Gái mại dâm kiêng khách đầu năm để tập trung... đi lễ

Khách thường kiêng kỵ đầu năm không đụng vào gái mại dâm vì sợ đen, còn những cô gái ấy, họ cũng kiêng khách vì những lý do riêng.

Cơ hội nhận lỳ xì xộp

Trao đổi với L.A (SN 1991, Phú Thọ) là một cô gái làm nghề mại dâm hạng sang với mức giá 500.000 đồng/lượt. L.A cho biết: "Em đã về Hà Nội từ hôm mùng 6, trùng với đợt các cơ quan bắt đầu đi làm trở lại, nhưng nhiều chị em không đi làm sớm, để qua Rằm mới đến Hà Nội vì khách chủ yếu kiêng đầu năm không động vào bọn em vì sợ đen."

L.A cho biết thêm: "Đầu năm là dịp mà chị em cũng tranh thủ kiếm thêm, vì giá vé vẫn thế thôi, nhưng sẽ xin được thêm tiền lỳ xì mừng tuổi, tiền lấy may... chắc cũng được thêm 100, 200 nghìn, khách nào sộp có khi còn phóng tay cả 500.000 đồng chứ không ít.
 
L.A (Ảnh nhân vật cung cấp)

L.A lý giải: "Chủ yếu lỳ xì là tiền lấy may, người ta sợ đầu năm động vào bọn em đen đủi nên phải cho tiền thêm theo quan niệm của đi thay người chứ cũng chẳng tốt đẹp gì. Nhưng có nhiều ông nghiện bọn em quá rồi, về nhà nhìn thấy vợ thì chán, Tết thì ăn nhiều uống nhiều không chịu được nên buộc phải đi."

Gái mại dâm cũng kiêng khách

Tuy nhiên, L.A cũng chia sẻ với phóng viên về việc không phải gái mại dâm nào cũng muốn đi khách đầu năm hay trông vào mấy đồng tiền mừng tuổi.

"Làm nghề nào cũng phải có quy tắc, có những điều kiêng khem. Khách người ta kiêng mình, nhưng đừng tưởng khách nào bọn em cũng đi. Bọn em cũng có mở hàng, cũng có chọn khách để lấy vía cho may mắn. Anh tưởng tượng đầu năm mà gặp thằng khách khỏe như trâu, hành đủ thứ, mà không lỳ xì cho đồng nào thì có mà dông cả năm."

"Ngoài ra thì bọn em cũng có nhiều lý do để kiêng khách. Một phần vì muốn mình thanh tịnh một chút, còn đi lễ chùa chiền, cầu bình an." - L.A bày tỏ.

Chung quan điểm đó, L.Th. Thùy (SN 1993, Hà Tĩnh) cho biết cô cũng ra Hà Nội từ hôm mùng 6 Tết, nhưng chủ yếu để cùng mấy chị em đi lễ, đi hội cho vui vẻ chứ không phải đi tiếp khách.

Thùy tâm sự: "Đầu năm đi lễ thì chủ người ta còn cầu tài cầu lộc, sắm lễ to đẹp, hoành tráng. Vì người ta sống dựa vào bọn em, lại phải nhìn ngó đến pháp luật. Nếu bọn em bị bắt quả tang thì chỉ nộp phạt hành chính là về, nhưng chủ chứa thì lơ ngơ đi tù ngay. Vì thế mà họ tín lắm, đền, phủ nào thiêng là họ mò đến ngay.

Còn bọn em thì có cầu tài lộc gì đâu, làm đến đâu biết đến đấy. Chị em chỉ dâng lễ giọt dầu, cầu được an lành, mạnh khỏe. Làm cái nghề bẩn thỉu nhất xã hội rồi, còn mong gì tài lộc nữa? Ngoài ra thì cũng cầu xin cho gia đình ở quê được mạnh giỏi. Năm nay em có đứa em trai thi đại học, cũng xin cho nó đỗ ở Hà Nội cho có chị có em, mình còn hỗ trợ được nó tiền học hành nhà ở."
 
L.Th.Thùy thắp hương tại Phủ Tây Hồ

Thùy cũng cho biết thêm, chẳng phải đầu năm mới lễ chùa, mà ngày Rằm, mùng Một, cô cũng hay dậy sớm, tắm gội sạch sẽ và đi lễ một mình.

"Ngày trước em mặc cảm lắm, chả dám đi lễ đi chùa gì. Nhưng rồi nhận thấy mình cũng là một phần của xã hội, hoàn cảnh bắt buộc mà phải làm. Với cả nghĩ cửa chùa chẳng khép lại với ai bao giờ, nên mỗi tháng cũng bỏ ra hai ngày để ăn chay, kiêng khách" - Thùy tâm sự.

Hãy đến bất kể khi nào!

Trước những thông tin này, phóng viên có liên hệ với ni sư Thích Đàm Lan - trụ trì chùa Bồ Đề (Long Biên, Hà Nội).

Ni sư cho biết: "Đức Phật từ bi, không bao giờ phân biệt bất kỳ ai, dù là kẻ mang thân tù tội, hay những người mắc phải cái sự lầm đường lạc lối, nhơ nhấp bẩn thỉu đến đâu, chỉ cần biết quay đầu và thành tâm sám hối, đều có thể cưu mang. Với những cô gái kia cũng như vậy, chỉ cần nhìn thấy cái sai, cái lỗi của bản thân, đến trước cửa Phật và đi con đường đúng thì đều có thể quay đầu là bờ, vẫn có thể thành được chính quả”.

Ni sư nói thêm: "Ở đây tôi vẫn nhìn thấy cái tâm của họ sáng, làm nghề xấu mà tâm không xấu thì cũng giống như đóa hoa sen ở giữa bùn đen vậy. Cửa Phật từ bi, sẽ luôn mở lối dẫn đường nếu họ muốn hối cải.

Mà không riêng gì cửa Phật, tôi biết có rất nhiều tổ chức xã hội của nhà nước và cả phi chính phủ hiện đang có những chính sách rất tốt để giúp đỡ những cô gái này nghề nghiệp, công ăn việc làm và tái hòa nhập cộng đồng. Vấn đề không phải là hoàn cảnh đến đâu, mà họ có quyết tâm vượt qua hoàn cảnh hay không."

Sư Thích Đàm Lan nói: "Hãy đến bất kể khi nào bạn muốn, cửa Phật luôn rộng mở. Cửa Phật không từ chối ai, cũng như cuộc đời không đóng cửa trước bất kỳ ai, chỉ có điều, các bạn đã tự đóng cánh cửa của cuộc đời bởi chính sự không cố gắng, lười lao động, như vậy thì chẳng có một sức mạnh nào có thể giúp bạn rời con đường sai khi bản thân bạn đã không hề muốn sửa đổi."
 
Theo Đất việt

Tin tức mới nhất