Họp báo sán lợn ở Bắc Ninh: 'Không có chuyện lãnh đạo can thiệp nhập thực phẩm'

Phó chủ tịch UBND huyện Thuận Thành cho biết, việc quyết định nhập thực phẩm của đơn vị nào do hiệu trưởng các trường tự quyết.

Chiều nay, Cục trưởng ATTP Nguyễn Thanh Phong đã trực tiếp về Bắc Ninh chủ trì họp báo vụ hàng nghìn trẻ tại huyện Thuận Thành đi xét nghiệm sán lợn, trong đó phát hiện hơn 200 mẫu dương tính. Cùng họp Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh và lãnh đạo các Sở Y tế, GD-ĐT, lãnh đạo UBND huyện Thuận Thành.

Đây là cuộc họp báo đầu tiên để giải đáp các thắc mắc của dư luận sau khi nhiều ngày nay người dân ở Bắc Ninh đổ xô về Hà Nội xét nghiệm.

Sau khi nghe báo cáo của Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh, ông Nguyễn Thanh Phong nhận định, việc người dân ở Thuận Thành hoang mang, mang con đi xét nghiệm thời gian vừa qua là lo lắng hết sức chính đáng.

"Nếu là con tôi nhưng tôi không có chuyên môn, ở điều kiện như vậy tôi cũng rất lo. Nhưng rất tiếc khi thông tin xảy ra, chúng ta chưa kịp thời cung cấp”, ông Phong nói.

Họp báo sán lợn ở Bắc Ninh: Không có chuyện lãnh đạo can thiệp nhập thực phẩm-1

Cục trưởng ATTP cho rằng, những ngày qua có nhiều nguồn cung cấp thông tin không chính thống, trong khi đáng ra phải cung cấp nhất quán, khách quan và khoa học để giải thích đầy đủ cho người dân hiểu.

Không lãnh đạo nào can thiệp 19 trường nhập thực phẩm

PV đặt câu hỏi với lãnh đạo UBND huyện Thuận Thành và Trưởng phòng GD-ĐT huyện, về việc tại sao cả 19 trường cùng nhập thực phẩm của công ty Hương Thành, liệu có sức ép nào từ bên trên? Và có quy định 1 đơn vị được cung cấp cho nhiều trường?

Trả lời, Phó chủ tịch UBND huyện Thuận Thành cho biết, việc quyết định nhập thực phẩm của đơn vị nào do hiệu trưởng các trường tự quyết.

“Không có chuyện lãnh đạo huyện hoặc phòng giáo dục can thiệp vào”, vị này khẳng định.

Về thông tin 1 đơn vị được cung cấp thực phẩm cho nhiều cơ sở, Cục trưởng ATTP cho biết, nếu công ty đảm bảo an toàn thực phẩm thì cung cấp cho 100 trường là chuyện bình thường, còn không đảm bảo thì 1 trường cũng không được.

Trước truy vấn của báo chí về quá trình điều tra công ty Hương Thành, hiện công ty này đã bắt đầu tháo dỡ biển thì có xử lý được không? Ông Phong nói rõ: “Đừng đánh đồng vi phạm an toàn thực phẩm với việc người dân hoang mang. Việc vi phạm an toàn thực phẩm phải xử lý nghiêm nên dù có thay tên đổi họ như nào đi nữa cũng phải xử lý đến nơi đến chốn”.

Nói rõ thêm về việc khó quy kết công ty cung cấp thực phẩm là nguồn lây sán lợn, ông Phong cho biết, trường mầm non Thanh Khương không thực hiện lưu mẫu, vi phạm quy định nên rất khó xử lý.

Nhưng ngay cả trường hợp lưu mẫu thịt nấu chín, khi các vụ việc liên quan thực phẩm xảy ra, cơ quan chức năng chỉ xét nghiệm độc tố kim loại nặng, tồn dư hoá chất do không bị nhiệt phân huỷ hoặc các yếu tố vi sinh còn về ấu trùng, kí sinh trùng không ai xét nghiệm cả, do đều bị phân huỷ ở nhiệt độ cao.

Ngoài ra, sán không chỉ nhiễm từ thực phẩm, thịt cá, rau sống mà còn nhiễm từ môi trường nước không đảm bảo vệ sinh, đi vệ sinh xong không rửa tay rồi ăn uống cũng nhiễm. Thực phẩm ở trường học cũng chỉ là một trong những nguồn nhiễm sán, còn rất nhiều nguồn khác nếu ăn uống không đảm bảo vệ sinh.

Kể cả thịt có sán, nấu chín không bị sao

Trả lời băn khoăn của người dân và báo chí về việc vi phạm an toàn thực phẩm tại trường mầm non Thanh Khương có liên quan gì đến việc nhiều cháu bị dương tính với sán, ông Phong khẳng định, hiện chưa có cơ sở để khẳng định việc này.

Ông Phong cho biết, các mẫu của trường không được lưu, nhưng ngay trường hợp có lưu mẫu và phát hiện thịt có sãn đi nữa thì khi thực hiện ăn chín uống sôi, nguy cơ mắc sán không còn. Sán bất hoạt ở nhiệt độ 75-80 độ, do đó kể cả có cũng không lây bệnh được.

“Tôi cũng khẳng định không chỉ có trẻ nhỏ nhiễm sán, kể cả người lớn cũng bị và không chỉ riêng Bắc Ninh và rất nhiều tỉnh cũng ghi nhận bệnh giun sán, kí sinh trùng đường ruột. Và cũng không chỉ riêng Việt Nam, rất nhiều nước như Thái Lan, Indonesia... cũng mắc”, ông Phong nhấn mạnh.

Xét nghiệm sán dương tính chưa phải điều trị

Liên quan đến việc hàng nghìn người dân lo lắng cho con đi xét nghiệm những ngày qua, ông Phong cho biết, hiện tất cả tài liệu của WHO cũng như 2 chuyên gia đầu ngành của Việt Nam đều khẳng định, các trường hợp dương tính trong huyết thanh, trong máu vẫn chưa thể khẳng định đang mắc sán. Xét nghiệm máu chỉ là 1 trong những phương pháp góp phần chẩn đoán sán.

Họp báo sán lợn ở Bắc Ninh: Không có chuyện lãnh đạo can thiệp nhập thực phẩm-2
Bộ Y tế khẳng định việc người dân ồ ạt đi xét nghiệm là không cần thiết

“Theo phác đồ của Bộ Y tế năm 2004, các trường hợp mới xét nghiệm máu phát hiện dương tính sán như vậy chưa phải điều trị. Chỉ định điều trị chỉ áp dụng khi xác định nhiễm sán trưởng thành với biểu hiện đi ngoài, có đốt sán trong phân hay các trường hợp nhiễm ấu trùng sán có biểu hiện nổi mụn hạch và các biểu hiện khác”, ông Phong nói rõ.

Hiện điều trị sán dễ dàng, thuốc không đắt. Với sán trưởng thành chỉ cần 1 liều, với người nhiễm ấu trùng sán, phác đồ kéo dài hơn nhưng đều có thuốc.

Với các trường hợp đã được BV Bệnh Nhiệt đới và Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng TƯ trả kết quả dương tính, ông Phong cho biết trong 1-2 tuần chờ tái khám sẽ đề nghị 2 cơ sở này cử cán bộ trực tiếp xuống các trường, địa phương để kiểm tra, theo dõi.

“Kết quả dương tính chưa phải là kết quả khẳng định chắc chắn và kết quả dương tính cũng chưa phải điều trị. Không cẩn thận xét nghiệm tôi cũng có khi dương tính. Chúng ta phải rất công khai minh mạch thông tin như thế”, ông Phong nhấn mạnh lại.

Với các cháu chưa có kết quả, chưa xét nghiệm, ông Phong đề nghị các giáo viên, cán bộ giáo dục của nhà trường không chỉ theo dõi ấu trùng, ký sinh trùng mà phải theo dõi sức khoẻ các cháu thường xuyên, có bất kỳ biểu hiện nào thì phải điều trị kịp thời.

Để phòng tránh giun sán, ông Phong khuyến cáo không chỉ thực hiện trong trường học mà cả ở cộng đồng. Trong đó nghiêm túc thực hiện vệ sinh rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, thực hiện ăn chín uống chín, là những biện pháp dễ làm để phòng các bệnh kí sinh trùng đường ruột trong đó có giun sán.

Cầm trên tay báo cáo của Công an huyện Thuận Thành về một trường hợp chủ tài khoản Facebook “Công nông đầu dọc” tự ý phát tán thông tin về bệnh sán, đưa thông tin lên mạng xã hội rằng địa phương này, địa phương khác có bệnh sán, ông Phong cho biết sẽ kiến nghị Bộ TT&TT, Ban Tuyên giáo xử lý, vì đây là thông tin gây hoang mang cộng đồng.

“Chúng ta phải thông cảm, chia sẻ với người dân, đây là lo lắng chính đáng. Nhưng về phía chúng ta phải minh bạch, phát ngôn phải có cơ sở, nhất quán, khoa học. Nếu không có thống nhất, người dân hoang mang thì hoàn toàn chính đáng”, ông Phong nói.

Lãnh đạo Cục ATTP nói thêm, hiện tỉ lệ nhiễm sán ở Thuận Thành đang ở mức 11,9% là một trong những địa phương có tỉ lệ cao chứ không phải bất thường.

Qua điều tra dịch tễ, cách đây vài năm Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng TƯ từng phát hiện tại 1 huyện có tỉ lệ nhiễm sán lá gan nhỏ lên tới 26% do hay ăn gỏi cá. Khi đó xét nghiệm 1g phân phát hiện 10.000 trứng sán, thậm chí có trường hợp 30.000 trứng.

Theo Vietnamnet


bệnh sán lợn thực phẩm bẩn

Tin tức mới nhất