Hàng nước im lặng nuôi sống gia đình 'không nói, không nghe'

Gia đình 5 anh chị em, nhưng hết thảy 4 người bị câm, điếc. Với khiếm khuyết ấy, cả nhà anh Lộc vẫn quyết tâm mưu sinh, kiếm tiền nương tựa nhau mà sống.

Giờ tan tầm, TPHCM lất phất mưa. Trong dòng xe hối hả, nhiều người chen chúc để mong về nhà thật nhanh. Anh Nguyễn Văn Lộc (55 tuổi, ngụ quận 3, TPHCM) khệ nệ mang tủ nước ra bán.

Chiếc tủ của anh nhanh chóng được người đi đường chú ý với dòng chữ: "Tôi là người câm điếc, vui lòng chỉ tay vào món cần mua. Xin cảm ơn rất nhiều".

Hàng nước im lặng nuôi sống gia đình không nói, không nghe-1
Vài ngày trước, xe nước bị hỏng nên anh Lộc bày hàng trên thùng nước để bán tạm (Ảnh: Nguyễn Vy).

Căn nhà không có… tiếng nói

Anh Lộc có ngoại hình như một người phụ nữ. Bởi anh là người đồng tính, muốn chuyển giới nhưng gia đình còn nghèo.

Hằng ngày, từ 12h đến tối muộn, anh đều đứng bán nước, thuốc lá trước hẻm 329 Điện Biên Phủ (phường 4, quận 3). Dù mỗi ngày chỉ kiếm được vài trăm nghìn đồng, người dân ở chợ hiếm khi thấy anh nghỉ bán, trừ khi anh lâm bệnh nặng.

Ngày qua ngày, anh Lộc đều ngồi ở vị trí đó suốt 20 năm. Khu vực buôn bán vỏn vẹn 10m2, người ta không cho anh che dù vì sợ chiếm chỗ. Vì vậy, dù nắng hay mưa, anh Lộc vẫn cứ "chịu trận".

Anh Lộc bị câm, điếc, lại không biết chữ nên khó diễn đạt được cảm xúc, suy nghĩ của mình. Vì thế, mỗi khi có ai hỏi điều gì, anh đều ra hiệu mình không thể nghe hay nói, với vẻ mặt bối rối, ngại ngùng.

Hàng nước im lặng nuôi sống gia đình không nói, không nghe-2
Tính hiền lành, thích giúp đỡ người khách nên gia đình anh Lộc được người dân xung quanh yêu thương (Ảnh: Nguyễn Vy).

Hàng xóm thân thiết, những người thấu hiểu hoàn cảnh của anh cũng trở thành người "phiên dịch". Qua cử chỉ của anh Lộc, bà Lê Thị Kim Sa (67 tuổi, ngụ quận 3) cho hay, gia đình anh có 5 anh chị em nhưng hết thảy 4 người bị câm, điếc. Riêng một người anh trai thứ 3 không còn minh mẫn nên chỉ nằm ở nhà. 

Mẹ mất 2 năm trước, còn bố cũng đã mất gần 40 năm. Anh chị em trong nhà anh Lộc chỉ có thể nương tựa lẫn nhau bằng vài đồng kiếm được từ đủ thứ nghề như rửa chén, giữ em bé, làm việc nhà,..

Nói rồi, anh Lộc cùng bà Sa tiến vào căn nhà mà "đại gia đình" mình đang ở. Căn nhà nằm trong hẻm sâu, phải len lỏi qua 2, 3 đoạn đường đầy nước đọng, bùn sình mới đến.

Vừa mới đi phụ việc cho hàng xóm về, chị em của anh Lộc nở nụ cười tươi khi thấy khách ghé chơi.

Hàng nước im lặng nuôi sống gia đình không nói, không nghe-3
Trong căn nhà hơn 20m2 là chỗ sinh hoạt của gia đình 5 anh chị em của Lộc (Ảnh: Nguyễn Vy).

"Gọi là nhà nhưng thực chất là căn bếp nhỏ, được chủ nhà thương nên cho ở tạm. Chính quyền địa phương cũng cho kinh phí xây thêm một cái gác để gia đình Lộc ở rộng rãi hơn, chứ trước đây chật chội lắm", bà Sa nói.

Bước vào bên trong, căn nhà thỉnh thoảng chỉ có vài tiếng động nhỏ. Đến chiếc tivi đang sáng đèn, cũng không phát ra tiếng vì người trong nhà cũng… chẳng nghe được.

Ước mơ của anh Lộc

"Đừng có nói chuyện với "bà" đó, bả… ghê lắm", một người đàn ông đến nói với Dân Trí, nhưng lại không trình bày được lí do vì sao lại đánh giá anh Lộc như thế.

Chị Xuân (44 tuổi, ngụ quận 3) là tiểu thương bán trà ở khu chợ được hơn 10 năm. Theo chị Xuân, gia đình anh Lộc sống ở đây từ thời bố mẹ anh còn sống. Vì gia đình anh Lộc hiền lành, hàng xóm xung quanh ai cũng yêu thương. Hễ có mớ rau, cọng hành, ít thịt, người ta cũng mang sang cho gia đình anh để đỡ tiền đi chợ.

Hằng tháng, gia đình anh Lộc cũng nhận được tiền hỗ trợ, lương thực từ chính quyền địa phương và mạnh thường quân.

Hàng nước im lặng nuôi sống gia đình không nói, không nghe-4
Mỗi khi rảnh rỗi, anh Lộc thường ngồi thờ thẫn để suy nghĩ về ước mơ của mình (Ảnh: Nguyễn Vy).

"Vì không nói được, Lộc không bộc lộ được cảm xúc nên buồn rầu, ít lần la hét. Có lẽ vì vậy nên một số người không thích, tỏ ra kỳ thị. Chứ cả gia đình Lộc hiền lắm, lại khó khăn nên người ở khu chợ rất quý mến", chị Xuân cho hay.

Biết có người không thích mình, anh Lộc vẫn luôn nở nụ cười. Đối với anh, bản thân có khiếm khuyết nên anh chưa từng đòi hỏi điều gì.

"Khi còn trẻ, tôi từng mơ sẽ được chuyển giới thành phụ nữ, được sống là chính mình. Nhưng bố mẹ mất rồi, chị em chúng tôi giờ phải lo miếng cơm, manh áo, đủ ăn qua ngày là quá hạnh phúc. Tôi cũng không mơ có một gia đình riêng, mà chỉ cần kiếm đủ tiền lo cho anh chị", anh Lộc bày tỏ, qua lời "phiên dịch" của bà Sa.

Hàng nước im lặng nuôi sống gia đình không nói, không nghe-5
Cuộc sống không giàu có, nhưng chị em anh Lộc luôn vui vẻ vì có thể nương tựa lẫn nhau (Ảnh: Nguyễn Vy).

Nói đến đây, người chị cả đạp xe về đến. Hai chị em anh Lộc khệ nệ mang bao nước đá trên xe xuống, đổ đầy vào thùng. Chốc lát, anh Lộc lấy tay lau mồ hôi cho chị. Cả hai chỉ ú ớ không thành tiếng, nhưng lại thấu hiểu nhau qua ánh mắt.

Nhìn dòng người qua lại tấp nập, anh Lộc cũng mong gia đình mình có cuộc sống đủ đầy như người khác. Dù không thể nói hay nghe, gia đình anh tâm niệm rằng vẫn còn sức lao động, nên luôn cố gắng từng ngày để kiếm sống.

Theo Dân Trí

Xem link gốc Ẩn link gốc https://dantri.com.vn/an-sinh/hang-nuoc-im-lang-nuoi-song-gia-dinh-khong-noi-khong-nghe-20231107112005540.htm?fbclid=IwAR3jlk6RT9t97q9jl599CEqt-4W6jKE9Prv9gOH_LMkWZblkbURWj5NHYOo

khiếm khuyết câm điếc

Tin tức mới nhất