Đẫm nước mắt thân phận cùng cực của một đại gia lúc xế chiều

“Chị ơi, cho ông ăn ít hộ em nhé!”. “Gia đình em quyết định rồi, chị rút ô xi không cho ông thở nữa nhé”. Ăn ít, rút thở ô xi là nhà dưỡng lão hiểu ngay họ muốn cho người thân chết sao cho nhanh.

 Lại có nhiều trường hợp chỉ đóng tiền một hai tháng đầu rồi biệt tăm, gọi điện thoại chỉ vớt vát: “Nhờ nhà dưỡng lão nuôi hộ bố mẹ em, sau này em sẽ không quên trả nợ”. 

Nỗi đau ga cuối

Cứ 9 - 11 giờ, tầng 1 Trung tâm Chăm sóc người cao tuổi Hà Nội ở phố Trần Quang Diệu (Đống Đa, Hà Nội) lại đông nghịt người lục tục từ các phòng xuống. Họ xem ti vi, họ vui vẻ cười đùa nhưng chỉ có một bà già ngồi riêng một góc, tay lần tràng hạt, miệng lẩm bẩm: “Cầu Trời, khấn Phật cho con chết sớm, chết nhanh”. Ngày qua ngày bà Nguyễn Thị Tâm (đã đổi tên) ở phố H.B đều nguyện cầu như vậy...

Cách đây khoảng gần 4 năm có một khách hàng làm chị Trần Thị Minh Thu - Giám đốc Trung tâm nhớ mãi vì vẻ lành hiền và đài các là bà Nguyễn Thị Tâm. Chồng mất sớm, một mình bà nuôi dạy đàn con 7 người đủ cả trai lẫn gái. Chúng khá thành đạt, kinh tế vững chắc đủ để hết đi du lịch ở khu resort này lại đi đánh tennis hay chơi golf ở khu vui chơi nọ. Người nào cũng được mẹ cho một căn biệt thự hay liền kề giữa lòng Thủ đô. Cho hết rồi bà vẫn còn vài tỉ dưỡng già vì thời Pháp thuộc từng là chủ của một hãng buôn nổi tiếng giàu có ở đất Kinh kỳ.

Khi về già, bệnh tật, mấy người con nghĩ đến chuyện đẩy bà vào Trung tâm dưỡng lão. Tuy có tới mấy người con trai nhưng người đặt bút ký hợp đồng lại là anh con rể. Nhờ khoản tiền tiết kiệm lớn sinh lãi nên mọi chi phí dưỡng lão đều do bà Tâm tự trả với giá đặt một phòng VIP là 10 triệu/tháng.

Tuổi già khiến cho tai bà bị điếc đặc, mọi việc giao tiếp đành phải bút đàm thông qua một cuốn sổ. Con cháu ai vào thăm, muốn nói gì với bà đều phải ghi ra sổ còn bà muốn nói gì với họ cũng phải ghi vào sổ. Vô tình một lần chị Thu vào phòng cầm lên cuốn sổ, đập mắt chị là mấy dòng chữ mà các con cháu bà vẫn bút đàm với mẹ: “Mợ ở đây hết 13 triệu/tháng. Kể cả tiền thuốc men, tiền quà bánh nữa là thành 17 - 18 triệu/tháng”. Vậy là người con ghi vào sổ kia đã ăn thêm của mẹ mình 3 triệu tiền phòng!


Xúc cơm cho người già ăn ở một cơ sở dưỡng lão

Buồn nhất là người con út, dù được bà cưng chiều hết mức, cho rất nhiều tiền nhưng bà ở Trung tâm đến 6 - 7 tháng mà không thấy mặt anh ta bao giờ. Những người con còn lại cũng vô cùng ích kỷ. Thỉnh thoảng đến thăm bà nhưng lần nào vừa vào phòng liền với tay tìm cái điều khiển điều hòa bật lên thật lạnh cho mồ hôi nhanh khô dù thừa biết rằng mẹ mình không thể chịu được điều hòa.

Hễ cứ bật điều hòa thì bà lại ốm. Lúc cuối đời, bệnh tim trở nặng lại thêm nỗi buồn rầu suốt ngày thành ra ốm triền miên. Khi thấy trong người yếu quá bà tha thiết xin với các con rằng: “Cho mợ về chết ở nhà. Cho mợ về nhìn thấy bàn thờ tổ tiên…”. Nhưng bà có biết đâu nhân lúc ốm đám con đã lừa mình ký giấy này, ký giấy kia, lăn tay điểm chỉ rồi bán vụng ngôi nhà ở phố H.B với giá hơn 200 cây vàng.

Nói dối rằng nhà đang sửa mãi cũng không xong họ đành phải hứa cấp cứu xong cho bà về nhà. Cũng may là cháu nội là người mua nhà bà cùng nhà hàng xóm để cải tạo thành một khách sạn rộng mấy trăm mét vuông nên còn diễn kịch được.

Khi bà về vẫn không biết là nhà đã bị bán vì bàn thờ của chồng vẫn còn ở đó, đồ đạc chỉ xáo trộn chút ít vì người cháu nói rằng: “Cháu đang sửa lại nhà cho thật đẹp bà ạ”. Bà ra đi thật thanh thản và hạnh phúc. Đến tận lúc nhắm mắt xuôi tay bà Tâm vẫn không hề biết là mình đang “ở nhờ” nhà của người cháu nội.  

"Quả bóng lăn" giữa cuộc chiến của con cái

Anh Bằng - chồng chị Thu tuy không trực tiếp quản lý ở Trung tâm nhưng cũng thường xuyên tới lui và thấm được nhiều câu chuyện mà không bút mực nào có thể tả hết. Bà Đinh Thị Hạnh (đã đổi tên) ở phố B.T là một trường hợp như vậy.

Bà có đến 5 người con, 4 gái, 1 trai. Là thủ đền trên khu phố cổ nên bà có lắm tiền nhang khói để thỉnh thoảng lại cho đứa này đứa kia. Trong mấy người con thì chị cả lẫn anh con trai thứ làm ăn rất khá. Nhà chị xây cao tới 7 tầng, lắp cả thang máy còn nhà người em rộng ngót 200m2 cũng xây tới mấy tầng.

Trong khi đó bà sống ở trong ngôi nhà “hang chuột” nơi phố cổ, diện tích chỉ độ hơn 20m2 để phụ giúp bán hàng ăn đêm cho cô con gái áp út đã ly dị. Bước ngoặt cuộc đời của bà Hạnh bắt đầu khi mắc bệnh tai biến nằm một chỗ không thể làm thủ đền, không gặt hái ra tiền để cho con cái nữa. Nửa ngôi nhà bị người con trai chiếm, nửa còn lại tối tăm, chật hẹp 12m2 chứa một ông già (là chồng bà), một người ốm liệt giường đái ỉa dầm dề, một giúp việc và một người con gái nên luôn luôn bức bí đến ngột ngạt.


Bữa cơm ở một trung tâm dưỡng lão

Khách hàng đến ăn đêm thấy thế cũng dần dần thưa vắng. Tình thế càng trở nên khổ sở hơn khi đứa con gái của bà đi bước nữa, rước về thêm một chàng rể để sống cùng. Mấy người con gái còn lại tuy nhà cao cửa rộng nhưng không muốn đón bà về bởi lý sự rằng: “Vợ chồng con áp út ở nhà bà thì phải có trách nhiệm nuôi bà”. Chịu không nổi nữa người con này mới đem bà mẹ 75 tuổi đến Trung tâm dưỡng lão Hà Nội để gửi, trình bày hoàn cảnh xin được rút khoản đóng góp xuống còn 6 triệu đồng/tháng…

Trí óc bà Hạnh giờ lú lẫn lắm rồi, chẳng còn nhận ra nổi một ai nữa ngoài người con trai duy nhất. Suốt ngày bà lẩm bẩm rằng nhớ nó, rằng thương nó. Nhớ năm xưa nhà dột, chỗ ướt mẹ nằm chỗ khô các con vẫn ngủ ngon giấc.

Nhớ năm xưa đói kém, cơm độn toàn bo bo mì hạt thì hạt cơm bà nhường con, hạt bo bo bà lén gắp bỏ vào bát mình. Nhớ năm xưa rét mướt, manh áo ấm bà cũng dành cho con còn mình chịu co ro, lạnh căm trong rách rưới. Thế mà trong suốt thời gian bà ở Trung tâm đến mấy tháng ròng anh con trai chỉ đến thăm mẹ duy nhất 1 lần, cho bà đúng 1 hộp sữa rồi thôi.

Mâu thuẫn phát sinh khi người chị cả lồng lộn lên đòi em gái mang mẹ về dù chị ta không đóng góp tiền để nuôi bà. Cuộc chiến liên miên giữa mấy người con bắt đầu. Đủ thứ bẩn thỉu văng vào mặt nhau. Đủ thứ mày tao, con kia, thằng nọ được đưa vào xung trận.


Người già với bữa ăn cô đơn (Ảnh chỉ có tính minh họa)

Ngồi một chỗ nghe các con cãi nhau, tuy không nói được nhưng bà vẫn hiểu nên cứ mếu máo. Như quả bóng được chuyền qua, chuyền lại giữa các người con, bà ra ra vào vào Trung tâm đến 3 lần. Lúc phe 4 người em thắng thì bà được gửi vào, lúc phe chị cả thắng thì bà lại bị lôi về.

Sau nhiều lần “đại náo” nhà dưỡng lão, dọa đâm đơn kiện đi khắp nơi, rốt cuộc, người chị cả cũng chiếm được quyền nuôi bà. Không phải vì tử tế gì mà bởi có bà ngồi đó, dù không nói được vẫn là một tấm bình phong tốt để chị ta giành giật được chức thủ nhang ở chính ngôi đền năm xưa mẹ mình điều hành.

Ngôi đền đó quanh năm suốt tháng như một cái máy rút tiền ATM không bao giờ báo hết, báo lỗi. Ngày đầu tiên ở “nhiệm sở mới” chị ta lần mò không sót một khe kẽ nào để xem mẹ mình ngày xưa có còn giấu tiền hay giấu vàng không.

Bà Hạnh về được gần hai tháng rồi mà mới đây anh con trai duy nhất mới gõ cửa Trung tâm hỏi thăm khiến cho chị Thu ngạc nhiên bảo: “Cụ về lâu rồi, thế anh không biết gì à?”.

Nhà dưỡng lão - nơi chăm sóc lý tưởng dành cho người già ở phương Tây nhưng lại trở thành ga cuối bất đắc dĩ của một số người già Việt Nam. Nó chứng kiến những bi kịch đẫm nước mắt, quặn thắt lòng trước ngày nhắm mắt, xuôi tay của họ.

Theo Báo Nông Nghiệp Việt Nam


câu chuyện cuộc sống

Tin tức mới nhất