Hoa hậu lừa 20 tỷ đồng đối diện với mức án nào?

Theo quy định của pháp luật, nếu chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên, người phạm tội sẽ bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình...

Tội danh nào cho hoa hậu lừa đảo tiền tỷ?

Sáng 21/3/2015, công an TP.HCM xác nhận đã có quyết định khởi tố đối với Trương Hồ Phương Nga (SN 1987, ngụ Hà Nội) 4 tháng để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Liên quan đến vụ án, công an cũng đã tạm giam Nguyễn Đức Thùy Dung (SN 1989, làm nghề buôn bán mỹ phẩm trên mạng) vì có một số hành vi giúp sức cho Nga.

Cả hai cùng bị tạm giam 4 tháng để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của ông T.M (Việt kiều Mỹ). Ngoài ra, số tiền mà Nga chiếm đoạt của ông M. là 20 tỷ đồng chứ không phải 16 tỷ đồng như thông tin ban đầu.


Trương Hồ Phương Nga.


Với quyết định khởi tố của cơ quan điều tra, sau quá trình điều tra, nếu bị xác định có tội, Trương Hồ Phương Nga sẽ đối mặt với hình phạt nào của pháp luật?

Luật sư Nguyễn Văn Kiệm, Văn phòng Luật sư Phạm Sơn, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, theo quyết định khởi tố hành vi phạm tội của Trương Hồ Phương Nga được áp dụng căn cứ vào Điều 139 luật hình sự năm 1999 quy định về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sau quá trình điều tra làm rõ của cơ quan điều tra, nếu xác định có tội, bị truy tố ra tòa, Trương Hồ Phương Nga sẽ phải nhận mức án tương đương với kết luận của cơ quan điều tra.

Trong đó, quy định: " 1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ  sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: Có tổ chức;  Có tính chất chuyên nghiệp; Tái phạm nguy hiểm; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; Dùng thủ đoạn xảo quyệt; Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một  trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:  Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây,  thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình: Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Bên cạnh đó, trong vụ việc này, theo thông tin trên báo chí, khi cơ quan công an mời đến làm việc, Trương Hồ Phương Nga đã cung cấp những giấy tờ giả mạo để chứng minh mình không lừa đảo tiền. Luật sư Nguyễn Văn Kiệm cho biết, theo quy định của pháp luật, h ành vi làm giả con dấu có thể bị xử lý hành chính theo quy định tại Điều 12 Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Hành vi giả mạo chữ ký có thể bị xử lý hành chính, mức tiền phạt phụ thuộc vào việc giả mạo chữ kí trong từng lĩnh vực cụ thể, đơn cử như: Hành vi giả mạo chữ ký của người thực hiện chứng thực trong hoạt động chứng thực bị phạt tiền từ 1-3 triệu đồng (điểm b khoản 2 Điều 24 Nghị định 110/2013/NĐ-CP). Hành vi giả chữ ký của người có quyền yêu cầu đăng ký trong đơn yêu cầu đăng ký hoặc văn bản thông báo trong hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm bị phạt tiền từ 3 - 5  triệu đồng (điểm a khoản 3 Điều 45 Nghị định 110/2013/NĐ-CP). Hành vi giả mạo chữ ký của tác giả trên tác phẩm trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan bị phạt tiền từ 10 -15 triệu đồng (khoản 1 Điều 19 Nghị định 131/2013/NĐ-CP)…

Nếu hành vi làm giả con dấu, giả mạo chữ ký gây nguy hiểm cho xã hội, có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì bị xử lý hình sự theo các tội danh tương ứng của Bộ luật Hình sự như: Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139BLHS). Mức hình phạt thấp nhất là bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm và mức cao nhất là tù chung thân. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm; tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức (Điều 267 BLHS). Mức hình phạt thấp nhất là là bị phạt tiền từ 5- 50 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm và mức cao nhất là đến 7 năm tù. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 - 50 triệu đồng; tội giả mạo trong công tác (Điều 284 BLHS). Mức hình phạt thấp nhất là từ 1 - 5 năm tù và mức cao nhất là 20 năm tù. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm, có thể bị phạt tiền từ 3 - 30 triệu đồng.

Trương Hồ Phương Nga là ai?

Theo thông tin được công bố, Nga đạt danh hiệu Hoa hậu thế giới người Việt tại Nga vào năm 2007. Sau đó, Nga về nước và có quen biết với ông M. (Việt kiều Mỹ). Sau khi kết thân và tin tưởng nhau, Nga nói do mình là hoa hậu nên có thể mua nhà với giá ưu đãi so với giá thị trường và yêu cầu ông M. đưa cho Nga 6 tỷ đồng để mua một căn nhà ở quận 5.

Sau khi nhận 6 tỉ đồng, Nga nói không mua được nhà ở quận 5 nhưng có nhiều căn nhà ở quận 1, quận 2, quận 7 đang cần bán với giá khá mềm. Nghĩ Nga là một hoa hậu nên ông M đưa thêm 14 tỷ đồng nữa để Nga mua nhà.

Thế nhưng sau khi “ẵm” 20 tỷ đồng thì Nga cắt đứt liên hệ, ông M. nhiều lần tìm gặp yêu cầu Nga trả lại tiền nhưng Nga không trả. Sau cùng, ông quyết định gửi đơn tố cáo Nga đến công an.

Khi cơ quan Công an mời đến làm việc, Nga bảo đã trả hết số tiền 20 tỷ đồng cho ông M. rồi nhưng không có chứng cứ để chứng minh.

Trong thời gian này, Nga kể lại cho Dung nghe vụ việc và Dung đồng ý giúp Nga làm giả giấy tờ để cung cấp cho cơ quan điều tra. Tuy nhiên, ông M. khẳng định, ông không hề ký tên vào các loại giấy tờ mà Nga cung cấp. Từ đó cơ quan điều tra tiến hành giám định thì phát hiện toàn bộ giấy tờ trên là giả mạo.

Trương Hồ Phương Nga sinh năm 1987, tại Hà Nội. Sở hữu gương mặt nhỏ nhắn, thanh tú, nên dù chiều cao chỉ nhỉnh hơn 1,6 m, cô vẫn vượt qua nhiều nhan sắc để đăng quang cuộc thi Hoa hậu người Việt tại Nga năm 2007. Phương Nga còn là một trong 5 thí sinh đại diện cộng đồng người Việt tại Nga đến Ukraine tham gia cuộc thi Hoa hậu thế giới người Việt khu vực SNG. Cô may mắn lọt top 10 và nhận danh hiệu Hoa hậu Áo dài. Đạt danh hiệu hoa hậu ở Nga khi mới 20 tuổi nhưng Trương Hồ Phương Nga không vội vàng về nước tham gia showbiz mà tiếp tục đeo đuổi việc học. 2 năm sau, cô tốt nghiệp ngành Định giá và quản lý tài sản của trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Nga.

Về nước vào khoảng cuối năm 2009, gương mặt xinh đẹp, vóc dáng mảnh mai của cô khiến nhiều người liên tưởng đến hình ảnh Hoa đán Chương Tử Di. Điều này càng giúp Phương Nga thu hút sự chú ý của các nhiếp ảnh gia. Cô nhận được nhiều lời mời chụp ảnh cho tạp chí và nhãn hàng thời trang. Khi ba mẹ ly dị nhau, Nga đến TP HCM sinh sống trong một chung cư ở quận 2 cho đến ngày bị bắt.
 
Theo VnMedia

Tin tức mới nhất