'Dị nhân' tự tay xây nhà bằng phế liệu trong vòng 17 năm mới hoàn thiện

Ngôi nhà đặc biệt ấy do chủ nhân tự tay xây, đặt từng viên gạch trong suốt 17 năm trời. Phần lớn vật liệu dùng để dựng lên công trình này đều là đồ phế liệu, bỏ đi.

Theo đánh giá nhiều kiến trúc sư, bỏ ra 10 tỷ cũng chưa chắc đã xây dựng được ngôi nhà như vậy. Tuy nhiên, chi phí mà ông bỏ ra không tới 70 triệu đồng. Hầu hết “vật liệu xây dựng” được tận dụng từ những đồ người khác bỏ đi, cho tới mảnh ván thôi của người chết.

Lạc vào rừng nhiệt đới

Nhân vật được nhắc ở trên là ông Phạm Kỳ Anh (SN 1953), ngôi nhà một trệt, hai lầu rưỡi do ông tự tay xây dần từng viên gạch trong suốt 17 năm, nằm trong con hẻm nhỏ trên đường Đình Nghi Xuân, quận 6 (TP.HCM).

Từ ngày khởi công xây dựng, mọi người gắn cho ông cái tên gọi là “dị nhân”, có kẻ bảo ông gàn dở, đầu óc có vấn đề nặng. Vậy mà giờ “công trình vĩ đại” của ông Anh lại khiến bao người mê mẩn. Thậm chí, có vị đại gia khi biết đến ngôi nhà sinh thái của ông Anh đã đến đặt vấn đề đổi nhà.

Theo đó, giá mà vị đại gia này đưa ra để thương lượng đó là một căn biệt thự giữa trung tâm quận 1, nơi mỗi tấc đất là một tấc vàng. Tuy nhiên, ông Anh đã từ chối lời đề nghị này. Bởi tâm huyết ngần ấy năm, ngôi nhà này gắn với ông bao kỷ niệm vui buồn, nặng nghĩa nặng tình, với riêng ông Anh nó là vô giá.

Ông Kỳ Anh rất hiếu khách, đôn hậu tính tình cởi mở. “Tất cả nội thất bên trong ngôi nhà này chỉ duy nhất có có bộ ghế salon là tôi mua với giá hơn 20 triệu, còn lại đều là đồ tận dụng. Mọi người bỏ đi, mình thấy còn giá trị thì xin về, bỏ công ra mông má, với sáng tạo đi một tý thì lại thành hành xịn và độc ngay”, ông cười hóm hỉnh.

Dị nhân tự tay xây nhà bằng phế liệu trong vòng 17 năm mới hoàn thiện-1
Căn nhà được xây trong vòng 17 năm mới hoàn thiện

Người đàn ông ấy đã không ngần ngại dẫn chúng tôi đi thăm quan tâm huyết của cả đời mình. Ngôi nhà này được che phủ “từ chân đến đầu” bởi hai giàn bông giấy đỏ rực đã được chủ nhân cắt tỉa, đan tán tạo không gian thoáng đoãng. Dù không sang trọng bởi vật liệu ông sử dụng đều là đồ phế liệu nhưng được bố trí hợp lý và vui mắt.

Hai phòng ngủ lệch hẳn về một bên, diện tích còn lại là không gian sinh hoạt chung kết nối với không gian ngoài trời. Ngoài ra, từ tầng trệt lên tầng ba, ông Kỳ Anh còn đặt hơn 20 lồng chim, với đủ các loại, từ chim quyên, chích chòe, chào mào, cu, cưỡng, chìa vôi. Đi đến đâu cũng nghe tiếng chim hót rộn ràng.

“Hai gian hoa giấy tôi trồng từ lúc xây nhà đến giờ. Nay chúng đã 17 năm tuổi. Đã biết bao mùa chim về xây tổ, ong về làm mật trên giàn bông giấy ấy”, ông nói.

Kiến trúc học được của Tây

Sau đó, ông mời chúng tôi ra một chiếc bàn xoay để trò chuyện. Nơi này ông dành riêng để tiếp những người bạn vào ngày cuối tuần.

Chiếc bàn “lai” ghế của ông khiến chúng tôi lạ lẫm. Thấy vậy, ông Anh giải thích “đây là sản phẩm độc quyền của mình”. Mấy năm trước, ông nhặt được một cái chân ghế xoay văn phòng bị hỏng, một thớt gỗ xưởng mộc bên cạnh bỏ đi.

Năm ngoái, trên đường đi ăn tiệc người họ hàng bên quận Gò Vấp về, ông nhặt thêm miếng kính vỡ. Sau đó, ông đem tất cả ra “tu sửa” và lắp ráp lại thành chiếc bàn xoay đặc biệt. “Từ việc xây ngôi nhà, đến nội thất bên trong đều được tôi tận dụng từ những đồ người khác bỏ đi như vậy”, “dị nhân” này cho biết.

Theo lời kể của ông Anh thì quê ông ở huyện Phú Ninh (tỉnh Quảng Nam), hai vợ chồng ông có 4 người con. Ông làm thợ hồ, vợ làm giao viên tiểu học. Ngày đó, gia đình ông rất khó khăn. Thậm chí còn túng bấn tới mức không cả có tiền cho cậu con cả đi thi đại học. Chính điều này đã khiến cho ông nhiều đêm trăn trở.
 

Dị nhân tự tay xây nhà bằng phế liệu trong vòng 17 năm mới hoàn thiện-2
Ông Anh chia sẻ về công trình vĩ đại của đời mình

Sau đó, ông quyết chí rời quê vào Sài Gòn với suy nghĩ, ở quê đi xây mỗi ngày được 9.000 đồng, nhưng không bao giờ làm được đủ 30 ngày mỗi tháng, nếu vào Sài Gòn mà kiếm được 300.000 đồng/tháng là thành công.

Ông Kỳ Anh đã gặp may khi xin được một chân phụ bếp ăn bán trú tại Trường THCS Bán công Lam Sơn (Q.6) và được trả lương đúng 300.000 đồng/tháng khi còn chân ướt chân ráo vào Sài Gòn. Vài tháng sau, do nhà trường khuyết một chân bảo vệ nên ông được đưa ra thế chỗ. Vốn là người khéo tay hay làm, nên ngoài việc gác cổng, ông đã làm đủ mọi việc, từ móc cống, san lấp ao hồ, sửa chữa bàn ghế, đến xây tô, lót gạch, sơn nước để kiếm thêm thu nhập.

Ông Anh nhiệt tình, trong trường mọi người nhờ vả việc gì ông cũng vui vẻ nhận lời. Nhờ vậy, ông được yêu mến và có thêm nhiều việc để làm. Năm 1995, hiểu hoàn cảnh của ông, một giáo viên trong trường bán thiếu cho ông mảnh đất 40m2 với giá bốn cây vàng.

Thậm chí người này còn ưu ái tặng ông thêm 8m2, và cho ông được trả góp số tiền này trong nhiều năm. “Cuối năm 1997, trả hết tiền đất, tôi đón hết vợ con vào trong này sinh sống và bắt đầu xây dựng ngôi nhà của mình”, ông Anh cho biết.

Theo lời kể của ông thì đầu tiên, ông đúc móng. Sau đó, ông đổ từng cây cột. Khi đã dựng xong cột, ông lợp mái tôn để lấy chỗ che mưa, che nắng cho cả gia đình rồi mới xây dần các bức tường. Cho đến giữa năm 2014, tức sau 17 năm thì căn nhà một trệt, hai lầu rưỡi của mới được hoàn thiện.

Ông nói vui: “Khi đón gia đình vào đây, cả 4 đứa con tôi đều cố gắng nuôi chúng vào đại học. So với mức lương ít ỏi của hai vợ chồng thì cũng gọi là đủ ăn, chứ lấy đâu ra tiền mà xây nhà ngay một lúc được. Nên phải vài năm sau khi tích cóp được ít tiền, tôi mới dỡ mái tôn đổ một nửa tấm sàn. Vài năm sau lại đổ nửa tấm sàn còn lại. Tiến độ công trình của tôi phụ thuộc vào những vật liệu như gỗ, xi măng, sắt thép, sỏi cát mà mình xin và nhặt được”.
 

Dị nhân tự tay xây nhà bằng phế liệu trong vòng 17 năm mới hoàn thiện-3
Vật liệu xây dựng đều là phế liệu

Được biết, ngay cả tấm sàn ở lầu 2, ông Anh phải đổ trong gần 4 năm mới xong. Lúc đó, ông chỉ đủ tiền mua được xi măng. Còn lại sắt thép, cát sỏi ông xin được bao nhiều thì về ghép giàn giáo, đổ dần từng mét một.

“Cứ thế, một mình tôi túc tắc uốn từng thanh sắt, vác từng bao xi măng, rửa từng xô đá, trộn từng thau bê tông, đổ dần từng cây cột, xây dần từng viên gạch theo kiểu “kiến tha lâu đầy tổ”, ông Anh còn tiết lộ, gạch xây ngôi nhà này đều là gạch cũ, được ông tận dụng. Nhặt được viên nào về ông rửa sạch, pha vữa đặt gạch xây luôn.

Ngoài bộ khung chính được xây bằng gạch thì các phòng ốc trong ngôi nhà của ông anh được dựng bằng gỗ. Nội thất trong ngôi nhà này cũng do một tay ông làm cả. “Tôi làm bảo vệ ở trường học, cứ độ vài năm thì nhà trưởng lại thay bàn ghế một lần, mình tận dụng những miếng gỗ còn sử dụng được về làm sàn nhà, làm tường, cánh cửa”, ông nói tiếp.

Cũng vì vậy, mà từ cửa sổ, cầu thang, đền sàn nhà của ông Anh không đồng đều về mầu sắc, đến kích cỡ nhưng chính điều này lại tạo lên nét riêng, đặc trưng cho ngôi nhà. Nói cái chết ai cũng ghê rợn, nhưng theo ông Anh thì từ giường ngủ đến thôi ván người chết cũng được ông tận dụng để trang trí cho ngôi nhà của mình.

“Ngôi nhà này được tôi được tu sửa, kiến trúc của nó được sáng tạo từng ngày. Khi thấy một chi tiết nào đó xấu, không hợp lý là tôi sẵn sàng đập bỏ làm lại”, ông tâm sự về ngôi nhà độc đáo của mình.

Ngày đặt móng xây nhà, trong đầu ông Anh chỉ nghĩ tới việc có nơi che mưa che nắng cho vợ con. Nhưng rồi, những vật dụng những đồ phế liệu bỏ đi mà ông nhặt, xin được đã kích thích sự sáng tạo trong ông. Như việc ông trồng giàn hoa giấy, đó là một lần ông về thăm quê, thấy một ngôi nhà cổ rợp mầu đỏ của hoa giấy, ông thích quá và áp dụng ngay.

Năm học 2006 - 2007, Trường Lam Sơn lần lượt thay bàn ghế mới, ông Anh đã xin gom toàn bộ đống phế liệu mang về tận dụng làm nhà mình. Mặt bàn rộng, ông cắt ra làm bậc cầu thang. Mặt ghế nhỏ nhưng dài, ông dùng đóng những chiếc giường nằm, vách ngăn, hoặc những chiếc tủ kệ xinh xắn. Chân bàn, ông tận dụng làm tay vịn cầu thang. Những khúc gỗ nhỏ ông để dành lát sàn.

“Tôi thấy trên tivi người nước ngoài họ làm nhà gỗ có nhiều cửa sổ, bức vách được dựng bằng những vỏ lon bia, thấy hay lên tôi cũng áp dụng vào ngôi nhà mình. Nhiều người đến chơi bảo chính sự phá cách này đã làm lên cái hồn của ngôi nhà”, ông nói tiếp.

Theo Gia Đình & Xã Hội


kiến trúc độc đáo chuyện lạ

Tin tức mới nhất