Cựu học sinh Amsterdam từng có ý định tự tử chỉ cách vượt qua áp lực

Phòng mình ở tầng cao nhất, thuận tiện để nhảy bất cứ lúc nào. Ý tưởng tự vẫn nhen nhóm hàng tá lần do áp lực việc học và kỳ vọng cao của bố mẹ…

Mới đây, một cựu học sinh của trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam đã chia sẻ một bài viết dài về câu chuyện của bản thân từng có ý định tử tự và hành trình vượt qua sự khủng hoảng đó đã thu hút sự chú ý lớn của cư dân mạng.

Cụ thể, cậu bạn tên là Đặng Nhật Minh (SN 1996), là cựu học sinh chuyên Hóa của trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. 

Khối lượng học quá lớn và sự kỳ vọng quá cao của bố mẹ

Theo Nhật Minh, bản thân cậu từng có kịch bản tự tử y hệt nam sinh trong vụ việc đang xôn xao dư luận những ngày qua. Thậm chí còn trèo ra ngoài lan can, đo thử khoảng cách và viết sẵn thư tuyệt mệnh.

Là học sinh trường chuyên top đầu của Hà Nội, nhiều năm liền đều xếp thứ nhất nhưng theo nam sinh, áp lực mà mình phải chịu chính là khối lượng học quá nhiều và sự kỳ vọng cao của bố mẹ.

Cựu học sinh Amsterdam từng có ý định tự tử chỉ cách vượt qua áp lực-1

Việc học ở trường không phải vấn đề quá lớn với Nhật Minh nhưng cậu còn phải đối diện với việc học thêm quá nhiều, từ 8-10 buổi 1 tuần. Ngoài việc buộc phải đứng nhất lớp ở trường, nam sinh còn có áp lực phải đứng nhất cả lớp học thêm (nơi có nhiều bạn đứng nhất các trường theo học).

Bài tập về nhà lúc nào cũng chất cao như núi, riêng môn chuyên còn học thêm 2-3 chỗ một lúc nên dù học lực tốt, làm bài nhanh đến mấy thì "cũng không lại được đề cương học thêm bởi mình không chỉ học thêm một chỗ Hóa, mà tận 2-3 chỗ lận.

Mỗi lần mình nhìn vào túi cặp xách là mình lại nản cho cuộc đời éo le không lối thoát khỏi việc học, cho nên tự giải thoát có lẽ là êm đẹp nhất".

Cựu học sinh Amsterdam từng có ý định tự tử chỉ cách vượt qua áp lực-2
Đặng Nhật Minh chia sẻ mình cũng từng có kịch bản tự tử y hệt nam sinh lớp 10 trong vụ việc vừa qua. 

Mặc dù luôn đạt thứ hạng cao, bố mẹ luôn được tuyên dương trong các buổi họp phụ huynh nhưng theo Nhật Minh, bố mẹ cậu vẫn có kỳ vọng quá lớn, thậm chí là cực đoan.

Nhiều lúc nam sinh chơi game hay giải trí đều bị ngăn cản, bị bố rút wifi khi đang chơi, bị chì chiết "nói học hành không lo học chỉ lo chơi game là giỏi, sau này tương lai nát bét",... 

"Mình tự biết mình học không kém, mà vẫn bị nói như vậy, tới cả giờ giải trí cũng bị chặn nữa thì thử hỏi có cáu không? Mình cố bao nhiêu cũng là không đủ với bố mẹ, họp phụ huynh suốt 12 năm đều được cô giáo chủ nhiệm tuyên dương mà ở nhà vẫn bị nói này nói nọ".

Chính vì thế, nhiều lần Nhật Minh đã nghĩ tới việc tự tử như để giải thoát khỏi chuỗi ngày chỉ có học, học và học. Như vậy mới thấy việc muốn tự tử là hiện tượng tâm lý phổ biến hơn ta tưởng ở lứa tuổi này.

Vì thế, các bậc phụ huynh cần quan tâm và chia sẻ với con em của mình nhiều hơn, trước hết để hiểu được con thực sự cần gì, muốn gì và có sự động viên, khích lệ kịp thời.

Cựu học sinh Amsterdam từng có ý định tự tử chỉ cách vượt qua áp lực-3
Mặc dù có thành tích học tập vượt trội nhưng với bố mẹ nam sinh như vậy vẫn chưa đủ. 

Hành trình vượt qua áp lực, nhiều lần tự tử "hụt"

Sau nhiều lần phải chịu áp lực bởi kỳ vọng quá lớn của bố mẹ, cậu bạn đã có một hành động bùng nổ:

"Mình tháo bộ máy tính ra, bê cái màn hình xuống trả cho bố kêu bố đập nát đi rồi con sẽ không chơi nữa. Bố mình nhìn kiểu sốc nhưng cũng bảo bê lên lại. Thế là bê lên, nhưng mình nhịn đói bỏ bữa để bận viết tâm thư.

Trong đầu mình lúc ấy, mọi thứ đã an bài rồi, đã theo hướng buông bỏ rồi cho tới khi nghe được tiếng của mẹ mình gào lên gọi ăn cơm tới mức khàn cả giọng. 

Mình thương mẹ vất vả cày cuốc để kiếm tiền cho mình đi học nên hoãn vụ nhảy lại tạm thời. Cũng may nhờ mẹ lúc ấy gàn bố mình không nói nữa, nên mình hạ hỏa sau một đêm ngủ say.

Nếu lúc ấy, bố mình không nhịn được nói thêm một câu, dù chỉ một từ thóa mạ thôi, thì giờ sẽ chẳng có thằng Minh nào ở đây viết những dòng này. Bức thư tuyệt mệnh năm ấy vẫn còn ở trong ổ cứng của chiếc máy tính cũ mà mình khá chắc là bố đã bán đồng nát lâu rồi".

Cựu học sinh Amsterdam từng có ý định tự tử chỉ cách vượt qua áp lực-4
Nam sinh từng nhiều lần có ý định tự tử nhưng đã vượt qua được nhờ ý chí của bản thân cũng như nhớ đến mẹ của mình. 

Đó chỉ là một trong vô số lần nam sinh có ý định tự tử, chính điều này đặt ra vấn đề chúng ta cần quan tâm nhiều hơn đến vấn đề sức khỏe tâm thần.

Bởi không phải ai cũng có khả năng quản lý stress tốt được. Thậm chí ngay cả khi đã trở thành nghiên cứu sinh của Đại học Swinburne (ngôi trường đình đám của các Quán quân Olympia theo học) Nhật Minh cũng từng có ý định tự tử. 

"Lần gần nhất mình muốn xuống suối vàng là gần Noel năm ngoái, khi áp lực công việc quá nặng nề cộng với tâm lý bị nhốt ở nhà quá lâu do dịch. Nghiên cứu sinh là một trong những nghề có stress nhiều nhất và trầm cảm trong dịch cũng khá phổ biến.

Tuy nhiên, vì mình đã biết nguyên do tại sao rồi nên thành ra tự bật lại tinh thần rất dễ bằng cách đi xả stress, đi chụp ảnh bãi biển hoặc đơn giản đi mua vài ly trà sữa để có thêm năng lượng". 

Tuy nhiên không phải ai cũng có khả năng tự vượt qua được áp lực này. Theo Nhật Minh chia sẻ, nhiều người bạn của mình phải có các buổi điều trị với bác sĩ tâm lý để giải tỏa khúc mắc của bản thân. Mà việc này thì chưa phổ biến ở Việt Nam vì nhiều người vẫn cho rằng vấn đề tâm lý không phải là bệnh. 

Nhật Minh cũng chia sẻ cách mà mình làm mỗi khi căng thẳng là viết tâm trạng ra giấy, viết càng nhiều thì càng đỡ căng thẳng "ví dụ giờ tôi biết vài tuần nữa là tôi rất áp lực đây, hi vọng là lại vượt qua và lại trưởng thành hơn".

Cựu học sinh Amsterdam từng có ý định tự tử chỉ cách vượt qua áp lực-5
Cậu bạn đã apply thành công học bổng học thẳng lên Tiến sĩ, không qua bậc thạc sĩ của Đại học Swinburne.

Không nên đánh đổi mạng sống của con cái chỉ vì thành tích ảo

Nhật Minh có hàng loạt thành tích khủng cả về học tập và chuyên môn như:

  • 12 năm học sinh giỏi: C1 trường làng, C2 Chu Văn An (GPA 9.0, rank 1), C3 Hóa 2 Ams (GPA 9.1, rank 1-2). (GPA (Grade Point Average điểm trung bình các môn học mà học sinh tích lũy được trong thời gian học tập một khóa học hay một bậc học.)
  • Tốt nghiệp cử nhân trường đại học Việt-Pháp (USTH) chuyên ngành khoa học vật liệu và công nghệ nano (GPA 15.48/20 tầm 3.65/4, rank 2).
  • Fellowship tới Boston (tài trợ bởi DPI) đi các trường MIT, Harvard và học hỏi một số start-up Việt tại đây.
  • Giải ba Hóa quận, nhì Olympic Ams, sinh viên nghiên cứu khoa học Eureka, best poster in IWAMSN2016, ...
  • Là diễn giả ở hai hội nghị quốc tế lớn nhất về ngành vật liệu ở Việt Nam (IWAMSN2018, FMS & NANOMATA 2019).
  • 11 công trình nghiên cứu khoa học (5 bài first/ corresponding author, 1 patent).
  • Chủ nhiệm đề tài cấp cơ sở, thành viên chủ chốt 2 đề tài cấp quốc gia và vài đề tài các cấp.
  • Junior Reseacher tại Viện Khoa học vật liệu (1.5 năm), Laboratories Manager tại TT phát triển công nghệ vật liệu tiên tiến (1 năm).
  • Research Assistant ở 5 phòng thí nghiệm khác nhau về 5 vật liệu khác nhau từ năm hai tới sau khi tốt nghiệp (trong viện Hàn lâm KH & CN).

Tuy nhiên, cậu bạn lại cho rằng "mấy cái bảng điểm 12 năm học chẳng có tác dụng gì khi đi xin việc, bằng khen 12 năm học sinh giỏi hay tốt nghiệp loại xuất sắc có lẽ dùng làm giấy dán tường cho đẹp cũng được.

10 phẩy 3 môn Toán Lý Hóa hay nhất nhì lớp suốt 12 năm cũng chỉ là miếng trầu bắt đầu câu chuyện, và bản thân mình luôn gato với nhiều bạn 6 phẩy nhưng được có trải nghiệm đi nét, cúp học, yêu sớm tận hưởng đúng tuổi thanh xuân".

Cựu học sinh Amsterdam từng có ý định tự tử chỉ cách vượt qua áp lực-6
Tuy từng dành cả thanh xuân để học với loạt thành tích khủng nhưng với Nhật Minh nó không giúp ích nhiều cho việc nghiên cứu hay xin việc sau này. 

Ngoài ra, còn có nhiều chuyện thực tiễn mà Nhật Minh quan sát được trong quá trình học tập và sinh sống ở Úc để thấy rằng việc áp đặt thành tích không hề thần thánh như chúng ta tưởng.

Ví dụ đơn giản như chứng chỉ IELTS, nhiều người hiện nay coi là phao cứu sinh để đổi đời hay apply học bổng vào nhiều trường nước ngoài. Nhưng theo cậu bạn, không cần thiết phải có IELTS đến 9.0.

"Thực tế, IELTS 6.5 hay thậm chí 5.5 là đủ để xin học bổng tiến sĩ ở nhiều trường tại Úc rồi. Họa chăng chỉ có người Việt ở tại Việt Nam tự đi bêu xấu và chỉ trích tiếng Anh của chính mình" - cậu bạn thẳng thắn.

Trong câu chuyện của mình, Nhật Minh cũng đưa ra ví dụ như nhiều giáo sư tiến sĩ giỏi mà cậu bạn biết ở nước ngoài cũng rất ít người xuất phát điểm tới từ trường chuyên lớp chọn từ cấp ba, cấp hai. Hay trong các tỷ phú giàu nhất Việt Nam, cũng không có mấy ai xuất thân từ đội tuyển quốc gia.

Đặc biệt là những người bạn của Nhật Minh từng được giải thành phố, giải quốc gia môn Hóa sau lại đi xin làm Kinh tế và Công nghệ thông tin.

Nhật Minh cũng khẳng định rằng, với môi trường học tập ở Swinburne, GPA năm nhất, năm hai ở đại học và kỹ năng mềm mới thực sự quan trọng, kể cả bạn có đạt giải thưởng này, giải thưởng kia, hay thậm chí là quán quân Olympia cũng từng phải chật vật mới có thể xin được nơi thực tập, ở đây mọi người đều phải phấn đấu từ con số không. 

Hiện tại, khi đã hoàn thành gần xong chương trình nghiên cứu sinh ở Swinburne, Nhật Minh tâm sự: "Núi bài tập hóa mà mình làm hồi cấp hai cấp ba thì 90% chỗ đó chẳng có tác dụng gì cho việc nghiên cứu của mình cả...

Mình đã phí hàng ngàn giờ ra chơi đáng lẽ dành cho kéo co, đá cầu, đá bóng với bạn bè chỉ để tự kỷ ngồi một chỗ giải những bài tập hóa. Một sự lãng phí thanh xuân không hề nhẹ mà mình còn chưa đề cập tới rất nhiều môn vô dụng khác".

Cựu học sinh Amsterdam từng có ý định tự tử chỉ cách vượt qua áp lực-7
Hiện bài viết của nam sinh vẫn thu hút sự chú ý lớn của cư dân mạng.

Tuy nhiên, Nhật Minh cũng khẳng định "mình chưa bao giờ trách bố mẹ vì từng ép mình nghĩ tới tự tử, mình cảm ơn họ vì đã tôi luyện cho mình một tinh thần thép cho tới ngày hôm nay.

Bởi một điều rằng phụ huynh mình cũng là nạn nhân của ý thức hệ cũ, là nạn nhân của nền giáo dục với cải cách còn quá nhiều bất cập. Mình biết kể ra thì cũng chả thay đổi được gì, nhưng mình hi vọng các thế hệ bố mẹ trẻ Gen Z sẽ có cách giáo dục con cái văn minh hơn để tránh sự việc đáng tiếc xảy ra".

Theo VTC

Xem link gốc Ẩn link gốc https://nhipsong.vtc.vn/cuu-hoc-sinh-amsterdam-tam-su-tung-co-y-dinh-tu-tu-va-cach-vuot-qua-ap-luc-apply-thanh-cong-hoc-bong-tien-si-tai-swinburne-o-tuoi-24-av3051426.html

nhảy lầu tự tử tự sát

Tin tức mới nhất