Hội chứng “thám tử lừng danh Facebook" hay sự độc ác vô cảm của đám đông?

Gần đây, cộng đồng mạng lại xôn xao bức ảnh chụp một cô gái “quan hệ tập thể” cùng nhiều đàn ông. Khi sự thực chưa được làm rõ, các “thám tử facebook” đã nhanh chóng cung cấp trang cá nhân của một số người có nét giống nhân vật trong ảnh.

Nếu đặt câu hỏi bộ truyện tranh nào có sức ảnh hưởng ghê gớm tới tuổi thơ của bạn, tôi tin rằng sẽ có rất nhiều đáp án lựa chọn “Conan - Thám tử lừng danh”. Hình ảnh cậu thám tử nhóc tì cùng lũ bạn học lít nhít, cô nàng Ran giỏi võ, ông thám tử râu kẽm Mori khù khờ…từng một thời làm mưa làm gió tuổi thơ của biết bao 8x, 9x. Để đến tận bây giờ ông tác giả vẫn chưa… chịu cho bộ truyện kết thúc, dù thế hệ độc giả thời đầu đã làm bố làm mẹ cả rồi. Như mọi fan cuồng của Conan khác, tôi luôn tin rằng sở dĩ sức sống của bộ truyện kéo dài như vậy, bởi nó khơi gợi nên ước mơ đi đến tận cùng sự thật, chân lý thiện thắng ác, các suy luận logic làm say mê người đọc…

Nhưng càng lớn, tôi càng e ngại có lẽ mình đã… nhầm. Thôi thúc con người tìm hiểu tận cùng sự thật, đôi lúc không xuất phát từ những ý nghĩ thiện tâm, mà đơn thuần chỉ vì sự hiếu kì. Chúng ta muốn đi đến tận cùng, chỉ đơn giản vì chúng ta muốn làm chủ thông tin. Sống trong một thời đại mà ai làm chủ thông tin nhiều hơn, người đó nắm lợi thế… quả là một cuộc chạy đua không có điểm dừng.

chuinhau-e21d5

Thật kì diệu vì công nghệ mang thế giới xích lại gần nhau hơn chỉ sau một cú click chuột. Đã có lúc tôi mơ hồ đến một thời điểm phát triển nào đó(mà có khi là ngay lúc này), mạng xã hội thay thế báo chí trong vai trò định hướng dư luận và xã hội. Một tài khoản ảo trên mạng đem lại cho người ta cảm giác giàu có hơn về bạn bè, nhưng cũng kéo theo không ít phiền toái.

Tên hung thủ trong vụ án giết người bị tìm thấy ngay tài khoản facebook, hứng chịu đủ thứ gạch đá cũng như võ đoán của người đời. Cha mẹ anh ta nhanh chóng bị định danh, bị cộng đồng kỳ thị tới mức người cha phải tự vẫn. Hoặc như vụ án kẻ giết người cướp tiệm vàng ở Bắc Giang trước kia, nhờ sự hỗ trợ đắc lực của dư luận và mạng xã hội, gia đình và em trai anh ta không có cơ hội làm lại. Dù chính xác, họ không có lỗi gì trong chuyện này.

1-bded3

Cách đây hai tháng, cộng đồng mạng rúng động vì cái chết của cô bạn ở tuổi 15. Bị bạn trai tung clip sex lên mạng, hình ảnh của cô, trang cá nhân…lập tức trở thành đề tài nóng trên mạng. Hàng nghìn ý kiến nhảy vào, mạt sát cô bé, chia sẻ hình ảnh của cô… đã dẫn cô bạn sinh năm 2000 cùng quẫn tới mức quyên sinh. Sự việc nhanh chóng bị chìm xuồng. Nhưng nhan đề một bài viết “Mạng xã hội đã góp phần đẩy nữ sinh 15 tuổi đến đường cùng bằng cách nào” vẫn khiến tôi đau nhói mỗi khi nghĩ về. Bởi giữa ranh giới mong manh giữa thiện và ác, giữa vô tình hay hữu ý, rất nhiều người trong chúng ta đã lựa chọn ngả về cái xấu.

Tôi không thích cách người ta nghĩ về cụm từ “cộng đồng mạng” với hàm ý những kẻ đông đảo, hung hãn, sẵn sàng bày tỏ quan điểm tiêu cực lệch lạc và tâm lý đám đông lộ rõ. Tôi vẫn nghĩ đó là một hình thức của dư luận, của số đông, của những người sẽ công tâm và tạo nên hiệu ứng chỉ để nhân thêm những điều tốt đẹp cho xã hội. Hãy nhìn vào khía cạnh tích cực của những câu chuyện chú chó bị dán băng keo ở miệng đã được cứu sống, một bà cụ bán nước nghèo khổ bán được nhiều hàng hơn, hay chú bé bị bạo hành được luật pháp bảo vệ… đều được lan truyền bởi “cư dân mạng”. Hóa ra trong môi trường ấy, cả việc tốt lẫn việc xấu…đều có thể dễ dàng lan tỏa, đặc biệt nếu chúng ta không có một bộ lọc thật vững vàng.

cho3-eb0d0-b5effChú chó bị bịt băng keo đến hoại tử cả phần mõm cả dược cư dân mạng khẩn thiết kêu gọi giúp đỡ và cứu sống (Ảnh: Điền Nguyễn).

Gần đây, cộng đồng mạng lại xôn xao vì bức ảnh chụp một cô gái đang “quan hệ tập thể” cùng nhiều người đàn ông khác. Trong lúc sự thực chưa được làm rõ, các “thám tử facebook” đã nhanh chóng cung cấp hình ảnh, trang cá nhân của một số người “có nét giống” những nhân vật trong các bức ảnh. Tốc độ chia sẻ nhanh chóng mặt kèm theo những caption kiểu “Đẹp mặt chưa?”, “Chị nào có chồng thế này thì tan cửa nát nhà…” Những nhân vật bị tố cáo tỏ ra hoảng loạn, hứng chịu đủ gạch đá từ mạng xã hội… Cô gái thề thốt đủ điều cũng không ăn thua trước làn sóng công kích của dư luận. Đằng sau những nụ cười hả hê, những lượt share và tick like vô cảm, tôi mơ hồ nhận ra sẽ có thêm vài gia đình gặp sóng gió, những con người không chứng minh được sự ngay thẳng của mình, và ai đảm bảo trong số họ lại không có thêm những người nghĩ quẩn?

a1-f43b3-f3ecf

Các nhà khoa học, tâm lý học giải thích hiện tượng trên bằng sự biện dẫn về “tâm lý đám đông”. Riêng tôi, tôi chỉ cho rằng đó là biểu hiện của những người yếm thế. Những người quá nhàn rỗi, những người quá hiếu kì, những người yếu ớt…trong xã hội. Những cú click chuột, share ảnh tạo cho họ ảo tưởng về sức mạnh của mình, sức mạnh của những người được phán xét. Mà quên đi mất thậm chí họ không có quyền đó. Phán xét vốn là một chức năng của quan tòa.

a2-f43b3-8e2d3

Một điều tôi rất thích ở Conan, đó là cậu nhóc thám tử không bao giờ chấp nhận những sự thật nửa vời. Cậu chỉ phá án khi đã có đầy đủ vật chứng, nắm rõ logic câu chuyện, không để sơ hở nào trong suy luận của mình…Bởi một nửa sự thật không phải là sự thật. Cũng như cách chúng ta tiếp cận sự thật một cách mơ hồ, đó cũng có thể là một “tội ác”.

Tôi vẫn giữ cái cảm giác rùng mình khi năm 2014, được xem một bộ phim mang tên Nightcrawler do Jake Gyllenhaal thủ vai chính. Câu chuyện kể về một gã săn tin bệnh hoạn ở L.A. Để cạnh tranh bán tin giật gân cho các hãng truyền hình, gã bất chấp mọi thủ đoạn, thậm chí dàn dựng cả hiện trường tội ác. Trong một thế giới mà thông tin vô tình trở thành con dao hai lưỡi nếu ta không tiếp nhận đúng cách, đám đông vô cảm nhiều khi còn đáng sợ hơn những gã sát thủ bệnh hoạn. Chỉ nghĩ đến điều ấy thôi, tôi lại nổi da gà.

Theo Trí thức trẻ


Tin tức mới nhất