Cuộc sống trên hòn đảo 'bí hiểm' giữa sông Hồng

Cựu lái tàu ở ga Hàng Cỏ, kỳ nhân hơn 30 năm vớt xác trên sông, giáo viên thể thao về hưu yêu nữ công nhân… tất cả đều chọn cách "mai danh ẩn tích" trên một bãi bồi rộng lớn giữa sông Hồng.

"Hòn đảo" bị lãng quên

Nhà tôi ở làng Bạc (thuộc phường Phú Thượng), cạnh bến đò Xù bên bờ sông Hồng. Giữa sông có một bãi bồi lớn, nhìn từ bờ bên này chỉ thấy một màu xanh ngắt của rặng chuối và nương ngô. Lòng sông không bằng phẳng. Hồi nhỏ, bà ngoại tôi hay nhắc nhở về “Ghềnh Bạc - thác Xù”. Tàu thuyền đi qua đây luôn phải chú ý. Năm 1995, một vụ đắm thuyền thảm khốc đã làm 30 người chết.


Toàn cảnh "hòn đảo bị lãng quên" ở chân cầu Nhật Tân. Ảnh: Google Maps.

Lũ trẻ con ít khi được ra sông chơi. Nhưng mỗi khi đi học về, tôi thường đứng trên mặt đê nhìn ngắm bãi bồi xanh ngắt, lòng rộn lên không ít tò mò. Đến khi đọc truyện “Bến quê” của Nguyễn Minh Châu, tôi đã quyết tâm một ngày nào đó phải đặt chân lên bãi bồi ấy.


"Hòn đảo bị lãng quên" nằm sát chân cầu Nhật Tân, dài gần 3 km, rộng gần 1 km, chỉ có khoảng 10 người ở với 6 nóc nhà.



Khoảng 30 năm trước, một làng ở Vĩnh Phúc di cư đến đây. Nhưng sau khi xây cầu Nhật Tân, họ bỏ về dần khiến nơi này vắng vẻ trở lại. Trong một thời gian dài, nơi này gần như không được nhắc đến.

Năm 21 tuổi, khi đang tắm sông, ký ức cũ lại hiện về thôi thúc tôi bơi qua quãng sông rộng cả cây số. Có lúc, tôi suýt bị một tàu chở cát chèn qua. Và cái sự liều lĩnh đến dại khờ ấy đã giúp “tiểu Colombo” tìm ra “châu Mỹ”. Quăng mình lên đảo với cơ thể mệt nhoài, tôi vẫn cố sức bước đi chân trần trên những đồng cỏ và với những bụi cây rậm rạp. Và một ngôi nhà đã hiện ra. Nhưng tôi đã không thể bước vào khi một đàn chó dữ không ngừng xua đuổi.

Bơi hơn một cây số trở về. Sóng nước đã đẩy tôi ra xa điểm xuất phát ban đầu. Lần qua bụi rậm, qua những khu tập thể dục trong trạng thái gần như khoả thân, tôi như Archimedes sung sướng với phát kiến của mình. Những thắc mắc thủa bé dần được giải toả.

Sau vài năm bẵng đi, khi trở thành phóng viên, tôi quyết định cùng một đồng nghiệp thâm nhập vào vùng lõi của hòn đảo để quyết tâm gặp gỡ những cư dân bí ẩn nơi đây.


Cuộc sống biệt lập dưới gầm cầu Nhật Tân Hàng chục năm qua vẫn tồn tại một nhóm cư dân sống biệt lập trên một cồn cát giữa sông Hồng, bên dưới gầm cầu Nhật Tân.

Mối tình già trong túp lều vải bạt


Trên đảo, mỗi nhà chỉ có 1-2 người nhưng có đến 5-6 con chó để trông đất và cho vui cửa, vui nhà.



Những chú chó rất quấn quýt với chủ nhưng sẽ sủa vang và có phần hung dữ khi người lạ tiến đến nhà.

Đi thuyền lên đảo, bước qua những con đường mòn với đầy những gai góc, chúng tôi mang theo 2 cái gậy đề phòng chó dữ. Nhưng sự chuẩn bị đó nhanh chóng trở nên vô dụng khi hàng chục con chó đủ loại lớn bé xồ ra vây kín xung quanh. Cầm cái gậy hua hua trong vô vọng.

May mắn thay, người chủ kịp thời xuất hiện giải nguy cho 2 kẻ liều lĩnh.

Người chúng tôi gặp là bà Toàn (49 tuổi). Bà cho biết cả xóm này chỉ có 6 nóc nhà với hơn 10 người ở. Hàng ngày vẫn có người qua đây câu cá, nhưng phóng viên thì chưa thấy bao giờ.

Khi chúng tôi ngỏ lời muốn chụp ảnh, bà cười: “Ối giời ăn mặc thế này lên báo xấu hổ lắm”, vừa nói, bà vừa nhìn xuống đôi ủng xanh và chiếc áo công nhân đã cũ.


Bà Toàn (49 tuổi) ra bãi giữa với em gái được khoảng 5 năm. Hàng ngày, bà hái rau bí để bán cho các nhà hàng trong thành phố.




Củi trên đảo rất sẵn nhưng nước sạch thì phải chở từng bình trong đất liền ra để uống và nấu cơm. 

Bà theo người em gái ra đây sống được 6 năm. Hàng ngày, bà phát cỏ, hái rau bí, trồng đu đủ, bẻ ngô. Ở đây đất tốt nên trồng cái gì cũng dễ. Bà bảo mỗi ngày bán hàng trăm kg rau bí cho các nhà hàng trong nội thành, tất cả đều sạch và không biết đến phun thuốc là gì.


Bãi giữa này từng có thời kỳ đông đúc nhưng hoang vắng dần sau khi cầu Nhật Tân xây dựng


“Xóm đảo này có thời kỳ đông lắm, cả một làng ở Vĩnh Phúc rủ nhau lên đây định cư. Công việc chủ yếu là trồng hoa màu. Thế rồi người ta đến mượn đất để xây cầu Nhật Tân. Dân trong xóm cứ chuyển đi dần, đến giờ chỉ còn khoảng 6 nóc nhà”, bà Toàn kể trong lúc cầm liềm rẫy cỏ trên một gò đất.

Sau khi xây xong cầu Nhật Tân, các tốp công nhân rời khỏi đảo. Những cư dân ở đây nhặt nhạnh vải bạt, sắt thép xây dựng còn sót lại, vá víu thêm vào những căn lều của mình.

“Cái võng tôi đang ngồi là của đội công nhân bỏ lại. Tấm lưới quây vườn rau kia cũng của họ, đồ của Nhật bền lắm”, ông Chương cho biết.

Ông Chương (gần 70 tuổi) trước đây là giảng viên của Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh. Người giảng viên góa vợ tình cờ gặp được bà Toàn - khi đó là công nhân làm việc tại khu công nghiệp. Người phụ nữ cũng mất chồng sớm. Cùng cảnh “đứt gánh giữa đường”, họ tìm đến với nhau.


Ông Chương và bà Toàn cùng cảnh đứt gánh giữa đường. Họ nối duyên lại với nhau sau 2 năm dài kiên trì "cầm cưa" của giảng viên về hưu.




Ông không thích bà ra bãi giữa vì vất vả và thiếu thốn. Nhưng khi bà đã quyết, ông lại ra theo.

“Khi chúng ta già

Em muốn rời thành phố

Dựng một ngôi nhà trên cao nguyên

Cách xa thế giới

Chỉ có hai đứa mình cùng bầu trời”.

Những câu trong bài thơ “Khi chúng ta già” của Nguyễn Việt Hà dường như để dành tặng đôi vợ chồng này. Ông ngồi nhặt rau bí, bà nheo mắt vì khói bếp cay nồng, tiếng gà gáy vang cả triền sông. Cuộc sống diễn ra thong thả, dù ngay trên đầu họ là từng đoàn xe lao vun vút qua cây cầu Nhật Tân hùng vĩ.

“Ông ấy ‘cưa’ tôi mất 2 năm trời đấy. Thời gian đầu ‘chàng’ cứ gọi điện, nhắn tin, tôi thấy số lạ quấy rầy nên chửi mắng suốt. Nhưng một hôm, người bạn lừa tôi đến nhà để gặp mặt ông ấy. Ông mang tặng tôi một bọc hạt dẻ, rồi thi thoảng rủ đi ăn uống”, bà Toàn nằm đung đưa trên chiếc võng trước cửa lều, nhớ lại hồi mới yêu.


Ông vốn là giảng viên dạy bơi. Về già, mỗi tháng đôi lần ông ra bãi giữa, vừa để sống gần bà, vừa để hưởng không khí bình yên.




Ăn cơm xong, bà rửa bát rồi lên võng nằm. Ông xách cần đi câu cá. Mùa đông, cá chẳng có mấy nhưng ông bào câu vì cái thú chứ có cá hay không, không quan trọng.

2 năm liền, ông ấy đi xe máy từ Từ Sơn, Bắc Ninh đến Yên Lạc, Vĩnh Phúc để “cưa” bà. Mãi rồi bà mới đồng ý. Con cái 2 bên cũng ủng hộ vì “con chăm cha không bằng bà chăm ông”. Chúng muốn bà về Bắc Ninh sống chung một nhà. Nhưng tính bà thích tự do, quen làm nông nghiệp nên theo em gái ra bãi giữa.

Từ đó, cứ mỗi tháng đôi lần, ông lại ra chân cầu Nhật Tân để được sống cùng bà.

Căn lều họ đang ở vốn là của em gái bà Toàn. Giờ chủ nhà đi vắng, túp lều chỉ còn 2 vợ chồng già.

Cuộc sống của cặp đôi giờ chỉ quanh quẩn với cánh đồng ngô, cà chua, rau bí và đu đủ. Ngoài công việc đồng áng, ông bà nuôi thêm đàn gà và vài con chó. “Bọn mèo hoang vẫn đến nhà ăn cơm, nhưng không cho ai sờ vào người”, bà Toàn chỉ vào một con mèo đang lấp ló sau mấy quả bí ngô.

“Phó mặc cho ông giời”


Ông Thảo là lái tàu về hưu. Ông rời ngôi nhà ở đường Lê Duẩn để ra với bãi giữa sông Hồng, sống chan hoà cùng thiên nhiên cây cỏ.


“Sáng sớm ở đây muốn đi ăn bát phở cũng chịu”, ông Thảo - cư dân mới nhất trên đảo nói trong lúc dẫn khách về thăm nhà. Năm 1980, ông Thảo là tài xế lái tàu hỏa hơi nước tại ga Hàng Cỏ (nay là ga Hà Nội). Đến năm 2015, ông về hưu, bắt đầu an hưởng tuổi già.

Dù có nhà tại đường Lê Duẩn (gần cơ quan cũ) nhưng ông sớm chán cuộc sống xô bồ nơi phố thị. Cựu tài xế tàu hỏa đến hòn đảo này để nhận công việc trông nom đất cho một công ty sản xuất rau sạch.


Mỗi ngày, ông mang quần áo ra sông giặt để tiết kiệm nước vì không phải lúc nào cũng có thể chạy máy nổ.



“Nhiều người hỏi điều gì khiến một ông già xấp xỉ 70 đang ở giữa phố đông lại muốn chuyển ra 'đảo hoang'. Thực ra công việc chỉ là cái cớ. Tôi thích ở đây vì gần gũi thiên nhiên, không khí trong lành, không ngột ngạt như nội đô. Con cái van nài mãi nhưng tôi vẫn ở không muốn về”, ông Thảo chia sẻ.

Đêm đầu tiên trên đảo, công ty chưa kịp xây lán nên ông Thảo phải ngủ trong bụi cỏ lau để tránh gió rét. “Đêm đầu tiên, tôi cũng rợn. Nhưng lỡ đâm lao rồi thì phải theo lao. Lúc ấy rủi có rắn rết bò vào chỗ nằm thì xong đời. Những chuyện đó tôi chưa bao giờ kể với con cái”, ông bộc bạch.


Thiếu điện, nguồn sáng duy nhất của ông và chiếc đèn ắc quy và liên lạc về nhà bằng điện thoại đen trắng.

Sáng hôm sau mới có người mang nguyên vật liệu ra để dựng lán tôn. Cái lán dành cho người trông đất rộng chưa đầy 10 m2 với một chiếc giường đơn, một bếp ga và một máy phát điện. Nguồn sáng duy nhất trong nhà là một chiếc đèn chạy bằng ắc quy.

“Nếu đêm hôm trúng gió thì sao á? Thôi thì phó mặc cho ông giời”, người đàn ông cao tuổi nở nụ cười, tha thiết mời chúng tôi ở lại ăn cơm tối.

Ông Thảo đặt nồi cơm lên bếp ga, rồi mang chậu quần áo ra sông giặt. Ông bảo giặt ở sông cho tiết kiệm nước vì không phải lúc nào cũng có thể chạy máy bơm.


Dù chỉ có một mình nhưng ông rất chú trọng chuyện ăn uống. Hàng ngày, ông nhờ thuyền mua thịt lợn, rau xanh. Bữa sáng ông còn nấu xôi đỗ đen.



Mấy ngày đầu, vợ ông cũng ra ở cùng. Nhưng được vài hôm thì bà bỏ về phố vì không chịu được nỗi buồn. Còn ông lại lấy chuyện này là điều thú vị.

Giặt xong quần áo lại quay về nấu thức ăn. Bữa cơm của ông là nửa cái bắp cải xào và ít thịt lợn rang. Tất cả được “tiếp tế” bằng con thuyền duy nhất chạy về đất liền.

Mâm cơm tối đặt ngay trên chiếc máy nổ với mấy cái xô đựng sơn úp ngược lại làm ghế. 



Sau bữa cơm, ông già gần 70 tuổi lại xách đèn pin đi thăm hàng xóm. Ông bảo cả đảo chỉ có mấy người, phải nương tựa vào nhau mà sống.

Trong ánh điện chạy bằng ắc quy, họ cùng ngồi uống nước chè, nói chuyện mùa vụ. Cả xóm đảo, không nhà ai có tivi.

Người hùng mai danh ẩn tích

Khác với những hộ chuyên trồng trọt, anh Dũng có hơn 50 con bò, là người chăn nuôi lâu năm nhất trên đảo. Anh có nhà riêng ở Nhật Tân nhưng hàng ngày vẫn ăn ngủ tại chỗ để trông nom đàn bò. Gầm cầu trở thành “mái che nghìn tỷ” được anh tận dụng.

Người đàn ông với cái đầu trọc, ria mép rậm, tướng mạo giang hồ tỏ ra ít nói nhất trong số cư dân trên đảo. Cũng vì thế mà suýt nữa chúng tôi không nhận ra anh chính là “người hùng” được nhiều trang báo nhắc đến với cái tên “Dũng trọc - Nghĩa hiệp sông Hồng”.

Hơn 30 năm qua, anh Nguyễn Văn Dũng đã tình nguyện vớt xác hàng trăm người trên khúc sông này. Mỗi lần vớt được xác, anh Dũng lại đánh dấu bằng một vạch ngang trên cột nhà.

Nhiều lần được người thân nạn nhân nhờ đi tìm xác, anh lại bỏ việc nhà đi giúp họ. Xong việc, họ gửi tiền hậu tạ, có người tặng đến 50 triệu nhưng anh không lấy một đồng. Những nạn nhân vô danh được anh bỏ tiền túi ra lo chôn cất tại một nghĩa địa gần bờ sông.


“Dũng trọc - Nghĩa hiệp sông Hồng” đã vớt hàng trăm xác người trên khúc sông này trong suốt hơn 30 năm qua. Còn cái nghiệp chăn bò đã gắn với anh từ khi 7 tuổi cho đến nay.



Ban đầu, anh chăn ở Nhật Tân. Nhưng khoảng những năm 2000, anh chuyển ra "hòn đảo bị lãng quên" này để nhường đất cho việc trồng đào.

Cũng vì công việc chẳng giống ai mà có người còn gọi anh là Dũng “khùng”. Anh cũng chẳng cãi cự, chỉ nói “Đó là cái nghiệp vận vào thân từ bé”.

May mắn thay, những nạn nhân đuối nước trôi sông cũng ít dần. “Cái xác gần nhất tôi vớt lên bờ là Tết năm ngoái”, anh nói.

Người đàn ông nghĩa hiệp lại tiếp tục mưu sinh với nghề chăn nuôi. Hàng ngày anh dậy trước 6h sáng, lùa đàn bò từ chân cầu Nhật Tân ra đồng cỏ nằm ở phía tây đảo. Ở phía đông hòn đảo là nơi anh thả đàn ngựa để phục vụ cho một đoàn làm phim cổ trang.




Bên cạnh bò, anh còn nuôi ngựa cho một đoàn phim và nuôi thêm một đàn gà chạy bộ.

Chăn bò từ năm 7 tuổi, đến năm 30 tuổi, anh chuyển từ Nhật Tân ra đảo khi đất ở đó được chuyển sang trồng đào. Với 20 con bò ban đầu, số lượng nay đã là 50 con. Ở đây đất rộng, cỏ tốt, bò lớn nhanh. Năm nào, anh cũng bán hơn chục con. Nhiều người thích “bò chạy bộ” nên góp tiền mua về ăn chung.

Giữa mùa lạnh, lũ gia súc thường xuyên rúc vào các bụi cây tránh rét và ăn những lớp cỏ dày khiến người chăn thả phải chạy quanh đảo để đi tìm. Anh bảo cũng may đây là đảo, nên có lúc bò ngủ trong bụi rậm, đến hôm sau mới về. Nhưng bốn bề là nước, nên mấy chục năm rồi chưa mất con nào.

Sẽ không còn là nơi bí hiểm

Không nỗi niềm, không trăn trở, những cư dân đảo hoang ở tuổi xế chiều chỉ mong cuộc sống cứ tiếp diễn bình lặng với những mùa nông sản bội thu. Đất bồi chứa nhiều phù sa nên hoa màu lớn nhanh không cần hóa chất.

Sự thiếu vắng con người giữ cho hòn đảo những khung cảnh hoang sơ hiếm có. Từng đàn bò, đàn ngựa, vịt trời và dê núi cứ thản nhiên xuất hiện giữa đường rồi lại lẩn vào bụi cỏ.



Anh Dũng với kết hợp với một người bạn nhận thầu khoảng 2 ha để trồng cây ăn quả và làm công viên hoa.


Ngày chúng tôi đến cũng là ngày đầu tiên dự án được khởi công. Công viên hoa, sân golf, dự án trồng rau sạch được cho là sẽ làm thay đổi hòn đảo này trong vài năm tới.

Nhưng sự hoang sơ đẹp đẽ ấy sắp sửa lùi vào dĩ vãng. Công ty thuê ông Thảo làm bảo vệ sắp trồng một cánh đồng rau sạch tại hòn đảo này. Anh Dũng cùng một người bạn bắt đầu mang máy cày cải tạo đất hoang để xây dựng một công viên hoa, một sân golf 2 lỗ và một khu trồng cây ăn quả.

Rồi bến thuyền sẽ được mở, người đi trên cầu sẽ phải cúi nhìn mảnh đất xinh đẹp này chuyển mình rực rỡ và du khách sẽ đến nơi đây.

20h, chiếc thuyền máy từ bờ nam chạy “phành phạch” sang bãi giữa. Người lái thuyền nhìn thấy 2 vị khách trên đảo nhờ ánh đèn rực rỡ của cây cầu khổng lồ. "Khách ra đảo dạo này đông lắm, tương lai là khu du lịch đấy", người lái thuyền hào hứng chia sẻ.

Theo Zing


sông Hồng hòn đảo

Tin tức mới nhất