Hoa khôi khuyết tật ăn cơm muối vừng cũng không bỏ học

Tự mình liên hệ nhờ sự trợ giúp của những tổ chức, sẵn sàng ăn cơm muối vừng một tháng liền để bố mẹ đồng ý cho đi học đại học là bản lĩnh đáng khâm phục của cô hoa khôi khuyết tật xinh đẹp Nguyễn Thị Ánh Ngọc.


Đón tuổi 20 trên xe lăn

Tôi tìm đến căn phòng trọ xinh xắn của Ngọc trong một con ngõ nhỏ thuộc phố Chính Kinh (Thanh Xuân, Hà Nội) vừa lúc cô được một người bạn cùng phòng đẩy về sau khi tan học. Ấn tượng đầu tiên về một hoa hậu ngoài đời là gương mặt trắng hồng, đôi mắt lấp lánh sau cặp kính cận cùng thái độ cởi mở thân thiện.

Tiếp chúng tôi tại chiếc bàn máy tính màu trắng giản dị, Ngọc chậm rãi kể về một tuổi thơ dữ dội khi cuộc đời đã đẩy mình gắn bó với chiếc xe lăn 8 năm nay. Khi sinh ra cô đã bị tật vẹo cột sống. Theo phỏng đoán của gia đình, thời điểm mang thai Ngọc, mẹ cô không hề biết nên vẫn sử dụng thuốc chữa đau dạ dày đều đặn nên ảnh hưởng nghiêm trọng đến thai nhi.

Năm Ngọc lên 4 tuổi, bố mẹ Ngọc dồn hết tiền bạc đưa con lên Hà Nội chữa bệnh. Kết quả là cô bé ra về với chiếc áo giáp có chức năng hỗ trợ nẹp cột sống. Ngọc nhớ lại: "Hồi đó còn nhỏ nên mình chưa ý thức được nhiều về hình thức khi mặc chiếc áo giáp xù xì thô kệch. Chỉ thấy nó khá nặng nề và vướng víu so với thân hình bé nhỏ của mình".
 
Nguyễn Thị Ánh Ngọc đêm đăng quang
 
Cho đến năm 2005, sau khi nhận được tiền bồi thường thu hồi ruộng đất của Nhà nước để làm dự án cùng tiền vay mượn thêm, cả gia đình cô quyết định mang toàn bộ số tiền 5000 USD để làm phẫu thuật nắn chỉnh cột sống với tỉ lệ thành công là 75%.

Nghiệt ngã thay, canh bạc cuộc đời mà cô đã đặt cược chính là tính mạng của mình trong đó đã thất bại. Mỗi lần có ai nhắc tới, cô thường hài hước gọi đó là ca phẫu thuật "chữa lợn què thêm què hơn" để giảm bớt sự nặng nề cho chính bản thân mình và người đối diện.

Ngọc rơm rớm nước mắt kể lại: "Khi nằm trên giường bệnh, sau khi thuốc gây tê của ca phẫu thuật đã hết, toàn thân mình đau ê ẩm. Đầu óc lộn xộn với hàng loạt những ý nghĩ mông lung về việc mình phải sắp xếp cuộc sống hoàn toàn khác với những gì trước đây.

Nhưng chứng kiến cha mẹ đau đớn vì ân hận tự trách mình đã ký giấy đồng ý phẫu thuật cho con, trong Ngọc chỉ tồn tại một suy nghĩ duy nhất là mình phải vững vàng để bố mẹ vơi bớt phần nào cảm giác tội lỗi. Nhưng kinh hoàng nhất đối với Ngọc là cảm giác khi lần đầu tiên được người cha với gương mặt hốc hác nhòe nhoẹt nước mắt bế đặt lên chiếc xe lăn lạnh ngắt”.

Cảm giác tuyệt vọng như rơi xuống vực sâu bởi rất nhiều kế hoạch, dự định ập về trong khi mình lực bất tòng tâm. Điều khiển bánh xe quay vào bức tường trắng lạnh lẽo của bệnh viện, nước mắt Ngọc tuôn rơi.

Cô bé tự nhủ: "Đây là giọt nước mắt cuối cùng cô dành cho định mệnh của cuộc đời mình. Mình phải mạnh mẽ để vực dậy tinh thần cho những người thân yêu trong gia đình". Cho đến bây giờ cô vẫn thường nói vui mình là người "vô cảm" bởi suốt 8 năm gắn liền với chiếc xe lăn hay đón tuổi 20 cũng trên chiếc xe lăn quen thuộc này nhưng trên gương mặt trắng hồng kia chưa một lần nhòe nước.
 
Ánh Ngọc khi tiếp phóng viên tại phòng trọ
 
"Đứng" bằng nghị lực

Đối với Ngọc, quãng thời gian căng thẳng nhất của cô là thời điểm một mình một chiến tuyến "đấu tranh" với gia đình để được theo đuổi giấc mơ ngồi trên giảng đường đại học. Ngọc cay đắng nhớ lại những thiệt thòi: "Khác với niềm vui sướng của các bạn cùng trang lứa cầm giấy báo trúng tuyển trong tay, thời điểm đó lại đánh dấu những tháng ngày giông bão tưởng như gục ngã của mình".

Thương cô con gái bé bỏng sớm thiệt thòi, gia đình cô bé muốn cô theo học một nghề nào đó gần nhà để tiện bề chăm sóc. Một ngày cô bé phải nghe không biết bao nhiêu người phân tích, động viên thậm chí có những thời điểm căng thẳng được đẩy lên cực điểm khi bố dọa sẽ không chu cấp viện trợ cho bất kỳ sinh hoạt nào của cô nếu "dám" trái lời.

Phép màu của việc sống là nghị lực của mình

Tất cả những việc Ngọc làm đều hướng tới một mơ ước cháy bỏng là được ngồi trên giảng đường đại học để mở ra những chân trời kiến thức mới. Tâm trạng hào hứng được theo đuổi ước mơ tương lai nhưng những lo lắng khi tất cả mọi việc mình sắp xếp đều không thể làm trực tiếp mà phải qua email và điện thoại khiến có thời điểm Ngọc cảm thấy vô cùng mệt mỏi. Tuy nhiên với Ánh Ngọc - cô hoa hậu khuyết tật đầy bản lĩnh đã tự đặt ra cho mình một phương châm sống: "Dành những cơ hội cho người khuyết tật chứ không dành cơ hội để trở thành người không khuyết tật" bởi hơn ai hết cô hiểu rằng phép màu của cuộc sống bắt nguồn từ chính nghị lực của mỗi con người.

Hay ông ngoại vừa khóc vừa bắt bố mẹ "xé giấy báo nhập học" để chặn mọi ngả đường thực hiện ước mơ của Ngọc. Với bản lĩnh ít ai sánh bằng, có những thời điểm Ngọc đã nghĩ đến trường hợp xấu nhất là chấp nhận bứt hoàn toàn ra khỏi vòng tay của bố mẹ.

Thậm chí cô còn dự định dốc hết số tiền tiết kiệm để trang trải trong những ngày tháng bỡ ngỡ đặt chân lên thủ đô rồi sẽ kiếm việc làm thêm để tự trang trải cuộc sống.

Tuy nhiên sau một đêm thức trắng vì suy nghĩ, cô bé đã chọn cách âm thầm hành động. Cô liên lạc với thầy Đinh Việt Hải - phó phòng đào tạo trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn để nhờ thầy giúp đỡ.

Được sự giới thiệu của thầy Hải, một nhóm các anh chị sinh viên khóa trên sẵn sàng tìm giúp cô nhà trọ và theo Ngọc về Hải Dương để thuyết phục bố mẹ. Từ việc sắp xếp ăn ở cho các anh chị đến việc hướng dẫn cách nói chuyện với bố mẹ mình sao cho phù hợp cũng đều được Ngọc một mình lo liệu.

Mặc dù được chuẩn bị khá chu đáo nhưng Ngọc không khỏi lo sợ khi nghĩ đến những khả năng xấu xảy ra ngoài tính toán của mình. Cô chủ động liên hệ với Trung tâm sống độc lập ở Hà Nội để nhờ sự trợ giúp. Tại địa chỉ này, Ngọc được trung tâm đồng ý cử một người hỗ trợ, giúp đỡ cô bé 9h/ngày trong những sinh hoạt hàng ngày.

"Mục tiêu của trung tâm là người giúp đỡ phải hoàn toàn xa lạ. Họ có nhiệm vụ làm theo yêu cầu của mình và sẽ...ngồi không nếu không nhận được sự "điều khiển". Đây là một phương pháp rèn luyện cho người khuyết tật tính chủ động sắp xếp công việc cho hợp lý".

Sau này do một số lý do về kinh phí cũng như nhu cầu cá nhân của Ngọc không phù hợp mà người bạn cùng phòng trở thành "bảo mẫu" cho cô - Ngọc kể về người bạn cùng phòng đã gắn bó với mình suốt ba năm nay với giọng tự hào xen lẫn biết ơn.

Thời gian đầu nhập học, mẹ Ngọc khăn gói theo con gái lên Hà Nội một tháng để ổn định cuộc sống cho cô. Chứng kiến cuộc sống sinh viên nay cúp điện, mai mất nước, thiếu thốn trăm bề cùng những lo lắng về những khó khăn không tên đang chờ phía trước khiến bà vô cùng ngao ngán.

Một lần nữa, Ngọc lại liên tục đứng trước sức ép từ mẹ từ bỏ giấc mơ giảng đường. "Thậm chí trong vòng một tháng liền ngày nào mẹ cũng cho ăn cơm với muối vừng để mình nhụt chí mà suy nghĩ lại" - Ngọc nháy mắt tinh nghịch kể lại.           
 
Theo Người Đưa Tin

người khuyết tật tật nguyền

Tin tức mới nhất