Cuộc đời kỳ lạ của trùm giang hồ từng sở hữu hàng tấn vàng

Mặc dù đã rửa tay gác kiếm hàng chục năm, nhưng với những người lớn tuổi, đặc biệt là trong giới giang hồ, cái tên Khoái "đù" vẫn là nỗi khiếp sợ.

Lời phán định mệnh

Trước khi trở thành trùm giang hồ khét tiếng, cái tên Khoái “đù” từng là nỗi khiếp sợ với quân địch. Khoái “đù” từng lập nhiều chiến công, tiêu diệt nhiều tàu chiến trên sông của địch.

Ở thị trấn Chùa Hang (huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên), khi hỏi đến cái tên Khoái “đù” thì không một ai là không biết. Câu chuyện về trùm giang hồ nổi tiếng với những vụ cướp táo tợn, hành sự không ghê tay và sở hữu khối tài sản lên đến cả tấn vàng vẫn được nhiều người rỉ tai nhau, mỗi khi có ai hỏi đến. Tuy đã rửa tay gác kiếm từ lâu, nhưng quá khứ bất hảo của Khoái “đù” khiến cho người dân nơi đây vẫn còn chút e dè. Phải khó khăn lắm, chúng tôi mới nhờ được một người dẫn đến căn nhà nơi Khoái “đù” đang sinh sống.


Khoái "đù" thời trẻ.

Căn nhà 2 tầng mái tum cũ kỹ nằm ngay mặt đường, cách trung tâm thị trấn chùa hang chừng 1 cây số. Thật khó có thể tin được nơi đây lại là nơi ẩn cư trong những ngày cuối đời của gã giang hồ, từng sở hữu khối tài sản khổng lồ. Mất một lúc lâu sau khi gõ cửa, một người đàn ông cao chừng 1m50, da sạm đen, đôi mắt sắc lạnh mới ra tiếp chuyện.

Không giống với những tay anh chị khác thường “khép mình” mỗi khi có báo chí đến thăm, Khoái “đù” lại tỏ ra rất hào hứng. Để có thể kể hết câu chuyện về cuộc đời mình, Khoái “đù” mời chúng tôi vào quán cà phê ngay sát cạnh bên. Trong cơn gió se lạnh những ngày đầu đông, Khoái “đù” nhấp ngụm cà phê, mồi thuốc, kéo một hơi dài, thả làn khói nồng đặc lên không trung rồi bắt đầu kể.

Khoái “đù” tên thật là Đoàn Văn Tô (SN 1948) trong một gia đình nông dân nghèo có 7 anh chị em tại xã Phong Chương (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Tên Tô được bố mẹ đặt cho Khoái “đù” với ước mong cuộc đời Khoái “đù” sau này sẽ thật sung sướng. Cái tên Tô được đổi thành Khoái, bắt nguồn từ lời phán của một người thầy bói.

Vào một buổi chiều, khi thấy Khoái “đù” đang chơi cùng các anh chị em trong nhà, một người đàn ông tự xưng là thầy bói chạy đến nhìn mặt, hỏi tên rồi phán với bố mẹ Khoái “đù” rằng: “Thằng này có tướng làm những chuyện động trời, nhưng số phận thì long đong, cuộc đời sẽ nhiều lần vào tù, ra tội”. Nửa tin, nửa ngờ, lại sợ con sau này phải khổ nên bố mẹ đổi tên Tô thành Khoái.

Những chiến công vang dội

Mặc dù đã đổi tên nhưng nghèo khổ vẫn đeo bám Khoái “đù” ngay từ những ngày đầu đời. Sống trong cảnh nước mất nhà tan nên 10 tuổi Khoái “đù” đã bỏ học, thỉnh thoảng bỏ nhà trốn lên rừng, đi theo bộ đội để làm liên lạc. Trong số đám bạn cùng trang lứa, Khoái “đù” nhỏ con nhất. Vì nhỏ con nên Khoái “đù” thường hay bị bạn bè bắt nạt và rồi đây là dấu mốc đưa Khoái “đù” đến cuộc đời võ nghệ.


Căn nhà nơi Khoái “đù” sinh sống.

Suốt những năm tháng sau đó, Khoái “đù” lang thang hết các lò luyện võ để học, hết thầy này đến thầy khác để rồi cuối cùng Khoái “đù” theo chân võ sư Võ Thành Quá (một võ sư nổi tiếng thời bấy giờ) để học hỏi hết các thế võ liên hoàn tổng hợp.

Dường như số phận bắt Khoái “đù” sinh ra là để làm võ sĩ, nên chỉ một thời gian ngắn Khoái “đù” đã thuần thục hết các thế võ mà thầy truyền dạy. Sau khoảng thời gian ôn luyện, Khoái “đù” lần lượt thách đấu và hạ đo ván các sư huynh đi trước bằng những quái chiêu hiểm ác, tiếng tăm của Khoái “đù” cũng nổi tiếng khắp làng võ.

Cũng vì nổi tiếng, cộng thêm bản tính lanh lẹ, thông minh, 12 tuổi, Khoái “đù” đi theo cách mạng, làm nhiệm vụ liên lạc viên cho các chiến sĩ tàu Không Số rồi sau này chính thức vào biệt động thành, thuộc đơn vị C125, quân khu Trị Thiên. Khi mới 13 tuổi, Khoái “đù” đã là khắc tinh, là nỗi kinh hoàng của địch. Đến năm 14 tuổi, Khoái “đù” lập chiến công đầu tiên, khi một mình bơi ra giữa sông, gài mìn, đánh chìm tàu chiến của địch trên sông.

“Hồi đó, cấp trên giao nhiệm vụ bằng mọi giá phải đánh chìm tàu chiến của địch nhưng không ai dám đứng lên nhận nhiệm vụ, cuối cùng tôi đánh liều giơ tay. Mới đầu nhìn thân hình tôi ốm yếu, còm nhom nên cấp trên còn phân vân nhưng khi thấy tôi quyết tâm, cấp trên cũng đồng ý”, Khoái “đù” nhớ lại chiến công đầu tiên của mình khi vào biệt động thành. Sau chiến công đó, tiếng tăm của anh lính Khoái “đù” ngày càng nổi như cồn. Nhiều đồng đội trong đơn vị noi gương Khoái “đù” hạ quyết tâm tiêu diệt địch.


Khoái “đù” trò chuyện với PV.

Cuộc trò chuyện thỉnh thoảng lại bị gián đoán bởi những câu nói đầy tự hào của Khoái “đù”: “Tôi là một người lính biệt động, tôi là người của cách mạng”. Kể từ chiến công đó, cách hạ tàu chiến của địch vừa thông minh lại vừa đơn giản của Khoái “đù” được nhiều đồng đội áp dụng. Theo đó, mìn được gắn vào rễ bèo tây, thả ngược dòng nước, chỉ cần tàu đến gần là bấm nút cho nổ tan tàu chiến. Với cách làm thông minh đó, Khoái “đù” và đồng đội đã thực hiện thành công việc đánh đắm hàng chục tàu chiến và tiêu diệt không biết bao nhiêu tên địch.

Mối tình đẹp với o du kích

Không chỉ lập được nhiều chiến công vang dội, Khoái “đù” còn tỏ ra là một người nghĩa hiệp. Một lần, tên Đồn trưởng đồn Tân Hương khét tiếng độc ác giở trò trêu ghẹo một nữ sinh trường Đồng Khánh. Chàng trai 16 tuổi không kìm được tức giận, đã ra tay đấm rụng năm chiếc răng và dùng dao chặt đứt cánh tay phải của hắn để cảnh cáo. Cô nữ sinh trường Đồng Khánh đó là o Hoa. Ngay hôm đó, Khoái “đù” bị cảnh sát Nguỵ truy lùng ráo riết. Nhiều lúc Khoái “đù” phải ẩn nấp dưới lớp bèo tây trôi dưới sông để lẩn trốn quân thù.

Sau câu chuyện “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga”, ân nghĩa mà o Hoa dành cho Khoái “đù” mỗi ngày một lớn rồi thành tình yêu. Họ yêu nhau dưới mưa bom, bão đạn của kẻ thù. Thời kỳ đó, o Hoa ngoài việc học còn là một nữ giao liên du kích cho cách mạng. Thế nhưng, trước cảnh nước nhà còn đang lâm nguy, tình yêu của họ chỉ có thể dừng lại ở những ước mơ và hẹn ước mai sau. Khoái “đù” chia sẻ: “Mối tình đầu ấy đẹp lắm cháu à. Đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in khuôn mặt rạng ngời, đẹp đẽ của người mình yêu”.

Yêu nhau chưa được bao lâu, trong một trận rải bom, o Hoa đã hy sinh anh dũng trên mảnh đất quê hương, Khoái “đù” nghe tin dữ, con tim như vỡ tan. Trong lễ truy điệu người yêu, Khoái “đù” đọc bài thơ do chính mình viết ra: “Tôi là người chiến sĩ giải phóng quân/Vượt núi băng sông, xuyên rừng, lội suối/Còn trẻ lắm, năm nay mới 16 trăng tròn/Hò hẹn biết bao xuân/Có những ngày thiếu áo hành quân/Thiếu từng viên thuốc đắng/Có những ngày tôi đi trong nắng/Chân không giày đầu đội cả trời mây”. Bài thơ tiễn biệt người yêu của Khoái “đù” sau này được đọc rất nhiều trên Đài phát thanh tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Thủa ấy, mối tình chàng lính biệt động Khoái “đù” và o du kích Hoa đã trở thành hình mẫu thời chiến của biết bao nhiêu lớp trẻ giữa khói lửa Bình Trị Thiên. Và rồi bài thơ của Khoái “đù” trở thành bài ca trữ tình cảm động, mà rất nhiều thanh niên đã học thuộc.  Người yêu nằm xuống giữa bom đạn, Khoái “đù” gạt nước mắt, bỏ lại sau lưng những kỷ niệm đẹp của tuổi trẻ, cống hiến sức lực chiến đấu bên những người lính biệt động.

Một người lính dũng cảm như Khoái “đù” tại sao lại trở thành một tướng cướp? Nguyên cớ nào đã đưa ông sa ngã vào con đường tội lỗi ấy?

Theo Công lý xã hội


giang hồ tin tức

Tin tức mới nhất