HKChanel đưa tin sau thời điểm giá trị cổ phiếu đạt đỉnh năm 2017, việc kinh doanh những năm gần đây của TVB đã lao dốc không phanh. Sau bốn năm, giá trị cổ phiếu của nhà đài đã giảm 70%, việc kinh doanh thua lỗ ba năm liên tiếp. Thống kê tài chính cho thấy TVB đã mất thêm 280 triệu NDT trong năm 2020.

Cổ đông lớn kiêm Phó chủ tịch Hội đồng quản trị TVB, ông Lê Thụy Cương, đã chỉ trích gay gắt lãnh đạo đài vì đường lối kinh doanh thiếu hiệu quả suốt 10 năm qua. Ông cho rằng đây là "giai đoạn chạm đáy của TVB".

Ông trùm truyền thông, từng được ví von như Rupert Murdoch của Trung Quốc, nhận công tác tại TVB từ năm 2015.

Lãnh đạo TVB: Đài đã chạm đáy-1

Ông Lê Thụy Cương không giấu được thất vọng với tình hình hoạt động của TVB. Ảnh: The Standard.

Ông Lê Thụy Cương tiếp tục chỉ ra toàn bộ TVB, từ nội dung các chương trình truyền hình tới đội ngũ quản lý, hình ảnh doanh nghiệp và các hoạt động quảng bá đều đang lỗi thời. Môi trường làm việc độc hại, với nạn chia bè kéo cánh và thiên vị đã cản trở công ty đổi mới, cũng như bóp nghẹt các tài năng mới.

Vị cổ đông chỉ ra TVB đã chạm đáy và cần cải tổ ngay lập tức. Ông tin rằng nếu TVB không nỗ lực thay đổi mình, doanh nghiệp sẽ sớm giải thể.

Một phần của kế hoạch thay đổi được nhà đài triển khai trong năm 2021 là bổ nhiệm Tăng Chí Vỹ và Vương Tổ Lam vào các chức danh quản lý. Hai gương mặt mới được kỳ vọng giúp TVB cải thiện chất lượng các chương trình truyền hình cũng như mở rộng tầm ảnh hưởng tại thị trường Đại lục.

Theo SCMP, việc TVB gặp bế tắc trong quan hệ hợp tác với bốn công ty âm nhạc lớn, cấm cửa nhiều nghệ sĩ trên các chương trình mình sản xuất trong khi o bế gà nhà bị ông Lê Thụy Cương chỉ trích nặng nề.

Nền tảng thương mại trực tuyến Big Big Shop do TVB sáng lập cũng bị lên án là phi vụ đầu tư thiếu hiệu quả. Nhà đầu tư khẳng định quan điểm việc kinh doanh sàn thương mại điện tử nên được vận hành bởi đơn vị có chuyên môn thay vì một đài truyền hình tay ngang.

Theo Zing