HLV Hàn Quốc: 'Đánh giá ai hơn ai giữa HLV Park và Troussier là vô nghĩa'

Phân tích, so sánh về đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Park Hang Seo và HLV Philippe Troussier, chuyên gia Bae Ji Won đưa ra quan điểm ông Troussier đang thực hiện quá nhiều xáo trộn ở đội tuyển quốc gia.

HLV Hàn Quốc: Đánh giá ai hơn ai giữa HLV Park và Troussier là vô nghĩa-1

Sau những kết quả không như ý của đội tuyển Việt Nam trong đợt tập trung đội tuyển quốc gia (FIFA Days) tháng 10 vừa qua, giới mộ điệu tỏ ra khá thất vọng và lo lắng cho tương lai của đội tuyển.

Không chỉ là những mục tiêu tầm vóc châu lục như Asian Cup hay vòng loại World Cup 2026, không ít ý kiến cho rằng đội tuyển Việt Nam khó giữ ngôi vị số một Đông Nam Á.

Hệ quả là sự so sánh giữa ông Philippe Troussier, huấn luyện viên trưởng đội tuyển Việt Nam và người tiền nhiệm Park Hang Seo được nhiều người đề cập.

Dưới góc nhìn của tôi, một người từng làm việc tại các cấp đội tuyển Việt Nam trong vai trò trợ lý của HLV Park Hang Seo, trước hết tôi sẽ so sánh, phân tích những đặc điểm của hai vị HLV mà độc giả chắc hẳn rất quan tâm.

HLV Hàn Quốc: Đánh giá ai hơn ai giữa HLV Park và Troussier là vô nghĩa-2

Tuy nhiên, mục đích của việc phân tích và so sánh của tôi không phải đánh giá ai là HLV giỏi hơn. Hơn nữa, nó mang tính quan điểm cá nhân. Vì vậy tôi muốn độc giả Dân trí hiểu rõ điều đó.

Bóng đá Việt Nam đã đạt được những thành tích đáng kinh ngạc dưới thời HLV Park Hang Seo. Thế nên mọi so sánh của tôi đều với mong muốn độc giả hiểu hơn về bóng đá cũng như giúp đội tuyển Việt Nam hoàn thiện hơn trong tương lai.

Trước hết, trong khuôn khổ bài viết này, tôi sẽ tiếp cận các vấn đề và khía cạnh đội tuyển Việt Nam cần cải thiện thông qua so sánh đội tuyển U23 Việt Nam đã tạo nên kỳ tích tại giải U23 châu Á 2018 và đội tuyển Việt Nam ở các trận đấu vào trung tuần tháng 10 vừa qua.

HLV Hàn Quốc: Đánh giá ai hơn ai giữa HLV Park và Troussier là vô nghĩa-3

Các bước chuẩn bị cho giải U23 châu Á 2018 của HLV Park Hang Seo như sau:

Thứ nhất, bước chuẩn bị cho giải đấu: Đặt ra tiêu chuẩn tuyển chọn cầu thủ; triệu tập đội hình lần đầu tiên; tham dự M150 Cup tại Thái Lan; triệu tập đội hình lần thứ hai; gút danh sách tham dự giải xuống 25 cầu thủ; hoàn tất những buổi tập cuối cùng và thi đấu giao hữu tại Trung Quốc; chốt danh sách tham dự giải.

Thứ hai, quá trình huấn luyện: Định hình sơ đồ chiến thuật; xây dựng đặc tính chiến thuật; hoàn thiện giáo án tập luyện; rèn thể lực; phát triển tâm lý chiến; bổ sung dinh dưỡng.

Thứ ba, quá trình thi đấu: Chọn đội hình thi đấu; phân tích chiến thuật và đặc điểm chiến thuật của từng đối thủ; nạp năng lượng và hồi phục thể chất; bổ sung dinh dưỡng; nâng cao sĩ khí.

Quy trình chuẩn bị này khá phổ quát và sẽ không có nhiều khác biệt dưới thời huấn luyện viên Troussier.

Tuy nhiên cần nhấn mạnh rằng HLV Park Hang Seo lên kế hoạch rất chi tiết và quản lý chặt chẽ các tuyển thủ về chiến thuật, thể lực, dinh dưỡng, cách tái tạo năng lượng nên những phương pháp ấy có thể tạo ra sự khác biệt.

Đặc biệt, ông Park luôn nhấn mạnh sự ổn định về mặt tâm lý, tinh thần chiến đấu mạnh mẽ và thường xuyên kích thích sĩ khí để các học trò duy trì tâm lý vững vàng trong suốt trận đấu.

HLV Hàn Quốc: Đánh giá ai hơn ai giữa HLV Park và Troussier là vô nghĩa-4

Đội hình đội tuyển Việt Nam hiện tại của HLV Troussier có nhiều điểm khác biệt với đội hình của ông Park Hang Seo.

Ông Park đã xây dựng được đội hình đội tuyển quốc gia (ĐTQG) dựa trên nòng cốt các cầu thủ U23 và không tạo ra nhiều xáo trộn trong suốt nhiệm kỳ. Chính nhờ vậy đã luôn duy trì được đội hình ổn định một cách vững mạnh.

Một khía cạnh quan trọng như đã đề cập, dưới sự dẫn dắt của HLV Park Hang Seo, đội tuyển U23 Việt Nam là tập thể gắn kết, có tinh thần đồng đội cao, hiểu biết về chiến thuật ban huấn luyện đề ra và bản lĩnh thi đấu kiên cường tới khó tin.

Vì vậy, khi trở thành nòng cốt ở ĐTQG, đặc điểm tâm lý chiến tiếp tục được duy trì, bên cạnh sự nhất quán về đội hình thi đấu lẫn đặc điểm chiến thuật.

Tất nhiên, để được triệu tập vào ĐTQG, các tuyển thủ phải nỗ lực hết sức và ban huấn luyện luôn theo dõi sát sao từng người trong thời gian dài.

Những gạch đầu dòng ông Park đặt ra để tuyển chọn cầu thủ là: Thể chất, số lần ra sân tại V-League, sự am hiểu chiến thuật, khả năng tập trung trong tập luyện, phẩm chất cá nhân, khả năng phối hợp; sự hy sinh cho đồng đội và toàn đội.

Thế nên, một số tân binh hoặc gương mặt khác không thuộc thế hệ U23 tạo nên kỳ tích tại Thường Châu vẫn nhanh chóng hòa nhập và thích ứng với triết lý lẫn hệ thống chiến thuật nhà cầm quân người Hàn Quốc đề ra.

Về mặt vận hành hệ thống chiến thuật, trước nhất HLV Park Hang Seo hoạch định 3-4-3 là sơ đồ chiến thuật cốt lõi, với việc sử dụng các tiền vệ làm nền tảng tổ chức đội hình và tấn công.

Sơ đồ 3-4-3 dễ dàng chuyển sang 3-5-2 khi một tiền đạo cánh được đưa vào vị trí tiền vệ tấn công và chuyển sang 5-3-2 bằng cách kéo hai tiền vệ cánh (wing-back) về vị trí hậu vệ biên.

Mục đích của việc sử dụng sơ đồ 3 trung vệ nhằm tăng khả năng phản công và sự hiệu quả trong việc tìm hướng lên bóng bằng cách chuyền và di chuyển hợp lý.

Hoàn thiện kế hoạch tác chiến bằng cách tập trung vào việc phối hợp, hạn chế tiêu hao sức lực và vẫn đảm bảo tính hiệu quả.

Các phương án lên bóng được tổ chức đa dạng bằng các đường chuyền có độ chính xác cao nhờ rèn luyện kỹ lưỡng các mảng miếng phối hợp và luôn đòi hỏi sự tập trung cao độ.

Trên sân tập, những điều ông Park chú trọng là định hướng vị trí, phối hợp nhóm, định dạng tuyến phòng ngự, phương án tổ chức phản công...

HLV Hàn Quốc: Đánh giá ai hơn ai giữa HLV Park và Troussier là vô nghĩa-5

Trên mặt trận tấn công, các tiền đạo làm nhiệm vụ giữ bóng trong thế sẵn sàng phản công.

Tiền đạo cắm là điểm khởi đầu cho các đợt phản công bằng khả năng càn lướt mạnh mẽ và sự hỗ trợ từ hai tiền đạo biên. Khi không có bóng, các tiền đạo thực hiện những pha chạy chỗ hướng đến kẽ hở giữa các hậu vệ đối phương và tạo khoảng trống cho các cầu thủ tuyến sau.

Đối với các tiền đạo biên, những cầu thủ này liên tục di chuyển thay đổi vị trí và xâm nhập vòng cấm địa.

Nhiệm vụ chính của họ là dạt biên để tạo không gian phối hợp ở hành lang cũng như hỗ trợ kiểm soát bóng. Ngoài ra, các tiền đạo biên cũng có thể hoán chuyển vị trí với trung phong để gây bất ngờ.

Vai trò của các tiền vệ trung tâm được phân chia cụ thể. Cầu thủ đảm nhiệm vai trò tấn công hay phòng ngự đều được chuyên biệt. Họ sẽ hỗ trợ các tiền đạo trong các tình huống tấn công, cũng như kiểm soát hệ thống phòng ngự và quản lý thế trận.

Đối với các vệ tinh xung quanh trung phong (tiền đạo biên, tiền vệ công), đòi hỏi phải có những pha bứt tốc mạnh mẽ trong phản công để tạo ra các tình huống hai đánh một. Khi có bóng, các vệ tinh này phải tạo ra những pha đột phá để tạt bóng hoặc xuyên phá ở hai hành lang.

Về phần 3 trung vệ, các cầu thủ này sẽ xuất hiện trong vòng cấm đối phương ở các tình huống cố định. Khi đội nhà có bóng, các trung vệ tổ chức di chuyển gọn gàng, nhanh chóng để phân phối bóng.

Ngoài ra, nhiệm vụ quan trọng nữa là tổ chức đón lõng để sẵn sàng đánh chặn mọi tình huống chuyền bóng hoặc đột phá của đối phương.

Trên mặt trận phòng ngự, các hai tiền vệ cánh lùi về để tạo thành hàng phòng ngự 5 người. Khi 2 tiền đạo đối phương di chuyển đột nhập vòng cấm, 2 trung vệ lệch di chuyển bắt người và trung vệ thòng làm nhiệm vụ bọc lót.

Ở giữa sân, nhiệm vụ của hai tiền vệ là tạo ra phòng tuyến kín kẽ để đối phương không có nhiều cơ hội cầm bóng. Đặc biệt theo sát cầu thủ giữ vai trò kiến thiết bên phía đối phương.

HLV Hàn Quốc: Đánh giá ai hơn ai giữa HLV Park và Troussier là vô nghĩa-6

Có nhiều điểm khác biệt giữa hệ thống 3-4-3 của HLV Troussier và 3-4-3 của HLV Park Hang Seo, từ vai trò của từng cầu thủ đến cách vận hành hệ thống chiến thuật. Tất nhiên, cần nhấn mạnh rằng không nên đánh giá chiến lược nào hiệu quả hơn chiến lược nào.

Nguyên do là chiến lược và triết lý của hai nhà cầm quân này có nhiều điểm khác biệt. Thế nên đánh giá ai hơn ai là vô nghĩa.

Tuy nhiên, đánh giá tổng thể còn tùy thuộc vào kế hoạch và chất lượng triển khai kế hoạch trong từng trận đấu, hiệu quả chiến thuật được thể hiện như thế nào và kết quả thu được là gì.

Về mặt nhân sự, so với thời ông Park, đội tuyển Việt Nam đã thay đổi rất nhiều dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên Troussier.

Hiện tại, hầu hết các vị trí đều được thay mới. Vì vậy nảy sinh vấn đề về việc đội tuyển quốc gia phải học một lối chơi mới, thích nghi một triết lý mới và làm quen phong cách mới.

Đặc biệt, sự thay đổi về cách vận hành này đã gây ra một số khó khăn trong việc duy trì sự ổn định và có tổ chức trước đây.

Khi có huấn luyện viên mới đến, việc các cầu thủ phải mất thời gian để thích nghi triết lý và phong cách của người quản lý mới là điều bình thường.

Tuy nhiên, nếu xáo trộn quá lớn, từ nhân sự đến chiến thuật, thời gian thích nghi sẽ bị kéo dài và dẫn đến thiếu ổn định về mặt phong độ.

Thế nên, ở hầu hết các đội tuyển quốc gia, nơi có nguồn lực nhân sự hữu hạn, khi có huấn luyện viên mới, trước tiên sẽ thực hiện các bước điều chỉnh nhỏ và dần dần xây dựng đội hình ổn định thông qua thử nghiệm, quan sát và đánh giá. Hầu hết các ĐTQG đều hạn chế thay đổi quá nhanh.

HLV Hàn Quốc: Đánh giá ai hơn ai giữa HLV Park và Troussier là vô nghĩa-7

Đội hình đội tuyển Việt Nam được HLV Park Hang Seo xây dựng ổn định đã bị thay thế gần 90% dưới thời HLV Troussier.

Đó là nỗ lực đầy tham vọng nhưng cũng là thử thách vô cùng nguy hiểm. Để đạt được thành công, ông Troussier sẽ cần sự ủng hộ mạnh mẽ từ các học trò, VFF và đặc biệt là dư luận.

Bởi sự thay đổi mang tính cách mạng này đòi hỏi rất nhiều thời gian, đồng nghĩa với sự tin tưởng, nỗ lực và đam mê. Tuy nhiên, thường thì người ta không chờ đợi được quá lâu. Qua cách phản ứng từ dư luận có thể thấy không ít người hâm mộ đã mất kiên nhẫn.

So sánh một chút, đội tuyển Hàn Quốc sau khi thay huấn luyện viên cũng chỉ trao cơ hội cho một ít cầu thủ mới. 80% là những gương mặt quen thuộc. Điều này có lợi cho việc ổn định khả năng tổ chức, kinh nghiệm và sự nắm bắt chiến thuật đề ra.

Đội tuyển quốc gia không phải là nơi để liên tục thử nghiệm nhân sự hay chiến thuật. Đội tuyển quốc gia luôn cần được tạo điều kiện tốt nhất, để có được kết quả cao nhất ở các giải đấu lớn. Thế nên, việc tuyển chọn phải hết sức cẩn trọng.

Ngay cả khi đã lựa chọn được những gương mặt ưng ý, huấn luyện viên vẫn cần nhanh chóng ổn định lực lượng, thiết lập phương án chiến thuật và phổ biến triết lý trong thời gian ngắn nhất có thể.

Rốt cuộc, tương lai của huấn luyện viên phụ thuộc vào việc ông ấy có thể ổn định nhân sự và giúp các học trò sớm thích nghi với kế hoạch của mình nhanh chóng hay không.

HLV Hàn Quốc: Đánh giá ai hơn ai giữa HLV Park và Troussier là vô nghĩa-8

Về vị trí và vai trò của các cầu thủ, sự khác biệt giữa HLV Park Hang Seo và Troussier càng lớn.

Chỉ có 3 tuyển thủ thường xuyên đá chính dưới thời ông Park góp mặt trong đội hình xuất phát ở trận gặp Hàn Quốc. Đó là thủ thành Đặng Văn Lâm, hậu vệ Đỗ Duy Mạnh và tiền vệ Đỗ Hùng Dũng.

Một vấn đề lớn đối với đội tuyển Việt Nam ở trận đấu này là sử dụng Phan Tuấn Tài ở vị trí trung vệ lệch trái. Cầu thủ này là một cầu thủ chạy cánh đúng nghĩa, giàu tốc độ nhưng nhỏ con, không mạnh về tranh chấp.

Tuấn Tài hiệu quả trong các pha tấn công nhờ khả năng leo biên nhưng để lộ nhiều điểm yếu khi phải đá trung vệ.

Ngoài ra, việc sử dụng Hoàng Đức đá tiền đạo cũng bất hợp lý. Có thể đặt dấu hỏi về sự hiệu quả về việc sử dụng cầu thủ này ở vị trí cao nhất trên hàng công.

Đức có kỹ năng xử lý bóng, chuyền bóng và rê bóng rất xuất sắc. Cậu ấy có thể cầm nhịp hàng công từ tuyến hai và tạo ra cơ hội ăn bàn rõ rệt bằng những pha kiến tạo.

Đặc biệt, với tư cách một trụ cột, Hoàng Đức rất giỏi trong việc phát động các pha phản công hiệu quả. Đẩy Hoàng Đức lên quá cao đồng nghĩa làm mất đi khả năng ưu việt của cầu thủ này.

Tôi thật sự tò mò vì sao ông Troussier lại sử dụng Hoàng Đức ở vị trí tiền đạo như thế, đặc biệt là trong trận đấu với Hàn Quốc, đối thủ vượt trội về đẳng cấp, sở hữu hàng công lẫn hàng thủ cực mạnh và thực tế đội tuyển Việt Nam cũng xác định chơi phòng ngự.

Tương tự là trận đấu với Trung Quốc, ngoài Hoàng Đức chơi tiền đạo, Tuấn Tài còn đá ở vị trí trung vệ lệch. Cả hai cầu thủ này đều có vị trí và vai trò riêng biệt rất rõ. Tôi không có đầy đủ thông tin về các tân binh khác của đội tuyển Việt Nam, thế nên rất khó để đưa ra bình luận.

Tuy nhiên, HLV Park Hang Seo sẽ luôn đặt từng cầu thủ vào vị trí sở trường, nơi họ có thể phát huy tối đa năng lực.

Ông Park sẽ dẫn dắt các học trò để tìm ra vị trí phù hợp nhất, để đảm trách vai trò một cách hiệu quả nhất trong hệ thống chiến thuật.

HLV Hàn Quốc: Đánh giá ai hơn ai giữa HLV Park và Troussier là vô nghĩa-9

Theo Dân Trí

Xem link gốc Ẩn link gốc https://dantri.com.vn/the-thao/hlv-han-quoc-danh-gia-ai-hon-ai-giua-hlv-park-va-troussier-la-vo-nghia-20231027100745450.htm?fbclid=IwAR3PzvHTEx4ed5cO8oMqHVd-45HyKuDm5BXP-oP4R3H9--g5NJ5aUNmdetA

Philippe Troussier Park Hang Seo

Tin tức mới nhất

Hay nhất 2sao