Sau khi tốt nghiệp trường đại học Công nghệ TPHCM (HUTECH) chuyên ngành cơ khí, Lê Duy Cường, 28 tuổi, trúng tuyển vào một công ty chuyên sản xuất ô tô ở Nhật Bản, sang làm việc theo diện kỹ sư.
Đến nay, chàng trai người Bồng Sơn, Bình Định, đã có 4 năm kinh nghiệm ở "xứ sở hoa anh đào".
Cường từng mời mẹ sang Nhật Bản du lịch (Ảnh: NVCC).
Lúc mới sang, anh khởi đầu tại công xưởng cơ khí. Khi đó, công việc chủ yếu là làm việc chân tay khá vất vả, nhưng Cường vẫn biết ơn quãng thời gian đó để bản thân có thời gian thích nghi với cuộc sống mới và cải thiện trình độ ngoại ngữ.
Hơn một năm trở lại đây, anh chuyển sang làm việc trên phần mềm thiết kế cơ khí và bản vẽ, chỉnh sửa thiết bị theo yêu cầu của khách hàng.
"Đây là công việc mình mơ ước ngay khi còn ngồi trên giảng đường đại học. Khi sang đây, mình được học hỏi thêm nhiều về tác phong và tinh thần làm việc của người Nhật. Có lần, mình xử lý sai công việc và được đồng nghiệp góp ý luôn để tìm ra biện pháp tránh tái phạm lần sau.
Công việc ở đâu cũng vất vả, nhưng ở môi trường mới nhận mức lương tốt hơn, bạn sẽ cảm thấy công sức bỏ ra xứng đáng", Cường tâm sự.
Cũng như nhiều lao động Việt xa xứ, ngoài mức lương cơ bản, Cường rất mong công ty cho làm tăng ca để thêm nguồn thu nhập.
"Tùy thuộc vào tình hình kinh doanh của công ty. Nếu thời điểm đơn hàng ít, nhân viên đúng 5 giờ sẽ rời công sở. Còn nếu kinh doanh thuận lợi được tăng ca, với mình đó là điều may mắn", anh nói.
So với thời điểm vừa "chân ướt chân ráo" sang xứ người, chàng trai Bình Định tiết lộ thu nhập có tăng lên đáng kể. 4 năm trước, mức lương cơ bản của anh là 18 man (tính theo tỷ giá đồng yên và tiền Việt thời điểm đó tương đương với 36 triệu đồng).
Còn ở thời điểm hiện tại, anh nhận lương cơ bản 24,5 man (tỷ giá hiện tại khoảng 42 triệu đồng). Mỗi tháng, trung bình anh tăng ca 30 tiếng (tăng ca ngày thường và tăng ca ngày nghỉ có hệ số khác nhau). Với tổng thu nhập một tháng khoảng 33,5 man, sau khi trừ hết chi phí, Cường tiết kiệm được 35 triệu đồng/tháng.
Trước thông tin "kỹ sư sang Nhật làm việc mỗi tháng để dư được 100 triệu đồng", Cường cho biết, với kỹ sư như mình, điều đó "rất khó thực hiện".
"Mức lương trung bình của các kỹ sư mới sang thường từ 18 đến 22 man tương đương 30-37 triệu đồng. Còn mức lương 100 triệu đồng ngay cả đồng nghiệp Nhật cũng khó đạt được, trừ khi họ đảm nhận vị trí quan trọng trong công ty hoặc sếp của các phòng ban.
Còn thu nhập của kỹ sư ngành IT mình thấy cao hơn. Bạn nào có kinh nghiệm và ngoại ngữ tốt, có thể nhận được từ 35 man - khoảng 65 triệu đồng/tháng trở lên", Cường phân tích.
Theo chàng kỹ sư Việt, riêng thuế thuê nhà chiếm khoảng 20% thu nhập của anh. Sử dụng xe máy đi lại hàng ngày cũng cần mua phí bảo hiểm tự nguyện khoảng 6-7 triệu đồng/năm.
"Mặc dù vậy, sau khi trừ hết tiền thuế, chi phí sinh hoạt, mỗi tháng mình tiết kiệm được khoảng 35 triệu đồng. Với mình, con số này khá ổn, đôi khi bằng cả năm mình để dành khi ở Việt Nam", anh nói
Với câu hỏi liệu có nên sang Nhật lao động thời điểm này khi đồng yên đang có xu hướng giảm mạnh gây ảnh hưởng tới thu nhập, Cường cho rằng điều này tùy theo trường hợp của mỗi người.
Cường vẫn muốn tiếp tục ở Nhật trong thời gian tới để tích lũy kinh nghiệm, trước khi trở về Việt Nam (Ảnh: NVCC).
"Những người đi theo diện được làm việc lâu dài, thì thời điểm nào sang Nhật cũng hợp lý. Mức lương còn phụ thuộc vào năng lực làm việc và trình độ ngoại ngữ. Ngoài ra, được làm việc và học hỏi kinh nghiệm tại một quốc gia phát triển sẽ là hành trang tốt để sau này trở về Việt Nam lập nghiệp".
"Còn với người đi theo diện thực tập sinh, thời điểm này thực sự khó khăn vì mức lương sẽ tính theo lương vùng với hệ số nông thôn, thành thị khác nhau. Bởi vậy, các lao động trẻ nên cân nhắc", Cường đưa ra quan điểm.
Về phần mình, chàng trai Bình Định dự định vẫn ở Nhật thêm một thời gian nữa để tích lũy thêm kinh nghiệm, tài chính, hoàn thiện năng lực bản thân, rồi sẽ về Việt Nam cống hiến trong tương lai.
Ngoài công việc kỹ sư, hiện Cường còn theo đuổi công việc sáng tạo nội dung. Qua đó, anh muốn chia sẻ thêm nhiều thông tin hữu ích về cuộc sống ở Nhật Bản tới cộng đồng.
Theo Dân Trí