Chỉ vì trùng tên, tuổi hay có vẻ ngoài "na ná" nhân vật chính của những vụ bê bối trên mạng, nhiều người không liên quan bỗng dưng bị xúc phạm, doạ giết.

Câu chuyện cặp tình nhân "làm chuyện người lớn" trong rạp chiếu phim chưa kịp lắng xuống, cộng đồng mạng lại tiếp tục "dậy sóng" với clip quay cảnh đôi trai gái "mây mưa" trong một quán trà sữa tại Thái Nguyên.

Đây không phải lần đầu tiên các đoạn video "ân ái" nơi công cộng của đôi yêu nhau xuất hiện trên mạng. Trước đó, hàng loạt tình huống tương tự cũng đều trở thành tâm điểm chú ý, tranh cãi.

Những hành vi thể hiện tình cảm quá mức chốn đông người luôn được cho là phản cảm và phải chịu sự chỉ trích mạnh mẽ từ dư luận. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng hai nhân vật chính đáng trách một thì kẻ phát tán hình ảnh đáng trách mười.

Thực tế, việc "ném đá" người trong cuộc không phải cách giải quyết, mà chỉ làm cho vấn đề thêm tồi tệ, đôi khi để lại hậu quả rất khó lường.

Đăng clip nhạy cảm để nhắc nhở hay "câu like"?

Tối 2/8, clip ghi lại màn "mây mưa" của đôi trẻ trong quán trà sữa ở Thái Nguyên được lan truyền nhanh chóng. Bên cạnh ý kiến lên án hành vi phản cảm, dân mạng còn tỏ ra bức xúc khi biết người quay, tung đoạn video lên mạng chính là nhân viên của quán.

Nhiều người còn cho hay các nhân viên đã để im cho cặp trai gái "thân mật", cùng nhau xem camera rồi bàn tán. Khá lâu sau, họ mới đến tận nơi nhắc nhở và vẫn tiếp tục quay clip.

Một tài khoản có tên N.V.T. tự nhận mình là người phát tán clip, đã viết thư tay xin lỗi và đăng tại trang cá nhân.

Theo đại diện quán trà sữa, nhân viên quán chỉ là người quay, do bất cẩn để bạn mình là N.V.T. thấy rồi chia sẻ lên mạng. Tuy nhiên, lời giải thích này không thể xoa dịu dư luận khi làn sóng tẩy chay thương hiệu trà sữa ở Thái Nguyên ngày một lan rộng.

Đôi trẻ mây mưa ở quán trà sữa đáng trách hay dân mạng quá độc ác?-1

Đôi trẻ mây mưa ở quán trà sữa đáng trách hay dân mạng quá độc ác?-2
Trong thời gian ngắn, nhiều clip quay cảnh "mây mưa" của các đôi tình nhân nơi công cộng bị tung lên mạng. Ảnh: FB.

Trong vụ đôi tình nhân "ân ái" ngay trong rạp phim CGV, người đăng clip đã được xác định là nhân viên của cụm rạp. Người này sau đó bị kỷ luật khi để lộ cảnh nhạy cảm của khách hàng.

Các nhân viên trong hai vụ việc nói trên, dù trực tiếp hay gián tiếp lan truyền hình ảnh cá nhân, đều đáng bị chỉ trích bởi thái độ thiếu tôn trọng khách hàng và cách làm việc kém chuyên nghiệp.

"Chắc chắn những nhân vật bị tung clip 'nóng' đã hành xử không đúng, nhưng với tư cách nhân viên của quán, họ có thể xử lý tế nhị hơn, thay vì quay và đăng lên mạng", Nguyễn Ngọc Thảo - sinh viên năm 3, ĐH Luật TP HCM - bày tỏ.

Sau hàng loạt đoạn phim quay lén cảnh quan hệ tình dục chốn đông người, ngoài vấn đề "sống thoáng, yêu thoáng" được dư luận nói đến, không ít người còn đặt câu hỏi về mục đích thực sự của kẻ phát tán, chia sẻ chúng.

Hồi tháng 4, clip cặp nam nữ bạo dạn "yêu nhau" trên tầng 3 của một quán trà sữa ở Hà Nội từng thu hút sự quan tâm. Đoạn video do một nhóm người ngồi ở phía đường đối diện ghi hình, lồng tiếng cợt nhả và tung lên mạng. Thay vì ngăn cản một hành vi phản cảm, họ lại cho thấy sự thích thú khi có thể chứng kiến, phơi bày sự việc.

Theo Lê Thị Yến Nhi - sinh viên ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP HCM, kẻ quay và đăng hình ảnh phản cảm lên mạng còn đáng trách hơn các đôi trẻ "thân mật" thái quá.

"Rõ ràng họ có dụng ý xấu và chỉ muốn tung clip để 'câu view', 'câu like'. Những nhân vật bị quay lại còn trẻ tuổi, thiếu kiềm chế nên nếu có ý tốt, có thể nhắc nhở hoặc ngăn chặn thay vì tìm cách quay lén", Yến Nhi cho biết.

Thói a dua tàn nhẫn của dân mạng Việt

Xuất hiện trên mạng với dòng chú thích như "Yêu lộ thiên", "Ân ái chốn đông người", "Đôi trẻ thản nhiên hành sự nơi công cộng"..., những đoạn video dạng này luôn thu hút hàng trăm nghìn lượt xem, chia sẻ, bình luận chỉ sau vài giờ xuất hiện trên mạng xã hội.

Bên dưới bài đăng, phần lớn mọi người để lại bình luận chỉ trích, "ném đá" nhân vật chính. Một số dân mạng thậm chí còn không ngần ngại xúc phạm, mạt sát các cá nhân.

Đôi trẻ mây mưa ở quán trà sữa đáng trách hay dân mạng quá độc ác?-3
Đôi trẻ bị bắt gặp đang "ân ái" trong quán trà sữa ở Thái Nguyên. Ảnh cắt từ clip.

Không chỉ dừng lại ở việc lên án, nhiều người còn cố gắng tìm kiếm danh tính của nhân vật bị tung hình ảnh nhạy cảm. Lợi dụng sự tò mò và hiếu kỳ này từ đám đông, vài thành phần đã tạo ra thông tin, ảnh giả mạo với mục đích "câu like".

Mới đây, không ít tài khoản đăng tải loạt ảnh chân dung, trang cá nhân của một cô gái có tên T.K.L. và khẳng định đây là nữ chính trong clip "mây mưa" ở quán trà sữa Thái Nguyên.

Chưa cần tìm hiểu thực hư, dân mạng nhanh chóng tấn công Facebook của T.K.L. và Nguyễn Hoàng - bạn trai cô gái. Họ liên tục chửi bới, thậm chí dọa giết cả hai.

Dù sau đó đã lên tiếng đính chính rằng mình không phải nhân vật trong clip, T.K.L. vẫn nhận được hàng loạt tin nhắn "khủng bố". Nữ sinh cho Zing.vn hay 10X thực sự bị sốc và sợ hãi đến mức không dám đi học.

Đôi trẻ mây mưa ở quán trà sữa đáng trách hay dân mạng quá độc ác?-4
T.K.L. phải đính chính mình không phải cô gái trong clip "mây mưa" ở quán trà sữa, song không mấy ai tin. Ảnh: chụp màn hình. 

Đây không phải lần đầu tiên cộng đồng mạng Việt bị "dắt mũi" bởi những thông tin thất thiệt. Trước đó, một nữ sinh ở Vĩnh Phúc từng khốn khổ vì trùng tên với má mì đường dây mại dâm nghìn đô.

Sự nhầm lẫn đã gây nên rất nhiều phiền toái cho cô gái. Một số người còn lợi dụng việc này để dùng hình ảnh cô đăng bài "câu view" và chia sẻ rầm rộ trên khắp các diễn đàn.

Trao đổi với Zing.vn về vấn đề này, tiến sĩ Phan Tuấn Anh - giảng viên ĐH Khoa học, ĐH Huế - cho rằng mạng xã hội ở Việt Nam đang tồn tại cả với sự tích cực lẫn tiêu cực.

"Mạng xã hội trở thành phương tiện để mọi người lên tiếng, bộc lộ quan điểm cá nhân, thể hiện chính kiến. Tuy nhiên, nhiều người đang chạy theo hiệu ứng đám đông. 'Ném đá' tập thể trên mạng là một biểu hiện cụ thể", tiến sĩ nói.

Thầy Tuấn Anh lý giải thêm hiệu ứng đám đông của người dùng mạng xã hội Việt Nam cũng giống như cộng đồng trên thế giới. Người ta quan tâm đến thứ gì có tính chất giật gân, gây sốc, những điều họ có thể bày tỏ sự hiếu kỳ của mình, thậm chí càng kỳ cục thì người ta càng để ý. 

"Đặc biệt, các vấn đề gây tranh cãi, trái với chuẩn mực thường thu hút sự quan tâm hơn cả. Nhiều người chưa cần biết đúng - sai, thật - giả, vẫn sẵn sàng hùa vào đám đông để chỉ trích, lên án", ông cho biết.

Các đôi nam nữ "yêu" công khai, từng bị cộng đồng mạng lên án, thường còn khá trẻ, hầu hết mới chỉ là học sinh, sinh viên. Những bài đăng, bình luận ác ý trên mạng có thể cướp đi cả tương lai dường như chỉ mới bắt đầu của họ.

Tuy nhiên, không chỉ nhân vật trong cuộc, nhiều người hoàn toàn vô tội cũng đang phải gánh chịu những tổn thương, hậu quả thật bởi chính thói a dua, hiệu ứng đám đông trên một không gian ảo.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm (VPLS Nguyễn Anh, Đoàn LSTP Hà Nội) cho biết "bí mật đời tư" là những chuyện kín đáo, muốn che giấu, không muốn ai biết. Tùy theo tính chất mức độ, hậu quả gây ra, người chụp lại hình ảnh "nhạy cảm" của người khác và đưa cho người thân quen sử dụng đưa lên mạng xã hội sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Người này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo điểm b, khoản 2 điều 64 Nghị định 174/2013. Mức phạt tiền từ 10-20 triệu đồng. Hoặc cá nhân này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 288 BLHS 2015 về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông.
 


Theo Zing