm dài phủ kín diện tích.

Anh Thế khoe, hiện cô con gái lớn đang học lớp 10, cậu con trai học lớp 8. Tất cả vì con, đó là lý tưởng sống của người đàn ông gù này. Bất kể những đêm thành phố mưa như trút nước, đường ngập ngang đầu gối, anh vẫn cõng chiếc xe mực trên tấm lưng gù, lao nhanh về phía nhà thờ Đức Bà...
 


Theo Người lao động


Tình yêu

Tin tức mới nhất