Hành khách bị 'hét' giá gấp đôi, bến xe miền Đông cảnh báo mua vé dịp Tết

Nắm bắt nhu cầu về quê của người dân tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất, một số hãng xe đã tăng giá vé vượt mức đăng ký và niêm yết tại bến xe.

Những ngày này, Bến xe miền Đông (quận Bình Thạnh, TP.HCM) luôn tấp nập người ra vào. Đây là đợt cao điểm về quê ăn Tết của những người sinh sống và làm việc tại TP.HCM.

Lượng khách dự báo tập trung về Bến xe miền Đông đông nhất từ ngày 7/2 – 13/2 (nhằm ngày 22 – 28 tháng chạp âm lịch). Ngày cao điểm nhất có thể lên đến 51.000 hành khách, tăng 200% so với ngày thường.

Nắm bắt nhu cầu đi lại dịp Tết tăng cao, một số hãng xe đường dài đã rao bán giá vé cao “ngất”, có trường hợp gấp đôi so với giá doanh nghiệp đăng ký và niêm yết tại bến xe.

Theo tìm hiểu của PV Infonet, hầu hết các hãng xe có thương hiệu chạy tuyến TP.HCM đi các tỉnh miền Trung từ ngày 22 tháng chạp đến Tết hầu như đã “cháy” vé từ nhiều ngày trước. Trước thực trạng hành khách khó tìm mua vé, các hãng xe chạy tuyến này “vô tư” hét giá.

Nếu như ngày thường giá vé chặng TP.HCM – Đà Nẵng khoảng 500.000 đồng/vé loại xe giường nằm thì dịp Tết đã bị đẩy lên từ 600.000 – 1,1 triệu đồng/vé, tuy nhiên số lượng vé còn rất ít. Có nhà xe ngoài bến bán với giá 1,3 triệu đồng/vé cũng đã hết sạch.

Tương tự, hành khách đi tuyến TP.HCM – Thừa Thiên Huế dịp trước Tết cũng rất khó mua vé. Chặng xa hơn, từ TP.HCM về Vinh (Nghệ An), các chuyến xe giá 650.000 – 750.000 đồng/vé đều báo hết vé, chỉ còn mức vé trên 1 triệu đồng. Với chặng TP.HCM về Đắk Lắk, vé ngày thường chỉ 230.000 đồng thì dịp cao điểm đã lên 370.000 đồng.

Hành khách bị hét giá gấp đôi, bến xe miền Đông cảnh báo mua vé dịp Tết-1
Những ngày cận Tết, tại Bến xe miền Đông, mỗi ngày có hàng chục ngàn người mua vé về quê ăn Tết. 

Trước tình trạng khó mua vé xe khách trên một số tuyến đường dài, “cò” vé cũng đã bắt đầu hoạt động ngang nhiên trước các quầy bán vé và hét giá cao hơn nhiều so với giá các hãng xe đăng ký, niêm yết tại bến.

Trong vai hành khách tìm mua vé xe về Vinh (Nghệ An) ngày 28 tháng chạp, chúng tôi được một người đàn ông trước các quầy bán vé về Nghệ An chào mời vé bán lại với giá 1,4 triệu đồng. Trước thắc mắc giá vé bình thường chỉ 800.000 đồng, người này cho biết do mua được vé đợt đầu nên bán lại kiếm lời.

Theo ông Kiều Nam Thành, Tổng giám đốc Bến xe miền Đông, lợi dụng nhu cầu đi lại dịp cao điểm Tết của người dân nên một số hãng xe, trong đó có xe hợp đồng và xe chạy trá hình, bán vé tại văn phòng, đại lý ở địa phương với giá cao gấp đôi so với giá vé được các hãng xe đăng ký, niêm yết tại bến.

Tổng giám đốc Bến xe miền Đông cho hay, hành khách có nhu cầu mua vé xe trực tiếp thì nên đến các quầy vé tại bến xe hoặc có thể mua vé trực tuyến trên website của bến xe miền Đông. Trường hợp hành khách mua vé tại các điểm bán vé ngoài bến xe cũng nên tham khảo giá vé và thông tin chuyến đi trên website của bến.

“Kể cả mua vé tại các quầy vé Bến xe miền Đông, hành khách cần kiểm tra đầy đủ thông tin trên vé và không phải thanh toán thêm bất kỳ khoản nào ngoài giá tiền đã in trên vé”, ông Kiều Nam Thành khẳng định.

Trước đó, chuẩn bị cho dịp bán vé xe khách cao điểm Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm nay, Bến xe miền Đông đã đưa ra mức tăng phụ thu quy định cho các tuyến từ TP.HCM, mức phụ thu dao động từ 20% - 60% tuỳ chặng và thời gian.
 


Theo Pháp luật TP.HCM


Tết Mậu Tuất 2018 Tết Nguyên Đán tin tức

Tin tức mới nhất