Giám khảo chưa xem vẫn bỏ phiếu bầu phim hay nhất Oscar

Có tới 2 thành viên Viện Hàn lâm bỏ phiếu bình cho "12 Years A Slave" giành tượng vàng Oscar mà chưa hề ngó qua màn hình lấy 1 giây.

Tờ Los Angeles Times viết: "2 người bình chọn đã thừa nhận chưa từng xem 12 Years A Slave vì nghĩ đó là một bộ phim buồn và ám ảnh. Tuy nhiên, cả hai vẫn bỏ phiếu cho bộ phim vì tính chất xã hội của nó. Lương tâm họ cảm thấy bắt buộc phải làm như vậy".

Thông tin này đã khiến không ít người nhớ tới câu nói đùa trong phần độc diễn trên sân khấu lễ trao giải Oscar của Ellen DeGeneres. MC đồng tính đã vẽ nên cái kết của Oscar lần thứ 86: "Khả năng số 1: 12 Years A Slave giành giải Phim hay nhất. Khả năng số 2: Các bạn là người phân biệt chủng tộc".

Trong một sự kiện do Vanity Fair tổ chức, nhà báo Peggy Siegal cũng từng gây sốc với lời tuyên bố: "Câu nói này có thể tạo ra hàng loạt cái nghiến răng nhưng tôi không quan tâm. Các bạn có thể gọi tôi là người cay độc nhưng tôi tin rằng không phải tất cả những người bỏ phiếu ở Oscar đều thực sự xem những gì họ sẽ đưa lên đỉnh. Oscar là câu chuyện về thương hiệu. Và thương hiệu đó sẽ như thế nào nếu lảng tránh 12 Years A Slave?".

Một người giấu tên đã chia sẻ quan điểm với Peggy Siegal trong cuộc phỏng vấn với Hollywood Reporter: "Tôi sẽ không xem 12 Years A Slave vì không muốn nhét thêm những điều kinh khủng vào trong đầu. Tôi chưa bao giờ thích những bộ phim có bạo lực ghê rợn".

Tuy nhiên, con số 2 kia cũng không thực sự làm người hâm mộ hoài nghi về sự xứng đáng của 12 Years A Slave với Oscar. Bởi Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật phim ảnh có tới hơn 6.000 thành viên.


Đoàn làm phim 12 Years A Slave nhận giải Phim xuất sắc nhất Oscar.

Được chuyển thể từ cuốn sách cùng tên, 12 Years A Slave là câu chuyện về cuộc đời thật của Solomon Northup. Là một nghệ sĩ dương cầm và là một người tự do ở New York, Solomon bị lừa tới Washington, bị bắt cóc và đem bán làm nô lệ ở các bang miền Nam. Từ một người tự do, có gia đình, có nhà cửa, Solomon Northup đã có 12 năm sống và chứng kiến cuộc sống khổ cực, không được làm người của nô lệ.

Bối cảnh của phim bắt đầu vào năm 1941, thời kỳ của nước Mỹ ngay trước cuộc nội chiến năm 1861. Phim do Steve McQueen đạo diễn, Brad Pitt tham gia sản xuất và đảm nhận một vai nhỏ.

Mới đây, 12 Years A Slave được chọn để giảng dạy trong các trường trung học công ở Mỹ bắt đầu từ năm học tới.


Một cảnh trong 12 Years A Slave

Theo Tri thức

Tin tức mới nhất