Chia sẻ với chúng tôi về lễ tốt nghiệp ở trường đại học, Mạnh Linh (cựu sinh viên ĐH Yale, Mỹ) vẫn nhớ hình ảnh trưởng ban nghi lễ của trường cầm quyền trượng diễu hành cùng sinh viên trong ngày lễ tốt nghiệp.
Linh tốt nghiệp vào cuối tháng 5/2022. Trong dịp đó, không chỉ sinh viên mặc lễ phục của cử nhân, tất cả thành viên trong ban giám hiệu, hội đồng nhà trường cũng mặc lễ phục theo học vị của từng người.
Tại ngôi trường danh tiếng này, quyền trượng (hay còn gọi là cây chùy) là biểu tượng đẹp, tượng trưng cho quyền lực của ban lãnh đạo trường.
Theo Yale University, quyền trượng ra đời vào năm 1904, dài gần 50 cm, được sử dụng trong những dịp quan trọng của trường, bao gồm lễ tốt nghiệp của sinh viên.
Quyền trượng của ĐH Yale được thiết kế với 4 cánh, đại diện cho 4 yếu tố là nghệ thuật, khoa học, luật pháp và thần học. Ở giữa là quả cầu màu xanh dương - màu sắc đại diện cho cho ngôi trường hơn 320 năm tuổi. Ngoài ra, cán của quyền trượng được khắc tên các hiệu trưởng từng lãnh đạo trường.
Học hỏi văn hóa nước ngoài sai cách có thể gây phản cảm
Liên quan vụ việc hiệu trưởng ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) gây tranh cãi khi mặc áo nhung, cầm quyền trượng trong lễ tốt nghiệp của sinh viên, Đình Kiên (cựu sinh viên ĐH RMIT) cho rằng việc hiệu trưởng mặc lễ phục, đeo vòng cổ, cầm quyền trượng là điều bình thường, nhiều đại học trên thế giới cũng đang áp dụng.
Ví dụ, ĐH RMIT cũng sử dụng quyền trượng trong ngày lễ tốt nghiệp. Quyền trượng của RMIT được thiết kế với chiều dài 120 cm, màu xám bạc.
Hình dáng, thiết kế của cây chùy tượng trưng cho nét đẹp học thuật và những tư tưởng mới mẻ của cộng đồng giảng viên, sinh viên trường.
Khi đưa vật dụng này vào các nghi lễ quan trọng, nhà trường mong muốn nó giúp thế hệ sinh viên cảm thấy tự hào hơn khi được học tập, nghiên cứu tại ĐH RMIT.
Quyền trượng của ĐH Yale (trên) và quyền trượng của ĐH RMIT (dưới) được thiết kế phù hợp với mục đích sử dụng và văn hóa nhà trường. Ảnh: Yale Alumni Magazine/Scott Mayson.
Đình Kiên cho rằng yếu tố gây tranh cãi của ĐH Kinh tế là trang phục và đạo cụ của hiệu trưởng có phần giống với những món đồ được Giáo hoàng sử dụng. Điều này chứa đựng yếu tố, tính chất tôn giáo nên dễ gây ra chủ đề bàn luận và tạo ra những ý kiến tiêu cực.
Chung quan điểm với Đình Kiên, Minh Tú (cựu sinh viên trường Luật, ĐH Indiana, Mỹ) nhận thấy lễ phục của hiệu trưởng ĐH Kinh tế giống với trang phục của hoàng gia, giáo hội của châu Âu thời kỳ trước.
Với cô, việc đưa những hình ảnh liên quan hoàng gia, giáo hội vào lễ tốt nghiệp của sinh viên Việt Nam là hành động không phù hợp.
Lý giải cho ý kiến này, Minh Tú nói rằng thời xưa, việc đi học và tiếp cận giáo dục bậc cao (đại học) vốn chỉ dành cho nam giới của gia đình quý tộc như một đặc quyền xã hội.
Đây cũng là điều mà các phong trào cấp tiến muốn xóa bỏ để mang tri thức đến mọi người ở mọi giới tính, sắc tộc, địa vị xã hội. Cô cho rằng việc đưa hình ảnh hoàng gia, tôn giáo vào lễ tốt nghiệp sẽ biểu trưng cho “rào cản” của thời kỳ trước, là đang đi lùi với quan niệm giáo dục hiện đại.
“Việc sử dụng quyền trượng trong lễ tốt nghiệp không sai, nhưng cần phù hợp và đúng mục đích. Nhà trường nên đưa ra phân tích hợp lý để người ngoài hiểu quyền trượng được sử dụng với mục đích gì, được tạo nên từ những yếu tố, biểu tượng nào liên quan bản sắc của nhà trường.
Nếu đạt được những yếu tố đó, dân mạng sẽ không còn tranh cãi về vấn đề này”, cựu sinh viên trường Luật nói.
Cần học hỏi sao cho phù hợp với văn hóa Việt Nam
Trong lễ tốt nghiệp nói riêng và các ngày lễ quan trọng nói chung tại trường đại học ở châu Âu, châu Mỹ, hình ảnh quyền trượng, vòng cổ mang những ý nghĩa đặc biệt.
Theo Dreamtimes, truyền thống sử dụng quyền trượng bắt nguồn từ thời kỳ Phục Hưng và thời kỳ đen tối ở châu Âu. Thời kỳ đó, cây chùy được dùng để bảo vệ sinh viên khỏi những kẻ lưu manh quấy rối khi đi qua thị trấn.
Vì thế, lễ tốt nghiệp tại Mỹ đều có nghi thức mở đầu bằng việc giáo sư, người đứng đầu nhà trường hoặc một nhân vật đại diện tiến vào cùng quyền trượng.
Trong khi đó, trang University of Washington nói rằng quyền trượng là biểu tượng cổ xưa của uy quyền, mang ý nghĩa các trường đại học đang bảo vệ truyền thống học tập lâu đời, đồng thời ban tặng sức mạnh cho người học.
Nó cũng là lời nhắc nhở rằng quá trình học tập không phải lúc nào cũng thoải mái và dễ dàng. Do đó, quyền trượng chỉ xuất hiện khi có sự hiện diện của người đứng đầu nhà trường cùng các thành viên trong hội đồng quản trị.
Tiến sĩ Michael Mayfield của ĐH Appalachian State (Mỹ) trong bộ lễ phục dành cho tiến sĩ, tay cầm quyền trượng của nhà trường. Ảnh: Appalachian State University.
Vòng cổ cũng là vật dụng không thể thiếu trong các buổi lễ quan trọng của đại học tại các nước châu Âu, châu Mỹ, thường được gọi là The President’s Medallion. Loại vòng này thường được làm bằng kim loại, in logo hoặc câu khẩu hiệu của trường.
Người duy nhất được đeo The President’s Medallion là người đứng đầu của trường đại học, nhằm tượng trưng cho quyền điều hành, cũng là lời nhắc nhở người sử dụng phải khôn ngoan, cẩn thận khi đưa ra những quyết định quan trọng.
Cả Đình Kiên và Minh Tú đều chung quan điểm là các trường đại học ở Việt Nam có thể học hỏi nét đẹp văn hóa này và ứng dụng vào lễ tốt nghiệp, nhằm giúp buổi lễ quan trọng của sinh viên trở nên đặc biệt, ý nghĩa hơn. Tuy nhiên, điều quan trọng là các trường phải biết học hỏi có chọn lọc, không nên sao chép toàn bộ.
Theo Đình Kiên, khi tạo ra trang phục và những đạo cụ cần thiết cho lễ tốt nghiệp, trao bằng, các trường đại học nên cân nhắc đến hai yếu tố là bản sắc riêng và thống nhất về phong cách. Điều này giúp tạo ra hình ảnh đồng bộ cho trường, đồng thời ghi dấu ấn tốt hơn với sinh viên, phụ huynh và cộng đồng mạng.
Minh Tú nêu quan điểm các trường nên có sự học hỏi một cách kỹ lưỡng, sâu sắc nếu muốn ứng dụng bản sắc nước khác vào lễ tốt nghiệp của mình. Cô cho rằng những biểu tượng, nghi lễ lâu đời của nước ngoài rất khó để áp dụng tại Việt Nam, nên cần điều chỉnh sao cho phù hợp với tư tưởng và văn hóa trong nước.
Nói thêm về trường hợp gây tranh cãi của ĐH Kinh tế, Minh Tú cho rằng nếu việc sử dụng quyền trượng là dụng ý của trường, đây chính là lúc để chứng minh điều đó. Nhà trường nên phân tích ý nghĩa, nét đẹp của quyền trượng để hóa giải hiểu lầm của cộng đồng mạng. Cách này cũng giúp sinh viên có cái nhìn đúng về mục đích của trường và sẽ tự hào hơn về những điều thầy cô mang lại.
Trong trường hợp ĐH Kinh tế chỉ tham khảo văn hóa nước khác mà không có dụng ý đặc biệt, cựu sinh viên trường Luật đề nghị nhà trường nên có lời giải thích và xin lỗi chân thành để rút kinh nghiệm cho những buổi lễ quan trọng sau này.
“Truyền thống của trường là một điều đẹp đẽ, đáng để sinh viên tự hào. Nhưng truyền thống phải có ý nghĩa, hữu dụng, sinh viên mới tự hào được”, Minh Tú nhấn mạnh.
Theo Zing