Đã có trẻ tử vong vì bố mẹ bọc kỹ tránh rét khi đi tiêm chủng

Không nên bế con đi theo khi đăng ký tiêm chủng vì trời lạnh, trẻ dễ bị mắc viêm phổi. Trong khi đó bệnh viêm phổi ở trẻ cực kỳ nguy hiểm, chiếm tới 45% nguyên nhân tử vong của trẻ sơ sinh.

Mang con đi chịu mưa rét để được đăng ký tiêm chủng

Trong một đám đông ai cũng bức xúc, thì việc mang theo trẻ đi tiêm chủng là rất nguy hiểm

Câu chuyện “vỡ trận” tại điểm tiêm chủng vắc xin tại 182 Lương Thế Vinh, Hà Nội tuần qua là tiêu điểm gây nhiều bức xúc cho dư luận. Chị Nguyễn Hương Lan trú tại Hà Đông, Hà Nội vẫn không thể nào quên được cả đêm hai vợ chồng chị che chung cái áo mưa, ngồi chung một cái ghế cho đỡ mỏi chân để chờ vắc xin.

Đến sáng, chị nghe thông báo phải có trẻ em mới phát phiếu tiêm chủng, chị đành gọi điện về để bà nội bế cháu đưa vào điểm tiêm chủng. Trời mưa rét người lớn còn run cầm cập huống gì trẻ con. Không khí xô đẩy, trẻ cũng chẳng có chỗ mà trú chân nhưng đành chịu vì không biết làm thế nào để có được suất tiêm.

Chị Hà bế con 2,5 tháng tuổi đến tiêm với hi vọng tiêm được cho con mũi tiêm dịch vụ để bé được an toàn. Chồng đi vắng, bố chồng chị phải đến xếp hàng từ đêm cho cháu nội. Đến sáng chị đưa con đến lấy số thì nhận được thông báo không tiêm. Đứa trẻ đỏ hỏn được ông bế ngồi phịch trước cổng trung tâm tiêm chủng. Ông lấy chiếc áo khoác che cho cháu với hi vọng chắn lại những cơn gió bắc lùa vào.

Có trẻ từng phải chết vì bọc kín khi đi tiêm chủng

Phó giáo sư Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế cho biết, việc đưa trẻ đi để đăng ký lúc tiêm chủng cực kỳ nguy hiểm. Theo ông, nếu thời tiết rét buốt, trẻ đi tiêm chủng không đảm bảo an toàn có thể bị viêm phổi. Trong khi đó, tại Việt Nam mỗi ngày có 70 trẻ tử vong, trong đó có tới 45% nguyên nhân liên quan đến viêm phổi.

PGS Phu tâm sự, ông đã từng chứng kiến cảnh người dân đưa con đi tiêm chủng gió rét quá lấy áo mưa quấn chặt cho con. Tiêm xong về đến nhà mở áo mưa ra thì con đã chết vì ngạt khí. Hay có đôi vợ chồng trẻ bế con ra viện. Cháu bé đã hồng hào khỏe mạnh được bệnh viện cho về nhà. Bố mẹ mừng quá bế con sốc lên gây đột tử vì sốc tim. Điều đó thực sự khiến những người làm thầy thuốc và dự phòng thực sự ám ảnh. 

Theo PGS Phu, các điểm tiêm chủng nếu mời người dân lên nhưng tổ chức không tốt sẽ dẫn ra chen lấn, xô đẩy. Do đó, có thể đăng ký trên web nhưng cấm thuê người đi đăng ký, không cò, không bán lại. Khâu đăng ký là khâu quan trọng nhất, không được bế con theo. 

Các điểm tiêm chủng phải hẹn giờ tiêm khoa học để người dân, đặc biệt là trẻ nhỏ, không bị cảnh chờ đợi, xếp hàng. Nếu tổ chức tiêm trong điều kiện không đảm bảo an ninh còn nguy hiểm hơn cả tai biến của vắc xin vì chỉ sơ suất nhẹ cũng có thể dẫn đến nguy hiểm cho trẻ.

Ông Phu nhấn mạnh, khi tiêm cần có lịch thống nhất nhắc lại mũi đối với các cháu tiêm lần đầu tiên. Nếu đã tiêm mũi 1 không đủ vắc xin dịch vụ tiêm mũi hai sẽ tiêm Quinvaxem. Trong khoa học các vắc xin đều thay thế cho nhau được vì có thành phần giống nhau. Nếu thiếu vắc xin gì các điểm tiêm chủng phải cân đối. Nếu tiêm mũi 1 và mũi 2 có thể bổ sung thêm Quinvaxem.

Đặc biệt, khi tiêm cho các bé, người tiêm phải đặc biệt lưu ý những cháu bế từ xa đến. Trẻ có thể bị bệnh khác, khi tiêm có khi lại xảy ra phản ứng. Trong quá trình tiêm chủng có vấn đề gây lộn xộn phải giải quyết ngay, như mở thêm bàn tiêm, tăng cường bàn tư vấn, người tiêm.

Đề nghị các bà mẹ khi đăng ký đi tiêm cần mang theo sổ tiêm chủng, cố gắng tổ chức một lúc các điểm tiêm chủng để các mẹ có thể cho con tiêm tại một điểm. Ông Phu cho biết Bộ Y tế vẫn yêu cầu các điểm tiêm chủng dịch vụ vẫn phải tiêm Quinvaxem.

Theo Infonet

Tin tức mới nhất