Điều đại kỵ trong đám cưới – bất cứ ai cũng phải biết để tránh hối hận về sau

Điều đại kỵ trong đám cưới - bất cứ ai cũng phải biết để tránh hối hận về sau, dành 1 phút để đọc vì quan trọng lắm đó.



Nhiều bạn trẻ ngày nay cho rằng hôn nhân bền vững là do hai vợ chồng có hiểu nhau, yêu nhau và có kỹ năng sống chung hay không, chứ không phải vì những kiêng kỵ. Do đó họ không tin những điều kiêng kỵ trong đám cưới, cho đó là lạc hậu, mê tín.

Các chuyên gia tâm lý cũng cho rằng, hạnh phúc gia đình yên ấm, suôn sẻ cả đời phụ thuộc chủ yếu vào cá tính của các cặp vợ chồng. Vì vậy, dù có kiêng kỵ nhiều thứ trong đám cưới, nhưng khi sống với nhau mà “đồng sàng dị mộng” không cảm thông, chia sẻ với nhau thì gia đình cũng khó yên lành.

Nhưng kiêng kỵ cũng là nét văn hóa truyền thống cưới xin của người Việt, những điều phổ biến, hoặc mang nét văn hóa truyền thống như chọn ngày lành tháng tốt để cưới cho thuận lợi thì vẫn nên duy trì. Còn những quan niệm không có căn cứ thì cũng không nên quá tin tưởng mà ảnh hưởng tới việc chuẩn bị đám cưới. Nếu có điều không hợp lý với thời đại, hoặc có tính mê tín dị đoan thì không nên mù quáng thực hiện.

Kiêng tổ chức cưới khi chưa làm lễ ăn hỏi

Ảnh hưởng nhiều của văn hóa Trung Quốc, phong tục cưới hỏi của người Việt xưa có đến 6 lễ chính: nạp thái, vấn danh, nạp cát, nạp tệ, thỉnh kỳ, thân nghinh. Ngày nay, dù đã lược bỏ nhiều lễ nghi phức tạp, lễ cưới cũng vẫn phải có đầy đủ các lễ dạm ngõ, ăn hỏi, lễ cưới, lễ lại mặt, lễ nạp cheo. Nhiều vùng miền và gia đình đã lược giản lễ dạm ngõ và lễ nạp cheo thế nhưng vẫn không thể thiếu lễ ăn hỏi trước khi tổ chức lễ cưới. Lễ ăn hỏi được tổ chức thể hiện sự tôn trọng nhà gái, thông báo rộng rãi với bà con là cô gái đã được nhà trai hỏi cưới một cách đường hoàng, trang trọng.

Kiêng chuẩn bị bàn thờ gia tiên sơ sài

Bàn thờ tổ tiên chính là thể hiện sự chu đáo của gia đình mỗi nhà, đa số các bậc phụ huynh đều lo liệu chu đáo, để tới giờ đón dâu, cô dâu chú rể sẽ cùng bố mẹ hai bên cùng thắp hương trên bàn thờ báo cáo với tổ tiên.

Ngày cưới tùy điều kiện mà bày biện ban thờ gia tiên, nhưng đều kiêng bày bàn thờ sơ sài. Mà thường bao sái (lau dọn) sạch sẽ ban thờ, bày biện những vật phẩm đẹp mắt, đầy đủ mâm cỗ cúng gia tiên, các vật phẩm tối thiểu như gà luộc, xôi, rượu, hoa quả, vàng mã… Hôn lễ chính phải cử hành tại bàn thờ tổ tiên có đủ hương đăng hoa quả.

- Ở miền Trung khi nhà trai đến phải có người làm mai đi đầu. Lễ vật bao gồm: Trái cây, bánh kẹo, trầu cau và cặp đèn trùng với kích thước chân đèn trên bàn thờ.

Ngày giờ đẹp

Người Việt rất kiêng kỵ chọn ngày và kén giờ làm lễ chạm ngõ, ăn hỏi, rước dâu. Ngày nay các cặp đôi đều coi trọng việc này để cử hành hôn lễ. Ngoài hợp mạng, hợp tuổi còn chọn ngày cưới vào ngày Hoàng đạo, tránh những ngày Hắc đạo, Tam tai, Sát chủ, ngày Rằm…

Quan niệm làm đám cưới vào ngày đẹp thì cuộc sống sau này sẽ yên ả, thuận lợi. Vì vậy nhà nào cũng nhờ xem kỹ giờ, ngày, tháng, năm cho tốt và hợp tuổi cho hai vợ chồng để sau này gặp nhiều may mắn, hạnh phúc, ăn nên làm ra.

Theo các thầy tử vi, cưới hỏi vào ngày có sao Cô thần, Quả Tú, Không phòng, cô dâu sẽ cô quạnh, hiếm con…

Chọn được ngày đẹp đón dâu, còn phải chọn giờ Hoàng đạo để chú rể xuất phát.

Tới nhà cô dâu cũng phải giờ Hoàng đạo mới được vào đón dâu. Đón xong về đến nhà chú rể lại phải chờ giờ Hoàng đạo mới được vào nhà.

Đặc biệt kiêng kỵ cưới vào năm cô dâu ở tuổi kim lâu – tuổi có số đuôi là 1, 3, 6, 8 để tránh những rủi ro (như hôn nhân tan vỡ, con cái hiếm muộn, khó nuôi…).

Ngoài ra tháng 7 Âm lịch, với tích Ngưu Lang Chức Nữ chia ly, cộng với thời tiết mưa bão nên dù trong tháng có ngày hoàng đạo cũng nên kiêng cữ.

Kiêng kị khi đón dâu

- Lúc cô dâu theo chồng về nhà trai phải đi thẳng về phía trước, không được ngoái lại nhìn hay có vẻ quyến luyến nhà mình. Dân gian cho rằng, đi theo chồng mà ngoảnh đầu nhìn lại nhà cha mẹ thì cô dâu đó sẽ khó dạy bảo, sau này cũng không chu đáo việc nhà chồng.

- Mẹ đẻ không nên đưa con gái về nhà chồng, bởi theo người xưa khi hai mẹ con xa nhau thường quyến luyến ôm nhau khóc. Nước mắt biệt ly e sẽ không lành, do đó kiêng mẹ đẻ tiễn con gái về nhà chồng.

Nhưng ngày nay trong lễ cưới nhiều cô dâu bước chân ra khỏi nhà mẹ đẻ vẫn bật khóc nức nở mà… không hiểu vì sao. Còn nhiều gia đình quán triệt chỉ có bố cô dâu, họ hàng thân cận, các vị cao lão mới được đưa cô dâu về nhà chồng.

Theo Khỏe & Đẹp


đời sống tâm linh Đám cưới

Tin tức mới nhất