Là tâm điểm chính thu hút sự quan tâm của phim, Lee Min Ho cũng trở thành đề tài bàn luận sau khi phim chiếu. Trên diễn đàn phim Douban của Trung Quốc, số đông fan chấm năm sao cho vẻ điển trai của mỹ nam xứ Hàn. Nhiều người thích thú thấy anh hóa thân thành hoàng đế của vương quốc hư cấu có tên Đại Hàn đế quốc.
Tuy nhiên, không ít người chê Lee Min Ho dáng mập, mặt tròn hơn so với trước khi nhập ngũ ba năm trước. Trên blog Sina, cây bút Mã Khánh Vân lo ngại về chế độ dinh dưỡng không hợp lý và ý thức bảo vệ sắc vóc chưa tốt của tài tử. Người này còn đánh giá, bước qua tuổi 30, Lee Min Ho chưa trưởng thành về nghề, vẫn mang phong cách diễn viên thần tượng của lúc trước. Nhiều tài khoản trên Douban và diễn đàn phim châu Á Asian Wiki cũng nhận xét Lee Min Ho diễn xuất một màu, không tiến bộ.
Lee Min Ho trong vai nhà vua.
So với Lee Min Ho, nữ chính Kim Go Eun nhận nhiều phản hồi tích cực hơn về phần trình diễn trên màn ảnh. Tuy nhiên, hai diễn viên được cho là thiếu "phản ứng hóa học", không tạo được cảm giác cặp đôi.
Lee Min Ho và Kim Go Eun thiếu cảm giác cặp đôi.
Về kịch bản, The King: Quân chủ vĩnh hằng bị chê rối, nhạt và khó hiểu. Phim kể về sự tồn tại song song của Đại Hàn đế quốc - đất nước Hàn Quốc duy trì chế độ quân chủ lập hiến và Đại Hàn dân quốc - đất nước Hàn Quốc của hiện thực. Mỗi con người đều có hai phiên bản giống y hệt ngoại hình, có người thân giống hệt nhau ở hai thế giới. Hoàng đế Lee Gon (Lee Min Ho đóng) của Đại Hàn đế quốc vô tình bước qua cột mốc giữa hai thế giới và gặp được Tae Eul (Kim Go Eun đóng), nữ cảnh sát anh tìm kiếm 25 năm. Bác ruột của Lee Gon, kẻ giết chết phụ vương của anh, cũng lẩn trốn ở thế giới song song.
Dân mạng Trung Quốc đánh giá, ý tưởng phim về xuyên không giữa thế giới song song đã quá quen thuộc. Chi tiết sự tồn tại của các cặp "song trùng" thì giống như vay mượn từ phim kinh dị US của Hollywood.
Dù được dàn dựng hoành tráng về bối cảnh, series phim của Hàn Quốc không mang đến sự mới mẻ về nội dung. Ở hai tập đầu, yếu tố thế giới song song chưa được khai thác nhiều, chủ yếu làm nền cho chuyện ngôn tình. Chưa kể, nhiều chi tiết gây khó hiểu.
Những tình huống Lee Gon gặp phải khi lưu lạc ở thế giới song song cố được làm cho hài hước nhưng không hiệu quả. Phim có đông nhân vật, trong đó một số tuyến vai phụ đột nhiên xuất hiện và đột nhiên biến mất không rõ ràng. Quan hệ giữa nam nữ chính được xây dựng theo motif lối mòn. Lee Gon bám riết Tae Eul, phong cô làm hoàng hậu, còn Tae Eul thì nghĩ anh tâm thần và phiền phức. Những khoảnh khắc "thân mật" giữa hai hoàng đế Lee Gon và cận vệ Jo Young (Woo Do Hwan đóng) cũng bị cho là lỗi thời.
Tình bạn nam - nam bị đánh giá lỗi thời.
Lên sóng cùng giờ với Thế giới hôn nhân, The King: Quân chủ vĩnh hằng được trang K Drama Pal nhận xét không có sức hút bằng series 19+, lượng người xem theo từng tập cũng thấp hơn. Blogger Jazmine Media chỉ ra mạch phim của The King quá chậm, tập trung khắc họa thân phận quyền quý của nam chính Lee Gon. Mỗi lần xuất hiện, Lee Min Ho đều được tả kỹ lưỡng với nhiều góc máy cận từ chính diện tới góc nghiêng. Phim cũng lạm dụng kỹ thuật làm chậm hình (slow-motion) gây cảm giác sốt ruột. Ngay từ tập phim, phim đã xuất hiện lỗi sai về mặt logic.
Hai tập đầu tiên của The King: Quân chủ vĩnh hằng đạt rating khả quan trên 9%. Lời chê dành cho phim nhiều, song vì mới chỉ có hai tập, phim vẫn được nhiều khán giả Hàn Quốc, Trung Quốc chờ đợi và mong muốn theo dõi tiếp. Phim lên sóng SBS và chiếu trên nền tảng phim trực tuyến Netflix vào tối thứ sáu và thứ bảy hàng tuần.
Theo Ngoisao.net