Covid-19 - Cập nhật tin tức mới nhất

Đặc điểm ổ dịch Covid-19 ở Hải Dương

Dịch bệnh tại Hải Dương xảy ra tại những cụm công nghiệp với lượng công nhân rất lớn. Ngoài ra, biến chủng virus tại địa phương này có khả năng lây lan nhanh.

Sáng 19/2, tại Hội nghị Giao ban trực tuyến với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương của Bộ Y tế, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, báo cáo về tình hình dịch tại Hải Dương.

Ông Tấn cho biết từ khi ghi nhận ca bệnh đầu tiên (25/1) đến nay, Hải Dương có tổng cộng 575 trường hợp mắc Covid-19 tại tất cả 12/12 huyện, thành phố. Mỗi ngày, tỉnh ghi nhận trung bình 24 ca bệnh mới, ngày nhiều nhất là 45 trường hợp.

Trong 3 ngày gần đây, 74 trường hợp được phát hiện dương tính với SARS-CoV-2, chủ yếu tại các khu vực cách ly.

Hiện tỉnh Hải Dương có 5 ổ dịch lớn gồm TP Chí Linh, huyện Cẩm Giàng, thị xã Kinh Môn, huyện Nam Sách và TP Hải Dương.

Đặc điểm ổ dịch Covid-19 ở Hải Dương-1
Nhân viên y tế xét nghiệm Covid-19 cho người dân tại Chí Linh, Hải Dương. Ảnh: Thạch Thảo.

Số bệnh nhân tại Hải Dương vượt xa Đà Nẵng

Chỉ tính riêng trong 7 ngày nghỉ Tết (10-16/2), 204 trường hợp mắc Covid-19 trong nước tại 7 tỉnh, thành phố. Trong đó, Hải Dương chiếm 87,9% (174 ca), Hà Nội là 4% (8 ca), TP.HCM là 4% (8 ca), Quảng Ninh là 3,5 % (7 ca); Gia Lai (5 ca, chiếm 2,5%), Bắc Ninh và Bắc Giang chỉ ghi nhận 1 ca.

Ông Tấn cho biết số ca mắc tại Hải Dương (575) đã vượt xa so với tổng số ca mắc tại đợt dịch ở Đà Nẵng (389). Số ca mắc trung bình trong 20 ngày đầu tiên của Hải Dương là 20 ca/ngày, cao hơn so với Đà Nẵng (15 ca/ngày).

Bên cạnh đó, dịch bệnh tại Hải Dương xảy ra tại những cụm công nghiệp với lượng công nhân rất lớn. Từ ngày 25/1 đến nay, dịch ở Hải Dương đã lan ra 13 tỉnh, thành phố, truy vết được 14.000 F1, 135.421 trường hợp được xét nghiệm.

Trong 2 tuần đầu tiên, số ca mắc tại Đà Nẵng có xu hướng giảm nhưng Hải Dương vẫn chưa rõ xu hướng, đồng thời xuất hiện các ổ dịch trong cộng đồng. Số lượng còn lại phải cách ly tập trung rất lớn.

Ngoài ra, biến chủng virus tại Hải Dương (B117) có khả năng lây lan nhanh hơn chủng gây dịch tại Đà Nẵng (D614G).

Hiện các ổ dịch lớn như Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh cơ bản được kiểm soát. Các ổ dịch khác ở Hải Phòng, Hòa Bình, Điện Biên, Hà Giang, Bình Dương, Hưng Yên, Bắc Giang và Gia Lai không ghi nhận ca mắc trong vòng 7-20 ngày qua.

Tuy nhiên, thời gian sau kỳ nghỉ Tết, người dân từ các địa phương quay trở lại làm việc, nguy cơ phát hiện trường hợp bệnh mới trong cộng đồng vẫn luôn thường trực, đặc biệt tại thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM.

Nhiều trường hợp dương tính được ghi nhận chưa rõ nguồn lây.

Lãnh đạo Cục Y tế dự phòng nhận định tình hình dịch tại Hải Dương vẫn còn phức tạp, có khả năng tiếp tục ghi nhận ca mắc mới trong thời gian tới.

Ông Lương Văn Cầu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, đánh giá xu hướng bệnh nhân giảm nhưng tình hình dịch vẫn rất phức tạp.

Hải Dương đã cho sàng lọc hơn 10.000 trường hợp trong cộng đồng, không phát hiện ca dương tính, có 2 ca F1 đang được cách ly. Đây là dấu hiệu đáng mừng.

Nhiều ca bệnh không có triệu chứng lâm sàng

Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, cho hay hiện Việt Nam có 2 bệnh nhân trong tình trạng nặng, chưa có trường hợp tử vong hay nhân viên y tế mắc Covid-19. Số lượng bệnh nhân của tỉnh Hải Dương chiếm 76,2% số ca mắc mới trên cả nước.

Đặc biệt, 83,3% ca bệnh không có biểu hiện lâm sàng, 14,2% có biểu hiện nhẹ. Ví dụ một trường hợp F2 tại Hải Dương ở nhà tới 7 ngày. Khi F1 dương tính, người này mới được phát hiện. Do đó, ông Khuê lưu ý các địa phương phải hết sức cảnh giác.

Về công tác điều trị, ông Lương Văn Cầu cho biết 379 trường hợp đang điều trị tại Hải Dương, 22 ca chuyển lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội). 83 người đã được công bố khỏi bệnh.

7 bệnh nhân nặng đang điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 2, sức khỏe ổn định.

Về điều trị, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho hay các địa phương cần chủ động. Đặc biệt, các tỉnh, thành phố chưa có dịch cũng phải sẵn sàng kịch bản điều trị.

Những bệnh nhân nặng đều được các chuyên gia của Tiểu ban Điều trị hội chẩn, hướng dẫn chuyên môn.

Đặc điểm ổ dịch Covid-19 ở Hải Dương-2
Cần đảm bảo không lây nhiễm chéo trong khu cách ly. Ảnh: Thạch Thảo.

Ngoài ra, ông lưu ý vấn đề kiểm soát nhiễm khuẩn, lây nhiễm chéo cũng cần được chú trọng.

"Vừa qua, chúng ta ghi nhận ca bệnh tử vong là chuyên gia người Nhật Bản. Nhờ tập huấn tốt, quá trình mổ tử thi, khám nghiệm đều được đảm bảo, chưa có nhân viên y tế nào bị lây nhiễm", ông Khuê thông tin.

Lãnh đạo Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị các địa phương phải chuẩn bị thêm về điều kiện thuốc men, nguồn lực, cập nhật thường xuyên phác đồ điều trị bệnh nhân Covid-19.

Không để lây nhiễm chéo trong khu cách ly

Ngay khi dịch xuất hiện, Bộ Y tế đã điều động lực lượng tốt nhất hỗ trợ Hải Dương khoanh vùng, cách ly, xử lý môi trường, tăng công suất xét nghiệm, thành lập bệnh viện dã chiến, điều trị bệnh nhân.

Bộ cũng liên tục thông báo cho người dân những địa điểm nguy cơ để kịp thời khai báo với cơ quan y tế, được sàng lọc, xét nghiệm sớm.

Trong thời gian tới, để phòng, chống dịch Covid-19, nhiều hoạt động trọng tâm sẽ được Bộ Y tế triển khai.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, tỉnh Hải Dương cần thực hiện giãn cách, phong tỏa, đẩy nhanh truy vết, xét nghiệm.

Ngoài ra, số ca bệnh phát hiện được cơ bản nằm trong F1 đã đưa đi cách ly tập trung. Vì vậy, ông yêu cầu rà soát lại tất cả khu cách ly, đặc biệt các khu cách ly F1. Đồng thời, tỉnh cần rà soát lại khu cách ly quân đội và cách ly dịch vụ, tăng cường kiểm tra cách ly tại gia đình.

"Cần xác định rõ thế nào là F1, thế nào là F2, yêu cầu các khu cách ly thực hiện nghiêm hướng dẫn. Mục đích để tránh lây nhiễm chéo trong khu cách ly", Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết.

Tất cả nhà máy, công ty trên địa bàn Hải Dương, kể cả các doanh nghiệp nằm nhỏ lẻ ngoài khu công nghiệp, cũng cần được kiểm tra.

"Cần kiểm tra chặt chẽ, yêu cầu phải có cam kết về phòng chống dịch trong các công ty, nhà máy, xí nghiệp. Những nơi này cần cam kết khi trong công ty có công nhân nhiễm, trách nhiệm của chủ doanh nghiệp với bệnh nhân, công nhân phải như thế nào", Thứ trưởng đề nghị.

Về các biện pháp chung, Bộ Y tế sẽ tăng cường truyền thông, yêu cầu người dân thực hiện nghiêm thông điệp 5K, nhất là đeo khẩu trang tại nơi công cộng, không tụ tập đông người.

Đặc biệt, những người không đeo khẩu trang nơi công cộng sẽ bị xử phạt nghiêm. Cơ quan chức năng cần tiếp tục rà soát các trường hợp đi về từ địa phương có dịch.

Tổ "Covid cộng đồng" phải "đi từng ngõ, gõ từng nhà", yêu cầu những người đi về từ khu vực có dịch khai báo y tế trung thực, lấy mẫu xét nghiệm, cách ly phù hợp với điều kiện địa phương.

Xử phạt nghiêm những người không khai báo y tế hoặc khai báo không trung thực.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/dac-diem-o-dich-covid-19-o-hai-duong-post1185130.html

SARS-CoV-2 COVID-19 Hải Dương

Tin tức mới nhất

Hay nhất 2sao

Bạn đang xem bài viết trong sự kiện: Covid-19 - Cập nhật tin tức mới nhất