Diễn viên Trung Dũng: 'Nếu không làm diễn viên, tôi sẽ là đầu bếp nhà hàng 5 sao'

Trở lại truyền hình sau nhiều năm vắng bóng với vai diễn người chồng nhu nhược trong bộ phim “Gạo nếp gạo tẻ”, diễn viên Trung Dũng đang tạo nên cơn sốt với khán giả Việt Nam.

Diễn viên Trung Dũng: Nếu không làm diễn viên, tôi sẽ là đầu bếp nhà hàng 5 sao-1
Diễn viên Trung Dũng (ảnh nhân vật cung cấp).
 

Từng muốn học đầu bếp

- Được biết anh đến với nghệ thuật tình cờ, do bạn bè rủ rê chứ không phải định hướng từ đầu?

Từ nhỏ đã mê những bộ phim nổi tiếng như: “Osin”, “Đơn giản tôi là Maria”, “Tiếng chim hót trong bụi mận gai”… thậm chí rất thích hình ảnh bộ đội của anh Thương Tín trong phim “Bài ca không quên” nên tôi cũng muốn làm diễn viên nhưng lại nghĩ mình không phải con nhà nòi, không đẹp, không tiền… Đến khi diễn viên Cát Tường rủ thi vào trường điện ảnh, tôi đành liều một phen. Được thì tốt, còn không tôi sẽ ra nước ngoài học đầu bếp. Cuối cùng đúng là nghề đã chọn tôi.

- Đi hết từ vai diễn bộ đội, sĩ quan, đồng tính đến đầu gấu hay mới nhất là người chồng nhu nhược, anh thấy mình hợp với kiểu nhân vật nào?

Với cá tính và hình ảnh của tôi thì những vai anh hùng trượng nghĩa, phim hành động, người đàn ông biết hi sinh có nội tâm, tâm lý mạnh mẽ sẽ hợp với tôi hơn. Còn nhân vật người chồng nhu nhược trong phim “Gạo nếp gạo tẻ” hoàn toàn không liên quan gì đến con người thực của tôi. Lúc diễn, đạo diễn “ép” tôi phải thay đổi từng động tác, cử chỉ để hiền lại, dịu lại cho đúng với vai. Tôi bị ức chế nhiều quá nên thậm chí còn không tin mình làm tốt được vai này.

- Tại sao đọc kịch bản, thấy nhân vật không hợp với cá tính mà anh vẫn nhận vai?

Gần đây phim truyền hình đã bị bão hòa, khán giả không mấy mặn mà với phim Việt. Sự hiếm hoi của phim truyền hình là một yếu tố. Thứ hai, là nhà sản xuất. Thực tế gần đây, cứ dăm ba ngày lại có một diễn viên bóng gió tố nhà sản xuất quỵt tiền. Nếu thưa gửi, kiện cáo thì lại bị nói là chiêu trò PR. Nên nhà sản xuất là HTV2 - tôi từng hợp tác rồi nên độ tin tưởng là tuyệt đối. Thứ ba, bộ phim dài 80 tập, cát-sê không tồi. Và sau đó đến đạo diễn, kịch bản. Lúc đọc kịch bản, tôi thấy vai Kiệt nhẹ nhàng, khá “dễ nuốt”. Ai ngờ lúc diễn lại quá khủng khiếp nội tâm như vậy. Nhưng đây là một bộ phim đầu tư nghiêm túc, chỉn chu, cộng với dàn diễn viên quá hợp lý, hấp dẫn thì không có lý do gì mà tôi không chấp nhận thử thách. Nếu tôi không chọn phim này thì đúng là sai lầm.

- Bộ phim này thay đổi cuộc sống của anh như thế nào?

Đầu tiên là sự thay đổi chóng mặt trên Facebook. 3 năm qua tôi dùng Facebook không bằng 3 tháng gần đây. Cách đây 3 năm, tôi bị cô bạn chế nhạo là quê, thời đại nào mà còn không dùng Facebook. Diễn viên mà không để cho khán giả biết mình sống ra sao, hoạt động thế nào, đóng phim gì là không được. Đến mãi sau bộ phim “Lạc giới” tôi mới bắt đầu dùng Facebook. Rồi cả tháng mới cập nhật một tấm hình, cũng chẳng biết sử dụng các tính năng luôn.

Cho đến khi phim “Gạo nếp gạo tẻ” công phá sóng truyền hình, khán giả biết đến nhiều, lượng người theo dõi tăng đột biến từ mấy nghìn lên mấy chục nghìn, tôi mới được bạn bè chỉ cách sử dụng Facebook. Kéo theo đó, tôi nhận được rất nhiều liên hệ quảng cáo bằng tương tác Facebook. Tất nhiên đó là một khoản thu nhập khá hấp dẫn. Nhưng sau lần livestreem quảng cáo đầu tiên tôi cảm thấy chưa tự tin. Nên tôi dừng lại không nhận quảng cáo. Gần đây tôi mới nhận up vài tấm hình cho một số loại nước hoa - thứ không ảnh hưởng tới an toàn thực phẩm. Ngoài ra, các hợp đồng quảng cáo cũng có, cát-sê cũng hơn trước.

- Nhiều diễn viên nổi lên nhờ hiệu ứng của một phim thì lập tức tận dụng khoảng thời gian độ hot của tên tuổi để cải thiện thu nhập. Anh không tranh thủ thời điểm “vàng” này sao?

Điều đó đúng với các bạn diễn viên trẻ. Khán giả thường hiếu kỳ với những gương mặt trẻ, vụt sáng trong phim; nghiễm nhiên các đơn vị, thương hiệu cũng sẽ chú ý, quan tâm, chăm sóc các bạn ấy kỹ hơn để tạo sức hút và thỏa mãn cơn “thèm của lạ” của khán giả. Bản thân tôi đã là thế hệ diễn viên trước, đã có chỗ đứng trong lòng công chúng. Thời điểm vàng son của tôi là năm 2008. Khi đó tôi đóng phim, MC chương trình “Sức sống mới” thì đã mua được nhà và xe chứ không phải đến thời điểm này mới tranh thủ.

- Anh có nghĩ rằng, nếu ngày đó không liều thi điện ảnh thì sẽ không có được cuộc sống đầy đủ như bây giờ?

Nếu không là diễn viên, tôi sẽ là đầu bếp của nhà hàng 5 sao vì gia đình tôi kinh doanh nhà hàng. Dù không danh tiếng bằng nhưng chắc chắn thu nhập sẽ hơn diễn viên.

Trong giới giải trí, không PR là sai lầm

- Gần đây anh bị đồn phim giả tình thật với cô vợ đỏng đảnh trong phim. Anh nói sao về hình ảnh “nắm tay anh đi khắp thế gian” cùng Thúy Ngân?

Thúy Ngân nhìn vậy chứ rất yếu. Cảnh bị bắt gặp nắm tay Thúy Ngân ở sân bay là vì đi máy bay từ Đà Lạt về, cô ấy bị tụt canxi, người không khỏe nên tôi nắm tay dắt qua đường. Tôi bị “dính” với Hân là vì Hân là diễn viên trẻ, mới nổi nên mọi người muốn tìm thông tin của cô ấy và tôi bị “ăn theo”.

- Người ta vẫn nói đây có phải chiêu PR của phim, hoặc của cá nhân?

Chi phí PR cho phim có khi lên tới 1/3 chi phí sản xuất thì thiếu gì cách để PR. Còn PR bản thân theo cách đó thì thế hệ diễn viên như tôi không cần nữa.

- Có thể với diễn viên thế hệ trước như anh không cần nhưng Thúy Ngân chẳng hạn - cô ấy trẻ, cần có chỗ đứng, có tên tuổi?

Với tôi, bước vào ngành công nghiệp giải trí này nếu không PR là sai lầm. Nhưng PR như thế nào thì đó là quan niệm của mỗi nghệ sĩ. Ngoài các chiêu trò lố bịch kiểu lộ clip, khoe tài sản hay bôi xấu nhau thì PR là điều cần thiết. Tôi không bao giờ hỏi Hân về vấn đề này. Còn bức hình ngày hôm đó, thực sự là fan của Hân vô tình thấy cô ấy ở sân bay và chụp lại. Khi đưa lên mạng xã hội rồi thì “tam sao thất bản”, kiểm soát sao được thông tin.

- Trong một bài phỏng vấn mới đây, nói về mối quan hệ với Thuý Ngân, anh bày tỏ: “Tôi thường xuyên đưa Ngân về nhà sau khi quay… Hai người chúng tôi cặp cổ, bá vai, vỗ mông cũng không sao. Nó rất bình thường”. Chắc anh còn nhớ scandal của ca sỹ Phạm Anh Khoa mới đây? Sau những gì xuất hiện trên báo chí và những gì anh chia sẻ, nói anh và Thúy Ngân không có gì với nhau dư luận không tin đâu…

Dư luận cứ a dua với sự kiện và quá nhạy cảm với một số vấn đề. Cũng còn xét vào hoàn cảnh, tôi nói như thế là cách minh họa cho hành động khi cắt cảnh diễn hoặc nhắc nhở nhau tập trung. Ví dụ, cô bạn mải nghịch điện thoại, gọi không nghe, kéo không đi thì đập một cái cho cô ấy phản ứng lại. Chúng tôi là bạn diễn, hoàn toàn trong công việc giữa cả đoàn chứ không có mối quan hệ mập mờ. Đừng suy diễn!

Cảm ơn diễn viên Trung Dũng!
 

Theo Giadinh&Xahoi

 


Gạo nếp gạo tẻ Diễn Viên Trung dũng

Tin tức mới nhất