Điểm mặt những loại rau củ quen thuộc dễ bị nhiễm khuẩn và cách phòng tránh

Dưa chuột rất dễ nhiễm khuẩn E.Coli, rau muống được trồng tại những khu vực nước ô nhiễm dễ bị nhiễm chì và cadimi... và còn nhiều loại rau nhiễm khuẩn khác trở thành sự lo lắng của không ít người tiêu dùng.

Dưới đây là danh sách một số loại rau củ quả rất dễ bị nhiễm khuẩn mà người dân cần chú ý khi tiêu thụ.

Dưa leo

Mới đây, một phụ nữ ở Texas (Mỹ) đã tử vong do ăn dưa chuột nhiễm khuẩn E.Coli. Đây là nạn nhân thứ hai trong đợt bùng phát khuẩn Salmonella trên toàn nước Mỹ sau khi ăn phải dưa chuột, dưa leo nhiễm khuẩn do một công ty ở California cung cấp. Hiện tại, California là nơi có số người bị nhiễm khuẩn cao nhất nước Mỹ với 72 trường hợp, Arizona là 66 trường hợp và Utah là 30. Sự bùng phát này dấy lên nỗi lo lắng salmonella sẽ trở thành cơn ác mộng tiếp theo sau những dịch bệnh đã hoành hành trong mấy năm qua.

các loại rau củ nhiễm khuẩn1
Một phụ nữ ở Texas (Mỹ) đã tử vong do ăn dưa chuột nhiễm khuẩn E.Coli. (Ảnh minh họa: Internet)

Rau muống

Một nghiên cứu của nhóm tác giả đến từ Trường Đại học Y tế công cộng, Viện Chăn nuôi quốc tế và Cục An toàn thực phẩm cho thấy, mức độ tiêu thụ rau muống và cá rô phi của người dân ở khu vực sông Nhuệ chảy qua Hà Nam đang ở mức báo động. Nguyên nhân bởi rau muống bị nhiễm chì và cadimi nhiều nhất.

Rau mầm

Trang foodsafetynews.com đưa tin, công ty Thực phẩm Irving của Hàn Quốc đã đưa lệnh thu hồi 20 túi rau mầm đậu tương hãng Go-Hang vì nghi ngờ loại rau mầm này nhiễm khuẩn Listeria. Ngay sau đó, tổ chức Y tế và Thực phẩm Hoa Kỳ đã bắt tay vào điều tra và phát hiện nhiều sản phẩm có chứa vi khuẩn gây bệnh.

Listeria là vi khuẩn có khả năng gây nhiễm trùng nghiêm trọng, có thể gây tử vong ở trẻ em, người già yếu, người có hệ miễn dịch kém. Với người khỏe mạnh cũng không tránh khỏi sốt cao, cứng khớp, đau bụng, tiêu chảy, đau đầu… Đặc biệt phụ nữ mang thai dễ bị sảy thai, thai chết lưu do ăn phải rau mầm nhiễm khuẩn.

 các loại rau củ nhiễm khuẩn2
Phụ nữ mang thai dễ bị sảy thai, thai chết lưu do ăn phải rau mầm nhiễm khuẩn. (Ảnh minh họa: Internet)

Giá đỗ

Cách làm giá đỗ thông thường phải trải qua nhiều giai đoạn, trong đó có bước ủ giá đỗ chiếm rất nhiều thời gian. Môi trường ẩm ướt sẽ tạo điều kiện cho E.Coli và salmonella sinh sôi và phát triển. Để sử dụng giá đỗ, bạn cần ngâm, rửa thật kỹ trước khi sử dụng. Trẻ em, người già trên 65 tuổi, phụ nữ mang thai không nên ăn thực phẩm này. Để bảo quản giá đỗ, bạn nên để vào tủ lạnh sẽ hạn chế sự phát triển của vi khuẩn gây hại.

Cà chua

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, cà chua rất dễ bị nhiễm khuẩn ngay từ quá trình trồng và chăm sóc phát triển. Nguyên nhân bởi vỏ cà chua mỏng, vi khuẩn rất dễ xâm nhập. Với những loại cà chua bị dập, nát, vi khuẩn càng dễ xâm nhập hơn qua những vết nứt của quả. Để tránh ăn phải cà chua nhiễm khuẩn, bạn nên rửa sạch, sau đó lau khô bằng khăn sạch trước khi sử dụng hoặc rửa chúng bằng thuốc tím. Tuyệt đối không mua cà chua đã bị dập, có vết nứt.

Rau diếp

Mặt sau của rau diếp thường sần sùi, do đó rất dễ lưu giữ lại vi khuẩn trong quá trình bạn chăm bón. Đừng bao giờ chủ quan trong việc rửa rau diếp. Nếu rửa không đúng cách, bạn sẽ dễ dàng rước bệnh vào người khi sử dụng loại rau này. Do đó, trước khi ăn, bạn cần tách bỏ phần lá ngoài, rửa kỹ từng lá, ngâm trong nước vài phút rồi lại rửa lại tiếp.

các loại rau củ nhiễm khuẩn3
Mặt sau của rau diếp thường sần sùi, do đó rất dễ lưu giữ lại vi khuẩn trong quá trình bạn chăm bón. (Ảnh minh họa: Internet)

Các loại rau sống nói chung

Nghiên cứu của GS.TS Phùng Đắc Cam và ThS Nguyễn Thùy Trâm (Viện dịch tễ Trung ương cho thấy, rau sống, nước tưới rau sống bị nhiễm khuẩn, nhiễm ký sinh trùng rất đáng báo động. Theo đó, các chuyên gia phát hiện đơn bào Cyclospora có khả năng gây bệnh tiêu chảy do ăn rau sống, nước thải và nước sinh hoạt.

Theo đó, Cyclospora được tìm thấy ở 34 trên tổng số 288 mẫu nước  và rau tại chợ. Đặc biệt tỷ lệ nhiễm khuẩn này cao hơn ở những mẫu rau trong chợ, tập trung nhiều nhất ở rau ngổ và rau húng.

Bí quyết để tránh nhiễm khuẩn từ rau củ

- Rửa sạch từng ngọn, từng lá dưới vòi nước xối, sau đó ngâm trong nước muối loãng 15 - 20 phút.

- Lưu ý đặc biệt với những loại rau lá như rau muống thì cần rửa từng cọng, sau đó vơ thành từng nắm xối nước thẳng lên.

- Bảo quản trong tủ lạnh: Rửa sạch rau, để ráo nước, sau đó bỏ vào túi bảo quản và cho vào ngăn mát của tủ lạnh.

- Đối với củ quả, bạn cũng nên rửa sạch từng quả, cho từng quả vào túi rồi để tủ lạnh. Không sử dụng quá 2 ngày để tủ lạnh bọc nilon.

- Nên mua rau củ trong siêu thị, tránh mua những hàng rau củ để trong sạp rổ kê sát đất vì rất dễ nhiễm khuẩn.

- Chọn mua rau củ có dán tem, nhãn mác chứng thực an toàn.

- Không mua rau quá non, mơn mởn, nhìn bắt mắt như cọng quá mập, lá xanh quá mức bình thường.

- Không mua rau đã héo úa, dập nát.

- Rau ăn dạng củ thì đảm bảo an toàn hơn nên không cần thiết phải ngâm nước muối hay thuốc tím.

- Khi chế biến rau dạng củ nên gọt vỏ để hạn chế tối đa chất bẩn, nhiễm khuẩn còn tồn dư ngoài vỏ.

- Nghiêm cấm sử dụng chất tẩy rửa, chất tẩy trắng, hóa chất để chà xát rau củ, phòng tránh nhiễm khuẩn.

Theo Tri Thức Trẻ


Tin tức mới nhất