ĐT Việt Nam và cuộc chiến thú vị nơi khung gỗ

ĐT Việt Nam chuẩn bị bước vào hành trình Vòng loại World Cup 2026. Mọi thành viên đều đang chiến đấu để sẵn sàng đương đầu với thử thách. Các thủ môn cũng vậy.

Trong cuộc phỏng vấn mới đây, tiền vệ Cao Văn Triền tiết lộ người đồng đội ở CLB Bình Định, thủ môn Đặng Văn Lâm, nỗ lực rất nhiều kể từ khi HLV Philippe Troussier dẫn dắt ĐT Việt Nam.

“Văn Lâm chịu khó tập thêm, chủ động trao đổi với HLV thủ môn Nguyễn Mạnh Cường điều chỉnh bài tập nhằm đáp ứng các yêu cầu mới”, Văn Triền chia sẻ, “anh ấy muốn bổ sung thêm kỹ năng chơi chân, thường xuyên nán lại sau các buổi tập của CLB Bình Định để rèn thêm kỹ năng triển khai bóng bằng chân”.

ĐT Việt Nam và cuộc chiến thú vị nơi khung gỗ-1
3 thủ môn của ĐT Việt Nam, Đặng Văn Lâm cùng Đình Triệu, Văn Việt, tập luyện. Ảnh: FBNV

Nhiều năm qua, Văn Lâm mặc nhiên là thủ môn số một của ĐT Việt Nam. Với tài năng được thừa nhận rộng rãi cùng kinh nghiệm, bản lĩnh thi đấu, người gác đền 30 tuổi hoàn toàn xứng đáng với điều đó.

Thế nhưng “triều đại” mới với những yêu cầu mới buộc anh phải không ngừng thúc đẩy bản thân.

Bóng đá hiện đại đòi hỏi nhiều hơn ở một thủ môn. Ngày nay người đứng trong khung gỗ không chỉ bao gồm nhiệm vụ ngăn quả bóng vào lưới, mà có vai trò quan trọng trong việc xây dựng lối chơi.

Vì vậy thủ môn cần chơi chân thành thạo để tham gia vào chuỗi kiểm soát bóng, đồng thời có tầm nhìn sắc bén nhằm đưa quả bóng tới vị trí thích hợp, khởi phát một đợt tấn công.

Thay vì cố gắng phất quả bóng xa khung thành nhất có thể như trước, họ phải thực hiện các đường chuyền ngắn, dài hoặc trung bình một cách linh hoạt, và đảm bảo độ chính xác cao. Khi không có bóng, thủ môn cũng phải di chuyển lên rất cao, chơi như một hậu vệ quét để loại bỏ mọi rủi ro.

Hơn 8 tháng kể từ khi tiếp quản ĐT Việt Nam, HLV Troussier miệt mài truyền bá triết lý kiểm soát bóng và triển khai bóng từ tuyến dưới. Ông yêu cầu các thủ môn di chuyển, sẵn sàng tiếp nhận đường chuyền từ đồng đội và duy trì tính liền mạch.

Theo thời gian, chiến lược gia người Pháp cần nhiều hơn nữa từ những người gác đền. Ví dụ, họ phải phát hiện khoảng trống và đưa bóng chuẩn xác tới đó, xuyên qua lớp pressing đầu tiên của đối thủ.

Hoặc, tung ra đường chuyền dài vào khoảng không phía sau hàng thủ đối phương, cho phép các tiền đạo bứt tốc và uy hiếp cầu môn phía bên kia một cách nhanh chóng.

Ngày 13/11, ĐT Việt Nam có mặt tại sân bay quốc tế Ninoy Aquino và nhận được sự chào đón nồng nhiệt của cộng đồng người Việt tại Philippines. Thầy trò HLV Troussier sẽ chơi trận ra quân Vòng loại FIFA World Cup 2026 gặp Philippines lúc 18h00 ngày 16/11.

Vì chưa ai có thể đáp ứng các đòi hỏi cao, ĐT Việt Nam khá bế tắc khi đương đầu với những đội chơi pressing tầm cao.

Chúng ta không thể tung ra một cú sút bất kỳ trong trận giao hữu gặp Uzbekistan, và khá bế tắc để thoát khỏi phần sân nhà khi đối đầu Trung Quốc, Hàn Quốc.

Cũng không thể trách các thủ môn, bởi không phải ai cũng chơi chân giỏi và thích ứng nhanh với sự phát triển của thời đại, nhất là khi phong cách mà HLV Troussier đang xây dựng vẫn quá mới ở Việt Nam.

Ít nhất Văn Lâm đang rất cố gắng. Hơn nữa anh còn có lợi thế ở sự điềm tĩnh, không bao giờ đánh mất mình trước áp lực. Có thể hình dung Đình Triệu và Văn Việt, hai cái tên khác thường xuyên được chiến lược gia người Pháp lựa chọn, cũng tương tự.

Họ sẵn sàng làm tất cả để trở thành một phần trong kế hoạch của HLV Troussier, người chắc chắn vẫn tiếp tục tìm kiếm cái tên ưng ý nhất trong khung gỗ.

Thời gian qua thủ tục nhập tịch cho Filip Nguyễn đang được xúc tiến. Được đào tạo ở châu Âu, sải tay dài và chơi chân tốt, thủ môn sinh ra ở CH Czech sẽ là ứng viên hàng đầu, sẵn sàng đe dọa vị trí số một của Văn Lâm.

Sự cạnh tranh đương nhiên tốt cho đội tuyển, đồng thời hoàn thiện lối chơi mà HLV Troussier luôn nhấn mạnh, sẽ giúp ĐT Việt Nam “vươn tầm châu lục”.

Theo Tiền Phong

Xem link gốc Ẩn link gốc https://tienphong.vn/dt-viet-nam-va-cuoc-chien-thu-vi-noi-khung-go-post1586720.tpo

World Cup đội tuyển việt nam

Tin tức mới nhất