Đòn roi với VĐV trẻ cần sử dụng hợp lý

Ngoài rèn chuyên môn, trong quá trình sinh hoạt hàng ngày, huấn luyện viên của bất cứ bộ môn nào cũng phải có phương pháp để quản lý, giáo dục các em, vốn đã xa gia đình từ nhỏ.

Để trở thành huấn luyện viên đào tạo trẻ, ngoài điều kiện phải có chuyên môn, được đào tạo căn bản, thì yếu tố không thể thiếu phải là người yêu và hiểu tâm lý trẻ em. Vì đa phần các em khi theo nghiệp thể thao đều sẽ ăn, ở, học tập, sinh hoạt dưới sự quản lý của huấn luyện viên.

Không quá khi nói rằng, ngoài chuyên môn, huấn luyện viên là người có ảnh hưởng lớn đến nhân cách của VĐV sau này. Ở những môn thể thao có cường độ tập luyện cao, với rất nhiều những bài tập sức mạnh, sức bền và độ dẻo dai buộc vận động viên phải vượt ngưỡng của bản thân như thể dục dụng cụ hay võ vật, việc các huấn luyện viên (chuyên gia) sử dụng đòn roi để răn đe, rèn luyện ý chí các học trò là điều thường thấy.

Đòn roi với VĐV trẻ cần sử dụng hợp lý - Ảnh 1.
HLV Mai Phương hướng dẫn các nam sinh môn wushu.


Ngoài ra, trong quá trình sinh hoạt hàng ngày, huấn luyện viên của bất cứ bộ môn nào cũng phải có phương pháp để quản lý, giáo dục vận động viên, vốn đã phải sống xa gia đình từ nhỏ. Những người chơi thể thao chuyên nghiệp đa phần là những người hiếu động và tinh quái, nếu không nghiêm khắc trong việc giáo dục, thì chỉ sau vài năm, những đứa trẻ ngây thơ thuở mới vào nghề sẽ có thể trở nên thành thạo trong việc qua mặt các HLV.

Tại trường đại học TDTT Bắc Ninh (mà nhiều người hay gọi là trường Từ Sơn), nơi tập luyện quen thuộc của rất nhiều đội tuyển trẻ Việt Nam từ hàng chục năm qua, thì việc quản lý các VĐV là rất khó khăn. Khác với trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội (Nhổn) - là nơi khá biệt lập và chuyên để tập huấn, ĐH TDTT Bắc Ninh còn là nơi đào tạo của hàng nghìn sinh viên mỗi năm. Ở đâu có sinh viên, ở đó có các dịch vụ ăn theo, từ quán coffee, Internet đến các cửa hiệu cầm đồ. Ở trong môi trường sôi động như vậy, nếu không được quản lý chặt chẽ và nghiêm khắc, các VĐV trẻ sẽ rất dễ bị sa ngã vào những trò vô bổ mà lơ là tập luyện.

Đã có rất nhiều câu chuyện, ở ngay đội bóng bàn trẻ, các cháu lên đội từ năm 9-10 tuổi, nhưng sau vài năm tập luyện lại quá sa đà vào những trò chơi xung quanh mà không cải thiện được thành tích. Khi Ban huấn luyện bắt đầu nhận thấy thì đã quá muộn, thậm chí gia đình còn bỏ cả công việc lên xin ở cùng con với hy vọng cuối cùng mong con hăng say tập luyện nhưng cũng không thành.

Đòn roi với VĐV trẻ cần sử dụng hợp lý - Ảnh 2.
     Các huấn luyện viên giống như người cha, người mẹ của mỗi vận động viên tuyển trẻ.


Cũng ở môi trường này, cách đây khoảng chục năm, là nơi tập luyện của đội dự tuyển bóng đá U17 quốc gia khu vực phía Bắc. Ban huấn luyện của đội bóng này quản lý thì khá chặt chẽ vào buổi tối khi cho các cầu thủ đi ngủ lúc 22h và khóa cửa cầu thang, con đường độc đạo của khu nhà ở. Nội bất xuất, ngoại bất nhập, nhưng các huấn luyện viên thì chẳng thể nào quản lý được hệ thống dịch vụ rất nhạy bén xung quanh. Có cầu ắt có cung, chỉ cần một ám hiệu nhỏ và một sợi dây buộc sẵn tiền mặt thả từ tầng 5 xuống, 1 lúc sau, các cầu thủ đã có đầy đủ, từ “mồi” đến rượu để kéo lên và bắt đầu những cuộc vui ở ngay trong phòng.

Thế mới thấy, làm huấn luyện viên đào tạo trẻ chẳng hề đơn giản chút nào. Nếu không nghiêm khắc, các HLV sẽ tự làm khó mình bởi trẻ em học cái xấu rất nhanh. Đòn roi cũng chỉ là phương pháp để giáo dục con trẻ. Điều quan trọng là các HLV sử dụng phương pháp ấy sao cho hợp lý, còn với các bậc phụ huynh, khi đã giao con  em mình cho các HLV, cần đặt trọn niềm tin rằng họ sẽ thay mình dậy dỗ chúng nên người và thành tài.

Theo Zing



Tin tức mới nhất