Tiếng Việt vốn vô cùng phong phú, ngoài hệ thống các từ vựng bao la vô số kể thì kho tàng ca dao, tục ngữ, thành ngữ cũng khiến tiếng Việt thêm có thêm nhiều màu sắc.
Các câu ca dao, tục ngữ vừa ngắn gọn, súc tích, lại hàm chứa nhiều ý nghĩa bài học nhân văn sâu sắc.
Một câu hỏi điền từ trong chương trình Vua Tiếng Việt, yêu cầu người chơi phải tìm từ còn thiếu trong câu tục ngữ để có câu hoàn chỉnh. Câu tục ngữ được đưa ra là: "Trời quả báo ăn cháo ..."
Thí sinh trước câu hỏi này đã đưa ra câu trả lời là "đá bát".
Đúng thật là trong kho tàng ca dao, tục ngữ, thành ngữ Việt Nam thì có câu "ăn cháo đá bát" thật nhưng đây không phải là đáp án cần tìm, vì đằng trước còn có vế "trời quả báo" nữa cơ mà.
Ở đây, không phải đá hay dùng lực gì cả, mà từ còn thiếu phải là "gãy răng".
Trời quả báo ăn cháo gãy răng nói về quan niệm của người xưa khi họ cho rằng bị trời báo hại thì không thể tránh thoát được; dẫu có ăn cháo cũng bị trời làm cho gãy răng.
Một phiên bản đầy đủ hơn cho câu nói này là:
“Quả báo ăn cháo gãy răng/ Ăn cơm gãy đũa, xỉa răng gãy chầy”
Tựu trung lại, ý nghĩa của những câu thành ngữ, tục ngữ này đều nói đến luật nhân quả, khuyên răn con người chớ làm điều ác vì sớm muộn gì sẽ phải gặp quả báo bởi điều mà chúng ta làm.
Một số câu ca dao, tục ngữ khác cũng nói đến luật nhân quả:
1/ "Đạo trời báo phúc chẳng lâu
Hễ là thiện ác đáo đầu chẳng sai"
2/ "Đời cha ăn mặn, đời con khát nước"
3/ "Quả báo nhãn tiền"
4/ Đời xưa quả trả báo mà chầy
Đời nay trả báo một giây nhãn tiền"
Theo Doanh Nghiệp Tiếp Thị