Cuộc hành hình oan nghiệt cô công chúa 19 tuổi xinh đẹp của hoàng gia Ả Rập Saudi

Một trong những bi kịch lớn nhất của hoàng gia Ả Rập Saudi đó chính là câu chuyện về nàng công chúa 19 tuổi, Mishaal bint Fahd al Saud.

Nàng công chúa Hồi giáo hiện đại, yêu tự do

Công chúa Mishaal là một thiếu nữ xinh đẹp, có tâm hồn thích tự do, bay nhảy. Cô yêu cuộc sống này và muốn được hạnh phúc, muốn được hát ca và tất nhiên là cũng như bao thiếu nữ khác nguyện hết mình sống chết vì tình yêu. Mishaal được vua Khalid yêu thương hết mực. Không chỉ vua cha mà cả hoàng gia đều yêu mến cô gái bé nhỏ này. Mọi thứ tốt đẹp nhất đều được dành cho cô công chúa xinh đẹp.

Khi Mishaal đến tuổi trưởng thành, họ lựa chọn cho cô vị hôn phu từ một trong những người anh em họ trong hoàng tộc. Tuy nhiên, một trái tim tự do như vậy sẽ không bao giờ chấp nhận sự sắp đặt gượng ép này. Mishaal tìm cách thoái thác cuộc hôn nhân hoàng tộc thông qua con đường học vấn. Cô muốn được học lên đại học ở thủ đô Beirut của Liban. Gia đình cô đành phải đồng ý, còn vị hôn phu cũng không có lựa chọn nào khác là chờ đợi cô trở về.

công chúa
Công chúa Mishaal quyết định du học để tránh cuộc hôn nhân sắp đặt. Hình ảnh từ bộ phim tài liệu “Cái chết của công chúa”.

Việc lựa chọn Liban để học đại học của công chúa không phải là điều ngẫu nhiên. Liban có một sức hấp dẫn đặc biệt đối với cô gái trẻ đến từ một quốc gia Hồi giáo như Mishaal. Đây không chỉ là nơi giao hòa giữa Thiên Chúa giáo và Hồi giáo, mà còn là cánh cửa nối thế giới Ả Rập với Châu Âu, đồng thời là cây cầu cho Châu Âu đến với các nước Ả Rập.

Đây là quốc gia hội tụ nhiều nền văn minh khác nhau, lại sở hữu một nền văn hóa giàu có và mạnh mẽ, cùng với đa dạng các nhóm sắc tộc và tôn giáo, Liban đã giúp công chúa Mishaal thoát khỏi những kìm kẹp của chế độ Hồi giáo khắc nghiệt đối với phụ nữ Ả Rập.

Tình yêu chớm nở và giông tố

Chính tại đất nước này, cô gặp một sinh viên Ả Rập tên là Khaled al-Sha’er Mulhallal, vốn là cháu trai của đại sứ Saudi ở Liban. Cả hai người đã sớm nảy sinh tình cảm ngay từ lần gặp đầu tiên, bất chấp sự thật rằng Mishaal là hoàng thân công chúa.

Khi trở lại Ả Rập, vì lo sợ sẽ bị trừng phạt, Mishaal đã tìm cách cùng bạn trai bỏ trốn ra nước ngoài. Nhưng đáng tiếc, cả hai bị phát hiện ngay tại sân bay Jeddah. Trường hợp của công chúa Mishaal có thể bị khép tội ngoại tình, bởi cô từng có đính ước với một người trong hoàng tộc.

Tại đất nước Hồi giáo Ả Rập Saudi, ngoại tình là một tội chết, và những vụ việc như vậy rất hiếm khi xảy ra. Bởi theo đạo luật Sharia của người Hồi giáo, một người chỉ có thể bị kết tội ngoại tình khi có ít nhất 4 nhân chứng là nam giới, hoặc nếu không, thì bản thân nghi phạm phải tự mình nhận tội ba lần.

hành hình
Công chúa bị gán tội ngoại tình vì chạy trốn với người mình yêu. (Hình ảnh từ bộ phim tài liệu “Cái chết của công chúa”)

Ngay sau khi bị bắt tại sân bay công chúa Mishaal từng thú nhận: “Tôi đã phạm tội ngoại tình”. Ngay sau đó, vua Khalid ngăn cô lại và cho gọi cô vào phòng riêng.

Ông nói: “Con có biết rằng nếu thừa nhận tội danh đến lần thứ hai hoặc thứ ba, ta sẽ không thể cứu con không? Ngay cả ông của con cũng không thể cứu con. Con hãy quay lại và chỉ cần nói một điều này thôi, rằng con sẽ không bao giờ gặp lại chàng trai ấy nữa”.

Nhưng với một cô gái mang tư tưởng hiện đại, thẳng thắn như Mishaal điều đó là không thể. Khi quay lại, Mishaal lại tiếp tục nhận tội: “Tôi đã phạm tội ngoại tình. Tôi đã phạm tội ngoại tình. Tôi đã phạm tội ngoại tình!” – Chỉ bấy nhiêu đó là đủ cho một cuộc hành quyết vào ngày 15/7/1977.

Cuộc hành quyết chưa từng có trong lịch sử

Vào một ngày giữa tháng 7/1977, tại thành phố Jeddah nằm trên bờ Biển Đỏ thuộc phía tây Ả Rập Saudi, một đôi nam nữ bị đem ra hành hình ngay tại bãi đỗ xe bên cạnh tòa nhà Queen’s Building…

Vụ hành hình không diễn ra trên Quảng trường Công lý (Square of Justice), không được thực hiện bởi một tay đao phủ chuyên nghiệp, và cũng không hề trải qua phiên tòa xét xử nào giống như những vụ án chính thức trước đó. Tất cả đều phá vỡ mọi thủ tục pháp lý thông thường. Và đó là vụ hành hình đối với thành viên trong hoàng gia – công chúa Mishaal.

vụ hành quyết
Vụ hành hình diễn ra trước sự chứng kiến của hoàng gia và người dân. (Hình ảnh từ bộ phim tài liệu “Cái chết của công chúa”)

Thật khó để tin rằng một cô gái am hiểu về sự hà khắc của đạo Hồi giống như Mishaal lại quyết định trở về Ả Rập, rồi bỏ trốn, rồi lại chấp nhận cái chết cùng với người con trai cô yêu thương. Nhưng đó không phải chỉ là câu chuyện riêng của Mishaal, mà còn là của hàng trăm triệu người phụ nữ trong thế giới Hồi giáo.

Rất nhiều người dân Ả Rập chỉ quanh quẩn cả đời trong những xóm làng nơi họ sinh ra và lầm tưởng rằng cả thế giới đều giống như vùng đất nơi họ đang sống. Với Mishaal, cô may mắn được tiếp xúc với thế giới bên ngoài, được làm quen với nhiều nền văn hóa và những tư tưởng tiến bộ khác nhau. Nhưng, có một sự thật không thể phủ nhận rằng cô vẫn là một người phụ nữ Ả Rập. Để vĩnh viễn thoát khỏi mọi kìm kẹp hà khắc, cô gái ấy đã lựa chọn cho mình cái chết.

Câu chuyện của Mishaal gây xúc động mạnh mẽ cho một nhà làm phim đến từ phương Tây, đạo diễn Antony Thomas. Đạo diễn này đã đến Ả Rập Saudi, gặp gỡ rất nhiều người và thực hiện hàng trăm cuộc phỏng vấn khác nhau để tái hiện lại một trong những câu chuyện tình thương tâm bậc nhất của lịch sử Ả Rập.

Năm 1980, bộ phim tài liệu “Cái chết của một công chúa” được công bố, trở thành chủ đề gây tranh cãi nhiều nhất trong các chương trình truyền hình. Bộ phim dài gần 2 tiếng đồng hồ là một vấn đề chính trị và ngoại giao nhạy cảm đối với các quốc gia có quan hệ với Ả Rập Saudi.

Hiện tại, “Cái chết của một công chúa” được đăng tải trên mạng xã hội Youtube. Bộ phim xây dựng dựa trên các lời khai từ người dân Ả Rập và có sự tham gia của nhiều diễn viên nhằm tái hiện lại nhân vật.

Theo Trí thức trẻ

Tin tức mới nhất