Con đường nào cho những cao thủ Thiếu Lâm rời chùa đi đóng phim?

Thích Tiểu Long, Trần Xán, Thích Hành Vũ hay Vương Bảo Cường đều là đệ tử cưng của chùa Thiếu Lâm. Họ cùng nuôi mộng tham gia showbiz để rồi phải chọn những lối rẽ khác nhau.

Sau khi Vương Bảo Cường và Thích Tiểu Long hội ngộ ở một lễ trao giải, câu chuyện đệ tử Thiếu Lâm đóng phim được thảo luận khá nhiều ở Trung Quốc.

Tại sự kiện, Vương Bảo Cường gọi Thích Tiểu Long là sư thúc, kể lại một số kỷ niệm khi cùng là huynh đệ trong chùa Thiếu Lâm. “Nhiều năm trước, tôi từng trưởng thành sau những bộ phim của Thích Tiểu Long”, Vương Bảo Cường chia sẻ.

Con đường nào cho những cao thủ Thiếu Lâm rời chùa đi đóng phim?-1
Trần Xán thể hiện khinh công Thiếu Lâm.

Nhiều khán giả nhận xét Vương Bảo Cường khiêm tốn khi cùng là đệ tử Thiếu Lâm nhưng sự nghiệp của anh đã vượt xa “thần đồng” Thích Tiểu Long năm nào.

Các cao thủ ra đời sau sự khắc nghiệt ở Thiếu Lâm

Thiếu Lâm Tự được coi là một trong những cái nôi đầu tiên về võ thuật của Trung Quốc nhiều thế kỷ qua. Chùa Thiếu Lâm cũng là chủ đề yêu thích của các nhà làm phim điện ảnh. Lý Liên Kiệt hay Ngô Kinh đều từng nổi tiếng nhờ đảm nhận những vai diễn đệ tử chùa Thiếu Lâm. Nhưng thực tế, số lượng nghệ sĩ thực sự học ở lò võ này lại không nhiều.

Theo Sohu, Thích Tiểu Long đến giờ vẫn được ca ngợi tại Thiếu Lâm Tự, là biểu tượng về sự thành công của đệ tử bước ra từ lò võ Thiếu Lâm.

Thích Tiểu Long luyện võ tại chùa từ năm 2 tuổi. Những ngày đầu vào chùa, Thích Tiểu Long được cha - võ sư Trần Đồng Sơn - rèn luyện. Thời gian sau, anh chính thức trở thành đệ tử của trụ trì Thích Vĩnh Tín.

Con đường nào cho những cao thủ Thiếu Lâm rời chùa đi đóng phim?-2
Số lượng diễn viên xuất thân từ Thiếu Lâm Tự tại Trung Quốc là rất nhỏ. Thích Tiểu Long là biểu tượng được ca ngợi.

Ngoài ra, Vương Bảo Cường, Trần Xán, Triệu Văn Trác hay Thích Hành Vũ cũng từng có thời gian được các cao tăng Thiếu Lâm Tự dạy dỗ.

“Cuộc sống ở Thiếu Lâm Tự khắc nghiệt hơn các môi trường võ thuật khác. Họ phải sống và rèn luyện như những nhà tu hành thực sự”, Sohu cho hay.

Thực tế, ở Thiếu Lâm Tự mỗi ngày luyện công đối với các đệ tử đều như cả năm bên ngoài.

Đài CCTV từng phát sóng đoạn phim tư liệu ngày nhỏ của Thích Tiểu Long. Khán giả đã khóc khi chứng kiến những giọt nước mắt của cậu bé. Từ khi vào chùa, Thích Tiểu Long khi đó phải quen với việc dậy từ 5h sáng. Sau đó, cậu theo cha chạy bộ khắp chùa.

“Buổi sáng luyện, đến chiều lại luyện. Hết buổi chiều, đến đêm chuẩn bị đi ngủ, tôi cũng phải luyện công. Tuổi thơ của tôi gói gọn trong bốn chữ luyện võ cùng quay phim. Tôi chưa bao giờ có tuổi thơ nũng nịu cha mẹ như các bạn nhỏ khác”, Thích Tiểu Long kể.

Con đường nào cho những cao thủ Thiếu Lâm rời chùa đi đóng phim?-3
Vương Bảo Cường cũng là đệ tử Thiếu Lâm.

Nam diễn viên Long tranh hổ đấu Trần Xán tâm sự mê võ học từ nhỏ. Anh lại sinh trưởng trong gia đình có truyền thống võ thuật tại tỉnh Hà Nam. Ngay từ nhỏ, Trần Xán đã dũng cảm xin cha mẹ lên núi tu tập. Năm 2004, anh chính thức trở thành đệ tử của Thiếu Lâm Tự, do võ tăng Thích Diên Văn dạy dỗ.

“Sự khác biệt tại Thiếu Lâm Tự và các lò võ thông thường là rất lớn. Mỗi ngày đều phải luyện 7 đến 8 tiếng bên cạnh học văn hóa. Tôi tin rằng nhiều lò võ ở Trung Quốc chỉ mang tính nghiệp dư, còn Thiếu Lâm Tự mới là chuyên. Nghiệp”, Trần Xán trả lời Sina.

Vương Bảo Cường thường nói anh tới chùa vì sự đam mê và thần tượng Lý Liên Kiệt trong Thiếu Lâm Tự. Luyện võ vì đam mê và chí hướng sẽ giống Lý Liên Kiệt nên anh chưa bao giờ thấy mệt hay khổ. Anh cũng quen với những bữa no bữa đói tại chùa vì gia cảnh anh vốn không hề dư dả.

Ở giai đoạn dòng phim võ thuật gây sốt, đệ tử bước ra từ chùa Thiếu Lâm và biết chút ít về diễn xuất đều đễ dàng nhận được lời mời từ các nhà làm phim. Họ có lợi thế về võ thuật, không ít người trong số đó nhanh chóng nổi tiếng. Tiếc là sự nổi tiếng ở lĩnh vực nghệ thuật lại không lâu dài.

Quá khó để thành danh ở showbiz

Nam diễn viên Thích Hành Vũ sinh năm 1978 tại Sơn Đông, Trung Quốc. Anh là đệ tử đời thứ 32 của Thiếu Lâm và xuất gia tại chùa. Trong một lần tình cờ, Châu Tinh Trì ra sức mời tăng sư tham gia dự án Tuyệt đỉnh Kungfu. Dù chỉ đảm nhận một vai nhỏ nhưng hình ảnh Thích Hành Vũ trong phim nhận được sự yêu quý từ khán giả.

Cảm thấy có duyên với màn ảnh, anh quyết định hoàn tục, theo đuổi sự nghiệp diễn xuất. Thích Hành Vũ gây được chú ý nhờ sự xuất hiện trong các bom tấn: Long hổ môn (hợp tác Chân Tử Đan, Tạ Đình Phong), Ngòi nổ (đóng cùng Chân Tử Đan, Cổ Thiên Lạc), Công phu Trù thần, Diệp Vấn, Thập nguyệt vây thanh, Tân Thiếu Lâm Tự, Tây Du hàng ma thiên, Nguy thành.

Con đường nào cho những cao thủ Thiếu Lâm rời chùa đi đóng phim?-4
Thích Hành Vũ trong Tuyệt đỉnh Kung Fu.

Đóng nhiều phim nhưng Thích Hành Vũ tự thấy anh không phải là ngôi sao. Anh cũng không sống nhờ nguồn thu từ cát-xê đóng phim. Thay vào đó, Thích Hành Vũ chỉ coi phim ảnh như nơi chốn giúp anh thỏa mãn đam mê múa võ khi rời chùa. Thời gian còn lại, Thích Hành Vũ tích góp đầu tư và kinh doanh bất động sản.

“Sớm nở, sớm tàn” cũng là con đường mà Thích Tiểu Long hay Trần Xán trải qua khi rời Thiếu Lâm Tự. 5 tuổi, Thích Tiểu Long đã tạo nên cơn sốt nhờ Toàn phong tiểu tử. Thành công nối dài thành công khi Thích Tiểu Long liên tiếp tham gia các phim hot như Tân Ô Long Viện, Thời niên thiếu của Bao Thanh Thiên, Huyện quan 9 tuổi, Ỷ Thiên đồ long ký 2003.

Con đường nào cho những cao thủ Thiếu Lâm rời chùa đi đóng phim?-5
Trần Xán được chú ý nhờ việc giới thiệu các bí kíp Thiếu Lâm.

Nhưng sự nghiệp Thích Tiểu Long đi xuống rất nhanh sau đó. Trên Tuần san Thanh Niên, Thích Tiểu Long nói về bản thân ở thời điểm hiện tại: “30 tuổi, tôi đã trưởng thành”. Nam diễn viên nhí hàng đầu một thời không nuối tiếc quá khứ vinh quang. Anh luôn bình tĩnh và chọn con đường khác phù hợp với mình. Năm 2017, anh mở võ quán.

Một nhà làm phim nhận xét trên chuyên trang Bình luận Điện ảnh: “Đệ tử chùa Thiếu Lâm đóng phim là một chuyện, để thành công lâu dài và ăn cơm được ở lĩnh vực này lại là chuyện khác".

"Họ có lợi thế về võ thuật nhưng phim ảnh chỉ có võ thuật và cảnh quay hành động không còn là xu thế tại Trung Quốc. Họ thường không được đào tạo về diễn xuất, cách làm việc khô cứng. Thêm vào đó, yếu tố ngoại hình cũng là điều quan trọng”, nhà làm phim này nói thêm.

Thích Tiểu Long ngày càng tăng cân và có gương mặt khó để vào vai nam chính. Trần Xán, Thích Hành Vũ hay Triệu Văn Trác đơn điệu trong lối diễn. Gương mặt của họ cũng không thuộc diện “nhìn là ấn tượng”.

Con đường nào cho những cao thủ Thiếu Lâm rời chùa đi đóng phim?-6
Vương Bảo Cường là trường hợp hiếm hoi thành công nhờ tài diễn hài.

Đó là lý do đa phần các đệ tử đóng phim của chùa Thiếu Lâm sau một thời gian lại quay về với nghề võ.

Thích Tiểu Long mở võ đường ở quê nhà. Trần Xán sau thời gian long đong với phim ảnh đã trở thành cái tên được hâm mộ cuồng nhiệt nhờ sau khi chia sẻ những hình ảnh luyện bí kíp võ công: Thiếu Lâm khí công, Sắt hầu treo cổ công, Đại lực kim cương quyền, Thiếu Lâm khinh công, Thiếu Lâm vượt nóc băng tường… Anh cũng quyết tâm theo nghề dạy võ.

Vương Bảo Cường là trường hợp hiếm hoi ngày càng nổi tiếng ở giới showbiz. Nhưng nam diễn viên sinh năm 1984 lại ghi điểm nhờ con đường đóng phim hài. Anh được mệnh danh là vua phòng vé, người thay thế Châu Tinh Trì.

Trên màn ảnh, anh hiếm khi múa võ. Vì ít sử dụng võ thuật, nhiều khán giả đã bất ngờ khi biết hóa ra Vương Bảo Cường cũng từng là đệ tử của trụ trì Thích Vĩnh Tín.

"Những dịp Tết Nguyên đán, tôi đều muốn được về thăm chùa và sư phụ. Gặp lại thầy, tôi lại nhớ về quá khứ từng luyện võ của mình. Cái hay nhất mà Thiếu Lâm Tự mang lại cho tôi là ý chí không bao giờ bỏ cuộc và gục ngã. Nhờ thế, tôi mới có thể cố gắng nhiều năm đóng vai phụ để chờ ngày được công nhận", Vương Bảo Cường nói.

Theo Zing


vương bảo cường thích tiểu long võ thuật

Tin tức mới nhất